(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Trong đêm đen thinh lặng, xóm chài chợt trở nên ồn ã bởi những tiếng tiếng lao xao. Tiếng gió, tiếng cát xoay, tiếng dây dừa cứa hoen vào vành thúng.
Rào rạt… Rào rạt…
Phía bãi bồi truyền ra từng đợt khua khoắng. Bác Tư hàng xóm đang kéo cái thuyền thúng chất đầy mành lưới ra cửa biển. Ngọc vươn tay đẩy nhẹ tấm phên liếp, hé mắt trông về khơi xa. Trong khoảng không vô định, hơi muối bốc lên vị mặn, trôi theo gió, che khuất hàng phi lao đứng thẳng. Cát biển xoắn tròn thành luồng đối lưu, chốc lát lại hất bay, xô lệch. Nheo đôi mắt đã bị hun cay xè, vài tẹo xuyến xao chả hiểu bằng cách nào đã khẽ len vào con ngươi, trào hơi nước.
Lại là một đêm đầy gió.
Ngọc ra trước hiên ngồi đan thêm mấy tấm lưới màu xanh biển. Ba Ngọc có chuyến khơi xa. Trong nhà tự nhiên thấy vắng vẻ. Mẹ lọ mọ kiểm tra vại dưa cải muối chua, thấy còn thừa đôi chút sau khi chia cho thuyền viên, liền đem đi kho mặn với thịt ba chỉ trong cái nồi đất. Bên góc nhà là mấy bó cải thảo vừa phơi khô, chờ muối cho đợt ghe sau. Món này đưa cơm, lại để lâu được. Chịu khó làm, cũng đỡ mấy trăm ngàn phí tổn.
– Vào đi, mai đan. Tối nó lại hư mắt ra.
Mẹ Ngọc cao giọng gọi.
Ngọc buông cái ghim vá lưới, cất vào cái hộp sét rỗng lòng, đậy nắp. Ngoài biển ầm ập sóng, thoảng đưa mấy tiếng như chim cú kêu. Ngọc tự nhiên rợn rợn, da gà nổi lạnh buốt cánh tay.
Mùi cải chua kho thịt thơm lừng chái bếp. Ngọc hít một hơi, chun mũi:
– Thơm quá! À, mẹ có nghe thấy tiếng cú kêu đêm không?
– Có. Chắc biển động. Mi bớt có ở đó nghĩ linh tinh.
Mẹ Ngọc vừa nói, vừa đẩy con gái ra ngoài lu nước, ý bảo rửa tay rồi mới vào bàn ăn. Ngọc cái gì cũng tốt, mỗi tính bầy hầy là giống ba. Thành ra, cứ thấy tiện là làm, mẹ Ngọc nhắc hoài mà đâu cũng vào đó.
Ngọc thủng thẳng vốc cái gáo dừa, rửa qua loa. Đoạn, cô chép miệng:
– Tháng tới con tốt nghiệp. Mẹ nói ba ở nhà, đừng đi biển nữa. Con đi làm, hàng tháng gửi tiền về cho nhà. Già cả rồi, bữa thấy ổng còn chẳng khiêng nổi thùng đá ướp cá lên ghe.
– Ổng cũng nói cố nốt chuyến này. Gió máy quá, ổng huyết áp cao, chịu không thấu.
Nghe vậy, Ngọc thở phào. Gánh nặng học đại học của cô làm ba mẹ chẳng cách nào “nghỉ hưu” đúng tuổi. Đôi khi nghèo cũng là một thứ làm con người ta sống giả dối với chính bản thân. Mệt chẳng dám nghỉ. Khổ chẳng dám than. Nghĩ mà ngao ngán.
Tiếng chim cú vẫn kêu. Biển vỗ sóng ầm ĩ vào bờ. Mẹ Ngọc chong đèn măng xông trước hiên, rọi sáng một khoảng sân cát trắng.
Ngọc nằm trên cái võng ngoài hành lang, đung đưa mấy bận đón gió. Chiếc điện thoại “cục gạch” được Ngọc cầm trong tay, màn hình là trò chơi con rắn quen thuộc. Cứ chạy nối càng dài, thân rắn càng có vẻ cồng kềnh trong màn hình có mấy đốt tay. Sắp qua màn thì điện thoại reo khịch khịch. Đầu rắn chẳng kịp di chuyển, liền đụng vách. Chưa kịp tiếc rẻ, cuộc gọi số lạ reo vang. Ngọc nhíu mày bắt máy:
– Alo?
Bên kia, tiếng ồn ào cùng sóng vỗ ầm ầm vào màng nhĩ. Hình như có ai đó đang hét lớn. Nhưng Ngọc chẳng nghe được gì. Cô lại alo vài tiếng.
– Cái Ngọc phải không?
– Dạ vâng, chú là?
– Tao là Bảy Nghĩa, chủ ghe. Ba bây lưu số, tao gọi thử. Giờ nói mẹ bây với mấy cô chú gọi ngay cái xe cứu thương, chờ ngoài đường lớn. Tầm tiếng nữa tao đưa ba bây về.
