Già và trẻ, Trung ương và địa phương

(VNBĐ – Đọc sách).

(Nhân đọc Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định (2011 – 2021), Nxb. Hội Nhà văn, 2022)

1.

Tôi đã từng đọc hứng thú với Văn Trẻ Bình Định (2012 – 2018) (Nxb. Văn hóa Văn nghệ, TP. HCM, 2018). Nay được đọc thêm Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định (2011 – 2021). Sự phân chia thành hai tuyển tập đó vạch ra ranh giới giữa chiếu dưới và chiếu trên, cho trẻ và già, cho Trung ương và địa phương? Không có trung tâm thì ngoại biên trở thành những mảnh rời, hỗn độn. Các nhà cấu trúc luận từng tạo ra cái nhìn như vậy trong hệ thống văn hóa – xã hội dưới góc nhìn đồng đại.

Tuy nhiên, Giải kiến tạo có cái nhìn khác. Tính chất nhị nguyên già/ trẻ, Trung ương/ địa phương chỉ là một kiến tạo giả tạo. Giữa già và trẻ, Trung ương và địa phương không là thứ bất định mà vận động, chuyển hóa trong tương tác liên tục trên chiều lịch đại. Không gian văn chương là không gian mở nhờ sự tương tác đa chiều. Ngay cả vị thế trước/ sau trong thứ hạng nhị nguyên trên cũng bị đảo ngược. Có chuyện già sinh và dạy bảo trẻ, Trung ương thống trị và định hướng địa phương, nhưng phải có trẻ thì mới lớn lên thành già và nhờ có địa phương mới phát triển và nuôi dưỡng Trung ương.

Văn chương còn có một quy luật khác. Già thì chín chắn, điềm đạm nhưng nhiều khi lẩn thẩn và “lẩm cẩm”; trong khi trẻ thì bồng bột, ngây ngô nhưng luôn mạnh mẽ và cách tân. Trung ương thì định hình, vững chãi nhưng dễ bảo thủ và trì trệ, trong khi địa phương thì bất định, dễ lung lay nhưng đầy tinh thần tự do, khai phóng.

Nhà văn Việt Nam kể từ cuộc cách mạng đầu thế kỷ 20 đến nay thể hiện sâu sắc quy luật trên. Phong trào văn chương Tự lực Văn đoàn và Thơ mới, tất nhiên phải tính luôn đến văn học hiện thực phê phán và văn học cách mạng, các cây bút khi ấy đều rất trẻ, sáng lên rực rỡ ngay trên những mảnh đất rất xa Trung ương, không phải nơi phồn hoa đô hội mà ở làng quê hẻo lánh, có khi ngay trong bóng tối của nhà tù. Chẳng phải một Xuân Diệu từ Bình Định ra Hà thành làm lu mờ cả ngôi sao Thế Lữ đang được xem là chủ soái của phong trào Thơ mới? Và chẳng phải Trường thơ loạn chỉ có mấy bạn văn Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, Bích Khê của mảnh đất miền Trung nắng gió mà đã làm cho văn giới Trung ương vừa ngơ ngác vừa thán phục? Triết gia giải cấu trúc Derrida khẳng định, chính cái ngoại biên làm thay đổi các trung tâm, ở đây cần nói thêm, chính giới trẻ thúc đẩy sự đổi thay của người già.

2.

Tôi đọc Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định, trong đối chiếu với Văn trẻ Bình Định, thấy rõ điều đó.

Tuyển tập Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định (2011 – 2021) gồm những tên tuổi quen thuộc: Nguyễn Văn Chương, Phạm Ánh, Văn Trọng Hùng, Trần Quang Lộc, Lê Hoài Lương, Nguyễn Mỹ Nữ, Mai Thìn, Lệ Thu, Triều La Vỹ, với số trang rất đầy đặn, đa phần là những tác phẩm mới, tức nhà văn lúc về già hoặc sắp về già. Ở đây không đơn thuần chỉ là văn của nhà văn mà còn là văn của bạn đọc. Dễ nhầm tưởng đây là chuyện kẻ tung người hứng hay mẹ hát con khen hay. Đọc cả văn lẫn lời bình mới thấy, đó là cuộc tri âm và hòa điệu giữa bạn văn với nhau; nhờ cuộc tri âm, hòa điệu ấy, ngôn từ văn chương thành tiếng vang vượt qua lằn ranh giữa địa phương và Trung ương, giữa trẻ và già để đến rộng rãi với bạn đọc muôn nơi và mọi lứa tuổi.

