Hồn treo cột buồm

(VNBĐ – Truyện ngắn).

1.

Sau một đêm mưa như trút nước, dù cơn bão hình thành ngoài biển Đông đã tan thành một vùng áp thấp, hoàn lưu của nó vẫn gây mưa trên diện rộng khiến cả làng chài bị mất điện, hầu hết các nhà phải dùng ắc quy để sinh hoạt. Dân miền biển quen ăn sóng nói gió, đêm nằm nghe tiếng thủy triều vỗ bờ còn mơ thấy tìm được luồng cá ngoài khơi xa, bởi vậy dù mưa to hay gió bão mọi người đều thích nghi như lẽ tự nhiên. Khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, dù tang tảng sáng nhưng mây đen vần vũ như báo hiệu còn thêm nhiều đợt mưa rải rác nữa, ngoài bãi biển có một thiếu phụ ngồi lặng lẽ trên mỏm đá, đôi mắt cô hướng về phía chân trời xa xăm như chờ đợi điều gì. Lúc mặt trời bắt đầu ló dạng, đoàn tàu đánh cá của làng chài quay về bến không thiếu chiếc nào, một ngày mới bắt đầu trong vòng quay cuộc sống. Thấy tàu về, những người phụ nữ ra đón chồng con mình, xen giữa đoàn người có vài chú chó, khi nhận ra chủ từ xa chúng quẫy đuôi rối rít rồi ngửa cổ sủa ầm ĩ. Trái ngược với sự náo nhiệt đó, người thiếu phụ vẫn ngồi im như pho tượng, không khí huyên náo chẳng làm cô bận tâm. Đối với những gia đình ngư dân, sự có mặt của cô suốt mấy năm qua như hình ảnh quen thuộc. Thậm chí có ngư dân còn nói đùa, đi từ ngoài khơi xa thấy người thiếu phụ ngồi trên mỏm đá, họ cảm thấy nhẹ lòng như tìm thấy được ngọn hải đăng giữa đại dương bao la. Tiếng chuông nhà thờ bắt đầu ngân vang như lời hiệu triệu, một chú bé tầm mười tuổi chạy đến trước mặt người thiếu phụ, cu cậu hét to át cả tiếng sóng biển:

– Bác Kiếm còn sống, mẹ cháu nói bác về ngay.

Người thiếu phụ sửng sốt buông rơi chuỗi tràng hạt, cô không biết là tỉnh hay đang mơ, bởi chồng cô đã cùng con tàu đánh cá chìm dưới biển sâu từ bảy năm về trước. Ở làng chài này hay bất kể làng chài nào suốt chiều dài bãi biển của đất nước, người phụ nữ lấy chồng đi biển được ví như “hồn treo cột buồm” khi những con tàu đánh cá ra khơi, họ hồi hộp dõi theo với nhiều vấn vương, lúc gặp cơn sóng dập bão vùi khiến chồng con không quay về được nữa, họ cảm thấy chết theo từng cơn sóng vỗ. Người thiếu phụ nửa tin nửa ngờ quay về làng chài, mấy ai chết đi sống lại như vậy. Bước chân cô muốn chạy nhanh hơn nhưng sức chỉ có bấy nhiêu, khi về đến gần nhà, ngay từ xa có tiếng cười nói oang oang ở trước hiên, nhiều người nhắc to:

– Không biết giờ này có ai ra biển gọi Thụy Miên chưa nhỉ.

Kể từ lâu lắm rồi, cái tên Thụy Miên không mấy ai gọi tới. Họ quen với hình ảnh một góa phụ của biển là cô. Gạt đám người đứng bu quanh trước cửa, Thụy Miên ríu chân như muốn ngã quỵ khi nhìn thấy người đàn ông cởi trần râu quai nón bằng xương bằng thịt. Đúng là Kiếm chồng cô sống sót trở về! Gần chục năm gặp lại vợ nhưng Kiếm không tỏ ra xúc động. Chỉ tay vào bếp, anh ta nói như ra lệnh:

– Mau vô bếp làm mấy món nhậu để tụi này lai rai, nhớ nấu thêm bát cháo cho đứa nhỏ nghe chưa.

