Hồ – Thế – Hà – Thơ

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). 

– Lấy si mê làm mồ côi
Lấy bóng tôi để đứng ngồi làm đôi
– Người đi lạc hút hình hài
Mơ tàn canh mộng ra ngoài tàn canh
(Hồ Thế Hà)

Hồ Thế Hà là một con người đa diện. Anh là nhà giáo nhiệt thành với tri thức. Và, quan trọng hơn, với sinh viên. Nhà phê bình nghiên cứu văn học sôi nổi, tinh tế. Người bạn chân thành, vô tư và cởi mở. Người cha tận tâm của gia đình. Nhưng, trên hết, Hồ Thế Hà là một nhà thơ. Phải, thơ mới đúng là thực chất con người anh, mới là mặt chủ đạo có khả năng ảnh hưởng sâu đậm đến đạo đức nhà giáo, tư cách nhà phê bình văn học, trách nhiệm người cha của gia đình và vai trò của con người xã hội. Bởi vậy, có thể gọi, Hồ Thế Hà là Hồ – Thế – Hà – Thơ. Thơ, chính thơ, là định ngữ, thậm chí thuộc tính, của Hồ Thế Hà, và, ngược lại, con người Hồ Thế Hà cũng là định ngữ, thuộc tính của thơ anh.

Hồ Thế Hà quê ở Bình Định. Một vùng đất như quy tụ những đặc điểm đối nghịch nhau. Núi như chồm ra biển, còn biển thì ngoạm sâu vào đất liền. Những dòng sông, khi dữ dội khi hiền hòa, chở màu lá và màu đá từ rừng ra biển. Còn biển thì xanh, cát thì trắng. Bình Định cũng là đất tuồng và đất võ. Còn có trường trung học Pháp – Việt Quy Nhơn, một trong bốn trường duy nhất trên toàn cõi Việt Nam từ đầu thế kỷ: Pétrus Ký Sài Gòn, Khải Định Huế, Trung học Bảo hộ/ Bưởi Hà Nội. Một thổ ngơi mang tính dương như vậy, nên đã sản sinh ra những con người dương tính: Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, một mặt, mặt khác những nhà thơ Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Họ, hoặc sinh ra ở đất này, hoặc ở nơi khác về đây tụ bạ để làm nên Trường thơ Loạn. Một địa – văn hóa Quy Nhơn, Bình Định như vậy, không thể không ảnh hưởng đến cậu bé Hồ Thế Hà. Nhưng là một ảnh hưởng ngược lại, một cơn sóng dồi.

Hồ Thế Hà suốt thời thơ ấu chỉ sống với mẹ. Bố anh đi tập kết ra Bắc và có gia đình riêng ở ngoải. Nam tính lúc này hình như đã hé ra một cái gì đó không đáng tin cậy. Tất cả như một bức màn trắng:

Mẹ sinh tôi trắng tay nghèo
Trắng lời ru, trắng những chiều mồ côi
Hoa mua trắng một góc đồi
Mẹ tôi trắng tháng ngày trôi đợi chồng
(Trắng)

Trong một khung trắng như vậy, sự quá gắn bó với người mẹ, việc không có người cha ở bên cạnh để làm một đối trọng cạnh tranh tình cảm của người mẹ đã khiến cậu bé Hà nhuốm nhiều tính nữ. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình éo le, không mồ côi mà thành mồ côi, làm Hồ Thế Hà rơi vào cô đơn:

Tuổi thơ tôi trắng cánh đồng
Cánh cò trắng nhớ chiều không bóng người
Trắng chờ mong tuổi hai mươi
Cơn mưa trắng xóa chân trời chiến tranh
(Trắng)

Và, để thoát khỏi nỗi cô đơn ấy, Hà chỉ còn một cách là mơ mộng. Bởi chỉ có trong cõi mộng mơ, cái tôi nhỏ bé đơn côi ấy mới có thể tự trương phồng bản ngã để đối chọi với đời một mặt và mặt khác được nói lên tiếng nói tự do của mình, được tranh cãi với chính mình, được phân thân làm những nhân vật thần tiên, kiếm khách… Và, sau này, được làm thơ.