Các trào lưu văn chương đầu thế kỷ 20 đã từng có những cuộc tri âm để tạo tiếng vang như vậy. Thế Lữ, Lưu Trọng Lư giới thiệu Xuân Diệu; Hàn Mặc Tử giới thiệu Bích Khê, Yến Lan; các đàn anh văn xuôi Tự lực Văn đoàn như Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nhất Linh giới thiệu cho các đàn em như Thạch Lam, Trần Tiêu, Thanh Tịnh… Trong sách Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định này, ngoài đàn anh giới thiệu cho đàn em, còn có những đàn em tri âm, thẩm bình văn của các đàn anh. Văn học Bình Định, dù xa đất trung ương vẫn luôn sôi động nhờ sự tương tác liên tục giữa các khu vực và các thế hệ.

Tôi bắt đầu từ Nguyễn Văn Chương. Anh sinh ra và lớn lên trên đất Hà thành với Hồ Gươm linh thiêng và bi tráng trong lời hát ru: “À ơi… Giọt máu thì hồng/ Lưỡi gươm thì sắc, tấm lòng thì thương/ Cuộc đời còn lắm tai ương/ Rùa thần lại hiện trao gươm bên hồ” (Ru bên hồ Gươm). Sự linh thiêng và bi tráng trong “giọt máu thì hồng, lưỡi gươm thì sắc” của lịch sử với “tấm lòng thì thương” trong cội rễ trái tim người đã nối kết anh với quê hương Bình Định: “Kinh đô xưa còn hình tích Đồ Bàn/ Ngót ngàn năm dấu Hời đan dấu Việt” (Bình Định). Một câu thơ của anh về con đò xứ nẫu đủ gọi hồn cả bến My Lăng: “Đất trời sông nước trong veo/ Sang sông, tôi chợt buông neo giữa dòng” (Đò xuân). Sang đò với gái xuân mà cứ như ông đò tắm trăng của Yến Lan: “Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu”. Tâm hồn Nguyễn Văn Chương có lẽ vì thế gần với trẻ em hơn, dễ bắt nhịp với tiếng “gọi vịt/ da diết/ trong đêm”, với “tiếng chim/ rơi vào/ trang sách” (Tiếng gọi vịt). Già chơi với trẻ, sự lẩn thẩn trở thành hồn nhiên. Ở đất Bình Định, sau Phạm Hổ có Nguyễn Văn Chương.

Nhờ đặt ở đầu sách, tôi hứng thú nhanh với những trang thơ Phạm Ánh. Bình Định không phải là bình địa mới có câu thơ: “Trăm sông nghìn suối tràn đầy/ Cũng như nỗi nhớ nghiêng ngày chơ vơ” (Quê cát). Tôi cảm được cái nỗi nhớ nghiêng theo hình dáng của núi sông quê hương miền Trung. Phạm Ánh có những câu thơ quặn thắt khổ đau riêng tư của anh và sự ngắn ngủi đến hụt hẫng của kiếp người: “Biết còn hiu hắt kiếp sau/ Giờ như con kiến rụng râu một mình” (Chiều quê). Thơ Phạm Ánh đẹp trong nỗi buồn của anh và của mọi người, của làng quê Bình Định và quê hương nước Việt.

Tôi đọc Văn Trọng Hùng (cả thơ và kịch) với tất cả sự khí khái của con người đất võ và phong cách Tuồng: “Phải chăng Kim Trọng là ta/ Thì nàng đâu phải phong ba một đời…” (Gửi Thúy Kiều). Dám lấy cái khí khái của đất võ miền Trung đối thoại với phong cách hào hoa kiểu chàng Kim đất Bắc. Nhưng Văn Trọng Hùng vẫn là thi nhân đích thực, phong lưu hơn cả những trang phong lưu. Nếu không, ông đã không thể hình dung nổi một Nguyễn Trãi văn võ song toàn trong quan hệ với một Lê Lợi chỉ biết kiếm cung: “Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên/ Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách/ Về khuya mưa như trút nước/ Lê Lợi đến thăm/ Nguyễn Trãi đã đi nằm” (Đêm ở Côn Sơn). Phát hiện ra cái sự lạc nhịp giữa hai tâm hồn vĩ nhân khó hơn nghe cuộc hòa âm của bản đại hòa tấu lịch sử. Văn Trọng Hùng có trái tim nhạy cảm trong võ lẫn văn mới dám viết câu thơ vượt ra ngoài định kiến phân đôi ta/ địch để tri âm cùng Võ Tánh và Trần Quang Diệu: “Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân yêu nước!” (Gặp Võ Tánh ở thành Hoàng Đế). Người thơ nhìn võ tướng cũng ra thơ là Văn Trọng Hùng.