Thụy Miên tai bỗng như ù đi, đứa nhỏ nào ở đây, tại sao lại có đứa nhỏ, những câu hỏi chưa lời giải đáp, bỗng có thằng bé chừng 5 tuổi níu tay chồng cô mè nheo:

– Chút ba nhớ cho mua cà rem cho con đó nha, hứa hổng làm là nghỉ chơi.

Ngồi dưới gốc phi lao, Thụy Miên vẫn nghe rõ tiếng của chồng cô từ trong nhà vọng ra. Chưa đến chục năm, giọng của chồng cô bắt đầu pha lẫn tiếng của miền Nam, lâu lâu lại văng đù mạ kiểu anh hai Nam bộ khiến cô không hiểu chồng mình là người hay ma hiện về. Gần trưa có một người phụ nữ phốp pháp trắng trẻo ra ngồi cạnh, nhìn hai cánh tay của cô ta đeo đầy vòng vàng, Thụy Miên cay đắng hiểu rõ, chồng mình có một gia đình êm ấm ở tận nơi nào đó tại miền Nam xa xôi. Không chút e ngại hay ngượng ngập, người phụ nữ nói ngay:

– Em và anh Kiếm nên duyên vợ chồng gần chục năm. Do lu bu công chuyện nên giờ mới ghé về thăm quê chồng được. Chị đến trước là vợ lớn, em tới sau là vợ nhỏ, không ai tranh làm gì cho nhọc. Ở Kiên Giang tụi em nhà cửa đuề huề rồi, chị khỏi lo việc tranh chấp sau này, quyết định vậy nghen.

Sau trận nhậu tưng bừng, Kiếm đứng giữa nhà gọi người vợ bao năm mòn mỏi đợi chờ vào để răn dạy, gã thẳng tay tát mạnh đến mức máu mũi máu mồm của Thụy Miên ộc ra, đây là lần thứ hai cô bị ăn cái tát trời giáng như vậy. Kiếm hằn học nói:

– Loại đàn bà không con như mày sống ở đây chỉ thêm ngứa mắt… biến.

Hết mưa trời lại nắng, Thụy Miên không ngồi vò võ một mình trên bãi biển như bấy lâu, người cô mong đã bất ngờ trở, quà tặng cho bao năm xa cách là cái tát khiến cô đau đớn thấu tâm can. Cổng nhà thờ luôn rộng mở đón các con chiên của Chúa, nhưng Thụy Miên không bước vào trong thánh đường, cô tìm một chỗ râm mát để ngồi tránh nắng với cõi lòng tan nát. Cây thánh giá từ trên đỉnh nhà thờ đổ bóng hình chữ thập xuống khoảng sân trước mặt, cô ngồi vào đó như tìm sự che chở và an ủi của Đức Chúa Trời. Thụy Miên tự hỏi mình đã làm gì nên tội, tại sao cô phải chịu nỗi khổ đau cả phần xác lẫn phần hồn. Tiếng chuông nhà thờ bắt đầu vang lên giữa trưa, nó nhắc nhở con chiên hãy ký thác đường đời cho Chúa. Chỉnh lại trang phục,Thụy Miên lặng lẽ rời đi, cô muốn tìm lại bảy năm tuổi trẻ đã mất không bao giờ lấy lại được.

2.
Trời tang tảng sáng, nhiều con tàu cập bờ khiến khu chợ cá tự phát sôi động hẳn lên, ở đây người mua kẻ bán đều quen biết nhau nên việc mua bán diễn ra nhanh chóng. Một bà chủ béo tốt ngồi trên chiếc ghế cao. Bà chỉ tay vào từng thúng hải sản với đôi mắt tinh tường. Nếu nhận được cái gật của bà ta, ngay lập tức chỗ cá tôm được bê lên bàn cân rồi đưa ra xe ô tô đậu gần đó, cá ngừ luôn được cân trước tiên để kịp vận chuyển đi bỏ mối. Chỗ cá tôm bé và có chất lượng kém hơn sẽ được bán cho đám phụ nữ ngồi gần đó. Họ mua xong liền tất tả chở lên thị xã bán khi cá còn tươi, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào sự bán buôn tảo tần này. Khi mặt trời ló dạng phía chân trời, những ngư dân trúng lớn bắt đầu ngồi nhậu trên tàu hoặc tản mát về nhà.

