Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Làng Trảo Nha, quê nội của Xuân Diệu, nay là thị trấn Nghèn, một thị trấn miền Trung nhỏ nhoi, xinh đẹp nằm hai bên đường số Một, chắc chắn đã không xa lạ với nhiều người trên đường hành quân ra mặt trận những ngày chiến tranh chống Mỹ. Tôi thuộc thị trấn này như thuộc bàn tay mình vì tại đây, tôi có những ngày theo cha là nhà giáo trường huyện, học hết những năm phổ thông trung học. Cũng tại đây, mấy năm trước, năm lớp bảy, mới khoảng mười ba, mười bốn tuổi, cuốc bộ tám cây số từ Cầu Trù lên Nghèn để thi học sinh giỏi cấp huyện, không biết ngủ đâu để ngày mai dậy cho kịp buổi thi, tôi đã trèo tường chui vào một lớp học, một mình kê bàn qua đêm ngon lành. Tôi nhớ đó là một ngày tháng Mười Hai. Sau này khi đã lên những lớp trên, vào những buổi trường nghỉ học, tôi hay tò mò vào thăm lại dãy bàn đã ngủ qua đêm năm nào với rất nhiều cảm giác. Những cảm giác không bao giờ quên, tựa như đã từng một lần… dan díu với đất Nghèn!

Thị trấn có dòng sông nhỏ, trong vắt chảy quanh một cụp rú (ngọn núi) cũng chẳng lấy gì làm cao lắm, nhưng bao quanh cụp rú là những rặng xoan, đến mùa tháng Ba thả tơi bời những cánh hoa trắng tím xuống dòng sông, rồi làn nước biếc lặng lờ mang những cánh hoa nhỏ ấy không biết trôi đến tận đâu. Cả dòng sông, cụp rú và thị trấn cùng mang chung một cái tên: sông Nghèn, rú Nghèn, thị trấn Nghèn. Xuân Diệu là người Nghèn.

Bạn thấy đấy, có những dòng sông không thật hùng vĩ, chỉ vài chục sải tay là sang đến bên kia bờ, mà sao cứ chảy trong ta thao thiết tưởng như từ ký ức sâu thẳm chảy về, tưởng như sẽ miên man chảy mãi, nhất là những đêm không ngủ, nhất là những khi ốm một mình! Riêng tôi mỗi lần nhớ về sông Nghèn là y rằng có một ánh mắt đen và trong, mới hôm nào cùng sang một chuyến đò, hiện lên.

Trèo lên đỉnh cụp rú Nghèn, bốn phía không gian bán kính chừng non chục cây số, là một vùng hình sông thế núi thuộc quần thể rú Ông (núi Hồng Lĩnh) với chín mươi chín ngọn lẩn khuất trong mây. Rú Ông còn gọi là Ngàn Hống, cao trên tám trăm mét, chiếm một khoảng diện tích chừng ba chục cây số vuông, đứng một mình, cách biệt với dãy Giăng Màn phía Tây, nhô lên giữa một vùng đồng bằng ven biển, tự mình xây núi lớn(*), như chẳng bao giờ vướng bận một điều gì, vì chẳng bao giờ phải dựa dẫm vào một ai, lại càng không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ một sức mạnh nào. Nghìn năm trước đã thế, nghìn năm sau sẽ vẫn còn như thế.

Ven theo chân Ngàn Hống là những làng Việt cổ lâu đời, xinh đẹp, với những cái tên xa lắc thời gian như Kẻ Treo, Kẻ Cài, Kẻ Đạu, Kẻ Lù, Kẻ Chòi, Kẻ Đạm…, quây tụ làm thành một vùng văn hóa Hồng Sơn, mà bên tê núi là những Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, bên ni núi là những Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Tự… Giữa những đợt núi cao ngất là khe truông – truông Vắn, nơi ngày trước Nguyễn Tiên Điền bên nớ đạp sim mua qua bên ni hát ví phường vải thâu đêm với các o gái xinh đẹp Trường Lưu…

Cách Nghèn vài cây số, phía đò Thuận Chân là quê hương hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung, những bậc hiền tài, trung quân ái quốc nhất mực, một thời cắp ngang ngọn giáo qua bến sông này đi đánh giặc, cứu nước, mãi mãi không trở về, để lại những vần thơ cảm khái, làm nao lòng những thế hệ về sau:

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma

Mài gươm dưới ánh trăng là hùng khí và lãng mạn, là binh đao và văn chương cuộn chảy tự nhiên bao đời trong tâm thế thường dân ở vùng đất nghèo này. Nghèo nhưng xinh đẹp và thơ mộng. Xinh đẹp, thơ mộng nhưng triền miên giặc giã, liên tục động binh, loang lổ bom đạn trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước của dân tộc.

