(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình).
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ HOÀNG CẦM (22.02.1922 – 22.02.2022)
Văn hóa Việt Nam cơ bản vẫn là văn hóa làng xã. Hội làng là một sinh hoạt văn hóa, xã hội, tôn giáo, nghệ thuật đặc sắc, tổng hợp và định kỳ của cộng đồng người làng. Lễ hội cổ truyền là một hình thức sinh hoạt dân gian có tính lịch sử lâu đời, mang tính dân tộc sâu sắc.
Dựng lại các hội lễ ở vùng Kinh Bắc đầy truyền thống ở quê mình, nhà thơ Hoàng Cầm, trong tập thơ Về Kinh Bắc (NXB Văn học, 1990), đã làm sống lại cái không khí tưng bừng, náo nhiệt của hội xuân xưa. Nói đến hội hè, đình đám là nói đến hội xuân, nghĩ đến mùa xuân, là nói đến những gì tươi trẻ, sinh sôi, nảy nở. Có lẽ không hội lễ nào lại thiếu trò đánh vật. Cảnh vật tưng bừng được tả trong tranh dân gian làng Hồ: Bốn cặp đấu vật dự giải, mình trần đóng khố, thân hình nở nang, người nào cũng cố tìm món đòn hiểm nhằm thắng đối phương, hai chuỗi tiền giải và tràng pháo, gợi sức xuân.
Còn đây là quang cảnh Hội vật của Hoàng Cầm, đầu tiên là trống thúc: “Trống lớn Giảng Võ đường đội bổng vòm trời cao vót”. Là chiêng rung: “Ba hồi chiêng lảo đảo các tòa lầu cong mái đỏ quanh thành” rồi loa gọi “Loa khua nắng thét mời đô lực sĩ” và bỗng hiện ra cảnh trai đô ứng thí “Một khắc cờ im gió đợi. Vai đô im đọng ngã tư thành”. Và vào hội vật, là cảnh thư hùng quyết liệt:
Thùng thùng trống chuyển nhịp tơi bời
Nhiễu đỏ bên trái lên
Nhiễu xanh bên phải xuống
Nhòe bụi cuốn
Cột đồng dựng
Núi đá mọc
Ngón chân cày đất ba gang
Nát cỏ đuôi gà bật rễ
Đất võ nhô lên lõm cuống
Chòng chành vạn chiếc mắt thuyền.
Cuộc vật ngày càng hấp dẫn. Người xem dán mắt. Đến nỗi:
Gái nhà quan bố nuông chi giữ nhịp
Bỗng để rơi dùi trống
nín hơi nghe giần giật bão liên hồi
trong búp lá măng tơ.
Diễn tả cái ngẩn ngơ, mê say mới thật tài tình! Không ngẩn ngơ sao được khi hội vật đến đoạn “cồng chiêng thoi thóp, dựng giăng chưa dứt miếng kỳ phùng”!
Tàn cuộc vật, người xem lũ lượt xem thi đánh đu. Đây là cảnh đu đôi, chiếc thắt lưng nhiễu điều của chị thôn nữ phấp phới bay theo gió, còn anh trai làng thì đang khom lưng cố sức nhún chân đẩy chiếc đu lên cao hơn nữa. Thật là: “Trai đu gối hạc khom khom cật, gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng” (Hồ Xuân Hương). Hoàng Cầm đã miêu tả cuộc Thi đánh đu với cả chất xuân đời tuôn chảy dưới nhịp đu:
Luồn tay ôm say
giấc bay lay đỉnh núi
Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành
Đùi chảy búp dài thon nhún vội
Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh.
Hội Xuân không thiếu những cuộc thi. Những cuộc thi trong hội Xuân Kinh Bắc được nhà thơ miêu tả có nét riêng. Thi sợi bún thì “khi quất, quất năm vòng cột đình, không đứt”, Thi dệt vải thì “vải gột hồ hai má gọt môi hoang”, trong Thi hát đúm là cảnh “người bỏ chồng chệnh choạng đi lối mưa, nón quai thao úp bụng, người chồng bỏ, gót chân bùn ngõ tối, tuổi lầy đường sống trâu”.