Đối diện với bộ mặt gớm ghiếc của chiến tranh biên giới Tây Nam, tính nữ trong Hồ Thế Hà có phần teo lại để thích ứng với tồn vong của lính chiến. Rồi sau đó, anh ra Huế học Văn. Huế cũng như Đà Lạt, là một xứ mộng mơ, nơi còn lưu giữ được những trầm tích văn hóa, trong đó là văn học. Học xong, Hà ở lại trường, dạy văn. Thời gian học và dạy ở Huế, Hà yêu nhiều nhưng thất bại cũng lắm. Hoặc người ta, người nữ ấy, không yêu cái nữ tính ở/ của anh. Hoặc anh mải đuổi theo người nữ tuyệt đối trong/ ở anh, như chị Trúc của Nguyễn Bính, chị Hoài của Nguyễn Tuân, Kì nữ, Gái muôn đời của Đinh Hùng, Người đàn bà vĩnh cửu của Block:

Tuổi thơ chẳng kịp chờ nhau
Đường tình duyên chạy nát nhàu bàn tay
Lối vào tình sử lưu đày
Hoa trinh nữ khóc đã gầy giọt ngâu
(Nhớ mồ côi)

Ai xui tôi lang thang em
Con đường thì xót, cỏ mềm thì đau
(Nốt ruồi duyên)

Người đi lạc hút hình hài
Mơ tàn canh mộng ra ngoài tàn canh
(Nến tình)

Thì đành về ép cơn mê
Mượn màu son phấn vỗ về phấn son
(Vỡ tan)

Thất vọng với mười hai bến nước, Hà cắm sào cùng nữ thi sĩ Thúy Nga, người Huế gốc. Và có một cô con gái, tiến sĩ văn chương Hồ Tiểu Ngọc, nối gót cha dạy văn, nghiên cứu thơ nữ thời Đổi mới.

Hồ Thế Hà đã cho in nhiều tập thơ: Khoảnh khắc (1993), Nghìn trùng (1994), Xác thu (1997), Thuyền trăng (2014), Tơ sương (2017), Xem mơ (2018) và đặc biệt là Nến tình (Nxb Văn học, 2021). Các tập thơ trước là sáng tác của từng giai đoạn, có những cảm hứng khác nhau, thậm chí có thể thời thượng, theo những thể thơ khác nhau, thậm chí có thể rất cách tân, nhưng lại có thể xếp kề cận nhau theo trục thời gian tuyến tính. Còn tập sau, mới nhất là Nến tình, được viết ra ở những thời điểm bất chợt khác nhau, vào những lúc Hà quên hết tất cả ngoại cảnh, chỉ còn mình đối diện với chính mình. Chính trong những giờ phút ấy, con người bản thể, con người trong con người của anh mới bộc lộ trọn vẹn. Các bài thơ trong tập, bởi vậy, không thể và không cần nhìn bằng con mắt thời gian, nó mang đậm tính không gian của bản thể. Nó tìm được một thể thơ lục bát tương thích nhất với nó, với điệu tâm hồn của Hồ – Thế – Hà – Thơ. Nến tình, do đó, là tập thơ đi vào lòng người nhất của Hà. Bởi, mỗi người dù khác Hà đến đâu thì cũng đều thấy một mảnh lòng mình ở Nến tình.

Con người tự thân là một thực thể lưỡng giới. Bào thai học đã chứng minh điều này, khi biết rằng chỉ sau một vài tháng tuổi thai nhi mới hình thành giới tính. Đây cũng là lúc thân thể thai nhi được cấp một linh hồn. Nhưng giới tính này không loại trừ hết giới tính kia, mà bao giờ cũng còn là một căn tính đối lập. Trong thái âm thì có thiếu dương, trong thái dương thì có thiếu âm như ở hình thái cực đồ. Còn Jung, nhà tâm lý học các chiều sâu, thì gọi cái căn tính nữ trong người nam là linh âm (anima), cái căn tính nam trong người nữ là linh dương (animus). Căn tính nam nữ, hay thiếu âm thiếu dương này là hình mẫu lý tưởng chi phối người nam người nữ lựa chọn “một nửa” hay “nửa kia” của mình. Có điều nếu người nữ đi tìm linh dương của mình chỉ ở một người đàn ông, thì người nam, ngược lại, đi tìm linh âm của mình qua nhiều người đàn bà. Bởi vậy, giữa thuyền và bến, thủy chung không phải là vấn đề của đạo đức, nhất là đạo đức hương nguyện, mà là vấn đề của phân tâm học. Không phải tại anh tại ả hay tại cả đôi bên, mà chung quy lại là tại vô thức. Riêng đối với Hồ Thế Hà, một người âm nam (sinh 1955 – Ất Mùi) như vậy, thì, để tạo được thế cân bằng, phải hướng đến những người đàn bà dương nữ.

