Hoa cuối mùa xin gửi lại nguồn hương

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Lệ Thu là nhà thơ nữ thế hệ kháng chiến cho đến ngày hôm nay vẫn dạt dào thi cảm và viết thơ tình rất hay, rất triết lý. Bài thơ Hương gửi lại là một trong nhiều bài thơ tình yêu rung động và chân thật như thế. Bài thơ được nhiều thế hệ bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nữ chép vào sổ tay thơ, học thuộc và nội cảm, xem đó như là tiếng nói của những người cùng phái tính, đang trải qua tình yêu muộn màng, sau nửa đời nhận cho, sàng lọc.

Khổ đầu của bài thơ là trạng thái rất thật của những người nữ có hoàn cảnh đặc biệt, muộn màng trong tình yêu, nhưng khi yêu thì nồng nàn, đắm say, bền chặt, dù không có những biểu hiện giận hờn, trách móc hoặc thề non hẹn biển như những người thiếu nữ trẻ khi yêu:

Cái còn lại sau nửa đời nhận, cho – sàng lọc
Là tình yêu muộn màng của anh
Không thề thốt, dỗi hờn, nước mắt
Thắt buộc ta không một sợi chỉ mành

Thông thường, bất cứ ai, đặc biệt là người nữ, khi yêu, nhất là tình yêu muộn màng, thì bao giờ tình cảm trong họ cũng có sức cuốn hút và rung cảm mãnh liệt, dù có khi bên ngoài họ không vồn vã, lãng mạn hay tình tứ nồng nàn như những người ở tuổi vào yêu đầu đời thiếu nữ. Lệ Thu đã triết nghiệm rất hay về trạng thái này khi so sánh nó với vị ngọt cao sang sau vị đắng và tàn muội thuốc lá sau khi cháy đượm; với cánh buồm xa mệt mỏi giữa biển tâm hồn mênh mông của anh. Mượn vật và mượn cảnh để ngụ tình là biện pháp nghệ thuật rất sâu sắc của khổ thơ:

Lửa cháy đượm không gây tàn muội khói
Đắng tận cùng là vị ngọt cao sang
Biển anh rộng cánh buồm xa mệt mỏi
Trách chi nhau hờ hững trước nồng nàn

Tác giả đã đẩy hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ lên một cấp nhận thức mới. Đó là sự thật bẽ bàng của người phụ nữ khi tuổi thanh xuân của mình đã đi qua cùng nhan sắc, nhưng bù lại, tình yêu trong họ thì vẫn ngan ngát hương say. Người con gái chấp nhận tất cả nỗi đau thương về mình, muốn gửi tất cả những nồng nàn hương tình ái, để kéo dài niềm vui cho người mình yêu quí. Đó là tình cảm nhân văn đáng trân trọng, thể hiện thiên tính nữ cao đẹp vốn có của mình mà không hề thắc mắc, không cần điều kiện gì ở người yêu. Điều này có chút gì như bất công đối với cái nhìn của chung quanh, nhưng lại hợp với tâm lý của những người con gái lở dở về đường tình duyên, giờ được yêu trong muộn màng, tiếc nuối, nhưng đắm say và chân thật:

Không điều kiện, không chút gì thắc mắc
Nhận về mình tất cả nỗi đau thương
Khi tuổi trẻ đi qua cùng nhan sắc
Hoa cuối mùa xin gửi lại nguồn hương

Nỗi niềm và tình cảm ấy trước sau như một. Nàng lặng lẽ giấu nỗi buồn vào sâu thẳm cõi lòng, nhưng rồi trái tim yêu luôn mách bảo cho chính mình những âu lo, thắc thỏm. Sợ người mình yêu không nhận ra nỗi niềm day dứt, không thấy suối nguồn yêu thương của mình dành cho người yêu là nặng sâu và da diết. Nên khổ cuối cũng là một giãi bày gấp gáp, minh chứng cho tình cảm bao dung, độ lượng và thiết tha của người con gái, mà cũng là của tác giả để thông điệp đến người yêu:

Muốn giữ mãi trong lòng mình yên lặng
Để người đi như một khách qua đường
Chỉ e ngại trên dặm dài trưa nắng
Anh cháy lòng không thấy suối yêu thương!

Kết thúc bài thơ mà thông điệp nhân ái và triết lý về tình yêu vẫn hiện lên trong tiếp nhận của người đọc. Họ như được tiếp thêm sự ngọt ngào, tươi mát của suối nguồn dào dạt yêu thương nơi người con gái nhân hậu, nguyện hiến dâng tình yêu say đắm.

***

Bài thơ có cấu trúc chân phương, nhưng thể hiện sự vững vàng về thi pháp cấu trúc. Mỗi khổ 4 câu, mỗi câu 8 từ (trừ khổ đầu), phân bổ theo luật bằng trắc chuẩn, tạo thành nhịp tình cảm cố định trong mỗi câu (chủ yếu là nhịp 3/3/2); gieo vần gián cách chặt chẽ (câu 1 gieo vần với câu 3, câu 2 gieo vần với câu 4), tạo thành nhạc tính vang vọng nhưng dứt khoát cuối mỗi khổ thơ. Thấp thoáng tác giả có sử dụng biện pháp ẩn dụ (tuổi trẻ), hoán dụ (nhan sắc, biển rộng, cánh buồm) và nhân hóa (hoa cuối mùa) để tạo độ hàm ẩn và tạo sinh nghĩa cho bài thơ. Hương gửi lại là một trong nhiều bài thơ hay của Lệ Thu, có khả năng nội cảm hóa trong lòng người đọc sâu nặng.

Vỹ Dạ, đêm 17.3.2020
HỒ THẾ HÀ

Hương gửi lại

LỆ THU

Cái còn lại sau nửa đời nhận, cho – sàng lọc
Là tình yêu muộn màng của anh
Không thề thốt, dỗi hờn, nước mắt
Thắt buộc ta không một sợi chỉ mành

Lửa cháy đượm không gây tàn muội khói
Đắng tận cùng là vị ngọt cao sang
Biển anh rộng cánh buồm xa mệt mỏi
Trách chi nhau hờ hững trước nồng nàn

Không điều kiện, không chút gì thắc mắc
Nhận về mình tất cả nỗi đau thương
Khi tuổi trẻ đi qua cùng nhan sắc
Hoa cuối mùa xin gửi lại nguồn hương

Muốn giữ mãi trong lòng mình yên lặng
Để người đi như một khách qua đường
Chỉ e ngại trên dặm dài trưa nắng
Anh cháy lòng không thấy suối yêu thương!

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

* Chú thích: ảnh minh họa – internet

 

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…