Mỗi “tác giả già” trong tuyển tập Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định đều để lại một dấu ấn vừa địa phương vừa không khác Trung ương.

Tôi từng đọc Mai Thìn trong man mác nỗi niềm “hoài cổ” về một xứ Gò Găng với chiếc nón che nghiêng nửa mặt gái quê, về một thành Đồ Bàn giáo gươm khua dưới mảnh trăng vàng ứa lệ, về một tiếng chim dòng dọc thảng thốt giữa buổi trưa hè, về những đồi sim tím cả chiều thương nhớ. Trong tuyển tập này, ta bắt gặp những dòng suy tư của tuổi già hư ảo vẽ bóng mình lên mây khói thời gian: “Rồi tháng ngày/ ông không ngồi đó nữa/ cái bàn đã có người khác rồi/ khói thuốc lá bây giờ không còn là khói của người xưa/ bóng ông đọng trên tường thành vũng/ mênh mang/ thời gian không buồn chảy” (Thời gian không buồn chảy). Mai Thìn vượt qua chính mình bằng những đổi thay. Chưa mang tầm vóc nhân sinh lớn thì cũng khái quát sâu sắc công việc âm thầm, khổ hạnh của nhà thơ đương đại: “Đêm đêm anh rạc người với chữ/ vẽ nên gương mặt nhà thơ/ gọt giũa, tỉa tót những hình dung từ/ rồi đọc to lên/ ngắm nghía/ anh như kẻ điên/ mê mải nặn trái tim mình/ bằng chữ…” (Nhà thơ).

Riêng đối với Lệ Thu, chị vẫn là chị, điềm đạm, bình dị có từ những năm tháng thân gái dặm trường trong lửa đạn chiến tranh. Chỉ khác là, tuổi thanh xuân tràn trề tình yêu và lý tưởng đã chuyển sang suy tư giữa hai bờ hư – thực: “Tình yêu một thuở không lời/ Chia chi cõi Phật cõi người mà đau/ Năm nghìn năm lại gặp nhau/ Nhớ quên tóc đã đổi màu bao phen” (Tình yêu cổ Phật). Chị mon men đến cõi “không” của Phật để tìm thấy cái “sắc” qua những câu thơ mang nhựa sống của đời: “Thôi đành như một giấc mơ/ Vùi trong hư ảo cho thơ nảy mầm” (Vùi trong hư ảo). Chị thành nhà thơ Trung ương sớm, nhưng cái chất địa phương Bình Định chân chất, bình dị vẫn là hồn cốt làm nên thơ chị. Thơ chị không thấy sự cầu kỳ ở câu chữ mà câu chữ thoát ra tự nhiên từ trái tim.

Người ta nói thơ luôn trẻ. Nhưng tôi thấy, thơ làm cho người thơ già đi nhanh. Thơ không là cuộc chạy marathon một hơi từ khởi đầu đến đích mà luôn ngoái đầu nhìn lại những gì đã qua. Thơ hiện đại, với con người của những trăn trở và uẩn khúc, dù mượn nhịp điệu cổ hay phá tính luân phiên đều đặn của nhịp, vẫn là cuộc nhào lộn lên thác xuống ghềnh của con đò chữ nghĩa. Cuộc nhào lộn ấy biến nhà thơ thành con người khắc khổ, già nhanh và “lẩn thẩn” đến xót xa.

Nói vậy để thấy văn xuôi, dù là văn già, vẫn xuôi chèo mát mái trong cái dòng chảy khỏe khoắn, mạnh mẽ của cuộc đời. Thật khó phân biệt tuổi tác giữa Trần Quang Lộc, Lê Hoài Lương, Nguyễn Mỹ Nữ, Triều La Vỹ trong văn, mặc dù tuổi tác ngoài đời của họ có người cách nhau đến vài chục tuổi.

Tôi đọc Trần Quang Lộc như đi giữa cái cầu nối xưa và nay, chuyện xưa trong thời chiến mà cứ như ngày nay trong thời bình. Một ông giáo bị kết án tử hình, khi tự minh oan tội ấu dâm thì rơi vào án giết người, bối cảnh thời chiến mà cứ như mới diễn ra vào hôm qua vậy (Vượt ngục). Văn Trần Quang Lộc không cần tân kỳ, cứ như chiếc xe đã cũ nhưng vẫn đủ sức kéo cả quá khứ thiện ác bất minh chạy phăng phăng trên chiếc cầu bê tông mới. Nhưng rồi sự thi vị, trẻ trung vẫn cao hơn vấn đề thiện ác bất minh: những hoài niệm và luyến tiếc những gì đẹp đẽ ập đến trong giấc mơ thăng hoa, bay bổng. Văn Trần Quang Lộc luôn trẻ, trẻ theo cái Thời đã xa, mạnh mẽ ngay trong nấm mồ của Phận người đầy cay đắng.

