(VNBĐ – Bút ký). Từ một hóc núi hoang hóa với đá sỏi và lác đác cây bụi, sau năm 1975, hóc Cây Thị ở thôn Phú Khương, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) chỉ với một mái chòi dành cho người làm rừng tá túc qua đêm. Một thương binh đã dắt díu vợ con đến đây lập nghiệp. Bỏ qua mọi ngờ vực, người mở hóc vẫn cần cù lặng lẽ bám đất… Để giờ đây, cái hóc hoang ấy trở thành cụm dân cư đông vui, bốn mùa sum suê cây trái.
Người lính dạn dày trận mạc
Người cựu chiến binh (CCB), thương binh 1/4 ấy là Thời Xuân Sang. Ông sinh năm 1950, là con thứ sáu của gia đình đông con có truyền thống cách mạng ở làng Phú Khương, xã Ân Tường nay là Ân Tường Tây (Hoài Ân). Tuổi thơ ông là chuỗi ngày chăn ngựa trên cánh đồng làng và nhặt củi trong hóc núi. Năm 12 tuổi, thấy Sang lanh lợi và là “con nhà nòi” nên du kích thường trú trong nhà giao cho nhiệm vụ nắm tin tức lính bảo an, mật thám trong vùng. Vừa cắt cỏ, chăn ngựa Sang vừa để mắt đến bọn lính, kịp thời báo cho du kích những cuộc tuần tra, bắt bớ và cả những trận càn quy mô lớn. Thông thạo đường đi lối tắt từ làng lên núi, Sang đã cùng người anh kế gỡ được nhiều lựu đạn của lính Cộng hòa mang nộp cho du kích.
Năm 1969, Sang gia nhập bộ đội huyện và thành chiến sĩ trinh sát giỏi, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho chỉ huy, tham gia nhiều trận đánh tổ, đội với vai trò là người dẫn đường mở lối. Sang từng có mặt trong nhiều trận đánh phối hợp giữa bộ đội địa phương, du kích với Sư đoàn 3 Sao Vàng ngay trên quê hương mình.
Sau ngày giải phóng huyện Hoài Ân 19.4.1972, Sang được đơn vị cử đi học lớp cán bộ đại đội ở Bộ Chỉ huy Quân sự khu V; lần lượt điều về làm Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Bình Định rồi Tham mưu trưởng Tiểu đoàn, tiếp tục chiến đấu trên 10 trận lớn nhỏ trong công cuộc giải phóng tỉnh nhà. 5 năm trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Bình Định, Sang 4 lần bị thương nặng, nhiều lần tưởng chừng không qua khỏi.
Thời gian trôi qua, người cựu chiến binh giờ đây rất ít nói về mình. Nhưng khi gặp tôi, ông cởi mở: “Cháu muốn nghe thì chú kể chứ chiến tranh qua rồi, nhắc lại không hay”. Rồi ông kể lần bị thương trong trận Gò Rằng ở xã Ân Đức (Hoài Ân) năm 1971. Khi ông đánh vào lô cốt hướng chính, vừa dập tắt được hỏa lực địch thì một quả lựu đạn rơi gần, hất văng ông sang một bên. Ông trườn lên thì thấy máu tuôn ướt mặt. Biết mình bị thương vùng đầu nhưng ông vẫn nằm bắn và hô “xung phong…!” để đồng đội tiến lên, sau đó thì bất tỉnh. Ông được đưa về tuyến sau điều trị nhưng bệnh xá chiến trường bấy giờ chỉ chữa được vùng ngoài của vết thương mà không hề biết trong đầu còn một mảnh đạn. Những ngày tháng đi học ở Quân khu và trở về Tỉnh đội, đầu ông thỉnh thoảng đau dữ dội nhưng ông nghĩ: đau rồi sẽ hết và cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu.
Với trọng trách Đại đội trưởng, ông luôn đi đầu trong các trận đánh. Ông bảo: “Mình không làm gương thì chiến sĩ không nể phục”. Đơn cử như trận đánh đồi A ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn) năm 1974. Đại đội ông được đả thông tư tưởng, thông qua sơ đồ địa hình địa vật, triển khai 3 phương án tác chiến rất kỹ nhưng vì có nhiều chiến sĩ mới ra trận lần đầu nên ông đã cho vẽ thêm một sơ đồ trận địa giao cho chính trị viên và lệnh chính trị viên đi giữa đội hình, phòng khi tình huống xấu xảy ra vẫn còn có người chỉ huy. Rồi ông vượt lên tuyến đầu… Ông bị thương nặng một lần nữa nhưng đại đội ông đã chiếm được đỉnh đồi, kiểm soát được một vùng rộng lớn ở huyện Hoài Nhơn.
