Giải thưởng tác giả Trẻ lần thứ I, 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam: Hay và mới

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình).

Sáng 09.01.2022, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài Thiếu nhi (2022 – 2026) và trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam cho 05 tác phẩm: Nắng Thổ Tang, tiểu thuyết của Đinh Phương; Yao, tập thơ của Lý Hữu Lương; Con người, tập thơ của Phương Đặng; Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật, tập lý luận phê bình của Vũ Thị Trang; Truyện Kiều (The tale of Kieu), thơ của Nguyễn Du, dịch giả Nguyễn Bình, dịch sang tiếng Anh.
VNBĐ xin chúc mừng các tác giả và giới thiệu chùm thơ trích từ hai tập thơ được trao Giải thưởng lần này, cùng ý kiến của nhà văn Lê Hoài Lương, thành viên Ban sơ khảo.

Giải thưởng Tác giả trẻ (35 tuổi trở xuống, tính tại thời điểm xuất bản sách) của Hội Nhà văn năm nay đã trao cho 5 tác giả, gồm 4 thể loại: Văn xuôi (tiểu thuyết Nắng Thổ Tang của Đinh Phương), Thơ (Yao – Lý Hữu Lương và Con người – Phương Đặng), Lý luận phê bình (Phê bình phân tâm học – phía của những ám ảnh nghệ thuật – Vũ Thị Trang), Dịch thuật (The tale of Kieu – bản dịch tiếng Anh về Truyện Kiều của Nguyễn Bình). 05 tác phẩm vào giải đã vượt qua số lượng sách gửi về khá phong phú: 16 tập thơ, 29 văn xuôi, 2 phê bình lý luận, 2 dịch thuật. Văn phòng Hội Nhà văn ghi chú khá kỹ nguồn gửi: Tác giả, NXB, Hội VHNT địa phương, Cty Sbooks,… Đông nhất vẫn là tác giả tự gửi: thông tin và quyền dự giải rất cởi mở. Có tác giả gửi đến 4 tập truyện ngắn, như Vũ Thị Huyền Trang. Có tác giả tham gia 2 thể loại: thơ và tiểu thuyết như Hà Hương Sơn… Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn đã thực sự thu hút sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, người cầm bút trẻ cả nước.

Được mời tham gia Hội đồng sơ khảo, có dịp đọc tập trung mấy chục tác phẩm các cây bút trẻ, tôi thấy ngoài tài năng và sự nồng nhiệt với văn chương, tác phẩm của họ còn là cuộc tập hợp giọng điệu khá giàu sắc thái vùng miền, mạnh dạn những tìm tòi.

Ở mảng thơ, nếu Ở đậu trong nhau, tác giả Khét (Trần Đức Tín) đối diện với tình bằng những bộc bạch cái tôi nhiều quan sát, chiêm nghiệm, bằng ngôn ngữ, hình ảnh thơ đẹp, nhiều liên tưởng, trẻ trung, táo bạo, đôi lúc còn nặng tính thể hiện thì Cuộc hành hương của giấc mơ của Hà Hương Sơn khai quật những tầng sâu về bản ngã bằng giấc mơ. Những tung tẩy, khám phá về tình yêu, về đức tin, giống loài, sự sống, cái chết…, là những đoản khúc độc lập mà nhất quán trong chỉnh thể. Cũng là một tìm tòi trong xây dựng chủ đề, hình vóc tập thơ.

Trường ca Chư Tan Kra mây trắng của Lữ Mai viết về vùng chiến trường xưa khốc liệt Chư Tan Kra qua đoàn tìm hài cốt liệt sĩ, những cựu binh, những người lính trẻ, với người làm chương trình dẫn chuyện… Kết cấu chặt chẽ, biến hóa: hiện thực và ký ức người lính của hai phía; về người mẹ, quê hương; những câu chuyện cảm động về các di vật… Ngôn ngữ tả thực, dung dị mà xúc động, xuyên suốt một hành trình, một diễn biến nhưng dần tạo độ nén, âm vang.

Yao của Lý Hữu Lương viết về dân tộc mình, người Dao, với những bản sắc về quê cội; một “gương mặt làng” với những phẩm tính, cố kết, bền vững mà buồn, xa xăm. Tập thơ đậm đặc ngôn ngữ, hình ảnh, phong hóa bản địa. 35 bài thơ được ấp ủ trong mười năm như được lọc qua vùng sinh quyển riêng của nguồn cội. Yao chinh phục người đọc bằng tình yêu máu thịt của tác giả, thuần khiết vẻ đẹp tự tín và lưu dấu.

