Hạnh phúc bé mọn

(VNBĐ – Truyện ngắn). Vậy bây giờ em vô trỏng, nhanh cũng phải đôi ba bữa mới về. Biết là đàn bà có chồng, phải thu xếp nhà cửa, nhưng trong cảnh tình này, con nhỏ không còn trông đợi ai được nữa ngoài em. Lúc mới nhận điện, em thật chỉ muốn bắt xe đi liền. Nhưng em biết làm sao. Má, bệnh già, bà bải hoải mệt đã mấy ngày nay. Em ngồi xoa bóp nói ngọt lắm mới chịu ngả lưng. Lát bà dậy, phải có người săn sóc thuốc thang, lo bề cơm nước. Mười một giờ rước thằng An tan lớp. Ăn uống xong thì tới lượt đưa con Nhàn lên trường. Buổi trưa chừng ấy việc, nhưng nếu không có người làm, đố mà xong được.

Không còn cách nào khả dĩ em mới phải gọi anh về.

Anh đặt đôi bàn tay lớn lên vai chị, trấn an: Em cứ an tâm, nội vụ chỉ đưa đón con, cơm nước, cháo lớ cho má, cha con anh cố gắng thu xếp. Được cả em à. Em cứ lên với dì Út đến khi nào người ta cho xuất viện. Một lần sảy bằng bảy lần thuận, bao giờ dì sắp nhỏ mạnh em hẵng về. Anh nghỉ làm, nhưng mình vẫn còn vườn ong, đôi ba tuần thợ mộc treo cưa cũng đâu ảnh hưởng mình nhiều, em không cần lo quá. Đường sá xa xôi, em gọi taxi mà đi. Giờ này đi xe ôm nắng nôi, còn chờ xe buýt mất thì giờ, đừng so đo chút đỉnh. Nhà mình không sang cả nhưng năm trăm một triệu không phải số tiền lớn, nếu thuận tiện thì em đừng tiếc làm gì.

Chị cắp túi đồ, toan đi, rồi như sực nhớ ra điều gì, đứng tần ngần. Anh này, mai con Nhàn học hai buổi, anh nhớ đặt báo thức gọi con dậy lúc sáu giờ. Cho con ăn sáng ở trường luôn nghen anh, chỗ cô Linh, đừng ăn quán bà Hằng, vị nước súp mùi bột ngọt rất đậm. Dặn cô Linh đừng bỏ chả, con Nhàn cũng không ăn hành ngò. Chị ra đến sân, lại quay đầu, nói vọng vô: Buổi tối anh nhớ pha nước ấm với gừng, ngâm chân cho má. Mà anh nhớ bỏ mùng cho má từ chiều, để muỗi. Thằng An hay đọc truyện tranh đêm, anh qua nhắc con ngủ sớm. À, chỗ má nằm em đặt cái ghế tựa, anh sợ chật, không nằm chung má được thì lấy cái màn chụp mà ngủ cạnh, canh chừng dìu má đi nhà cầu. Má không chịu hơi quạt điện đâu, đầu hôm trời có hanh, anh lấy quạt giấy em để đầu giường mà đưa gió cho bà dễ chịu.
Chị biết chừng đó chưa đủ, nhưng tài xế ting ting hối quá, chị đi, nhớ ra gì nữa lại ngồi trên xe điện về. Từ xa, tay tài xế lắc đầu: Đàn bà, vì ám ảnh hay vì không tin sẽ không ai chăm sóc tốt gia đình hơn mình được nữa?

Xe bon bon đi. Bệnh viện V. heng? Chị gật đầu. Rồi cả hai không nói thêm gì. Cứ cách chút người tài xế lại len lén nhìn, ánh mắt có phần giễu cợt người đàn bà đã kém sắc lại còn lôi thôi. Chị không để ý. Lòng chị đang rối rắm, chỉ mong nhanh tới bệnh viện để biết tình hình con Tím thế nào. Giờ này tâm trạng nó ra sao, chắc khổ sở lắm nó mới bấm bụng mà gọi cho chị. Con nhỏ cũng cứng đầu. Nhà giờ còn có hai chị em, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, bầy đàn còn vậy, huống gì đây là ruột thịt, nó cần gì phải nghĩ ngợi nhiều.

***

Căn phòng tám giường của bệnh viện trắng sạch tinh tươm giống ở khách sạn, kiểu phòng gia đình. Các giường đều có người. Khách thăm ra vào khoan nhặt. Con Tím nằm co người, day mặt vào tường ở một góc xa nhất, người ta tưởng nó ngủ nên xì xào.