Tiếng chuông nhà thờ vang lên như nhắc nhở con chiên nhớ tới bổn phận của mình. Các cụ già dắt theo đám trẻ nhỏ chậm rãi vào giáo đường dự lễ. Nhiều ngư dân khoác vội lên người bộ quần áo tươm tất, họ hòa cùng dòng người đang từ các con ngõ nhỏ đổ về nhà thờ. Sự phong trần bụi bặm xen lẫn ngổ ngáo vụt tan biến, khuôn mặt họ thành kính hướng lên phía bàn thờ Chúa, nơi có vị chăn chiên bắt đầu giảng đạo. Dân làng chài khoanh tay trước ngực khi tiếng đàn vang lên, theo sau đó là những tiếng nguyện cầu như đức tin, nó giống như những buổi đầu sơ khai đón nhận các vị từ phương xa đến truyền giáo. Buổi lễ vừa tan, Thụy Miên lặng lẽ trở về căn nhà ở cuối làng, cô cởi chiếc áo dài treo lên mắc rồi lững thững đi dọc hàng phi lao chắn sóng, điểm đến ưa thích của cô là tảng đá dưới một gốc cây. Bảy năm nay cô ngồi đúng vị trí đó, hướng mặt ra phía biển, hy vọng từ phía chân trời chiếc tàu cá mang chồng cô trở về. Người ta nói khi mất người thân yêu, lúc đó nỗi đau như đứt từng khúc ruột. Thụy Miên không phải người như vậy, cô không yêu chồng nhưng vẫn ngóng đợi trong vô vọng. Dân làng chài đều mải việc mưu sinh, đã lâu rồi không ai bận tâm đến người thiếu phụ ngóng chồng, họ biết cô ngồi chán sẽ quay về khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang lúc 12 giờ. Biển ngàn đời vẫn là nơi nuôi sống bao thế hệ, nhưng biển cũng lấy đi những người đàn ông trụ cột của nhiều gia đình. Trong nghĩa trang của làng có ngôi mộ gió, bia đá khắc tên An Phông Xô Nguyễn Văn Kiếm, đó là chồng của Thụy Miên, nhưng cô thích ngồi ở trên mỏm đá bên bờ biển nhìn ra phía đường chân trời. Ngoài ngôi mộ gió của chồng, còn hàng chục ngôi mộ gió của nhiều người đã gửi thân xác trong lòng biển bao la. Ngày xưa khi mới lập làng, ngôi làng chài ven biển có tên là Thiện Phước với hàm ý mang nhiều điều phước lành tốt đẹp, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nó được chính quyền đổi tên thành làng Thống Nhất vào năm 1976. Tuy nhiên dân quanh vùng và bà con trong làng thích gọi tên là làng Sủ, bởi ngư dân ở đây nhiều người đã giàu nên nhờ bắt được cá sủ vàng ngoài biển khơi, niềm tin mãnh liệt vào việc tiếp tục vớ được lộc trời cho khiến ngư dân tràn đầy hy vọng. Bắt được cá sủ vàng ngoài biển bao la, việc đó khác nào những người ngậm ngải tìm trầm nơi rừng thiêng nước độc, người giàu có chẳng thấy bao nhiêu, người vùi thây trong lòng biển không kể xiết. Trong một chuyến ra khơi như vậy, chồng cô đã không trở về. Sinh ra và lớn lên tại làng chài, tâm hồn Thụy Miện thuộc về biển, nhưng cô không theo nghề buôn bán cá như mọi người, cô từng ước mong theo nghề dạy học.

Hồi học cấp ba, tình yêu đầu đời chớm nở, Thụy Miên đã yêu thầy Hoàng là giáo viên dạy môn Ngữ Văn. Tình yêu học trò sớm bị phát hiện, mẹ cô gọi Thụy Miên ra sau nhà nghiêm khắc nói:

– Thầy Hoàng sống tại làng Thượng Thanh, giống mọi người ở đó thầy là dân bên lương. Con có hiểu mẹ nói gì không?