Con người của Phương Đặng là những bóc tách thấu triệt: con người vừa là đối tượng khám phá vừa là một tồn tại tự nhiên như chính nó. Xuyên suốt tập thơ, dù ở góc khai thác nào, tác giả xác quyết một vấn đề: con người “là”, chứ không “phải là”, “sẽ là”. Nhuần nhuyễn nội dung những khám phá, phát hiện và hình thức biểu đạt: định dạng con người đã định dạng thơ. Thơ Phương Đặng hiện đại, vượt thoát phần đông những thói quen thơ hiện hành.

Ở mảng văn xuôi, Con tin Stockholm, tập truyện của Hoàng Công Danh có cách cảm, cách nghĩ, thể hiện khá mới. Đó là cuộc khám phá bản thể với những va đập trực diện trong bối cảnh đô thị – sức hút lớn những người trẻ tuổi. Giọng văn thâm trầm, pha chút châm biếm, tự giễu, lôi cuốn. Tập truyện Mây tía ngang trời của Nguyễn Luân là chuyện về đời sống vùng cao Tây Bắc đậm đặc phong hóa, tập tục. Bằng sự am hiểu, máu thịt, tác giả có những kiến giải u buồn về thân phận con người. Một không gian bản địa khốc liệt yêu và sống, u tối và rực sáng. Bút pháp hiện thực nhuần nhuyễn. Có những thăng hoa, lãng mạn, văn đẹp.

Mở mắt mà mơ là tập truyện của Phát Dương, người Cần Thơ. Là những chuyện đời thường, những lát cắt về đời sống gia đình, xã hội, thiên nhiên… Viết tinh tế, văn hoạt, có duyên, đậm đặc chất miền Tây khá ấn tượng. Người tù không số của Đào Quốc Minh khai thác mọi mặt đời sống, xã hội với những trì đọng, nỗi bất an, thời cuộc… bằng lối viết nhiều tìm tòi: các hình tượng có tính ẩn dụ, siêu thực. Là nét riêng đáng ghi nhận.

Tiểu thuyết Nắng Thổ Tang của Đinh Phương viết về những biến cố lịch sử: cuộc hành quyết những lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng; cuộc di dân vào Nam năm 1954 – 1955: các sự kiện chính đã can dự vào đời sống con người gần trăm năm qua. Không hẳn là tiểu thuyết lịch sử: những biến cố chỉ là các dấu mốc tạo nên những vết cứa sâu hoắm trong tâm thức, tâm hồn Việt. Cách viết nhập vai, phân thân, phức hợp trong ngôi thứ nhất. Kết cấu biến hóa, đa sắc, huyền hoặc. Một nỗ lực giải mã vết xước lớn, những rạn vỡ trong lòng dân tộc, những vết thương khó thể hàn gắn. Một cách đặt vấn đề, một lật xới những giả định, tồn nghi. Tiểu thuyết đã tiếp tục khẳng định chức năng sang trọng của văn học.

Thượng Dương là tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Yến, một giải mã thảm án cung Thượng Dương thời Lý, qua góc khai thác đời sống tình cảm các nhân vật Dương Hoàng hậu, Lý Thường Kiệt, Lý Nhật Tôn, Ỷ Lan… Cách xử lý tư liệu biến hóa cùng khả năng hư cấu, xây dựng tuyến truyện tốt. Một cách viết sống động, hấp dẫn, thuyết phục từ góc nhìn lãng mạn mà cận nhân tình. Trong đời sống khốc liệt hậu cung, cuốn sách bừng lên vẻ đẹp của tình yêu. Một tiểu thuyết lịch sử đáng đọc.

Ở mảng lý luận phê bình, Lần đường theo bóng được viết ở tạng chân dung văn học của Văn Thành Lê. 20 chân dung các thế hệ nhà văn, từ Hoàng Vũ Thuật, Ngô Thảo, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa… đến các tác giả trẻ Hoàng Công Danh, Khải Đơn, Hiền Trang… Cách viết điềm đạm, nhẹ nhàng pha chút dí dỏm nhưng cũng khá thẳng thắn: trên nền những ký ức, quen biết, những sự kiện, tác giả đã dựng nên chân dung các nhà văn sinh động, không khí văn chương đương đại, nhất là mảng trẻ chưa được nhiều người biết. Có hạn chế: mọi chân dung thường xoay quanh các khung như “phỏng vấn” định sẵn, đọc suốt tập sách dễ thấy trùng lặp.