“Vào lấy thai. Không thấy chồng. Người nhà cũng chẳng có”. “Chắc “ngoài ý muốn” nên không để ai biết. Tụi trẻ sau mình giờ sống buông thả quá chừng”. “Mình xưa mà vậy chắc ông bà già đuổi cổ”. “Không thì cũng tự tử. Nội nghe người ta nói ra nói vô cũng đủ quẫn trí rồi. Nếu phải chịu chì chiết tinh thần ngày qua ngày thì chết có khi còn sướng hơn sống”. “Tụi nhỏ thời nay học theo Tây, vô tư sống thử, lỡ có hậu quả, vui thì giữ làm mẹ đơn thân, buồn thì đi làm thủ thuật bỏ, dễ ợt, bệnh viện nào cũng làm”. “Tụi nó giải quyết ổn thỏa thì điểm trang lại mình, đăng đàn khóc lóc, hận tình, không còn tin lũ đàn ông, được dăm ba bữa, gặp thằng nào giàu sụ muốn đưa tay ra nắm bàn tay thì mặt mày tươi tỉnh lao vào yêu đương ngay. Bắt đầu xóa hết quá khứ, làm lại từ đầu “cảm ơn anh vì đã lôi em ra khỏi bóng tối”, rồi thì hạnh phúc tràn ngập, rồi thì dắt tay nhau đến thiên đường, rồi tiếp tục vào nhà thương, rồi lại ngân nga cái điệp khúc không còn tin ai được nữa”.

Khi chị bước vào thì đám đàn bà nọ im bặt. Chẳng lâu, người ta đã chú ý đến chuyện khác, còn giật gân hơn chuyện này. “Làm đàn bà mà xấu quá heng, biết có lấy được chồng không?”. “Nếu có, chắc cũng sứt mẻ cùi đui, xó chợ đầu đường hoặc năm ba lần gãy gánh hết xí quách chứ sao mà ra gì được”. “Giờ người ta thà chấp nhận cái đứa đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên mà bà”. “Bởi nếu nghèo mà xấu nữa thì tội”. “Mà khéo sao lại xấu đều xấu đặn, mặt xấu thì đã đến thân hình cũng xồ. Cái này mà vào tư thế chồng dưới vợ trên thì nên cầu nguyện cho thằng chồng”. “Chắc ít vận động quá, lại ăn uống vô độ chứ gì”. “Vậy chứ bà gặp chứng gì mà vô đây?”. “Buồng trứng có khối u. Còn bà?”. “Tui đái tháo đường”. “Mấy cái bệnh như tụi mình giờ thịnh lắm, nghe ai cũng mắc”. “Thiệt cái thời buổi ngộ quá, sinh mấy cái thứ bệnh như bị dịch heng bà”. Đến đấy thì cô y tá đẩy xe thuốc qua: “Cô Nguyễn Thị Bảy, đến phòng 302 đo lại đường huyết. Cô Lê Thu Tám, gia đình xuống lầu một đóng tiền phí rồi đi mổ nội soi liền”.

Căn phòng trở về trạng thái im lìm. Chị kéo ghế ngồi xuống bên, cầm bàn tay em gái lạnh ngắt. Con Tím không động đậy. Nước mắt lặng thinh rơi xuống. Nhìn nó nhỏ thó nằm đó chịu trận chị thấy sao mà thắt lòng đau. Không chỉ là cái đau của người chị thương em, mà còn là nỗi xót xa đồng cảm của phận đàn bà với nhau, chi mà nhục nhã tủi thân đến vậy. Miệng đời cay độc, mấy ai nghĩ đây là nỗi bất hạnh của người vợ lấy phải gã chồng khốn nạn, và hành động của thằng cha đã vô tình hại chết con mình.

Bây giờ tình hình là thế nào? Chị hỏi. Vị bác sĩ khá lớn tuổi, đan hai tay vào nhau. Về người mẹ thì chúng tôi đảm bảo. Không vấn đề gì. Thông thường đối với thai chừng ấy tuần, chúng tôi sẽ đặt thuốc, nhưng chị ấy, cấu trúc tử cung có một chút đặc biệt. An tâm. Các xét nghiệm đã có rồi. Mười lăm phút nữa sẽ tiến hành. Bác sĩ trầm ngâm, rồi lại nói thêm. Chỉ là bây giờ… Ông đưa ngón tay trỏ gõ mấy cái vào thái dương. Cái ấy rất quan trọng. Mong gia đình ở bên chị ấy, mọi lúc. Và cũng hãy thông cảm, nếu như chị ấy kích động, hoặc… chị hiểu mà.

Chị gật đầu. Thân hình núng nính lật đật trở vô trong. Chị ước mình có thể đau thay em, giống như hồi nhỏ, cái gì chị cũng nhường nhịn, làm thay cho nó được. Chị gánh nước chẻ củi, đều khỏe. Hễ tía bắt cúi, chị cũng thay nó nhận đòn. Nhưng lần này, chị phải làm sao? Nó nằm đó, là người mà như không thuộc cõi này, còn chị đứng đây, chỉ biết dõi mắt nhìn, và bất lực.

