Gió cuốn

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Bất thình lình – trong cơn hoảng sợ – cô giật mình thức giấc. Chuyện gì vừa xảy ra? Có gì đó rất đáng sợ vừa xảy ra. Không – không có gì cả. Vừa rồi chỉ là một cơn gió dữ giật mạnh ngôi nhà, làm cửa sổ va bôm bốp, đập mảnh tôn trên mái nhà và làm giường cô rung theo. Lá cây rụng rơi bên kia khung cửa sổ, chúng bay lên và bị cơn cuồng phong cuốn đi; dưới đường lộ có tờ giấy báo đang phần phật, như con diều đứt dây mà rơi xuống, kẹt trên tán thông. Trời lạnh. Mùa hè đã hết – giờ là trời thu – mọi vật trông xấu hơn bao giờ hết. Mấy cỗ xe thồ lạch cạch đi qua, cứ lắc qua lắc lại; hai người đàn ông Trung Quốc kéo xe đang lê thê bước cùng chiếc ách gỗ ấy, trên thồ những giỏ rau quả căng đầy – bím tóc và chiếc khoác xanh của họ cứ tung lồng lộng trong gió. Một chú chó trắng, còn độc ba chân, kêu ăng ẳng qua cánh cổng. Mọi thứ kết thúc rồi! Mọi thứ! Cô lần những ngón tay run rẩy của mình lên tết mái tóc, không còn can đảm nào để nhìn ra cửa sổ. Xầm xì dưới sảnh là giọng mẹ cô, đang nói chuyện cùng người bà.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

“Một con ngốc! Sao nó có thể phơi đồ giữa trời như thế này chứ? Coi kìa, cái khăn bàn nhỏ bé đáng yêu của tôi giờ có khác gì mớ giẻ rách không chứ? Ôi cái mùi quái gì kia? Nồi cháo đang cháy! Ôi trời ơi, cái cơn gió quỷ quyệt này!”.

Cô có buổi học nhạc lúc 10 giờ. Với suy nghĩ đó, một đoạn ngắn của Beethoven bắt đầu vang lên trong đầu cô, những âm rung kéo dài và dội lên ồn khủng khiếp như tiếng trống tự ùng ùng u u. Marie Swainson ở ngoài kia, chạy thẳng qua vườn nhà hàng xóm, nhanh nhảu hái một khóm “cúc dại” trước khi chúng bị dập tan. Váy cô phồng lên ngang hông; cô vật lộn, cố nhét nó vào giữa hai chân khi đang cúi mình xuống, nhưng cũng chẳng ích gì – nó lại phồng lên. Cây cao, bụi thấp, tất cả như thể đang đập vào người cô. Marie cố hái khóm hoa nhanh nhất có thể, cô đang hơi mất tập trung. Cô chẳng quan tâm lắm mình đang làm gì mà cứ nhổ đại chúng lên, cả rễ, rồi uốn, rồi xoắn chúng lại với nhau, chân giậm xuống đất còn miệng chửi trời.

“Vì Chúa, đóng cửa trước lại! Vòng ra cửa sau mà đi!”, ai đó la lên. Rồi cô nghe giọng Bogey:

“Mẹ ơi, có người cần gặp mẹ trong điện thoại kìa. Điện thoại, mẹ ơi. Hàng thịt gọi”.

Đời này thật đáng ghê tởm làm sao – nổi loạn, chỉ cần nổi loạn… Và giờ đến lượt của sợi chun buộc mũ – nó giật đứt ra. Kiểu gì nó cũng đứt thôi. Rồi cô sẽ đội chiếc bê rê cũ lên và lẻn ra cửa sau. Nhưng mẹ đã thấy cô.

“Matilda! Matilda! Quay lại, ngay – lập – tức! Mày đội cái thứ gì lên đầu vậy? Trông cứ như cái đồ giữ ấm bình trà ấy. Và tại sao mày lại có mớ bờm tóc ngay trên trán kia?”.

“Con không về được đâu mẹ ơi. Con muộn buổi học mất”.

“Về ngay!”.

Không. Cô không sẽ không về đâu. Cô ghét mẹ. “Biến đi cho khuất mắt!”, cô vừa la, vừa chạy xuống đường.