Qua đò Thuận Chân là con lộ liên hương rải sỏi đỏ, chạy giữa hai bờ ngô khoai xanh len lét trong nắng buổi sớm. Tháng Chạp khô hanh, cỏ và những nụ hoa tím bé li ti hai vệ đường lấm đầy bụi đất. Nhưng trải rộng đến tận chân Ngàn Hống là những vạt hoa cải vàng kế bên những bãi mía dong dóng tím như báo hiệu đã đến thời khắc một ngày cuối năm. Những vạt hoa rung nhè nhẹ mỗi khi gió từ biển thổi lên, miên man cả trong những giấc mơ.

Theo con lộ này, từ Nghèn về chừng dăm cây số là Cầu Trù, một vùng dân cư nghèo, lặng lẽ bị bao vây bốn phía nước mặn. Phố Cầu Trù là hai dãy nhà tranh vách đất, kiểu nhà chị Dậu, bạc phếch, dãi dầu, lấm bụi, buồn vắng đến ngơ ngác. Vậy mà có lần, hồi học lớp sáu, giờ làm luận (tập làm văn), đề cô giáo cho tự chọn, tôi đã hì hục tả về thành phố Cầu Trù với hai dãy phố, không một ánh đèn điện, không một cửa hàng, cửa hiệu, không một bóng dáng ô tô… này. Mọi thứ được bịa ra. Bịa ra cả một nhà ga xe lửa ồn ào, náo nhiệt, đang lăn bánh ầm ầm qua thành phố (một điều không bao giờ xảy ra trên đất này). Bài luận viết trong cơn hứng khởi, dài mấy trang giấy năm hào hai. Hôm trả bài, như mọi lần cô giáo đọc to lên trước lớp để làm mẫu. Tôi hồi hộp. Nhưng rồi hóa ra cô giáo nói, các em không bao giờ được bịa ra như thế này! Tai tôi ù đi. Và tất nhiên là điểm số thì thật kinh khủng! Không muốn nhớ nữa!

Cầu Trù sẽ buồn vắng hơn biết bao nếu tại đây không có ngôi trường cấp II nơi chúng tôi vẫn ngày ngày từ bốn phía tụ về học tập. Thuở ấy cho dù là ngày mưa hay ngày nắng, học trò từ rú Bin, rú Bơờng, từ Kẻ Lù, Kẻ Đạu, Kẻ Chòi… vẫn mang tơi, đội nón, đi chân đất đến trường. Vui nhất là những ngày học hai buổi, học sinh phải mang theo cơm để ăn trưa. Chưa học xong giờ buổi sáng đã thấy kiến bò bụng, có đứa thò tay vào gầm bàn sờ nắn mo cơm, rồi nhằm khi thầy đang cắm cúi viết bảng, liền cúi xuống làm một miếng. May mà thầy không nhìn thấy!

Nhà em bên nớ Kẻ Lù
Có bụi tre rậm rậm, có bụi trù (trầu) mới lôông (trồng).

Đó là câu đáp trong giờ ra chơi của một o xinh đẹp lớp bên cạnh trả lời chàng trai bị điểm 1 bài luận tả thành phố Cầu Trù hôm nào! Cô gái nói rồi đưa một ngón tay viết lên không trung con số 1. Hóa ra bài luận của tôi cả trường đều biết!

Nhưng Cầu Trù bỗng thay đổi kích thước, hình dạng vào một ngày nắng tháng Mười Hai, năm chúng tôi lên lớp sáu. Đó là một ngày trọng đại của Cầu Trù. Một sân trường nhấp nhổm toàn những cô bé, cậu bé lớp năm, lớp sáu tóc hoe lông bò hệt như tóc nhuộm gôm nâu Hàn Quốc của các chàng trai, cô gái thị thành bây giờ đang nóng lòng chờ ông nhà thơ Xuân Diệu từ Nghèn về nói chuyện thơ. Thơ mà cũng có chuyện để nói là nghĩa làm sao? Không ai hiểu! Mà Xuân Diệu là ai? Cũng không ai biết.