Hậu phẫu, người ta đẩy con Tím vào phòng chăm sóc đặc biệt. Căn phòng lạnh ngắt, như âm ti, trên đầu mỗi giường đều có một chiếc máy chạy đo huyết áp, những sóng điện nối đuôi nhau kít kít, nhanh rồi chậm, chậm rồi nhanh, cũng được, miễn đừng dừng. Họ phát cho chị một chiếc áo, một cái chụp tóc, ra hiệu cho người nhà mặc, rồi vào với người bệnh. Cùng một kiểu phẫu nhưng trong căn phòng, tâm trạng của từng sản phụ thật không giống nhau. Có người vui mừng. Kẻ lại đau đớn.

Chị nhìn con Tím. Nó héo hắt như một cái cây đầu đông, ngay cả chiếc lá cuối cùng cũng đã rụng xuống. Nó chỉ còn lại lớp vỏ xù xì, là một cái cây cô đơn, một cái cây không còn gì để che chắn mình trước dông gió. Chỉ có chị là màu xanh duy nhất, vẫn thiết tha ngồi đây trong sự im lặng bao trùm. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, người ta vẫn thấy bàn tay chị nắm chặt bàn tay em gái; dù đang còn mê thuốc nhưng tiềm thức vẫn xuôi cho những giọt nước từ trong khóe mắt chảy dài. Em đừng khóc. Có chị đây. Chị khe khẽ, môi run run. Cả phòng giật mình vì tiếng người. Xong lại phăng phắc, lặng như tờ, tưởng như người ta có thể đếm từng hơi thở của nhau được.

Nằm lại năm đêm thì con Tím được xuất viện. Chị đưa nó về nhà riêng, nhà chung cư nên buồng ai nấy ở, cũng tiện trong vài trường hợp không nên có khách vãng lai gợi lại những chuyện buồn. Con Tím không nói gì nhiều từ suốt những ngày vừa qua. Chị hỏi, nó chỉ gật hoặc lắc đầu. Không muốn làm khó em, chị cũng chỉ hỏi đại khái những câu có không, tránh nhắc chuyện chồng con, sợ nó kích động.

Phòng đầy mảnh thủy tinh vỡ. Cả gương ảnh cưới cũng nằm dưới nền gạch, tan tành. Chị vừa nhìn thoáng đã hiểu chuyện gì đã xảy ra trước ngày con Tím nhập viện. Lâu nay ai cũng đồn đại thằng Phong có nhân tình. Con nhỏ là thiên nga, con Tím còn lâu mới bằng được.

Chị dìu em gái ngã lưng rồi ra dọn dẹp. Hì hục tay sục tay lau, loáng cái căn nhà vỏn vẹn bốn chục mét vuông đã sạch bóng. Đúng nhà không thể vắng hơi người, nhất là người đàn bà.

Trên bàn nước vuông nhỏ nằm im lặng một tờ giấy vo tròn. Chỉ sợ là giấy tờ quan trọng mà mình lại gom bỏ, chị mở ra xem. Vừa nhìn dòng tiêu đề thì con Tím, không biết tự lúc nào đã ra đây, cất giọng lạnh lùng: Đàn ông, thằng nào cũng như thằng nào. Chị coi về chừng anh rể, ảnh vậy mà chịu ưng chị thì hoặc là đang lợi dụng cái tài thu vén nhà cửa của chị để an tâm ăn vụng mà vẫn có người cơm bưng nước rót cho bà già. Hoặc là, con Tím cười như dại, đầu óc ảnh có vấn đề. Đanh mặt lại, nó nhấn nhá, những lời nghe sao mà nghiệt cay: Tôi xấu. Chị càng xấu. Cái ngày đó… thế nào cũng tới thôi mà.

Chị thụp xuống, nhưng nhớ lời dặn của bác sĩ, nỗi thổn thức phải dằn. Con Tím chỉ đang quẫn trí, nói mà không biết mình nói gì đó thôi. Rồi chị thoáng buồn khi nghĩ đến một lẽ: Cớ gì khi đau, người ta cứ phải khỏa lấp cái đau của mình bằng cách làm tổn thương ai đó, thông thường không phải là gã đàn ông đã phản bội họ, mà là những người phụ nữ hoặc thương họ, hoặc đáng thương như họ. Hả hê gì đây khi tỉnh cơn mông muội, càng thêm đau lòng. Đàn bà đúng là một lũ ngu ngốc, quành đi quẩn lại chỉ biết làm tổn thương nhau. Chị buồn quá. Dù biết đời người buồn vui song hành, nhưng không lần nào lại buồn như lần này. Hình như người đàn bà buông những lời cay độc mai mỉa vừa mới đây không phải con Tím đâu, mà là một kẻ bị bạo hành, bị đối xử tệ bạc nào đó đã mượn thân xác nó.