Giữa những đợt gió, trong những đám, những vòng, những cuộn xoáy lớn của cơn cuồng phong, bụi bay đến nhức nhối, quất vào da thịt nào trấu, nào đất, nào rơm. Cây trong vườn ầm ầm gào lên, phía cuối con đường kia, ngay ngoài cổng nhà thầy Bullen, cô nghe thấy tiếng sóng biển, đang thổn thức từng cơn: “Ah!… Ah!… Ah-h!”. Nhưng gian phòng khách nhà thầy Bullen thì nín lặng, hệt như trong động sâu. Cửa sổ được đóng kín, rèm thả lơi, cô đã kịp giờ học. Cô học trò lớp trước cô vừa bắt đầu chơi bản To an Iceberg của MacDowell. Thầy Bullen giương mắt nhìn cô, cười nửa miệng.

“Ngồi đi”, ông nói. “Ngồi vào góc sofa này đi cô bé”.

Lạ làm sao. Thầy không hẳn cười vào cô… nhưng, có gì đó,… Ôi, chỗ này thật yên bình làm sao. Cô thích gian phòng này. Nó có mùi của một tấm vải xéc, thoảng đâu đây hương khói ám lâu ngày và thơm thơm hoa cúc… Kia, một lọ lớn cắm đầy chúng, đặt trên bệ lò sưởi, ngay sau tấm ảnh bạc màu của ngài Rubinstein(1)… á mon ami Robert Bullen… Trên tường, cạnh cây dương cầm đen óng kia là bức “Cô độc”(2) – một người phụ nữ u sầu, bi thảm, vận đầm trắng, ngồi trên tảng đá, gối khoanh, tay chống cằm.

“Không, không phải như vậy!”, thầy Bullen nói, tựa vào cô học trò, gác hai tay lên vai cô và bắt đầu chơi mẫu bản nhạc cho cô. Thứ ngốc – cô ta đỏ mặt kìa! Buồn cười thật!

Giờ cô học trò đó đã đi; cửa trước đóng sầm lại. Thầy Bullen quay lại phòng, đi tới đi lui, rất khẽ khàng, đợi cô. Lạ làm sao. Tay cô run bần bật, ngón nhũn cả ra, đến nỗi không mở được chiếc túi đựng giấy nhạc. Đó là gió… Tim cô đập mạnh, như thể đang nâng chiếc áo cô mặc lên rồi lại hạ nó xuống. Thầy Bullen không nói lời nào. Chiếc dương cầm đỏ tồi tàn đủ dài để cô cùng thầy ngồi cạnh nhau. Thầy ngồi xuống cạnh cô.

“Ta bắt đầu với chạy gam trước nhé?”, cô hỏi, xoắn đôi bàn tay vào nhau. “Em cũng có ít hợp âm rải nữa”.

Nhưng thầy không trả lời. Cô không tin là thầy còn nghe thấy… Rồi đột nhiên, thầy vươn cánh tay mang nhẫn ra, mở phổ nhạc của Beethoven.

“Tập một chút cổ điển đi nào”, thầy nói.

Nhưng sao thầy lại nói chuyện ôn tồn đến vậy – tử tế, ân cần kinh khủng – như thể thầy trò biết nhau hàng năm trời và hiểu hết mọi thứ ở nhau.

Thầy Bullen khẽ lật tờ phổ nhạc. Cô chăm chú nhìn vào bàn tay ông, một bàn tay đẹp đẽ, và trông lúc nào cũng như vừa được chủ nhân của nó rửa sạch.

“Đây rồi”, ông nói.

Ôi, nghe chất giọng ngọt ngào ấy kìa. Ôi, cái ngân rung nhẹ nhàng ấy. Giờ là tiếng trống tự ấy…

“Ta lặp lại lần nữa nhé?”.

“Hẳn là vậy rồi, trò yêu”.

Giọng nói của thầy quá ấm áp. Những nốt đen và nốt móc đang nhảy múa trên khuông nhạc kia, như những cậu nhóc da đen đang trèo rào vậy. Sao mà thầy ấy… Cô sẽ không khóc đâu – chẳng có gì để cô phải khóc cả…

“Sao vậy con?”.

Thầy Bullen cầm lấy tay cô. Vai thầy đây, ngay sau gáy cô. Cô chỉ dám dựa vào nó một chút ít, má cô áp vào lớp vải Tweed thật đàn hồi kia.

