Góc phố ba người

(VNBĐ – Truyện ngắn). Hạnh đã sống cùng bạn tôi, hơn hai năm trời ở một nông trường. Cô ấy làm đơn tình nguyện lên đấy vì thất tình, đến… trên một lần. Và theo Vy, như thế, là hết sức thảm hại.

Khoảng thời gian đó, nhắc đến công nhân nông trường nhiều người chợn. Là dân góp từ khắp nơi đổ về với đủ thành phần, trình độ… Cũng có thể là bọn trai gái thành phố đua đòi ăn chơi. Có thể là dân quê, chây lười lao động nhưng lại siêng năng quậy phá xóm làng. Có thể là đối tượng ở trại cưỡng bức qua hoặc phạm nhân đã cải tạo xong. Hạnh nằm trong số rất ít ỏi này. Là những người có nguyện vọng về làm việc tại nông trường, sau khi đã hết hạn tù. Khi đã quen thân với nhau, tôi hỏi: “Vì sao?”, Hạnh nói em sợ ra đời không kiềm giữ nổi mình rồi hoang hư lại. Và cái cách chọn sống trên đó, thêm mấy năm nữa, để cho mình được vững chãi hơn, đã khiến cho tôi và Vy thêm quý mến em. Trông Hạnh lành hiền và hơi ngơ ngác. Và ngay ở cái vẻ ngoài ấy, em đã chẳng thể giống với bất cứ ai: những người ở trên đó với nhiều hung hăng và sự bặm trợn.

Bạn tôi có chữ nghĩa chút đỉnh nên được giữ lại làm việc văn phòng và có thể ở riêng. Hạnh được rủ về sống cùng, không chỉ vì có cảm tình mà còn bởi những tin cậy. Chỗ ở rất nhỏ và che chắn tạm bợ, nằm nép mình bên dãy nhà tập thể nhưng được thế, là nhất rồi. Sau vài cuộc tình đổ vỡ, Vy hết muốn xuống phố và đó, là lý do mà bất cứ lúc nào có thể là tôi lại lên trên ấy với bạn. Gần gũi nhiều hơn tôi thêm thương Hạnh. Đủ ba người, gian nhà nhỏ tung tóe những trận cười và thơm lựng mùi thức ăn. Hạnh giỏi giang và đảm đang lắm cơ! Sửa xe đạp cho cả đội sản xuất, may vá thêu thùa cho chị em, kiếm thức ăn cho cả bếp tập thể rồi ủ cá, làm mắm… Việc gì có thể là em chẳng hề từ nan.

Sông Côn chảy qua nông trường và nếu như, ngày bữa, Vy thả vô vàn những nỗi buồn rất an toàn của mình nơi con nước và bãi bờ. Thì Hạnh lại lo thu hoạch vô số những lợi nhuận từ đây. Tôi, đôi khi, theo Vy ra sông để chuyện trò rồi trầm ngâm trong rối bời tâm trạng và dày đặc những nỗi niềm. Và tôi, đôi hồi, theo Hạnh ra sông với tâm thế của một đứa trẻ đầy háo hức bởi, hết thảy, đều được biết đến lần đầu. Với Vy, là những xót đau cũ kỹ trong từng nhắc nhớ kỷ niệm và những cuộc yêu, đã xa và chưa qua. Với Hạnh, là những tươi mới trong mỗi một nếm trải mà trước đó, quả thật, chưa từng. Nên cùng với em, sự thích thú và những thỏa thê trong tôi như được tăng lên rất nhiều lần.

