Hát Bội và võ Bình Định trong thơ ca dân gian

(VNBĐ – Bình Định mến yêu).  LTS: Nói đến Bình Định, người ta thường nhắc đến võ và hát Bội, hai đặc trưng độc đáo của xứ này. Cả võ và hát Bội đều đã được Nhà nước xếp hạng Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để tiếp tục bảo tồn và phát huy. Đó là chuyện của ngày nay. Còn xưa kia, Nhân dân đã gìn giữ vốn quý của mình bằng nhiều hình thức, trong đó có thơ ca dân gian. VNBĐ xin giới thiệu những làng võ và làng hát Bội Bình Định trong thơ ca dân gian.

Hát Bội Bình Định xuất hiện từ lâu, đến khi nhà soạn Tuồng Đào Tấn xây dựng học bộ đình Vinh Thạnh thì hát Bội Bình Định đã đến hồi cực thịnh với hàng loạt địa phương lập gánh hát, tổ chức diễn vở, truyền nghề từ đời này sang đời khác. Một trong những địa phương nổi tiếng là làng hát Bội Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn ngày nay. Nơi đây có nhà thờ tổ hát Bội Bình Định được cúng tế hàng năm. Làng hát Bội Nhơn Hòa liên tục có nhiều gánh hát nổi danh, như gánh Bầu Chưu, gánh Chánh ca May, gánh Bầu Ba, Bầu Minh, Bầu Ánh… và hàng loạt nghệ sĩ được phong các chức danh Chánh ca, Phó ca. Đương thời có vợ chồng NSƯT Hoàng Chinh, Hồng Thu được nhân dân yêu quý, hâm mộ xếp trong tứ đại danh ca: Chinh – Thu – Cá – Trọng.

Tên của NSƯT Hoàng Chinh cũng được nhắc nhiều trong ca dao Bình Định: Có đi thì sợ tốn tiền/ Không đi thì nhớ Lệ Suyền, Hoàng Chinh.

Chưa có nơi đâu, Nhân dân say mê hát Bội như ở vùng đất này:

– Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình/ Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi.
– Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy/ Nghe tiếng trống chiến chết điếng trong ruột.
– Mẹ ơi đừng đánh con đau/ Để con hát Bội làm đào mẹ coi.
– Hát Bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con…

Ngoài làng hát Bội Nhơn Hòa, An Nhơn còn có hai làng võ nổi tiếng: Làng Bằng Châu (Đập Đá) và làng An Thái. Làng võ An Thái ở Nhơn Phúc là nơi khởi đầu của thầy giáo Trương Văn Hiến, là thầy dạy cả văn và võ cho ba anh em: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, sau này phát triển thành trung tâm có tầm ảnh hưởng lớn.

Hiện nay, ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, nơi ở và dạy học của thầy giáo Hiến còn dấu tích nền móng nhà và giếng nước được xây bằng đá ong. Di tích lịch sử văn hóa quan trọng này đã được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng vào ngày 01.3.2019. UBND tỉnh Bình Định cũng đã có chủ trương khoanh vùng bảo vệ, quy hoạch đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm, ghi dấu một thời kỳ lịch sử hào hùng của Tây Sơn Tam Kiệt trên đất An Nhơn.

Làng Bằng Châu (Đập Đá) với dòng họ Đinh nổi tiếng có Đinh Viết Hòe, quê Ninh Bình từng là một võ tướng triều Lê, cáo lão về làng Bằng Châu lập nghiệp. Ông sinh ba người con là Đinh Văn Diện, Đinh Văn Nhưng và Đinh Thị Triêm, trong đó Đinh Văn Nhưng (tự xưng ông Chảng) có sức khỏe phi thường, võ nghệ cao cường. Đinh Văn Nhưng mở trường dạy võ, thu nạp học trò rất đông, ông là thầy dạy võ của ba anh em nhà Tây Sơn và một số võ tướng, trong đó có Võ Văn Dũng. Sinh thời Đinh Văn Nhưng là người ngay thẳng, chánh trực, tự xưng là ông Chảng với câu truyền: Bùng binh chi tướng/ Uýnh cướng chi quan/ Bộn bàng chi chức/ Chảng Chảng ngang thiên.

Văn học dân gian lưu truyền ở Bình Định xuất hiện nhiều giai thoại về các võ sĩ làng võ, đặc biệt ở mảng thơ ca dân gian. Câu ca dao sau đây như một thương hiệu của võ Bình Định: Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền.

Hoặc câu ca về làng võ: Tiếng đồn An Thái, Bình Khê/ Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo. Mới nghe, tưởng có phần thô thiển, nhưng thực sự lại bắt nguồn từ một lễ hội văn hóa khá độc đáo của làng võ. Đó là lễ hội đổ giàn ở làng võ An Thái, thường được tổ chức bốn năm một lần, từ ngày rằm đến 16 và 17 tháng 7 Âm lịch. Giàn là một cái đàn cúng cao, bằng gỗ. Trên đó đặt mâm cúng và một con heo quay. Khi nghi lễ kết thúc, được sự cho phép của ban tổ chức, các võ sĩ đại diện cho các làng tiến vào, tranh vác heo quay về cho làng mình. Thường thì hai làng võ ở An Thái và An Vinh hay giành được chiến thắng. Vì vậy mới có câu ca trên.