“Cuộc sống này thật mỏi mệt”, cô than vãn, nhưng thật sự cô chẳng thấy nó mệt mỏi chút nào. Thầy nói “đợi chờ”, “đánh dấu mốc thời gian”, rồi “thứ của quý ấy – một người phụ nữ” gì gì đó nhưng cô chẳng nghe thấy. Êm tai làm sao… mãi như vậy…

Cửa bất ngờ mở và ngay đó là Marie Swainson, sớm hàng giờ trước khi lớp học của cô bắt đầu.

“Đẩy nhịp nhanh lên một chút”, thầy Bullen nói, đứng dậy, rồi bắt đầu đi tới đi lui.

“Ngồi vào góc sofa này đi cô bé”, thầy nói với Marie.

Gió, những cơn gió. Thật đáng sợ để ngồi đây, trong phòng cô, một mình. Này giường, kia gương, đó là bình và chậu, trắng bệch, ánh lên le lói như bầu trời ngoài kia. Chiếc giường ấy đáng sợ làm sao. Nó nằm đó, ngủ say… Liệu mẹ có một phút, một giây nào tưởng tượng rằng mẹ sẽ khâu tất cả mớ tất buộc trên chăn lại như một con rắn cuộn mình không? Hẳn là bà không rồi. Không, mẹ ơi. Con không hiểu tại sao con nên… Ôi gió, những cơn gió! Có một thứ mùi là lạ như mùi bồ hóng phả ra từ ống khói. Có ai gửi thơ cho gió không?… “Ta đem hoa tươi cho lá và tưới”… Thật vớ vẩn.
“Phải em đó không, Bogey?”.

“Dạo một vòng ra ngoài đường đi dạo đi chị, Matilda. Em không chịu nổi nữa rồi”. “Được rồi. Chị sẽ khoác thêm áo. Một ngày tồi tệ kinh khủng!”. Chiếc áo khoác của Bogey trông cũng như cái chị nó mặc. Vừa gài khuy cổ tay, cô vừa ngắm lại bản thân mình trong gương. Mặt cô trắng bệch, trên đó lại là đôi mắt phấn khích, làn môi nóng bỏng. À, hẳn nó biết hai thứ đang hiện trong gương ấy nhỉ. Tạm biệt những người bạn yêu; rồi tôi sẽ quay lại sớm thôi.

“Như này thì tốt hơn rồi đúng không?”.

“Gài vào”, Bogey nói.

Hai chị em đi bộ không nhanh nổi. Đầu cả hai cùng cúi xuống, chân người nọ xọ chân người kia, cùng nhau bước những bước dài, dường như đầy háo hức, xuống thị trấn, xuống con đường nhựa ngoằn ngoèo, nơi đám thì là mọc dại đầy rẫy và đến lối đi dạo. Trời đã nhá nhem, sắp tối rồi. Gió vẫn mạnh, hai chị em gồng mình mà đi như hai lão già say rượu. Mấy cây pahutukawas(3) non, yếu ớt oằn xuống đất trông tội nghiệp.

“Nào! Nào! Lại gần đây nào”.

Bên kia đê chắn sóng là nước biển đang dâng cao. Hai chị em cùng cởi mũ, tóc cô dài, bay ngang, vắt vào miệng cô, nếm thấy vị mặn. Nước lớn, đều đến nỗi, sóng cứ thế mà đập vào, không tách nhỏ từng đợt; chúng đập mạnh vào bờ đá xù xì, leo lên cả lối đi ướt đẫm, đầy rêu. Một làn hơi nước mịn màng bay thẳng vào đường đi dạo. Đọng lại trên đây thành giọt; vòm miệng cô lạnh và ẩm ướt.

Giọng Bogey vỡ ra. Khi thằng bé nói, giọng nó cứ thay đổi, thấp cao liên hồi. Thật buồn cười – điều này khiến ta cười đấy – và nó vẫn cứ hợp với những ngày như hôm nay. Gió đưa tiếng nói bay xa, câu từ như dải ruy băng nhỏ hẹp.

“Nhanh lên! Nhanh chân lên!”.

Trời tối đen. Trên bến cảng là con tàu chở than đá, bừng lên trên tàu ấy là hai nguồn sáng: một từ cột buồm cao vọi, một từ đuôi tàu phía sau.

“Nhìn kìa Bogey. Kia kìa”.