Vào mùa khô khi mực nước chưa dâng cao, Hạnh dùng cái trang (để phơi lúa) kéo cát, be thành bờ tạo ra một con mương nhỏ với nước xâm xấp. Rồi dùng một tấm lưới trủ để đón đầu cho cá tuôn vô. Trời ơi! Toàn là cá nhỏ xíu nhưng quá nhiều và đủ hết các loại. Trong cả đống cá kiếm được, Hạnh nhặt lên từng con và chỉ cho chúng tôi biết. Đây này thài bai (cá bống nhỏ) rồi cá lúi, cá bạc đầu, cá sóc… Hạnh trút hết cho bếp tập thể, chỉ để lại cho ba chị em một ít để kho dẻo. Mà trời ạ! Những trẹt cá trủ kho của Hạnh, cho đến tận giờ vẫn khiến tôi thèm, mỗi khi nhớ lại. Có cái hay là kho chung nhưng đặc điểm của từng loại cá, vẫn không hề mất đi. Là sự cộng hưởng nhưng không hề nhòa lấp. Một hỗn hợp quả là độc đáo với vị bùi bùi của lúi, đăng đắng của niên, beo béo của cá trắng. Cá trủ kho ngon quá và có món này, mặc kệ, gạo mậu dịch hẩm và nát, xoong cơm đầy vun vẫn được ba đứa vét sạch.

Thời gian hay lên trên đó, tôi được hưởng nhiều lộc, không những từ sông suối mà cả từ núi từ đồng. Tôi theo Hạnh đi kiếm nấm mối, tìm búp măng rồi cùng em chế biến các thứ. Mỗi khi có tôi, Hạnh vui vì có thêm bạn sông nước. Hồi đó, cá tôm đâu có cạn kiệt như giờ mà Hạnh, mới tháo vát sao! Chỉ cần một tay lưới và mất chừng nửa ngày, là em kiếm được hằng bao nhiêu là sản vật. Nhìn vô thành quả của hai đứa, Hạnh mới tính toán. Giả như tôm thì tôm bạc làm gì, tôm đất làm gì. Và cá? Cá rô, cá lóc để nướng, cá chình để um, cá măng và thát lát để làm chả. Còn cá trắng và cá mương, nếu ít để kho và nấu canh mà nhiều, sẽ ủ muối làm mắm. Cả nhà tôi dưới phố đều ghiền các loại mắm cá sông, Hạnh cho. Thịt heo luộc kẹp rau thơm, chuối chát, khế mà chấm mắm cá mương, cá trắng sông Côn thì ngon, thôi khỏi bàn cãi.

Hạnh khéo thật! Cái gì em cũng thuần thục đến không ngờ. Lại thêm tính cởi mở, hòa nhã nên Hạnh được mọi người ở trên đó hết mực quí mến. Tôi đã mường tượng đến cuộc sống mai này của Hạnh, sau khi rời nông trường: một việc làm ổn định, tổ ấm bình dị với người chồng siêng năng và những đứa con khỏe mạnh.

***

Đứa con ấy, Hạnh cũng có đấy thôi nhưng trong một hoàn cảnh thật sự là bi đát. Bạn tôi khi đó đã về dưới này và vừa lập gia đình. Vy sống bên chồng và sắp giao thừa với bộ dạng, hốt hoảng và hối hả, đứng trước cửa nhà. Bạn tôi thầm thào báo tin, là vừa đưa Hạnh đi sinh vì em chẳng có ai. Cả người tôi lạnh toát, bởi biết được, thứ trách nhiệm vô hình đang quàng lên mình. Vy dúi vào tay tôi một ít tiền: “Tao chỉ có ngần này. Mà… mà không thể bỏ mặc nó được. Mày độc thân vẫn dễ xoay trở hơn”. Thương bạn và thương Hạnh, tôi gật đầu mà người cứ cứng đờ ra. Phải cả lúc sau, mới giật mình và lao vội vào bệnh viện. Hạnh sinh ngay giữa lúc giao thừa và năm mới, đang ập đến. Em khóc nhiều nói gặp phải thứ sở khanh nhưng, nhất quyết không bỏ con. Hạnh gần như không chuẩn bị đồ đạc gì cho mình nhưng em bé, lại được sắm sửa khá đầy đủ.