Tình yêu đâu kể gì sự khác biệt tôn giáo, Thụy Miên yêu say đắm thầy Hoàng với tất cả sự rung động đầu đời. Nhỏ to khuyên nhủ con gái không được, mẹ cô tới trường gặp Ban giám hiệu. Không biết bà nói gì, thầy Hoàng phải chuyển đi nơi khác, dù năm học còn chưa đầy hai tháng sẽ kết thúc. Hụt hẫng và đau khổ, Thụy Miên bỏ kỳ thi tốt nghiệp cấp ba năm đó, ước mơ làm cô giáo trôi theo cơn sóng biển xô bờ. Ở làng chài không có nhiều lựa chọn, muốn thoát ly khỏi đây chỉ có học lên cao rồi về thành phố, hoặc vào tận Sài Gòn làm thuê tại những khu công nghiệp. Thế hệ trẻ bắt đầu chán biển, họ muốn tìm hướng đi khác cho mình vì không muốn những người mẹ, người vợ của họ phải sống trong cảnh “hồn treo cột buồm”.

3.
Nghỉ học chưa có dự định gì cho tương lai, bất ngờ Thụy Miên được nhà cụ trùm Hoạt đánh tiếng hỏi cưới cho cậu con trai. Anh ta tên là Kiếm, đang theo nghề biển. Cụ trùm Hoạt sợ gái làng ra thành phố sẽ không quay về, bởi vậy cụ quyết định cho con trai sớm yên bề gia thất, nhờ người tìm hiểu khắp chốn, cuối cùng Thụy Miên được chấm làm con dâu. Bỗng nhiên được làm thông gia với nhà cụ trùm xứ đạo, bố mẹ Thụy Miên nở mày nở mặt, họ không muốn con gái học cao rồi ế chồng. Ngày đứng trước bàn thờ, khi trao nhau chiếc nhẫn cưới đeo vào ngón áp út, Thụy Miên thoáng nhìn thấy thầy Hoàng đứng lẫn trong các giáo dân khác. Tiếng chuông nhà thờ ngân vang để chúc mừng đôi uyên ương vừa lãnh nhận bí tích hôn phối nên vợ nên chồng, cuộc đời cô từ nay an bài trong cuộc hôn nhân không tình yêu, nhưng nó được ràng buộc bởi những lời thề nguyện trước bàn thờ Chúa. Thụy Miên không bao giờ quên được đêm tân hôn kinh hoàng. Cô bị chồng tát cho chảy máu mồm vì tội hỏi không trả lời. Đêm đó, chồng cô hỏi gặng xem giữa gã cùng thầy giáo Hoàng, cô thích làm tình với ai. Im lặng không trả lời câu hỏi thô bỉ đó, Thụy Miên cắn răng chịu đựng nỗi đau không lời kêu than oán trách. Đêm tân hôn cô gắng làm tròn bổn phận của một người vợ, đó là sự dâng hiến sự trinh trắng của mình thay lời muốn nói, cô biết thể xác của mình thuộc về người đàn ông này, nhưng tâm hồn cô đã theo gió bay về nơi khác như những bông cỏ may. Sáng hôm sau, nhìn tấm ga giường màu trắng loang đỏ máu, bà cô chồng không biết được đâu là dấu hiệu của trinh tiết, bởi máu mồm, máu mũi của đứa cháu dâu đọng lại thành những vệt lớn, bà chỉ biết thở dài đưa tay làm dấu thánh giá.