Và người thương binh nghị lực phi thường
Năm 1977, trong những ngày tháng huấn luyện chiến sĩ mới cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh, ông Sang thấy đầu mình đau âm ỉ. Ông tranh thủ vào bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) khám và biết được trong vùng não mình còn một mảnh đạn. Vì chưa có điều kiện để thực hiện ca mổ gắp mảnh nên các bác sĩ chỉ động viên và căn dặn chế độ ăn uống, lao động, sinh hoạt phù hợp nhằm hạn chế những cơn đau. Cũng trong năm này, ông gặp được người con gái tên Nguyễn Thị Liệu ở xã Cát Tân (Phù Cát). Hai người yêu thương nhau rồi nên nghĩa vợ chồng.
Năm 1979, ông Sang rời quân ngũ, ôm con dẫn vợ về quê, tá túc tại nhà người anh trai. Trong những đêm dài trăn trở, ông nghĩ nhiều về quê hương và tương lai của những đứa con sinh ra trong thời buổi khó khăn. Rồi ông quyết làm tốt vai trò của một người công dân xứng đáng với truyền thống bộ đội Cụ Hồ: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”… Ông vào hóc Cây Thị khảo sát địa hình rồi xin phép chính quyền địa phương dựng ngôi nhà tranh vách đất, xây dựng cuộc sống mới.
Hóc Cây Thị cằn cỗi, xác xơ. Nơi tiếp giáp với núi là đá cuội, đá tảng lô nhô. Hóc chỉ có một loài chim te te cư ngụ. Đêm, chúng cất tiếng kêu, không gian càng thêm não nùng. Mùa Bấc, gió hú rợn người. Ngày ông đưa vợ con vào hóc, người thân không cầm được nước mắt. Nhiều người khuyên ông nên ở lại làng để đêm hôm có anh có em nhưng chí ông đã quyết. Ông biết đất hóc nhiều sỏi là do quá trình bào mòn của núi, đá núi bị bom pháo băm vằm tuột xuống hóc, va chạm, vỡ vụn nên ông vừa khai hoang vừa chặn dòng, bắt đá trôi ra suối. Vỡ đất đến đâu, ông trồng mì đến đó. Phần đất nào bằng phẳng hơn, ông lại trồng các loại bắp, khoai, rau, bí… sớm giải quyết được cái ăn tức thì cho cả gia đình. Nhiều người đi rừng thấy ông làm hiệu quả, cũng nhanh tay dựng chòi và học cách làm theo. Hóc Cây Thị đông dần lên. Nhớ lại những năm tháng khai hoang vỡ hóc, ông Sang chia sẻ: “Lúc ấy thấy nhiều gia đình đói khổ, sợ vợ con mình đói nên chú làm quên trưa, quên tối. Gặp những gốc cây to, chú đào xung quanh, chặt rễ, bứng. Gốc nào khó, chú chất củi lên đốt. Đá nhỏ, chú gánh ra bờ lô đổ. Đá vừa, chú bưng, vác. Đá lớn, chú làm đòn bẩy, bẩy nó đi. Trồng nên cây nên trái, chú phải cất chòi canh giữ vì heo rừng, chồn, nhím luôn rình rập cắn phá”. Nói về vết thương khi lao động nặng, ông bảo: “Lúc trở trời, nó cũng “hành” dữ lắm! Đầu vừa choáng vừa đau bưng bưng, khiến mắt mờ, tay chân rũ riệt. Những lúc như thế, chú uống thuốc, cố cam chịu, không để lộ đau đớn trước vợ con và luôn lạc quan rằng mình sẽ khỏe”.
Khi diện tích rẫy của ông đã lên gần 3 ha, cái đói đã được giải quyết và thấy mình không còn đủ sức canh tác hiệu quả hết số đất này nên ông đã chuyển những phần rẫy gần rừng tự nhiên sang trồng bạch đàn và keo nguyên liệu; số đất còn lại ông trỉa đậu, trồng bắp và đào ao nuôi cá. Vì đất đã thông nên khi đặt cây giống xuống, cây bén đất, lớn nhanh. Quanh đi quẩn lại ít năm, ông đã có nguồn thu từ cây keo và bạch đàn. Ông sửa lại được ngôi nhà và chăm chút đến việc học hành của 5 đứa con.