Đó là cái Tết kỳ quặc nhất của tôi khi, từ khoa Sản về thẳng nhà mình xông đất, rất sớm. Đối với mẹ, điều này rất là kinh khiếp và nếu biết, chẳng rõ chuyện gì sẽ xảy ra. Tết, thấy tôi không diện đồ đẹp và chẳng chịu đi chơi với ai hết. Đã thế, có vẻ căng thẳng và tất tả thế nào ấy. Mọi người trong gia đình bảo tôi là cái thứ dở hơi. Cứ lủi thủi một mình và thoắt hiện thoắt biến như thể ma hành, khiến ai cũng phải thắc mắc. Anh cả tôi phán ngay câu này: “Trông cái Út nó cứ gian gian thế nào ấy”. Tôi nghe, giấu khuôn mặt che gấp nụ cười. Trời đất! Không gian sao được? Không rình mò, lén lút sao đây, khi, tôi là đứa ăn trộm các thứ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Cái gì cần cho mẹ con Hạnh, mà có thể “thó” được, là tôi… thôi đành.

Khổ sở trộn lẫn với nhiều run sợ. Là những cảm xúc có thật mỗi khi hành sự. Trời rét là thế mà mồ hôi túa ra khắp cả người. Phải như Hạnh nhỏ con như tôi, quần áo của mẹ và các chị, đã chẳng bị sờ đến mà làm gì? Rồi khăn trùm đầu của bà nội rồi những đôi tất của các anh… Cũng may là ngày Tết nên thực phẩm ở nhà có dư giủ, nhưng vẫn phải lén lút mới lấy và giấu được đấy chứ. Mẹ la um lên khi mất gần lít rượu nếp, đã thế, bố còn bảo bằng bà uống rồi lại đổ vạ. Sẵn có men trong người, bố lải nhải cả đỗi về việc này rồi mới chịu khề khà: “Cũng may, là bà nội chúng nó với tôi cùng các chàng trai nhà này toàn uống rượu mạnh đấy, nhé!”. Đầu năm, mẹ chép miệng cho qua và tôi thở phào nhẹ nhõm. Phải trộm thứ rượu ấy vì tôi thấy mẹ vẫn cho chị dâu và chị gái uống, hồi ở cữ.

Ngay tối mùng ba, Hạnh bế con trốn khỏi bệnh viện. Tôi lùng sục suốt đêm và rất may, gặp được sát mái hiên của nhà bà mụ Hằng. Em phân trần, bảo không muốn tôi khổ. Không muốn phải đóng viện phí dù hãy còn đủ số tiền, tôi và Vy cho. Hạnh muốn có chút đỉnh phòng thân vì những ngày tới, rất bấp bênh. Nấp dưới mái hiên nhà của một bà mụ, cũng là có dụng ý. Tôi lục giỏ của Hạnh, thấy cũng còn thức ăn và áo xống. Mừng, vì biết em vẫn được mặc ấm và ăn no. Vui, khi thấy em khỏe và thằng bé con em mới thật là kháu chứ! Cứ cười mãi và cười chán lại ngủ khì. Lại tiếp thêm mấy ngày tôi đi đi, về về với bộ dạng nhớn nhác. Tôi đem thêm cho Hạnh một cái chiếu và tấm đắp. Hai thứ này, không thể ăn cắp được từ nhà và vì sao tôi có, lại là một bí mật. Bà cụ gần đó sai con ra giăng cho mẹ con em tấm ny lông để chắn bớt gió. Cũng bà này, ngày hai bận đem cho em một gà men cơm nóng và thịt ram mặn. Hạnh bảo cụ chẳng hỏi một tí gì về hoàn cảnh của em. Cứ giúp là giúp thôi! Thấy nghĩa cử của bà, tôi nhận ra những lo toan của mình nào có đáng kể.