Đàn bà đau quá họ cũng cuồng. Đứng trước sự phản bội, họ nhận nhìn cái thằng khốn nạn ấy chính là đàn ông, nhưng đâu phải thằng đàn ông nào cũng khốn nạn. Con người thích phê phán, bình phẩm nhưng không soi một cái gì đến ngọn nguồn căn cốt. Họ quen đem chi tiết đo lường tổng thể. Đó là phiến diện. Còn như lấy tổng thể kết luận toàn bộ thì sai hoàn toàn. Người tốt không tốt hết. Người xấu cũng vậy. Vậy thì người tốt hay xấu ở đời, phần nhiều, phải chăng được quyết định dựa trên cái mà người ta đã đối với mình?

Khanh khách cười, chừng như hả hê trong vỡ nát, con Tím bỏ vào phòng. Còn lại chị với buổi chiều dần tàn, mà con nắng bên cửa sổ vẫn còn lưu luyến vầng mây, chúng đung đưa vờn đuổi. Chị bỏ giẻ, ngồi bẹp xuống sàn. Đôi mắt ráo hoảnh trơ trơ, chị tưởng là chị đã quên cái khốn nạn của gương mặt này, thân thể này, khi anh, chồng chị, đã tự mình dùng búa đập nát những chiếc gương soi trong nhà, như là hành động cao thượng của một người đàn ông không muốn vợ mình sáng tối ngắm nhìn bản thân trong chiếc gương không soi nổi tâm hồn một con người, rồi mặc cảm, đau khổ.

Nhưng, anh có biết đâu, nỗi đau và sự mặc cảm vốn đã thít chặt vào người chị từ khi chị biết nhận thức về mình. Lũ quỷ ấy rất khôn lanh, chỉ cần thân chủ được yêu thương, chiều chuộng và đối xử dịu dàng từ những người họ cũng dốc lòng thương, chúng sẽ ẩn náu vào một nơi thật sâu, mờ nhạt đến độ giống với vô hình nhưng chưa bao giờ hoàn toàn biến mất. Chỉ chờ một lần, duy nhất một lần những kẻ kia lạnh nhạt hoặc tỏ thái độ thiếu tôn trọng, dù chỉ sơ suất một lần thôi, chúng sẽ nhất loạt hiện về, xâu xé và hành hạ, đau đớn vô cùng.

Ừ, là chị xấu! Chị cũng biết mình xấu. Nhưng đời ngần ấy năm như mơ, ban anh và các con cho chị, cả má nữa, một cách êm đềm quá, nên trong ngày giờ hạnh phúc, chị quên bẵng những lúc lòng thầm ước với cao xanh. Giá mình chỉ là một hột mưa, chỉ một hột thật lung linh thôi, phôi thai từ đất, kết tinh từ trời, đẹp đẽ như sương, tinh khiết trong lành và mát rượi, thì dù cuộc đời chỉ cần chạm tới đất là hết, chị cũng cam lòng. Ôi là đau. Chỉ một cái thức tỉnh của con Tím mà chị nhớ lại hết rồi. Chị nặng nề dắt mình đến trước gương, nhớ hồi còn con gái chị cũng từng vài lần can đảm đứng trước gương, và lần nào cũng tự dằn vặt. À đây. Người nào đồ sộ đứng kia? Ra là một con đàn bà mắt lồi, mũi gãy tẹt, môi lệch và chì thâm, những bộ phận đang nằm trên gương mặt sạm đen, khô ráp làm hằn những vết nhăn xô lại theo cái cười méo xệch, già nua, khổ hạnh. Bà là quỷ hay ma? Bà là người hay kẻ bị lưu đày trong trầm luân vì trót gây tội ác. Nếu thật mọi cái xấu xa trên đời đều là báo ứng của tội ác, chị thực sự không biết mình đã trót gây lỗi lầm gì, kiếp trước hay kiếp này.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Nỗi khổ của người đàn bà xấu là tự thấy mình không có tư cách được ghen tuông. Như con Tím, lúc nào cũng hết lòng chiều chuộng thằng Phong, có cái ừ thì cũng được, có cái lố lăng, và cũng có cái gần như bệnh hoạn. Trời ạ, chắc nó đã quên nó là đứa thông minh, học giỏi đến mức chị phải giả vờ ghét trường, xin nghỉ để quán xuyến hết việc nhà cho nó an tâm mà phát triển tri thức. Cũng không nhớ ra mình là người tài giỏi, trung thực, tuổi ba mươi đã có nhà riêng, xe đẹp, thẻ tiết kiệm mà vẫn người yêu kẻ quý vì cách sống chân thành. Vậy thì, vội vàng chi hả em, mê muội cái gì đến nỗi phải dìm chết lòng tự trọng. À thì ra cái nước sơn đã dần dà quyết định chuyện mua gỗ đây rồi. Người kém sắc thường đánh mất sự tự tin, lâu dần tự không còn khái niệm về niềm kiêu hãnh. Cuối cùng những kẻ đó sẽ nghĩ được người ta ghé mắt đã là một đặc ân lớn. Đòi hỏi ở họ chỉ cần một chút thôi đã thấy quá nhiều.

