(VNBĐ – Thơ dự thi).
Tưởng nhớ một thi sĩ
Nhiều đêm ròng, tôi thao thức
Ai thêu dệt vẻ đẹp của đời sống?
Ánh trăng trải thảm vàng trên cánh đồng lúa
Hay đồng lúa đã dâng hiến tình yêu cho ánh trăng trú xứ?
“Vẻ tươi tốt của người này
Làm bằng vẻ tàn tạ của người khác”(*)
Thi sĩ đã biến con chữ thành nỗi mê hoặc
Hay con chữ đã mê hoặc thi sĩ –
kẻ tự lưu đày trong nỗi bất an và lòng trắc ẩn
Để cất lên tiếng dế trong chiếc hang sâu thăm thẳm
“Cuối cùng, xin quý vị quên chúng tôi với khuôn mặt thường cau có
Khuôn mặt những người đang lúc bận rộn
Khuôn mặt những người đang siết lại các cơ phận sắp rời
Khuôn mặt chỉ trở lại bình yên vào lúc trời đã đầy sao”
Ốm yếu, lặng lẽ, mẫn cảm
Sinh mệnh như đã được báo trước
Bởi chiếc thập tự của con người là có thật
Nhưng đôi kẻ đố kỵ, mỉa mai
Bài thơ là tiếng chuông nhỏ
Đánh thức nỗi sầu muộn và hạnh phúc
Của những con người bình dị
“Nơi khách sạn ấy
Có những người đến để ngồi vào bàn ăn dọn sẵn
Và có những người như chị nấu bếp
Chị thường đứng bên bụi bặm, lửa, khói
Đằng sau tình yêu, nghệ thuật, bông hoa”
Thơ là cuộc đời,
Tình yêu, bất trắc, những con đường gập ghềnh
“Từ cuộc hôn phối không tình yêu
Bao nhiêu năm bao nhiêu nỗi buồn nơi người mẹ”
Năm 1944, buổi sáng, Quảng Điền
Nở một bông hướng dương
Một mái nhà mới được dựng lên
Tiếng nói của gia đình, tình yêu bền bỉ
“Con gửi tặng mẹ một khoảng thời gian
Để mẹ còn ngồi nhìn con thỉnh thoảng trở về”
71 năm trên đất Việt
Mùi hoa kín đáo lan tỏa
“Quyến luyến mùi hương anh mang áo dạ
Bóng đổ tường nghiêng một ngọn đèn dầu”
Năm 2015, buổi sáng, Bình Định
Một bông hoa qui hồi
Những con chữ bay qua tâm hồn tôi
Thầm nhắc về ý nghĩa của đời sống
Và vẻ đẹp của quê hương
“Tôi thầm hỏi có phải em
Quy Nhơn Quy Nhơn trên thảm nước xanh rờn của thuyền đánh cá và chim én
Buổi sáng hay chiều hôm từng chuyến phi cơ
Tìm lòng em đáp xuống
Dù em chỉ hiện ra bằng một dấu hiệu, ngọn đèn xanh, cánh cờ đo chiều gió”
“Sóng vẫn đập vào eo biển”
Âm thanh vĩnh cửu mà ngỡ hư không
“Xin người yên lòng nằm nghỉ
Hai bánh xe đã thôi quay tròn đã thôi săn đuổi”
Khởi thủy và chung cuộc – là lời.
HUỲNH MINH TÂM
(*) Những chữ in nghiêng là của nhà thơ Lê Văn Ngăn