Sau mấy lứa thu hoạch, nhận thấy cây keo và cây bạch đàn hút nhiều nước, nhanh làm đất bạc màu, bằng chứng là cái ao nuôi cá do ông đào, cạn nước khi tiết trời mới vào tháng Ba nên ông đã thu hẹp diện tích hai loại cây này để trồng dây hồ tiêu. Nói về hồ tiêu, ông Sang tiết lộ: “Chú biết nó hay chết yểu nên sau khi thu được hai lứa trái, chú xới gốc, bón vôi bột, thêm phân bò hoai, xịt thuốc nấm rễ nên luôn xanh tốt, cho nhiều hạt, chẳng thua kém hồ tiêu Tây Nguyên”. Rồi ông phấn chấn: “Nhờ có nguồn thu hằng năm từ dây tiêu mà chú nuôi 5 đứa con học hết đại học, có một thằng cao học, có việc làm ổn định!”.
Câu chuyện xóm làng tươi đẹp
Hóc Cây Thị hôm nay thuộc xóm Bình Hòa, thôn Phú Khương. Cả chòm có 11 nóc nhà, tất cả được xây cất khang trang, vườn tược xanh mướt, đường đi lối lại thẳng băng. Sự đổi thay này có công đóng góp của nhiều người nhưng công lớn phải kể đến chú Thời Xuân Sang.
Anh Hàn Văn Kiên – Chủ tịch Hội CCB xã Ân Tường Tây – nói rõ những đóng góp này: “Ngoài việc tiên phong vào hóc lập nghiệp mở lối cho bà con, ông Sang còn hiến nhiều đất để làm đường, xây dựng nông thôn mới. Việc gì khó, có tiếng nói của ông là thành công. Đơn cử như năm 2018 khi làm tuyến đường bê tông dẫn từ đường lớn vào hóc Cây Thị, nhiều hộ dân không đồng ý đóng góp kinh phí. Ông đã đứng ra nhắc lại mục đích của chủ trương, kế hoạch, cách làm và lựa lời phân tích cái lợi lâu dài cho người dân. Bà con nghe thông, bầu ông làm giám sát công trình và nhanh tay đóng góp. Chỉ ít hôm sau, tuyến đường được thi công”.
Dạo một vòng quanh hóc Cây Thị, trò chuyện với số người sống lâu ở hóc, ai cũng công nhận: “Anh Sang sống giản dị và tốt bụng. Nhờ có anh ấy giúp đỡ trong buổi đầu và truyền lại kinh nghiệm trồng trọt mà có được cuộc sống như hôm nay”. Cả xóm ai cũng biết chuyện ông gửi lại vị cao niên gần nhà 800 nghìn đồng tiền dư từ việc làm đường bê tông nhờ trả lại cho bà con khi ông bệnh nặng đi nằm viện. Rồi việc ông lặn lội đi tìm cây hoa đẹp về trồng hai bên tuyến đường vào hóc, cuối tuần ông tự làm cỏ, tưới nước, bón phân để bốn mùa hoa thơm, đẹp làng đẹp xóm… Ông tích cực tham gia, đóng góp xây dựng các hội đoàn thể ở địa phương, nhiệt tình với công tác CCB và khuyến học thôn, xã. Ông hòa giải thành công vụ xích mích kéo dài suốt nhiều năm của hai gia đình. Ông là hình tượng đẹp của ý chí, nghị lực và niềm tin vượt qua gian khó, sống có ích cho đời, được lan tỏa sâu rộng chẳng những ở hóc Cây Thị mà còn cả vùng đất trung du Hoài Ân. Anh Võ Trọng Trình – Bí thư Đoàn xã Ân Tường Tây – chia sẻ thêm: “Qua sinh hoạt và học tập, tuổi trẻ Ân Tường Tây đã biết được gương sáng bác Thời Xuân Sang. Rất nhiều thanh thiếu niên đang học tập và làm theo lối sống có ích của bác. Nhiều gia đình cũng đang giáo dục việc học tập của con cái theo gương gia đình hiếu học của bác ”…
Ngược đường lên xã vùng cao Bok Tới, qua khỏi UBND xã Ân Tường Tây, nhìn về hướng Nam, ta thấy ngay một cụm dân cư bề thế, sáng sủa, cao ngất những hàng cau bên những vườn hồ tiêu xanh mượt. Nơi ấy là hóc Cây Thị một thời thương tích, teo tóp.
BÙI TẤN PHƯỚC
(Văn nghệ Bình Định số 103 tháng 11.2021)