Người đời vẫn hay nói hồng nhan bạc phận. Chị cười rũ rượi. Còn không phải hồng nhan thì bạc đầu.

***

Đêm gõ nhịp chênh vênh, ngoài kia phố xá thênh thang đèn đuốc mà bóng tối phủ trùm lên gian phòng. Lòng đau tưởng chết, nhưng chị là mội nước cuối cùng mà con Tím có thể rút lấy mà tắm gội cho an ổn thanh tâm vào lúc này. Nếu đến chị cũng cạn mòn, thì ả đàn bà tội nghiệp, sát thương kẻ vô tội tưởng bảo vệ được bản thân ngờ đâu làm khổ người đau mình này, sẽ còn biết bám víu vào đâu? Đừng sợ em. Chị đây. Đời khổ đau thì đời dài, còn như hạnh phúc thì đời ngắn ngủi. Em không cần mạnh mẽ, chẳng nổi thì cũng chớ gồng lên, cứ đau đi, khóc lớn lên, rồi bỏ lại, nếu quá khứ không mấy tốt đẹp, chỉ buồn. Hôm nay em còn đây, nhớ không, là nhờ có má. Má đổi mạng cho em vì tình mẫu tử thiêng liêng mà cũng vì, em biết không? Có một giấc mơ chị thấy má cùng tía đoàn tụ trên kia, họ gặp nhau rồi, má nói chị hay, đời má, có tía và có chúng ta, thế đã viên mãn và không uổng. Ấy nên, má tha thiết cầu xin người ta bỏ mặc má, để má được trao cơ hội sống cho em, để em, rồi cũng được như bà. Đừng hoang mang. Em chỉ mới ba mươi ba. Em còn một đời dài tìm lại ý trung nhân, còn cơ hội để có một đứa con bế bồng, chăm bẵm. Chị nguyện sẽ thay má dõi theo hạnh phúc của em. Ngày nào em chưa đạt được cái ước mơ giản dị về một gia đình mà em luôn thầm mong, ngày ấy chị sẽ còn giữ hơi thở này. Xin em. Đừng tuyệt vọng.

Chị luồn tay qua đầu con Tím, kéo nó vào sâu ngực chị. Con nhỏ chưa ngủ, nhưng không phản kháng. Đôi mắt khô ran, mở trừng dần dần khép lại. Nó buồn như ngày tận thế. Hình như nó lờ mờ nhận ra mình đã đóng đinh lên cái thứ đang phập phồng đập trong lồng ngực của người phụ nữ đang nằm bên cạnh rồi. Nó đã biết nó sai, và thì bây giờ, nó tháo những chiếc đinh ra đây, nhưng cớ làm sao, dù thận trọng và nhẹ tay đến thế nào, trái tim chị vẫn đầy những vết sẹo.

Nỗi xấu hổ và ân hận khiến nó thầm khóc trong im lặng. Ngày mai có phải sẽ tốt hơn không? Nếu, nếu thực sự có ngày mai, nó nhất định sẽ tốt hơn. Vì đây, đời nó hãy còn có chị.

Đợi con Tím say giấc rồi, chị ra phòng ngoài vì không ngủ được. Chị gọi cho anh. Như muốn tìm một cứu cánh từ đức tin. Dù ngoài kia nghiêng ngả, chỉ cần anh ở đó, má nữa, và các con, chị sẽ còn đủ nghị lực để vượt lên tất cả dông bão trên đời.

Sau cuộc gọi, tâm trí chị bị choáng hết bởi hình bóng của chồng mình. Chị nhìn thấy anh đang chuyên tâm, thật là một ông thợ mộc có nghề. Trông anh sao mà hiền. Hiền quá cũng khiến chị nhiều lúc ngu ngơ. Bởi đàn ông mang gương mặt ngây thơ vẫn thường bất ngờ là hung thủ gây ra tội ác. Rồi thì đẹp. Anh đẹp cái đẹp đường hoàng. Cái đẹp phải thế đàn ông. Nhưng thật không may, đôi lúc người ta cũng sợ cái đẹp ngang bằng với nỗi sợ ma quỷ. Đồ gì đẹp thường dở. Còn người đẹp được mấy ai chung tình? Vậy đó mà chị cứ muốn ngồi để chỉ ngắm mãi anh. Chị nhớ cái ngày đầu về nhà làm vợ anh, chị đã ngồi riết nhìn anh đung đưa chiếc bào; lúc ấy tâm tin tưởng và dạ nghi ngờ bắt đầu xâu xé, chiếm ưu thế lẫn nhau khiến chị càng ngây ra nhìn đến nỗi anh bực mình hỏi rốt cuộc là trên mặt anh có dính cái gì?

