Hãy tự mình trồng một cái cây, từ tâm…

(VNBĐ – Tản văn). Tôi chạy đi tìm bầu trời xanh trong, dịu mát trên đôi tay của cha, của mẹ. Đôi tay vun xới, chăm bẵm màu xanh hy vọng trong tôi. Trồng một cái cây để nghe hơi thở của đất. Trồng nhiều cái cây để nghe nỗi đời giăng mắc khát vọng nhân sinh. Lời ru mạch nguồn sự sống thấm vào da, vào thịt. Cây lớn lên là lúc tôi núp vào tán lá, nghe lá thủ thỉ, tâm tình.

Cái cây trong tôi vẫn luôn thầm nhắc về những hoài niệm xưa cũ. Ngày tôi được sinh ra, cánh đồng đã có tự bao giờ. Mẹ tôi vốc những mầm hạt thả vào tháng năm. Mẹ tôi giặt áo trên khúc sông ru lời nguồn cội. Tôi tắm mát bao buổi trưa hè. Cánh diều đón tôi, chở tôi đến với khoảng trời xanh mà sau này lúc nhiều nắng gió, bão dông tôi mới hiểu: càng bay cao, bay xa càng cần bước chân lội bùn níu dây kéo lại, ghì giữ. Tôi đi trên khắc khoải cỏ úa, rạ nâu. Tôi bện dãi dầu vào trong tóc cháy. Mỗi khi thấy khói đồng, khói bãi tôi vịn thơ tôi lội dọc triền đê. Hăm hở trở về, níu gọi giấc mê thân cò đồng xa, quãng vắng. Và tôi dẫu nắng trong mắt mẹ cũng chưa trả hết ngược xuôi bao mùa bão lũ. Tôi lại tự mình ấp ủ, trồng thêm, thêm nữa xanh thắm mùa cây. Để rồi mong mỏi tháng năm trả cho tôi trái ngọt sau này.

Cái cây trong tôi cũng giống như bao cái cây mọc lên sự sống khác. Bắt đầu bằng hai mắt lá khẽ chụm vào nhau như đôi bàn tay. Mẹ tôi áp lời thì thầm lên đó, cha tôi quệt vội những vết chai lên đó. Cuối cùng, sau mỗi gân lá, sau đốm loang vàng lá tôi thấy đâu là đồi mồi, rạn mỏi chân chim. Những chiếc lá cứ thế nhân bản, thêm nhiều, thêm nhiều nữa cho đến khi cây đủ tầm với, cây đủ sinh sôi. Chiều cao, tán rộng của thân cây tương ứng với độ bao phủ, ăn sâu của rễ. Rễ bám mạch ngầm, rễ trẩy phù sa. Cứ âm thầm như thế rễ chắt lọc tinh túy nuôi cây lớn dần, lớn dần theo năm tháng.

Tôi mang theo cái cây đó đi xa. Cái cây vẫn khỏa bóng cho tôi dịu mát tâm hồn. Biết là chẳng có nơi nào máu thịt hơn quê. Đất thị thành cằn cỗi, lời thị thành nắng dội, mưa tuôn. Tôi cất giấu cái cây nhỏ bé vào thật sâu đáy nhớ. Đã có lúc nhịp tim hồi hộp, khẽ run theo mạch thở chảy trong huyết quản mình. Tôi ngại những va chạm, tôi ngại bị cuốn theo chiều gió. Đôi khi, cái cây như muốn vỡ một khoảng trời trong. Ở đó bão dông, tôi thấy cây tưởng như bật rễ.

Những khi không còn điều gì để nhớ. Tôi ngồi đối diện với cây. Chạm những đủ đầy thương đời héo úa.

Tôi lại tiếp tục nuôi dưỡng. Và tôi biết chỉ có nuôi dưỡng sự hàm ơn. Cây hiểu điều đó, cây biết điều đó. Nhưng không phải cứ biết ơn, hàm ơn là tạc vào cây. Có khi là lời không đầu, không cuối. Cũng có khi là lời nói dối. Tôi chạm vào sự chân thật là khi tôi nhìn thấy những loài cây mọc nơi khô khát. Và mọc cả ở những biển rộng, triền cao. Từ đó tôi hiểu hơn nuôi dưỡng được sự chân thật cũng là đã chạm vào mắt lá, cũng là với tôi tất cả. Chẳng phải mắt lá cũng mờ dần, phai dần vì sương, nắng, gió đấy thôi nhưng cuối cùng vẫn nguyên vẹn khẽ rơi, chao nghiêng thềm nắng. Nhân sinh một chiếc lá, nguyên vẹn lối hàm ơn.