Kiếm là người cục tính ưa nhậu nhẹt, hễ đi biển thì thôi, khi thuyền vừa cập bến, gã không về ngay vì mải nhậu đến quá trưa mới khật khưỡng về nhà. Lần duy nhất Thụy Miên thấy chồng ăn mặc tử tế, đó là khi anh ta làm chú rể, còn sau đó Kiếm cởi trần quanh năm. Dù nhậu nhẹt say sưa tối ngày, Kiếm không đánh vợ bao giờ, gã dùng lời nói để sỉ nhục cô. Đặc biệt mối tình đầu mộng mơ của Thụy Miên với thầy Hoàng, gã lôi ra nhắc lại đầy thích thú như thưởng thức món tráng miệng khi chuẩn bị đè vợ ra làm tình. Chính việc đó khiến Thụy Miên thấy ghê tởm, lâu dần cô mắc chứng lãnh cảm. Để quên đi những nỗi đau thầm kín, cô mở cửa hiệu tạp hóa buôn bán nhỏ, hàng tuần cô ra thị xã mua hàng đem về phục vụ bà con trong làng. Lấy nhau được bốn năm, Thụy Miên nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc, cô không còn tin vào hai chữ hạnh phúc. Trước ngày theo tàu ra biển với mong ước bắt được con cá sủ vàng huyền thoại, Thụy Miên bị chồng lôi lên giường rồi nhắc lại những lời thô bỉ về mối tình đầu của cô, quen với sự bạo hành tinh thần kiểu này, cô nằm im như bức tượng để mặc chồng thỏa mãn. Cơn áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 8 ngoài biển khiến nhiều gia đình có người đang ra khơi đứng ngồi không yên, ký ức về những người đàn ông trụ cột đi mãi không về khiến ai cũng lo thắt ruột thắt gan. Người ta nói không sai, khi chồng con ra khơi, những người phụ nữ ở làng chài như hồn treo cột buồm, họ chỉ yên tâm khi con tàu trở về sau những ngày bám biển. Trận mưa bão khiến Thụy Miên từ thị xã không quay về làng chài được, con đường duy nhất bị hàng trăm tấn đất đá trên cao đổ xuống, việc khắc phục chẳng thể xong sớm. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, Thụy Miên chợt nghĩ đến mối tình đầu của mình, người vẫn chưa lấy vợ và đang sống ngay tại làng Thượng Thanh, nơi không bị đất đá chắn đường. Thụy Miên tìm đến gặp thầy Hoàng, bao ẩn ức vì sống trong cuộc hôn nhân không tình yêu khiến cô bất chấp. Sợi dây chuyền có gắn cây thánh giá được tháo ra cất trong túi xách, cô muốn minh chứng cho tình yêu và dục vọng bị dồn nén bấy lâu. Đêm hôm đó lần đầu tiên cô được dâng hiến theo đúng nghĩa, ngoài biển khơi xa tít tắp, con tàu đánh cá vỏ gỗ của Kiếm đang chống chọi một cách tuyệt vọng trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên trước khi chìm xuống lòng biển sâu…

Trở thành góa bụa khi vừa tròn 21 tuổi, kể từ lúc mặc đồ tang đen bước vào nhà thờ dự thánh lễ an táng chồng, Thụy Miên thấy tâm hồn mình đã chết. Cô luôn dằn vặt tự trách mình là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết của chồng, kẻ luôn tự phụ là con cá kiếm của biển. Dù đã xưng tội nhiều lần tại nhà thờ, Thụy Miên vẫn cảm thấy không sao gột rửa được tội lỗi. Sống vật vờ như cái bóng, tuổi trẻ cùng nhan sắc đã phai tàn theo thời gian, trong từng đó năm ngồi bên bờ biển, nhiều cô gái mới lớn không còn nhớ đến tên Thụy Miên, họ chỉ gọi cô là góa phụ biển. Không cam lòng trước nỗi khổ của người tình, sau ba năm kiên nhẫn đợi Thụy Miên mãn tang chồng, thầy Hoàng ra bờ biển nắm tay cô rủ đi tìm một chân trời mới, nơi chỉ có hai người và tránh xa thị phi. Đáp lại tấm chân tình, Thụy Miên im lặng hướng mắt mình về phía xa xăm, kể từ đó cô không gặp lại người tình thêm lần nào. Để tang chồng gần chục năm, cuối cùng anh ta trở về cùng gia đình mới, Thụy Miên không hiểu mình còn gì đáng sống trên cõi trần gian này, bởi bố mẹ cô và bố chồng đã mất, vườn thánh là nơi họ gửi nắm xương tàn.