Vy mừng hết sức khi cả gia đình về quê nhưng, phải đợi đến lúc chồng vào ca đêm mới dám cùng tôi, đến thăm Hạnh. Mới chỉ 21h mà như khuya lắm vậy vì đường sá vắng hoe. Trời rét quá và Tết đã qua nên chắc, mọi người thích tụ bạ ở nhà hơn là ra ngoài. Đã mùng sáu nhưng có vẻ, bọn tôi đang thật sự có Tết và được ăn Tết. Khi đầm ấm bên nhau mới hay cuộc sống nhẹ nhõm đến dường nào. Hạnh, không kiềm nổi khóc thành tiếng khiến em bé ngước đầu, mở to mắt nhìn mẹ. Rồi cười. Vy và tôi cũng cười mà nước mắt ứa. Vy lóng ngóng bế cháu, săm soi một lúc rồi hỏi: “Bố nó có phải là người dân tộc không, mà sao, da đen thế này?”. Khi Hạnh cho con bú, cả tôi và Vy châu đầu vào và ngắm say sưa cặp môi em bé chúp chíp, chúp chíp. Cỗ Tết được bày ra trên một tờ báo với ba người và một nhóc con, hãy còn đỏ hỏn. Chúng tôi cùng uống rượu nếp, ăn chả quế, giò thủ, bánh chưng với kiệu mặn rồi nhấm nháp mứt bánh. No kềnh, Hạnh nằm dài đặt con lên ngực. Vy cũng lập tức thả lưng, duỗi cẳng xoãi người một bên và tôi một bên.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Đây, là khoảng thời gian đầu năm nhiều xúc động nhất của ba đứa. Khi có nhau, chúng tôi nhận ra đời rất bình yên. Mấy ngày qua Hạnh khốn đốn, tôi khổ sở và Vy lo sợ. Những thứ dằng dịt đó, cuốn siết, khiến thấy cuộc sống bất an sao! Nhưng hết thảy đã bị đẩy lùi đã trốn biệt, để chỉ còn lại tình bạn và những vui vẻ. Nghe ra sự vui vẻ cũng đã đổi cung bậc và thanh âm. Bao yêu thương trở lại và sự gắn bó, đã khác hẳn hồi ở nông trường. Không lẽ, bởi ấm hơn và lạ hơn do chỗ nằm quá chật mà lại có mùi… bà đẻ. Thằng bé được nằm trên mình Hạnh rồi đến Vy và tôi. Cứ luân phiên thế và thương thật, vì lạ hơi nhưng chẳng mảy may la khóc đâu nhé! Vy giành giữ thằng bé lâu hơn để kiếm chút hên. Bạn tôi đang cấn thai và rất muốn em bé sẽ không phải là gái. Vy bảo ông xã nó rất hiện đại nhưng nhà chồng cũ kỹ lắm cơ.

Hình như chúng tôi có ngủ được một chốc. Không rõ bao lâu nhưng hẳn, là không dài. Trong cơn mê thiếp, tôi nhớ lại cảnh ba đứa như những con điên đầu trần và không tơi áo, đội mưa đi kiếm nấm. Mà mưa hôm ấy mới kinh khiếp chứ! Vy tóc tai rũ rượi ngửa mặt trông trời, cười cả tràng dài. Đôi mắt sau cặp kính cận cứ đờ đuột ra. Nhìn Vy, cả tôi và Hạnh lạnh buốt sống lưng vì biết nó đang khóc. Con này nó dại tình lắm cơ! Thì, tôi… tôi cũng thế thôi mà. Nhưng dại, cấp độ như Vy thì tôi đây chẳng dại. Được một trận mưa ra trò, quất cho tả tơi tôi và Vy lăn quay ra ốm, ngay sau đó. Thật tội cho Hạnh: đánh gió, xông lá, cháo lảo và thuốc men. Vy trùm chăn kín người bảo rét quá, rên rỉ không ngơi còn dở giọng triết lý: “Tao khôn đã khỏi mất người yêu. Nhưng, đứa nào yêu mà không dại. Chỉ?”. Hạnh giơ tay, vỗ ngực bảo: “Em…”.