Tập chuyên khảo Phê bình phân tâm học: phía của những ám ảnh nghệ thuật của Vũ Thị Trang rất công phu về nghiên cứu phê bình phân tâm học, từ hiện tượng Vũ Trọng Phụng đến văn học Việt Nam đương đại. Một khảo sát rộng, kiến giải bao quát từ tiểu thuyết đến tự truyện, riêng nhấn và toàn cảnh. Chuyên khảo là đóng góp có trách nhiệm và giá trị cho mảng lý luận phê bình văn học còn nhiều khiếm khuyết.

Mảng văn học dịch, tác phẩm The tale of Kieu – Truyện Kiều – dịch sang tiếng Anh của Nguyễn Bình, tác giả mới 20 tuổi, đang du học ở Mỹ, được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao.

Giải thưởng Tác giả trẻ hàng năm, theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều là “khích lệ các nhà văn trẻ tiếp tục sự nghiệp của các thế hệ nhà văn đi trước và sáng tạo những giá trị nhân văn mới trong một thời đại mới” (LHL nhấn mạnh). Trong nền chung nhiều điểm sáng, 05 tác giả được chọn trao giải thưởng lần này cho thấy xu hướng chung ủng hộ những tìm tòi mới, cả nội dung và nghệ thuật.

Hy vọng giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn hàng năm sẽ là nguồn động viên lớn cho những mạnh mẽ khẳng định, sáng tạo mới đúng nghĩa, của thế hệ các cây bút trẻ Bình Định nhiều năng lượng hiện nay.

PHƯƠNG ĐẶNG

Lịch sử

Lịch sử
Chỉ còn là những kí ức đã phai,
Nhưng chẳng thế nào do chúng ta quyết định.

Đen, hay trắng, hay ghi
Chúng có thể nói dối,
bịa đặt những câu chuyện không có thật –
những gợn sóng trên mặt biển,
để che giấu sự xấu xí,
che đậy tội ác,
xóa đi những gì chúng ta đã chịu đựng.

Chúng ta có thể khóc trong im lặng
cho đến ngày chúng ta chết,
Nhưng sự thật thuộc về chúng ta.

Những trang sách có thể được viết lại,
nhưng mãi mãi
sẽ chỉ có một lịch sử mà thôi.

 

Mầm cây không biết tên

Trong chậu đất của cái cây đã chết
Mọc lên một mầm cây.
Tôi không biết nó là cây gì,
Tôi chỉ tưới cho nó,
Không biết nó sẽ trở thành gì,
Không biết nó nên là gì.
Liệu bao giờ nó ra hoa?
Liệu nó sẽ lớn từng nào?
Tôi không biết.
Và cứ như thế
Nó được tự do khỏi tôi,
Tôi được tự do khỏi nó,
Tôi được tự do khỏi chính mình.

Trong chậu đất của những cái cây đã chết
Thượng đế vẫn gửi
Những mầm cây.
P.Đ

 

LÝ HỮU LƯƠNG

Khuôn mặt làng

Chúng tôi đi đâu cũng mang khuôn mặt của làng
Gọi sớm chiều bình yên xênh xao đầu núi
Sống lời của đá cỏ và măng vồng sau mưa
Chúng tôi đo đời mình bằng tiếng chuột rúc

Chúng tôi được dạy cách đi xa
Cách để sống giữa tiếng mặc khải đường rừng
Chảy từ ngàn năm thiên di
Trong huyết quản những đôi chân phạt lối

Chúng tôi định nghĩa khuôn mặt làng
Không rộng hơn tiếng cười nơi đầu nước
Máng nước về thênh thang trở dốc
Gột nhọc nhằn những đời con gái con trai

Chúng tôi dỗ từng giấc ngủ
Bấm mây trắng trên đầu mười ngón chân
Tiếng nhíp tách giòn tay mẹ
Mưa ngang vai nặng hạt thóc trái nhà

Tôi xin làm con chim nhỏ làng tôi
Cất giọng vang sâu xa rừng thẳm
Ngực nóng từng lần thơm trước gió
Mang khuôn mặt làng rải khắp muôn nơi…

 

Người Dao

Người Dao mình
Ăn xôi ngũ sắc
Cúng gia tiên bằng lợn bằng gà
Trai lớn thì cấp sắc
Cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người
Sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay
Ăn trăm năm bồ hóng trên vách

Người Dao mình
Không biết giận cái nhỏ
Không tham nghĩ cái lớn
Thương sức mình núi chật
Mà nghĩa tình thủy chung

Người Dao mình
Bằng đầu gối bò trên đá
Bằng cái đầu đi trên núi
Người Dao không biết đường
Mài cho sắc rựa rìu mở lối

Mấy trăm năm
Người Dao mình
Những hồn đựng quả bầu khô trên vai
Lầm lũi dáng người
Trôi trôi như lá vàng mái nóc…
L.H.L

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số Xuân Nhâm Dần 2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…