4.
Gần một tháng ăn nhậu liên miên, bà con dân làng Sủ đều biết chuyện lúc tàu cá của Kiếm chìm xuống lòng biển sâu, gã cùng mấy thủy thủ bám vào phao cứu sinh rồi phó mặc số phận cho đấng tối cao định đoạt. Giây phút không còn hy vọng sống để quay về, gã được một tàu hàng đi ngang qua vớt lên, những người bạn không có được sự may mắn đó. Tàu biển chở hàng theo lộ trình nên không thể như xe đò được, Kiếm luôn nhấn mạnh điều đó khi giải thích vì sao y trôi dạt vào tận Kiên Giang từng đó năm trời. Vốn bản tính giang hồ nên gã không vội quay về làng chài, gã xin theo tàu cá ở Kiên Giang bám biển kiếm sống. Người vợ hiện nay đang chung sống chính là con gái của chủ tàu cá đã cưu mang kẻ lang bạt. Mặc cho vợ con giục giã quay vào Kiên Giang, tự dưng Kiếm muốn nấn ná ở làng Sủ, không phải gã nhớ thương gì quê hương, bởi trong bữa nhậu gã nhận lời đi biển cùng đám bạn nhậu một chuyến. Sau chuyến đi này, gã sẽ ly hương vĩnh viễn. Người vợ mới vốn chiều gã nên đành chấp thuận không ngăn cản, sống cùng nhau gần chục năm nên biết cách chiều chồng, hàng ngày cô thường làm mồi nhậu cho Kiếm ngồi lai rai, cô tự hào vì những bà vợ ngoài Bắc không ai được như mình. Chẳng thích làm thuê rồi lấy chút bạc lẻ, Kiếm nhắc vợ tháo kiềng vàng đem bán để cùng góp vốn mua chung một con tàu cũ, gã đánh tiếng bán nốt căn nhà hương hỏa để gom tiền đi biệt xứ. Với người vợ có hôn thú hẳn hoi của mình, Kiếm tặc lưỡi tự nhủ, gã sẽ vứt cho chút tiền khi bán nhà xong, dù sao cô ta đã trọn đạo làm dâu khi chăm sóc rồi lo ma chay chu đáo ông cụ thân sinh của gã.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Con tàu sửa chữa xong chờ sớm mai được ngày sẽ ra khơi. Trên con tàu lúc này chỉ còn mình Kiếm. Gã ngồi nán lại để có phút giây thư giãn trong yên tĩnh chỉ có biển trời. Từ phía rặng phi lao, một người thiếu phụ bước lại gần, hai tay cô xách hai can nhựa loại 5 lít. Chỉ cần nhìn lướt qua, mọi người đều biết ngay là can đựng rượu, bởi cánh ngư dân đã ngồi với nhau phải uống hết cả can. Ngồi đối diện với chồng mình sau nhiều năm xa cách, đây là lần đầu tiên Thụy Miên là người chủ động, cô mở bọc giấy có đủ các loại như thịt luộc, dồi và chả chó. Trước sự ngạc nhiên của chồng, Thụy Miên rót hai bát rượu rồi nhẹ nhàng nói:

– Tôi và anh uống cạn bát rượu này, kể từ nay ân tình đoạn tuyệt.

Bầu trời chạng vạng nhuốm màu đỏ rực, Kiếm bưng bát rượu ngửa cổ uống cạn sạch, nghiêng bát cho vợ nhìn thấy không còn giọt nào, sau đó gã thò tay bốc miếng thịt chó nhét vào mồm nhai nhồm nhoàm. Thịt chó không có nắm lá mơ lông, không bát mắm tôm vắt chanh đánh sủi bọt, điều đó chẳng làm Kiếm bận tâm. Gã say sưa uống rượu và thưởng thức món nhắm khoái khẩu như kẻ chết đói lâu ngày gặp miếng ăn ngon vậy. Ngồi đối diện với chồng, Thụy Miên ăn uống từ tốn, cô chủ yếu rót rượu và nhắc gã phải ăn sau mỗi lần uống hết bát rượu. Can rượu 5 lít chưa cạn, Kiếm lúc này đã say ngất ngư, gã định thanh minh cho cách đối xử tệ bạc của mình, do líu cả lưỡi nên không sao nói được. Trái ngược với chồng, Thụy Miên vẫn tỉnh táo, cô chỉ nhấp môi còn rượu được hất ra phía sau. Mục đích của Thụy Miên hôm nay đâu phải ăn nhậu cùng gã chồng bội bạc, sau bao nhiêu chịu nhiều đắng cay tủi nhục, cô muốn đối diện với nỗi đau của đời mình một cách gần nhất. Nâng bát rượu ngang mặt, Thụy Miên lạnh lùng nói:

– Bát rượu này tôi xin được tế sống anh, bởi mọi năm tôi vẫn tưới rượu xuống ngôi mộ gió.

Thấy Kiếm không nói gì, Thụy Miên nói cho mình cô nghe:

– Bao năm nay tôi xưng tội cho những gì mình không phạm phải, có lẽ lời xưng tội dành cho việc tôi sẽ làm trong đêm nay.

Mặc cho chồng không phản ứng lại câu nói vừa rồi, Thụy Miên cầm bát rượu tưới khắp người gã chồng bội bạc, cô không vội vàng mà chăm chú tưới như người ta tưới thảm cỏ ngoài thị xã. Khi màn đêm buông xuống, Kiếm ngủ gục ngay tại chỗ, lúc này gã há miệng ngáy như kéo bễ. Có lẽ ngày mai tỉnh giấc, gã sẽ quên nhanh bữa nhậu tối nay, bởi còn nhiều bữa nhậu khác đang đợi chờ. Bước ra boong tàu, Thụy Miên ngước nhìn bầu trời đầy sao rồi hít căng lồng ngực, làn gió mang vị mặn của biển như tiếp thêm sức mạnh. Xách nốt chiếc can còn lại ra phía trước, Thụy Miên mở nắp can nhựa rồi tưới khắp boong tàu và buồng lái, lúc này gã chồng say khướt nên không ngửi thấy mùi xăng đang bốc lên nồng nặc, bởi chiếc can thứ hai không phải chứa rượu. Cầm trên tay chiếc bật lửa, Thụy Miên đứng im lặng hồi lâu, cô như thấy trong mịt mù khói lửa, hình ảnh một góa phụ dần tan biến vào không trung.

Từ trong đất liền, tiếng chuông nhà thờ đang ngân vang khiến Thụy Miên bừng tỉnh. Cô biết nếu mình châm lửa, con tàu cùng gã chồng sẽ trở về cát bụi, nhưng đó sẽ là tội ác khó tha thứ. Xòe tay thả chiếc bật lửa cho rơi xuống biển, Thụy Miên bỏ lại sau lưng con tàu, cô bước đi như tìm một chân trời mới, lúc này cơn mưa bất ngờ trên biển vắng đã cuốn trôi tất cả.

BÙI NGỌC PHÚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Sơn Trần

Ngày trở về, cái cò không còn đậu cọc cầu ao
Sung chát đời sung… mọi chuyện đã thành cổ tích
Tôi thấy mình hóa thành trẻ con hồn nhiên, tinh nghịch
Bên cánh võng  trưa hè thao thiết lời ru.

Nhà thơ Văn Trọng Hùng

Cũng như kịch, thơ Văn Trọng Hùng khá thành công ở cách mượn các nhân vật, các vấn đề lịch sử để nói chuyện thế sự. Gần đây, thơ ông trĩu những buồn vui nhân thế…

Bài học của Sẻ em

Hai chị em chim sẻ mồ côi cùng sống trên một ngọn cau. Sáng nào chúng cũng thức dậy từ sáng sớm hót ríu rít vài câu rồi sà xuống ăn thóc gạo cùng đàn gà…

Lửa tháp

Nàng không biết mình phải bắt đầu từ đâu trên hành trình này. Đọng lại trong ký ức chỉ là một đốm đỏ nhói lên giữa chiều mù sương…