– Chú Bảy – Tai Ngọc ong ong – Ý chú là sao? Sao lại gọi xe, đưa ba con về, là về đâu?
– Ba bây lên huyết áp, giờ nằm vật ra sàn. Mấy anh em sơ cứu, mà thấy nó thở nông rồi. Tao lo rút mành lên, nổ máy chạy vô, mà chắc không kịp. Tao nói cho mẹ con bây biết tình hình mà chuẩn bị. Vậy đi.
– Chú Bảy, chú Bảy – Ngọc hét lên. Điện thoại đã cúp. Tiếng tít tít hòa cùng tiếng cú kêu đêm nghe não ruột.
Ngọc lăn vội xuống võng, vọt vào gian bếp. Mẹ Ngọc vẫn đang lúi cúi với mớ cải chua. Ngọc run rẩy, cầm lấy tay mẹ. Miệng mấp máy mấy lần vẫn chưa nói rõ chữ. Mẹ Ngọc nhíu mày:
– Có chuyện chi? Nghe bây hét toáng lên, chả ra làm sao cả.
– Ba, mẹ ơi, ba
– Ba bây làm sao?
– Tìm xe, mẹ ơi, chú Bảy nói mẹ tìm xe, chở, chở ba về. Ba, ba, thở không được.
Loảng xoảng…
Cái vá canh trong tay mẹ Ngọc rơi thẳng xuống nền nhà. Mấy miếng cải chua lăn lốc đầy đất, chui tọt xuống cái ghế đẩu cạnh bàn.
Trời ơi. Tiếng mẹ Ngọc nghe xé lòng. Cái đèn măng xông lung lay như những cái bóng sắp bị nuốt chửng, loang lổ. Tiếng cú đêm. Tiếng sóng biển. Tiếng xe cứu thương. Tiếng gọi nhau đau đớn. Mọi âm thanh cứ như đan từng cái lưới mắt thép vào tim Ngọc, thít chặt, khó thở.
Ngọc ngã quỵ xuống nền cát, khi con thuyền vào bờ ngay trong đêm đen..
***
Hôm nay làng chài đột ngột trở gió.
Hàng phi lao trên bãi chắn cát rào rạt nghiêng ngả, nom như bất lực, như gắng sức, với mớ cành lá khẳng khiu, nhỏ bé và trơ trọi.
Ngày đưa ba đi cũng là một hôm trở gió. Gò đất nhô cao ngã nhoài về biển trở thành nơi đặt chân cuối cùng cho ba sau chuyến ra khơi bão táp. Có ai mà ngờ đó lại là lần gặp cuối.
Tựa bên ô cửa gỗ, vén lại mớ tóc con bị thổi rối bung lòa xòa ra sau tai, Ngọc khẽ nheo đôi mắt cay xè, tận lực tránh đi cơn bụi bốc cao. Ngọn đèn leo lắt hắt qua song cửa sắt, rọi bóng mờ lên tấm di ảnh chưa kịp phủ bụi thời gian, khiến cơn đau hóa thành nỗi nhớ nhung vô tận.
– Ngọc, đóng cửa sổ lại đi, mi còn ngẩn người cái chi thế hả? Đài báo tối nay có áp thấp nhiệt đới, lát nữa mưa tạt vào ướt hết đồ đạc bây giờ!
Giọng nhắc nhở của mẹ trầm khàn vọng lên sau gian bếp. Ngọc thoáng chần chờ rồi vươn nhẹ tay ra ngoài níu lấy hai bên ván ép.
Ra chỗ lu nước múc một gáo để rửa mặt, Ngọc hỏi nhỏ:
– Khu mỏm đất chỗ bãi bồi mẹ đã căng bạt che lại chưa? Cái lọ hoa cúng với đèn dầu chỉ cần bị gió mưa xối mạnh là lại ngã chỏng chơ, bể đổ hết đó…
Thoáng chút im lặng, mẹ Ngọc khục khặc ho rồi hắng giọng:
– Biết rồi, từ đầu trưa nghe tin thời tiết xong là tao lúi húi ra đó liền. Mi không phải nhắc. Chồng tao, tao tự khắc lo.
Đoạn đối thoại không đầu chẳng cuối ấy kết thúc bằng một tiếng thở dài thườn thượt của mẹ.
Mẹ Ngọc lom khom vào nhà, tiếng bật lửa loẹt xoẹt kêu. Bà thắp cái đèn dầu mắt cá, đặt lên bàn thờ. Một cái khác thì đặt trên ghế gỗ cạnh hành lang, leo lét sáng. Chốc lát, tiếng quạt lá lạo rạo của bà chuyển động đều đều. Thỉnh thoảng, bà húng hắng ho nhẹ, rồi ngó đầu nom chừng bát nhang trên bàn thờ, thấy vừa hết khói thì chống tay ngồi dậy, lục đục mò mẫm lấy cái bật lửa đốt thêm nhang.