Người xưa rất đề cao công việc nội trợ, mà công việc đầu tiên là thổi cơm. Nồi cơm ngon, dù kém thức ăn, bữa cơm vẫn ngon miệng. Thổi cơm là cả một nghệ thuật, cho nên thi thổi cơm được nhiều làng chú trọng trong Hội Xuân. Kinh Bắc có tục Thi ăn mía thổi cơm. Người dự thi là các cô gái chưa chồng, phải dùng ngay bã mía vừa ăn, còn ướt, để nấu cơm. Sự hấp dẫn ở đây, và sự khéo léo của các cô gái cũng ở đây. Hoàng Cầm thi vị hóa cuộc thi này:
Cơm vừa chín tới
Má xuân hồng
dầm khói tím
chợt sang thu
Bãi mía sông Cầu reo đáy bát
Ngửa mặt hứng mưa đồi cỏ ngát
Nguôi dần cơn sốt bỏng môi hoa
Ngày xuân không thể thiếu rượu, nhất là rượu ngon. Làng Vân Hà (tục gọi là Làng Vân) ở Kinh Bắc là nơi sản xuất rượu ngon có tiếng. Hơn nữa, ngày Tết, làng còn mở hội thi… rượu ngon và thưởng thức rượu: “Tết Vân Hà làng mở hội thi. Núc ních từng đôi chật đường nghẽn lối. Cổ ba tầng. Giò lụa nổi. Giò mỡ chìm. Nem bối rối”. Hội mở ba ngày ba đêm liền: “Ba ngày tiếng dao phay liếc nhanh thành vại. Ba đêm chim lợn toác sương gieo”. Hoàng Cầm đã miêu tả rất hình ảnh hội làng rượu này:
Chai đại lăn kềnh giữa chiếu
Chai bố chéo kheo
Vật vã góc bàn thờ
Chai con gậm giường rụt cổ
Túy lúy mềm soãi tóc khóc ngu ngơ.
(Hội Vân Hà)
Để kết thúc mùa lễ hội xuân ở Kinh Bắc, tôi muốn nói đến Hội Chen Nga Hoàng. Làng Nga Hoàng (Quế Võ, Hà Bắc) có tục chen rất kỳ lạ. Từ 6-15 tháng Giêng âm lịch, cả làng, không phân biệt già trẻ gái trai chen vai thích cánh lẫn nhau. Có chàng trai có cử chỉ mạnh bạo như bóp nhũ hoa hay đưa tay sờ soạng cô gái. Các cô chống cự, chen lại, rất phóng túng tự do. Thậm chí, sau hội, từng đôi có thể kéo ra chỗ vắng tình tự. Nếu cô nào sinh con đủ ngày tháng so với ngày hội thì được thưởng, còn cô nào không đúng thì bị phạt nặng. Tục này thể hiện ước mong phồn thực như trong lời tế thần ở đây: “Muôn tâu lạy ngài, xin ngài phù hộ cho dân chúng tôi, già mạnh khoẻ, trẻ bình an, của đồng làm ra, của nhà làm nên”. Tương truyền rằng, năm nào, làng Nga Hoàng không tiến hành hội này, sẽ bị thiên tai, dịch họa, bệnh tật…
Cái xuân tình đầy ý nghĩa phồn thực này được Hoàng Cầm lột tả trong những vần thơ:
Chen Nga Hoàng hội Chen nguyệt tận
Đúng nửa đêm đèn tắt trong ba hồi trống dầm dề
…
Chợt bừng nghìn cây nến đỏ
Sửng sờ nghìn tội nắm tay đau
Thì trói cả đời
Xin trói cả đời
Cột lim gãy rồi
Giường nhung sóng đôi.
(Hội Chen Nga Hoàng)
Với hội xuân, thơ Hoàng Cầm là sự kết tinh những vẻ đẹp của con người đầy sức sống với những khát vọng đam mê trong tình yêu vươn đến tầm vóc vũ trụ. Thiên nhiên và con người, xuân và tình yêu nhập hòa làm một. Xuân Diệu từng viết: “Xuân của đất trời nay mới đến…” (Nguyên đán). Còn nhà thơ Hoàng Cầm đã gắn kết và song hành xuân của đất trời cùng với xuân của lòng người tạo nên những vần thơ xuân rạo rực, háo hức, non trẻ, trong trẻo và phồn thực, dâng hiến cho đời, cho người, và cho tình yêu vĩnh hằng, trong những hội xuân…
TRẦN XUÂN TOÀN
(Văn nghệ Bình Định số 107 tháng 3.2022)