Như vậy, ở Hồ – Thế – Hà – Thơ, thì Nến tình là Hồ Thế Hà nhất, và, do đó, cũng là thơ nhất. Bởi, ở đây, Nến tình là câu chuyện một chàng thi sĩ đi tìm căn tính nữ của mình. Hành trình tìm lại bản thể, cái bản lai diện mục ấy, của Hồ Thế Hà là một “con đường đau khổ”. Hà đã gặp nhiều để mong tìm thấy Một. Mong tìm một hợp nhất về Một. Nhưng, chân trời thì luôn vẫy gọi. Và cũng luôn lùi xa. Thôi đành mình gặp mình trong huyễn tưởng: “Em ơi, rượu chỉ một bầu/ Thơ thì một túi, nỗi sầu một bao/ Tình yêu một biển sóng trào/ Nụ hôn đợi một nụ trao nồng nàn/ Đời buồn một kiếp lang thang/ Em đi một chuyến đò ngang muộn về/ Đợi em tàn một cơn mê/ Tỉnh ra mới biết mình mê một mình/ Bao giờ trọn một cuộc tình/ Cho tôi thôi hết lênh đênh một đời/ Gọi em một tiếng giữa trời/ Vầng trăng thì vẫn lẻ loi một vầng/ Bao giờ tôi thôi một thân/ Để thôi nuối tiếc một lần yêu em” (Một).

Trong huyễn tưởng tìm về Một này, Hồ Thế Hà rất cô đơn, rất đau khổ vì thất bại. Nhưng trong đời sống ngoài xã hội, Hà vùi nỗi đau của mình vào sự lạc quan, bông lơn và tiếng cười. Anh tạo ra một hình ảnh khác về mình. Như đứa trẻ, lúc nào cũng ngạc nhiên trước cuộc sống. Chả thế mà bạn bè anh chế tác tên anh, Hồ Thế Hà thành ồ thế à để chỉ nét tính cách trò chơi này. Như vậy, vui đùa thoạt tiên chỉ là chiếc mặt nạ xã hội của Hồ Thế Hà để che giấu con người bản thể trong/ của anh. Nhưng lâu dần lộng giả thành chân đã hóa nên con người thứ hai, con người ngoại hiện của Hà. Điều này tạo nên một sự kết hợp kỳ lạ, một cuộn kết những mâu thuẫn, đối nghịch: thú đau thương! Giờ đây, với Hồ Thế Hà, nỗi đau bản thể ấy đã trở thành một thú vui. Anh mân mê, chơi đùa với nó. Và anh làm thơ.

Để kết thúc sự giải “một nỗi đau bất khả giải” (Yến Thanh, Lời giới thiệu, tr.9), tôi muốn trở lại với bài thơ đầu tập và cũng là tên của cả tập: Nến tình. Và, cũng như Nguyễn Mạnh Tiến trong Lời tâm sự của Lửa – nến – tình (tr.75-84), bài thơ làm tôi nhớ đến tác phẩm Lửa nến (La flamme d’une chandelle) của nhà phân tâm học trường phái Jung là Gaston Bachelard. Khác với lửa hỏa ngục, lửa lò sưởi, lửa của rượu mạnh,… lửa nến mới thực sự là ngọn lửa của con người cô đơn. Một mặt, đây là ngọn lửa có quầng sáng hạn chế, đôi khi nó chỉ chiếu sáng được cho chính nó. Mặt khác, trong khi tự đốt mình thành ánh sáng, ngọn nến làm thức dậy những mộng mơ: “Tôi ngồi thắp nến trong đêm/ Thương đôi lệ nến nhỏ loang vết buồn/ Ngọn lửa có dáng môi hôn/ Thủy chung màu nến vẫn còn trắng trong/ Tôi giờ vẫn thắp đợi mong/ Nhìn từng giọt nến tan trong sắc hồng/ Tan rồi còn lại linh hồn/ Tôi còn thắp nến, nếu còn thương tôi” (Thắp nến). Nến tình, bởi vậy là Hồ – Thế – Hà – Thơ.

Cuối cùng, mỗi khi nhớ tới Hồ Thế Hà, tôi cứ hình dung anh là một ngọn nến. Nến tình Hồ Thế Hà không phải đang cháy sáng trong một căn phòng yên tĩnh, mà ở ngoài trời đầy giông gió. Một bên thân nến vẫn còn nguyên, còn bên kia đã chảy tan thành dòng lệ.

Hà Nội, 02.2022

ĐỖ LAI THÚY

(Văn nghệ Bình Định số 108 tháng 4.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nói với con hay tự nói với mình

Bài thơ “Sớm mai con vào lớp ba” Y Phương viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết…

Văn học và âm nhạc Nga trong tôi

Bây giờ, mỗi khi đọc lại thơ Puskin, thơ Lermantov, thơ Blok hay thơ Êxênhin, tôi vẫn cảm nhận được mùi hương đặc biệt của những cánh đồng Nga, vị ngọt của gió…

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…