Rồi hổng đợi chị trả lời, anh lưng trần, mồ hôi như tắm, vắt chiếc áo cộc lên vai, dài bước ra cửa sau. Anh ngó mình trong lu nước trong, thấy rõ cả vết sẹo hình lưỡi liềm mà lúc nhỏ anh bị đập đầu vào cánh cửa. Đâu có lọ nghẹ hay đất sình. Rồi tự ên, anh mim mím cười, hổng lẽ bả mê mình dữ thần ôn vậy sao?

Bẽn lẽn sảng khoái là vậy nhưng trước chị, anh vẫn cái giọng trịnh trọng và cố ra vẻ nghiêm trang. Anh soi kỹ rồi, mặt sạch trơn, có gì đâu mà mình nhìn trân trân, sợ quá trời quá đất. Mình đi nấu cơm đi chứ, ngồi đó nhìn nhau mà thôi được cơm chiều à.

Giật mình. Chị đi.

Vài lần trong cuộc sống gia đình êm ấm chị thấy mình có lúc dư hơi. Chị giả thiết những điều mà mười mấy năm anh trầu cau đón chị về, chưa bao giờ đến. Tỉ dụ như chị nghĩ đến một ngày, tâm người ta thực không còn chỗ chị, thì chị bằng cách gì, khóc lóc hay van xin, lôi các con hay gia đình hai họ vào để mà ăn vạ người? Nếu như trò chị bày khiến người ta ở lại bên chị đi, thì chị được gì đây ngoài cái xác không, còn hồn đã đi mất?

Chị giờ đã lưng chừng bốn mươi. Nếu cuộc đời chỉ vỏn vẹn sáu mươi năm thì chị đi quá nửa rồi. Nửa trước người ta sống bằng thể xác bằng dung nhan bằng rực rỡ tuổi xuân, còn nửa sau quả thật chẳng còn gì đáng giá bằng tâm hồn đẹp. Vậy thì giữ người không có hồn khác chi giữ đồ quá hạn, chẳng thể làm gì khác hơn được ngoài việc vứt đi.

Làm đàn bà xấu, khổ thế, ấy mà chị vẫn được vẹn tròn hạnh phúc bên mái ấm của mình mười mấy năm. Nếu nghĩ như má thì đời chị sống thế cũng đã đủ rồi, không còn gì ân hận. Nhưng anh thì lúc nào cũng căn dặn, mình không được đi trước anh đâu, anh lớn hơn mình tận tám năm phong ba bão táp kia mà.

Chị nhớ hết, chị cười vu vơ. Nhớ cái lần anh táo tếu khi xì xụp ăn, ai không thưởng thức đồ mình nấu thì coi như phí cả cuộc đời.

Chị nguýt yêu anh. Thì ra cũng có lúc chị nguýt yêu anh. Chị mắc cỡ nhưng lòng đầy vui. Chị nhiếc anh, miệng được ăn ngon thì toàn nói lời nịnh nọt. Anh ăn xong chén cơm thứ sáu thì mồ hôi đã túa ra khắp mặt mày, hồ hởi: Ăn cây nào phải rào cây nấy chứ mình. Nhưng không phải tui nịnh vợ à nghen, mà cái vấn đề là vợ tui nấu ăn hổng chê chỗ nào được.

Thường những lúc như vậy, lòng chị như được ai dọn sạch hết nghi ngờ. Mới thấy sức nặng của tình yêu thương, một món ăn đã nuôi dưỡng niềm tin, mà đời này chỉ cần còn có thể tin là có thể sống.

Có lần chị cũng đánh bạo hỏi vì sao anh lại đi cưới một người chính xác là như đũa lệch với mình như chị. Lẽ thường thì không nên hỏi vì sự thật nhiều lúc rất sần sùi. Nó sẽ giết chết những mộng mơ, mà con người, có ai là không mơ mộng. Đó là lần duy nhất anh khó chịu với chị: Em không bao giờ được phép hạ thấp mình. Có thể em không xinh đẹp, dễ nhìn như hàng bao cô gái mặt hoa da phấn mà đầu óc rỗng tuếch ngoài kia. Nhưng em có một tấm lòng rất thiện lành, rất đẹp. Người tử tế sẽ dễ rung động trước người có tình.