Tôi trồng một cái cây bầu bạn. Lúc rảnh rỗi tôi nhấp chén trà thấy tiếc nuối vì mình có lúc không tận cùng với khắc khoải, không tận cùng với tâm giao. Có lúc mường tượng cây mọc trên những vì sao hẳn là nghĩ suy lấp lánh. Cây sẽ không bao giờ là tri kỷ được nhưng cây có thể xoa dịu, chữa lành bằng lắng nghe, thấu cảm tôi kể về bề bộn xung quanh. Khi tôi tưới tắm cho cây cũng là lúc bình minh ló rạng. Và lúc này mặt trời êm dịu, tôi nhặt nhạnh sương sa man mác đám cỏ hiền.

Tôi trồng một cái cây bình an. Tôi luôn tự vấn lòng mình rằng vẻ đẹp thực sự của cuộc sống luôn đến từ những điều giản dị, mộc mạc nhất. Và rằng cuộc đời sẽ thật khốn khổ nếu thiếu đi lòng yêu thương và niềm trắc ẩn. Tôi nhớ đến câu chuyện “cây cam ngọt của tôi”. Câu chuyện kể về một cậu bé trên hành trình khám phá nỗi đau và tình yêu thương. Cậu bé ấy sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con. Nỗi khắc khổ luôn bủa vây thường trực đã biến một cậu bé tinh nghịch, nhạy cảm, thông minh, có trái tim thiện lương và trí tưởng tượng tuyệt vời trở nên lo lắng, bất an, sợ sệt. Cậu bé ấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Những lằn roi, hắt hủi, đánh mắng đã đẩy cậu ra xa. Cậu không biết chia sẻ, tâm sự với ai ngoài người bạn đặc biệt là cây cam ngọt. Chính cây cam ngọt đã nuôi dưỡng tình yêu, nuôi dưỡng tâm hồn cậu. Nhưng thật buồn khi cây cam ngọt không còn nữa thì khoảng trống trong lòng cậu bé mãi không thể lấp đầy. Cậu bé ấy đáng thương biết nhường nào khi còn nhỏ đã phải chịu những tổn thương như thế. Vậy đó, trồng một cái cây đã khó, chăm sóc, nuôi dưỡng, đi đến tận cùng để thấy hàm ơn, để thấu cảm, yêu đời, thương người và nhận ra mình cũng là một cái cây mới khó làm sao. Chính mình tưới tắm cho mình. Tưới với thái độ như thế nào sẽ nhận ra được mạch nguồn cuộc sống như thế.

Tôi trồng một cái cây trong từng suy nghĩ. Để rồi tóc xanh như lá, tóc sương như lá. Nhưng tóc không phai màu, không úa. Và tôi chất chứa điều ngọt ngào hơn thế: hạnh phúc tự tâm mình.

DƯƠNG THẮNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tiếng sáo của người bán rắn

Người Đồng Dưa quen gọi tên ông Nhót bởi cái chân dị tật phải đi cà nhót. Cái lai quần xơ tướp quanh năm. Gương mặt hốc hác hằn những vết cắt thời gian lúc nào cũng trầm ngâm…

Cánh chim bằng trên đỉnh nhân văn

Đêm cuối cùng Ông ở lại với Quy Nhơn
Đông đảo bà con anh em đến cùng trò chuyện
Hương thơm ngát cả vùng trời vùng biển
Hoa trăm loài hương tỏa từ trái tim

Nỗi đau Yagi

Đồng bào tôi đang gánh chịu nỗi đau
Bão Yagi đã mang đi tất cả
Nhà cửa tan hoang, bão dông tàn phá
Vợ mất chồng, con mất mẹ, thương tâm!

Thăm quê hương Tây Sơn tam kiệt

Tiếng trống trận hành quân rộn rã hào hùng
Trầm bổng núi sông vọng vang rừng núi
Như vẫn đâu đây những đoàn quân lấm bụi
Chân đất, mũ rơm, gươm nhọn, giáo dài