Cũng không ai nhớ ông nhà thơ đã nói những gì. Chỉ nhớ cuối buổi chiều, khi đã kết thúc, một tốp học trò lít nhít được nhà trường gọi lên đi tiễn thi sĩ họ Ngô về Nghèn, vì nhà trường lo đường xa, cầu phà phức tạp, hành lý của nhà thơ lại nặng, toàn khoai: khoai củ, khoai khô, khoai deo (thứ luộc lên thái mỏng, phơi khô ăn dần), thứ quà thượng thặng của Cầu Trù. Ông nhà thơ hộ pháp ngúc ngắc cái đầu bù xù đi trước. Một đoàn năm sáu đứa lôi thôi sĩ tử lặc lè những bị khoai theo sau, hệt như một đoàn múa lân. Đường quê tháng Chạp bụi vần lên đỏ rực giữa một vùng hoa cải vàng theo đến tận mép sông.

Đôi khi có những cuộc gặp gỡ và đưa tiễn ngẫu nhiên, không hề định trước, không hề chờ đợi, nhưng để lại trong ta ký ức bền lâu, hầu như theo ta suốt đời!

Không hiểu vì sao, sau này biết bao lần từ Cầu Trù lên Nghèn, qua đò Thuận Chân, tôi thường nghĩ tới Xuân Diệu. Có những miền ký ức xa lắc xa lơ mà thật hiển hiện, thật thanh sạch và thánh thiện, thật khác thường và khó hiểu, đủ sức vượt qua những lớp bụi thời gian, vượt qua những nỗi buồn thường nhật, những trần tục của cuộc đời. Đó là miền ký ức về các thi sĩ. Có những lúc có cảm giác, trời xanh mây trắng và trăng sao, màu vàng mật của lúa chín, vạt hoa cải vàng ong bay cuối năm… cần hơn cả cơm ăn và nước uống.

Vẫn là con đường liên hương nhỏ bé ấy, con đường từ Cầu Trù lên Nghèn, vậy mà tôi nhận ra biết bao điều trước đó không hề thấy. Có khi là một bông hoa nhỏ xíu tím ngắt trong lùm cỏ. Có khi là bầy sẻ đồng ríu rít bên vạt lúa chín. Là mùi bùn hăng ngái hoặc vạt cỏ năn đổ rạp, nổ lép bép khi mũi đò vừa lướt qua. Là vạt lửa cháy rừng như một chiếc nhẫn vàng khổng lồ trên Ngàn Hống đêm này qua đêm khác… Còn rất lâu những điều nhỏ nhoi ấy và vạt cháy rừng kia mới chịu tắt trong ký ức!

Xuân Diệu không hề nói về những điều ấy, nhưng hình như ông nhằm đến những điều ấy, đánh thức những điều ấy trong mỗi con người, trong những người trẻ tuổi. Rằng không phải chỉ biết nhìn mà phải biết nhìn thấy, rằng không phải chỉ sống mà phải biết sống với muôn loài xung quanh. Vì chỉ thiếu đi một thứ, như thiếu đi đàn kiến đang lăng xăng vô danh kia chẳng hạn, biết đâu lại chẳng có cánh rừng nguyên sinh kia…

***

Những năm sau, mỗi khi cầm bút tập tọe viết gì đó, những người tôi nhớ nhất lúc đó là cha tôi, cô giáo và Xuân Diệu. Cha tôi và cô giáo là người cầm tay chỉ việc, rèn viết cho đẹp, cho đúng ngữ pháp trước lúc làm những việc khác, Xuân Diệu chắp cánh cho những gì phía sau những cái đó, những gì rất hiển hiện với tôi nhưng lại rất khó gọi tên.