Sau này, má cũng nói với chị in hệt anh. Má nói: Cái sắc dễ phai. Cái tình khó kiếm. Hoa vốn đẹp ấy hoa còn tàn. Má thời con gái cũng đẹp ghê lắm. Giờ là bà già huốt tuổi tám mươi, bây coi, còn đẹp xấu với ai, sân si cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Sắc vóc dầu có xuất sắc đến đâu cũng không hơn một tấm lòng chân thật.

Rồi má hỏi: Xanh, chứ bây có biết tại sao mà thằng Bườn nó thương và xin ông Ngão cưới cho được bây không? Rồi má kể chuyện hồi xửa hồi xưa, có đứa con gái xấu ơi là xấu cách nhà má mấy căn, chiều nào cũng cõng đòn gánh với đôi thùng qua xin nước, biểu với thằng con trai má: Em xin cho tía em tắm. Nhà em hổng có cây nước, mà hạn dài quá, nước mưa trữ uống, không dám xài. Mà tía em khát nước tắm tưới đâu từ hồi chiến tranh, ổng biểu có khi cả tháng trời hành quân trong rừng rậm núi non, hổng có nước mà tắm. Mình mẩy ngứa ngáy hổng nói, cái chính là tạng người đổ mồ hôi nặng như tía thì lâu ngày dậy mùi thúi rùm. Nên giờ có điều kiện, tía phải tắm ngày hai cữ cho sướng cái thân, dù thiệt tình nó không thể bù đắp được sự túng thiếu của ngày đó. Em may mắn được sinh trong hòa bình, không hiểu được nỗi khổ của những người như tía. Nhưng nhờ có tía mới có nước, nên em nguyện sẽ gánh nước cho ông tắm cả đời. Cũng coi như đền đáp được một chút gì.

Bây nghe bây có hiểu ra chưa? Cứ sống thật với mình đi con, hiếu đễ đặt lên đầu, rồi ơn trên sẽ ngó.

Thật chị xúc động quá. Càng xúc động chị càng thấy thương má, thương anh; càng hết lòng trân trọng niềm hạnh phúc mà mình đang có. Chị ngồi têm trầu cho má. Má biểu, má cũng đâu biết vì sao má ăn. Từ ngàn xưa người ta đã ăn, đến thời má cũng vậy. Chị vừa ngoáy trầu vừa buồn miên man khi nghĩ đến một ngày mình không còn được làm công việc này, chắc là chị sẽ buồn lắm. Liệu mai sau có còn ai ăn trầu? Đây chị còn má, còn duy nhất má, tuổi già mà môi đỏ thắm như son, biết thế nhưng chị vẫn mang ý nghĩ mình sẽ không ăn trầu. Bây giờ không. Và sau này không. Thế nên chị buồn, hệt như một đứa bé sắp mất tuổi hồn nhiên không còn thỏa thích tung tăng nô giỡn. Chị đem chuyện này kể cho anh. Trong đêm tối, anh vuốt ve mái tóc còn khô hơn cả rễ tre của vợ, giọng giảng giải mà như đang nhắc nhở điều gì: Thay vì lo sợ cái chưa ập đến, hãy trân trọng trước mắt đã em à. Còn dịp được têm trầu cho má em cứ têm, mai sau má trăm tuổi già, mình coi như cũng đã hết mình với bà lúc sinh thời, lòng sẽ không hối tiếc nữa.

Chị nghe phải, rúc đầu vào ngực anh. Diễm phước thay cho người phụ nữ nào dù tháo vát giỏi giang đến đâu vẫn nhỏ bé và bình yên dưới một cánh tay có thể chở che hoặc ôm chầm lấy mình những khi yếu đuối nhất. Thì đây, chị có anh. Lời trượng phu của chị lúc nào cũng giản đơn là thế thôi, nhưng đối với người vợ hết mực kính trọng chồng, những lời ấy thật thâm thúy, thật ý nghĩa, cần phải ghi tạc vào lòng.

Giờ thì chị hiểu vì sao người ta có thể sống giữa hàng bao khổ đau, cạm bẫy, gian dối, lọc lừa. Là vì họ cũng đồng thời nhận được những điều tốt đẹp, để lúc nào lòng thấy buồn bã, tuyệt vọng, cô đơn, họ sẽ lật mở lại từng chút ngọt ngào và ồ thì họ nhận ra đời mình vẫn có hạnh phúc để mà tận hưởng.

Và giờ trong lòng chị, hạnh phúc đang ùa về. Cái đau đã dịu. Nỗi buồn đã phôi pha. Chị ngủ một giấc không mơ. Chị tin, rồi ngày mai sẽ tốt đẹp.

***

Tình hình con Tím coi ra đã ổn. Vết thương thì thật chưa lành đâu, nhưng quan trọng là nó đã có can đảm sống chung với nỗi đau được rồi. Dần dần đâu sẽ lại vào đấy thôi. Nó cười. Chị cũng an tâm một chút.