Các phái võ tranh cướp heo tại lễ hội đổ giàn An Thái, năm 2005. Ảnh tư liệu từ sách Võ cổ truyền Bình Định của nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha

Hội đổ giàn không chỉ là một cuộc tranh tài lý thú và hấp dẫn, mà còn là nét văn hóa đặc sắc của một vùng quê giàu tinh thần thượng võ. Ở An Nhơn, Bình Định vẫn còn lưu truyền câu ca mô tả về hội đổ giàn: Đồn rằng An Thái, chùa Bà/ Làm chay, hát Bội đông đà quá đông/ Đàn bà cho chí đàn ông,/ Xem xong ba Ngọ, lại trông đổ giàn.

Ngoài thơ ca dân gian, ở Bình Định còn lưu truyền nhiều câu chuyện, giai thoại liên quan đến làng võ, như chuyện: Về bài võ “Hùng kê quyền” của Nguyễn Lữ, chuyện về câu “Roi Thuận Truyền – quyền An Vinh”; hay chuyện về cuộc giao lưu đi quyền – đấu roi giữa hai danh sư: Hồ Ngạnh (Hồ Thu) – Chưởng môn phái võ Thuận Truyền và Tàu Sáu (Diệp Trường Phát) – Chưởng môn phái võ An Thái. Từ cuộc giao lưu này của hai danh sư đã để lại câu nói nổi tiếng: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Và chuyện bà “Tám Cảng trổ tài cướp heo” với trai làng An Thái đã để lại câu: Trai An Thái, gái An Vinh…

Về xuất xứ câu: Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền, nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn An Pha (trong sách Võ cổ truyền Bình Định, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2021) cho rằng của bà Tám Cảng tặng cho đối thủ của mình là Lý Thạch, sau khi kết thúc một cuộc giao đấu. “Vào những năm 1942 – 1943, thời nhà Nguyễn đến hồi suy thoái. Ở các tỉnh phía Nam, giang hồ, hảo hán nổi lên quậy phá khắp nơi, lòng dân không yên. Triều đình phải cử ông Thất Di (quê Háo Đức, Nhơn An, An Nhơn) cùng các con, học trò ông Hương Mục Ngạc: Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Gác (ba người con Hương Mục Ngạc) và các học trò: Hương kiểm Mỹ, Sáu Hà, Ba Thông, Tám Tự… vào Nam dẹp loạn. Những cuộc tỉ thí đối kháng dưới đất, trên đài, những trận thách đấu ở sân đình làng, phố huyện, các võ nhân Bình Định lần lượt đánh bại, thu phục các nhóm giang hồ. Có một võ nhân đất phương Nam không thuộc các nhóm giang hồ, hảo hán tên Lý Thạch, võ nghệ cao cường, từng chứng kiến các trận đấu giữa các võ nhân Bình Định và các nhóm giang hồ hảo hán đất phương Nam, muốn thử vài đường quyền, roi với nữ võ nhân Tám Cảng.

Lý Thạch thách đấu quyền, Tám Cảng nhận lời. Tại một sân đình làng, Nhân dân trong vùng và những người hiếu kỳ đến coi rất đông. Hai người bái tổ, ra chiêu. Lý Thạch tấn công ngay bằng những đòn đá hiểm hóc. Tám Cảng chỉ tránh đòn để lựa những thế trừ. Khi Lý Thạch xuất chiêu bằng đòn song phi, Tám Cảng không tránh đòn mà sử dụng bộ hạ áp sát đối phương, dùng “đòn hốt” (bà đã học từ anh ruột Bảy Lụt) hốt văng Lý Thạch nằm soài ra đất. Vừa chồm dậy, chưa kịp định thần, Tám Cảng xuất đòn đá bả cước (đá nghiêng) hiểm hóc. Một lần nữa Lý Thạch nằm soài ra giữa sân, chịu thua.

Hôm sau, Lý Thạch cầm roi đến gặp Tám Cảng “xin học” vài đường, thâm tâm muốn lấy lại uy tín vì đã thua trận đấu quyền hôm qua. Tám Cảng vui vẻ nhận lời. Cũng tại sân đình làng, Tám Cảng ra giữa sân, tay cầm roi ngang, trụ ngựa dọc, chân tiến chân hậu, theo thế “âm dương côn pháp” mà bà đã học thuần thục từ thầy Hồ Khiêm ở Thuận Truyền. Biết thế võ lạ, nhưng Lý Thạch vẫn xem thường, lập tức xuất chiêu đâm tới. Tám Cảng rút ngựa tiền, lách mình một bên, triệt đường đâm của Lý Thạch. Lý Thạch tiếp tục ra đòn phang ngang lợi hại. Nhanh như chớp dùng đốc roi bát đòn và lập tức hai đầu roi tấn công liên tục. Lý Thạch từ thế chủ động chuyển sang bị động, liền bị Tám Cảng ra đòn “lạc côn” điểm nhẹ vào bụng của Lý Thạch. Đòn ra bí hiểm của bà chỉ là để cảnh cáo, nếu thẳng đòn chắc chắn sẽ bị trọng thương. Lý Thạch vội nhảy lui ba bước, cắp roi dọc vái chào xin thua. Lý Thạch tâm phục khẩu phục và xin kết bạn tâm giao. Tám Cảng coi đó là chuyện thường tình trong làng võ hiệp. Khi chia tay, Lý Thạch tặng Tám Cảng câu: Tiếng đồn con gái Tây Sơn/ Đường quyền đã giỏi, đường côn cũng tài. Cảm kích trước thiện chí của Lý Thạch, Tám Cảng đáp lại: Anh về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền. Từ cơ duyên này, không biết từ khi nào, câu của Tám Cảng trên thành câu ca dao: Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền.

MAI THÌN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…