Chập tối, gió xộc vào khe cửa, rít lên từng hồi rùng rợn. Mưa bắt đầu đập lầm rầm trên mái tôn, ầm ĩ. Điện bị tắt ngóm. Ngọc lọ mọ thắp cái đèn dầu cá rồi bưng lên để trên bàn cơm. Ánh lửa lập lòe trong đêm, nhiều khi tưởng chừng sẽ vụt tắt vì cơn gió biển bất chợt ào đến, nhưng rồi vẫn kiên cường chiếu sáng như một điều diệu kì nơi góc nhỏ.
Quấn chặt mền nằm trên chiếc giường xếp, Ngọc trở mình nhìn cái bóng hắt lên tường, rồi từ từ chụm lại hai tay tạo thành hình những con vật đầy sống động. Tất cả như một chuỗi ảo ảnh trên chiếc đèn kéo quân, chạy xẹt qua giấc mơ con ngày bé.
Vặn nhỏ cái bấc đèn rồi lom khom ngồi lên chiếc phản gỗ, mẹ Ngọc cất tiếng trầm đục:
– Khi nào mi tính vô Sài Gòn?
Tay Ngọc khựng lại trên không trung. Quay người về phía mẹ với bóng lưng chập chờn trên bức tường vôi, cô thở nhẹ:
– Con muốn ở lại đây đỡ đần mẹ. Ba đi rồi, để mẹ một mình trong nhà con không có yên tâm. Với cả, con thấy ở đây cũng rất tốt, bình yên và êm ả.
– Tao còn khỏe, tao tự lo được. Mi ở lại làm chi? Tính nối nghiệp tao bán cá à? Ba mi khổ cực đi biển tới tận lúc nhắm mắt để mi ăn học tử tế, để rồi bây chừ mi cầm cái bằng đại học đi làm bà bán cá?
Vừa tuôn một chuỗi dài, mẹ Ngọc vừa thở hổn hển chừng tức giận lắm.
Hít cái mũi sụt sịt, Ngọc bước nhẹ về phía phản, từ đằng sau ôm lấy tấm lưng còng của mẹ. Khẽ gác cằm lên đôi vai gầy nhọn đầy xương xẩu, Ngọc thỏ thẻ:
– Thế, mẹ vào đó với con luôn nha? Con đi xin việc, rồi thuê phòng trọ, hai mẹ con hú hí có nhau.
Có tiếng thở dài khe khẽ. Tiếng quần áo cọ sột soạt vì xoay người. Tiếng gió đập ầm ã ngoài hiên, nơi có cái lu nước. Mọi thứ thanh âm làm con người ta chẳng cách nào tĩnh tâm cho đặng. Trở người nắm lấy vai Ngọc, tay kia vỗ về mấy cọng tóc rối lòa xòa trước trán con gái, giọng bà thoảng trong gió rít như từ xa xăm vọng lại:
– Tao phải ở lại đây. Mồ mả ba mi còn nằm đó, tao đi sao đặng! Tao biết mi có hiếu, nhưng cứ sống cho tốt, luôn nhớ tới nguồn cội là tao với ba mi đã mãn nguyện.
Một khoảng lặng kéo dài, vài phút, hoặc chỉ như vài giây. Rồi Ngọc ôm chặt mẹ òa khóc. Đột ngột và vội vã. Suốt hai tháng qua, bụng cô đã chất đầy những dòng nước mắt chảy ngược, chương chướng tức. Cô muốn mình thêm kiên cường, bởi một chỗ dựa thì không nên mít ướt. Như ba Ngọc, chẳng mấy khi thấy ông rơi lệ. Như chú Ngọc, cái người lớn lên từ những cơn sóng chỉ biết mở miệng cười to rồi nốc vài ba cốc rượu đế. Kể từ ngày ba mất trong một chuyến khơi xa, trong cái tối ẩm ương bão, cô sực nhớ mình chưa từng bị tước đi cái quyền được khóc. Những tiếng rít của gió, tiếng đập cửa của mưa dường như nhẹ nhàng hơn. Ngọc thấy vai mình đã thôi nặng trĩu.
Ánh đèn dầu hắt qua song cửa sắt đã được khóa kĩ, thỉnh thoảng lại kêu lên bôm bốp vì nghẹt bấc. Nằm trong ngực mẹ như thuở bé, Ngọc chợt nhớ về những ngày cắp sách đến ngôi trường làng trên bãi cát trắng, về những con chữ bi bô đưa Ngọc vào ước mơ non dại đầu đời là trở thành một họa sĩ. Khi sắp sửa quyết định kết thúc giấc mơ đã chập chờn trong đầu hơn hai mươi năm, những lý do từng khiến Ngọc bắt đầu lại lũ lượt kéo về ồ ạt như gió biển thổi ngàn dặm. Cứ hệt một nhắc nhở nghẹn ngào từ tuổi trẻ, đầu óc cô lơ lửng với mớ suy nghĩ mình đã từng nỗ lực cố gắng vì điều gì?
Ngoài kia, gió biển hãy còn ầm ĩ. Áp thấp nhiệt đới đang tiến vào cùng sự thịnh nộ. Cơn sóng ngoài xa cùng cơn bão lòng Ngọc cứ lộn nhào, xâu xé nhau. Đêm nay, có lẽ lại là một đêm dài.
NGUYỄN TRẦN THANH TRÚC