Chị bắt xe chuyến sớm, biểu con Tím khỏi tiễn, lo xốc lại tinh thần, nhanh khỏe còn đi làm. Nó gật đầu hứa, vẫn còn đứng vẫy tay tha thiết hồi chị lên xe. Mới ba tuần mà chị tưởng chừng mấy thế kỷ đã qua, dù anh và các con vẫn điện đài mỗi ngày, nhưng chẳng cách nào thôi nhung nhớ.

Vừa bước qua cánh cổng, trước hiên nhà, chị đã thấy dáng một bà già ngồi. Dưới cái bóng sáng nửa tối nửa chiều, chị thấy rõ ràng đó là một bà tiên. Bà tiên đang têm trầu. Chị chạy tới ôm má, thấy muôn nỗi nhọc nhằn như vừa trôi qua hết. Chị nắm tay má, má để con têm. Bàn tay chị bắt đầu đều đặn, dịu dàng. Hay con cũng ăn trầu, nha má! Má cười móm mém. Thời bây giờ, bây khỏi nếm vôi thì môi vẫn đỏ. Tội tình gì mà đi nhai cái hăng cay chát dở đó làm gì? Trời má coi vậy mà tường quá. Chị bảo. Má chồng chị vuốt mép tém nước trầu đỏ au, thản nhiên như người đã kịp thấu lẽ trời. Thực ra nhìn biết, thấu hết bây ơi. Chỉ là không đủ can đảm nhận nhìn, không dám chấp nhận sự thật cái thời mình so với nay đã là quá khứ. Bây còn biết tiếc rẻ cho chút ít vàng son má cũng đã đủ ấm lòng. Còn lại, cần phải tiến lên, quá khứ dù đẹp đến đâu nếu không hợp thời thì cũng ra vô dụng. Cuộc nay khác rồi.

Đêm ấy, thay vì nằm ghế, chị ôm gối ôm mền, lên nằm cạnh má.

Má vẫn chưa ngủ. Má kể với chị đêm qua má nằm mơ thấy bến sông, nơi mà trước khi đi đánh trận cuối cùng, tía đã về gặp bà. Má nói vía thấy tía đứng bên bờ kia đợi, ổng mặc áo màu thiên thanh, coi hiền lắm. Trong ba đứa con, thằng Bườn là giống ổng nhất. Nhưng hồi ổng mất, thằng nhỏ mới tượng hình. Rồi má kể má cũng gặp anh Hai với anh Ba. Hai thằng đứng hai bên ổng vẫy tay, trời, nhìn như hộ pháp. Chà, tụi nó có ơn với non sông nhưng toàn những đứa bất hiếu thôi bây à. Má nói nhẹ hẫng, giọng bà như khói sương. Tự nhiên, lòng chị thấy buồn quá. Không hiểu tại sao, nhưng chị cứ đinh ninh, ngày mai sẽ là một ngày buồn. Má kể tiếp đi má. Sao hai anh lại bất hiếu? Mà má còn thấy những gì?

Má đặt hai tay lên ngực. Mắt dần đóng lại. Giọng má dần nhẹ dần nhỏ, chỉ còn là tiếng gió thoảng đu đưa: Tụi nó để ổng đầu bạc tiễn đầu xanh. Trên chiến trường, ổng chưa nằm xuống mà các con đã khuất. Thằng Đang đi trên xứ sơn cước Mã Đà. Thằng Hoàn gởi da thịt đất Ba Tri. Sau này huy chương kháng chiến gửi về, ba cha con đồng hạng nhất. Má ở tuổi của bây mới sanh được thằng Bườn. Má chỉ còn ên nó. Nếu mà không có nó thì… “Hặc… hặc”. Tiếng anh trong buồng ho đêm. Má buông thõng tay: “Cũng may má còn có thằng Bườn”.

Một tia sáng ánh lên trong tâm trí người đàn bà. Đời người đi khói về mây. Đến như má, ba lần chết đi sống lại trước di ảnh chồng con, một mình nuôi con trong cảnh nhà đơn chiếc, ấy mà má vẫn sống, anh vẫn được lớn lên hiên ngang, làm một người tử tế đàng hoàng. Con hiểu rồi má ơi, con cảm ơn má đã là tấm gương cho con soi lại cuộc đời mình. Con đã may mắn vì được sinh ra, và giờ con sẽ thật hạnh phúc vì mình được sống.

Trong đầu chị lúc này hiện lên đồng thời những gương mặt. Những gương mặt của bình minh, của ánh sáng, của những hy vọng nảy mầm.

Chị quàng tay ôm cơ thể vẫn còn chút hơi ấm sót của má, sung sướng lặp lại: “May là má còn có thằng Bườn, để con còn có anh”.

HỒ THỊ LINH XUÂN

(Văn nghệ Bình Định số 97 tháng 5.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…