Là em, một chữ trơ trụi và chắc gọn như một xác tín như một khẳng định, chiều mưa xối xả nào đó trên nông trường. Là em, giờ ôm đứa con được có mấy ngày, nằm đây mà mờ mịt mà mênh mông, thời gian sắp đến. Vy la oai oái khi bị thằng bé tè ướt cả người. Tiếng Vy đánh thức cả bọn trở dậy. Vậy là khoảng thời gian được gục vào nhau, cùng ôm em bé và quắp chặt lấy nhau, ngủ vùi đi qua. Những êm ả đằm sâu cũng đi qua. Khi chia tay, chẳng hiểu sao con của Hạnh khóc thét lên và gió bên ngoài quất lên chúng tôi, rất mạnh. Co rụt người để né bớt và nhìn cái ngã tư ngủ say mê mệt, tôi bỗng hãi sợ sao đâu. Tôi cũng tìm thấy trong đôi mắt của Vy, cả một trời buồn khổ lo phiền. Vì Hạnh, tất nhiên. Là em và đó đã hẳn, là điều cả hai đứa nghĩ đến rất nhiều nhưng không dám nói ra.

***

Phải cả năm quay quắt kiếm tìm, chúng tôi mới biết được tin tức Hạnh. Em bế con rời khỏi mái hiên nhà mụ Hằng, ngay sáng sau. Không ngờ được, tính cho đến tận giờ, sau vài chục năm ròng rã. Đó là lần cuối ba đứa cùng có nhau. Trong tấm ny lông vây kín, nơi một góc phố vào khuya đêm mùng sáu. Tôi hay nghĩ nhớ về Hạnh, Vy và chính mình. Về tình bạn và chặng đời qua. Về những dại dột và sự khôn ngoan. Niềm cậy tin và ngờ vực, những bình yên và bao trắc trở… Dẫu có tưởng tượng đến đâu, tôi vẫn không hình dung nổi cuộc đời của Vy lại thê thảm đến mức này. Và Hạnh và cháu bé cùng tổ ấm và cơ ngơi hiện tại. Một trái ngược, là khập khễnh hay vuông tròn đây chứ! Hạnh vẫn ngác ngơ và chẳng trù tính nổi, một mảy may nào đó cho đời mình. Ngoài ước mong duy nhất là có đủ sự vững chãi, để, không phải hoang hư trở lại. Cứ như hồi còn ở nông trường.

Vy cũng chẳng chai sạn hơn nên có muốn quỷ quyệt, một lần, trong tình trường cho nó sang cả, vẫn là không thể. Đó, cách nói của con người này và vài năm nay, sống ở Mỹ với đứa con người chồng sau. Tôi có nhiều dịp lên Đắk Lắk với gia đình Hạnh và cùng với em, lại thêm nhớ Vy và trông đợi… Gọi điện cho nhau, thi thoảng, Vy hay hỏi về bọn trẻ của Hạnh và tất nhiên, vẫn rất ưu ái cho thằng đầu. Vy háo hức hỏi han mà tôi lại ơ thờ trả lời. Cứ ậm ừ: “Thì cũng đường được, cũng tàm tạm ấy mà”. Chứ chẳng lẽ, tôi lại nói thật về sự tuyệt vời của chàng trai này và mấy đứa em nó. Khi mà bạn tôi có đến ba đứa con… Biết diễn tả như thế nào đây nhỉ? Vy bảo tụi nó đều chịu khó đóng một chữ “tệ” to đùng, ngay giữa trán. Giọng nhiều giễu cợt và tôi cũng chẳng vừa:

– Là tệ hại? Hay tệ bạc…

– Cả hai. Mà không chừng hơn thế nhiều ấy chứ!

Vợ chồng Hạnh gọi thằng đầu là Rẫy. Để nhớ ngày em bế nó, khi hãy còn đỏ hỏn lên trên đó và may mắn, gặp được ông chồng đây. Vy gọi nó là thằng Đen, vì nước da không được sáng sủa lắm hồi mới chào đời. Và tôi? Tận sâu nơi tâm tưởng gọi cháu là Giao Thừa trong nhớ thương vun đầy và rưng rức.

NGUYỄN MỸ NỮ

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…