Cái khó gọi tên này, tháng Mười Hai năm 1979, lần Xuân Diệu sang thăm Liên Xô, tại quán cà phê nhỏ trên phố Ghecxen gần Hồng trường Matxcơva, cùng ông ngồi đến tận khuya, chuyện vãn, trước khi ra về, tự dưng nhớ tới câu thơ Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya, muốn ông giải thích tại sao hay thế và ông đã chịu, không thể. Cảm thấy mà không thể gọi tên, đó là một bí mật của thơ, đó là sự mời gọi của văn chương nghệ thuật. Vì nó mà ta có thể đánh đổi cả đời mình. Nó có thể biến ta thành một kẻ ngu ngơ giữa cuộc đời!

Hôm sau, trước khi về nước, ông nhờ tôi dẫn đi thăm khu lưu niệm cuộc Chiến tranh vệ quốc năm 1812 của người Nga chống lại đội quân hùng mạnh của Napoleon, nhân tiện mua vài thứ làm quà cho người ở nhà. Còn hơn một chục rúp, ông quyết định mua một chiếc quạt tai voi, thứ quạt tốt nhất thế giới, mà ai đó, trước chuyến đi của ông đã dặn cố tìm bằng được. Mùa đông nước Nga, có lúc âm 40 độ, chắc chắn còn là nỗi kinh hoàng của những ai không quen với giá lạnh. Chẳng thế mà những tên lính thiện chiến của Napoleon đã không ít kẻ từng bỏ mạng với cái rét chết người tại đây. Mặc, Xuân Diệu nai nịt gọn gàng, hăm hở cùng tôi mở một chiến dịch lùng sục, vì ông nghe nói rằng thứ này tốt và rất hiếm vì vậy ông động viên tinh thần cho tôi trước khi lên đường. Quả nhiên, hai ngày trời, sùng sục hết cửa hàng đồ điện này đến cửa hàng đồ điện khác, vừa ngoi lên khỏi tàu điện ngầm này lại lộn xuống một Metro khác mà tịnh không có một tên tai voi nào. Sáng sớm ngày thứ ba, Xuân Diệu chưa chịu thua liền nghĩ ngay đến những cửa hàng đồ điện cũ may ra có thằng cha hớ hênh nào đó bày bán, mình gắng đi sớm không người ta bán mất thì uổng quá. Thế là lại đi. Lặn ngòi ngoi hóp thêm một ngày nữa mà vẫn không nhìn thấy ông tai voi khốn khổ nọ. Tớ thua! Xuân Diệu rút khăn lau mồ hôi lấm tấm trên trán, phủi những bụi tuyết bám trên áo quần, thở dài mệt mỏi, ngúc ngắc thừa nhận thất bại, và nói thêm, mà anh Diệu không bao giờ bị đo ván như vậy đâu nhớ! Chiều muộn hôm ấy chúng tôi ghé chợ nông trang mua hai ký thịt bò, mấy chai bia trả thù chuyến truy lùng đại bại. Xuân Diệu đả thật lực, coi như ăn cho tiêu chuẩn năm sau của mình rồi! Ông ngúc ngắc đầu thừa nhận. Tôi quá đỗi buồn vì không mua được quạt tai voi, một việc nho nhỏ như vậy mà không thể hoàn thành để ông ra về không vui. Và buồn hơn là khi anh bạn người Nga cho chúng tôi biết rằng loại quạt tốt nhất thế giới này Bộ Công nghiệp Liên Xô đã cho ngừng sản xuất cách đó mười năm!

Rồi cũng vào một ngày tháng Mười Hai, ngày 25 tháng 12 năm 1985, tôi đứng trong một góc khuất nhìn những ngọn nến cháy lặng lẽ trên hai đầu áo quan của ông, nghe trọn bài điếu nói về một cây lớn nằm xuống… nước mắt tự dưng chảy tràn.

***

Tôi là con chim đến từ núi lạ – Xuân Diệu viết về mình như thế. Có thể ông đã đến từ một trong chín mươi chín ngọn Ngàn Hống, nơi có những trận cháy rừng thâu đêm suốt sáng, nơi miền đất im lìm đứng lên tự mình xây núi lớn, hay là chính ông, bằng tài năng và lao động miệt mài hiếm thấy, đã tự biến mình thành một trong chín mươi chín ngọn cao nhất của dãy Ngàn Hống quê hương ông?

* Ảnh minh họa: Internet

LÊ THÀNH NGHỊ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…