Một chiếc tàu hơi nước, đen nhem nhẻm, lớn với những đợt khói dài, những ô cửa sổ rọi sáng, khắp nơi trên con tàu ấy đều sáng ánh đèn, nó sắp sửa ra khơi. Gió không cản được cô; cô băng qua chúng, nhiều đợt, tiến đến chỗ ô cửa mở ra giữa những khối đá nhọn hoắm – thứ kéo cô dần tới… Chính thứ ánh sáng ấy khiến cô đẹp hơn, đẹp lạ thường và trông cô bí ẩn hơn bao giờ hết. Họ đang trên con tàu kia, dựa vào lan can, tay trong tay.

“…Họ là ai vậy?”.

“…Hai chị em”.

“Nhìn kìa Bogey, đó là thị trấn. Trông nó có nhỏ không cơ chứ? Nơi đó có tiếng chuông đồng hồ của bưu điện vang lên lần cuối. Có đường đi bộ mà hai ta từng rảo bước hôm gió to. Em còn nhớ chứ? Chị đã khóc vào buổi học nhạc hôm đó. Bẵng mấy năm trời rồi! Tạm biệt, hòn đảo thân yêu, tạm biệt…”.

Giờ bóng tối đã sải đôi cánh rộng của nó ra, ôm lấy mặt nước vẫy vùng. Họ không thể nhìn rõ hai đốm đen nhỏ bé này được. Tạm biệt, tạm biệt. Đừng quên… Nhưng con tàu đã đi rồi, ngay bây giờ.

Ôi gió, những cơn gió.

Katherine Mansfield (1888 – 1923) là một nhà văn, nhà tiểu luận và là một nhà báo nổi tiếng người New Zealand. Bà được xem là một trong những tác giả quan trọng, có ảnh hưởng đến chủ nghĩa hiện đại. Các sáng tác của bà hướng đến khám phá nỗi lo âu, tính dục và các vấn đề hiện sinh, phủ lên các đề tài ấy là bản sắc New Zealand đang trỗi dậy. Tại Việt Nam, tác phẩm của bà được dịch và in rải rác trong các tuyển tập. Năm 2023, Hộp và NXB Hội Nhà văn xuất bản tập truyện ngắn Tiệc vườn của bà, qua bản dịch của dịch giả An Thanh.
The Wind Blows được xuất bản lần đầu trên tạp chí Signature (1915) và sau đó được in lại trong Bliss and Other Stories (Hạnh phúc và những câu chuyện khác).

TRẦN GIA HẢI dịch.

Nguồn: https://www.katherinemansfieldsociety.org/archive/www.katherinemansfieldsociety.org/assets/KM-Stories/THE-WIND-BLOWS1915.pdf

* Chú thích: 

(1). Arthur Rubinstein, một nghệ sĩ piano Mỹ gốc Ba Lan, nổi tiếng với những bản Chopin.
(2). Bức “Solitude” của Frederic Leighton, sáng tác vào khoảng cuối thế kỉ XIX.
(3). Một loại cây bản địa vùng New Zealand, được mệnh danh là cây giáng sinh của New Zealand bởi mùa trổ hoa của nó – tháng 12.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tiếng sáo của người bán rắn

Người Đồng Dưa quen gọi tên ông Nhót bởi cái chân dị tật phải đi cà nhót. Cái lai quần xơ tướp quanh năm. Gương mặt hốc hác hằn những vết cắt thời gian lúc nào cũng trầm ngâm…

Cánh chim bằng trên đỉnh nhân văn

Đêm cuối cùng Ông ở lại với Quy Nhơn
Đông đảo bà con anh em đến cùng trò chuyện
Hương thơm ngát cả vùng trời vùng biển
Hoa trăm loài hương tỏa từ trái tim

Nỗi đau Yagi

Đồng bào tôi đang gánh chịu nỗi đau
Bão Yagi đã mang đi tất cả
Nhà cửa tan hoang, bão dông tàn phá
Vợ mất chồng, con mất mẹ, thương tâm!

Thăm quê hương Tây Sơn tam kiệt

Tiếng trống trận hành quân rộn rã hào hùng
Trầm bổng núi sông vọng vang rừng núi
Như vẫn đâu đây những đoàn quân lấm bụi
Chân đất, mũ rơm, gươm nhọn, giáo dài