Tôi đọc Lê Hoài Lương từ những trải nghiệm cách tân của Mỗi tháng có một rằm, Những thời gian hoang phế, đến những Nghề buôn, Nghề vớt xác… càng thấy anh vừa già đi vừa lại trẻ thêm. Không cần chạy theo những cách tân như trước, anh cứ say sưa theo nhịp điệu của dòng chảy cuộc đời mà kể, mà tả và diễn giải. Có chút “lẩm cẩm” trong sự ham tả, ham diễn giải ngay trong một sự kiện hay nhân vật, nhưng vẫn mạnh mẽ, hào sảng. Chẳng hạn, người vớt xác cả đời đã quen mùi của xác, sao lại buồn nôn khi tưởng tượng những cái xác hóa thân vào kẻ đang sống? Nhưng không sao, bởi những xác chết đáng thương không bẩn thỉu bằng những xác sống “gì cũng ăn”. Có nghĩa là anh vẫn già ở sự kết tinh các biểu tượng nghệ thuật, nối kết được những khác biệt giữa buôn lậu sản vật với buôn người, giữa buôn quan với buôn thần bán thánh, giữa xác sống và xác chết, giữa nhân tính và thú tính trong cái thời buổi hủ bại của tôn giáo, của quyền lực, và cả cơ chế xã hội kim tiền. Nhưng cái sự già ấy lại rất trẻ trung khi ngòi bút của anh luôn bám riết vào chất liệu thực tại, cả sự phồn thực rất nhân bản của mảnh đời phàm tục: “Lau sơ nước, thị lột rẹt quần áo ướt ném bạch một góc, nhào tới thuần thục lột quần đùi gã rồi ập lên người. Ư… ư… nhớ quá, mới hôm qua mà, ư… ư nhớ, lúc nào cũng nhớ… (Nghề vớt xác). Chỉ cái cảm xúc “nhớ quá” mà hành vi dung tục trở nên thăng hoa. Truyện của Lê Hoài Lương là chuyện đặc sản mang cái khí khái có phần thô lỗ, trong trữ tình cũng như trong chuyện làm ăn, của dân Bình Định, không phải Trung ương.

Tôi thật sự thú vị với Nguyễn Mỹ Nữ những đoạn văn thế này: “Để rồi họ nhẹ nhàng yêu nhau. Họ yêu bằng cái cách người đàn ông khẽ khàng uống rượu và người đàn bà khẽ khàng hưởng sương. Nàng trẻ quá khi yêu gã và nàng thơ mộng quá, khi đâm sầm vào cuộc hôn nhân này. Một đời sống lứa đôi nhiều khó khổ nhưng may mà còn có đêm, khoảnh sân nhà, một bầu trời rộng trên đầu và hơn tất cả có rượu cho gã và có sương cho nàng…” (Rượu và sương). Đoạn “ngôn tình” ấy, chắc chắn bọn trẻ thời nay đọc sẽ rất thú vị, bởi nó lãng mạn và đậm hương vị của thế giới ảo bốn chấm không. Tất nhiên, truyện của Nguyễn Mỹ Nữ không phải chuyện yêu đương của bọn trẻ thời nay. Chuyện đời thường của người đã lớn, ngay trong các ổ chuột của phố nghèo, sống nhờ uống rượu và ăn sương, vừa hiền lành vừa dữ dằn trong những mảnh đời dưới đáy. Tôi cho rằng, nếu cần đi tìm cái nữ tính trong văn chương, không phải thứ nữ tính kín đáo, dịu dàng người ta thường gán cho phụ nữ, nữ tính đúng nghĩa phải là bề ngoài có vẻ mềm yếu nhưng bên trong mạnh mẽ, cuốn hút của những nhân vật nữ trong văn Nguyễn Mỹ Nữ. Như My trong Chừng nào My về?, như Phương trong Dăm phía đời, gác lại

Không vĩ nhân nào vĩ đại trước con mắt của kẻ hầu phòng – cái nhìn của Triều La Vỹ cuốn hút tôi trong từng truyện được rút ra từ tập Bóng rồng. Lịch sử tôi học làu, nhưng đọc Triều La Vỹ vẫn mới. Mới vì ở đó, không phải nhân vật lịch sử mà là con người đời thường, cũng là con người muôn thuở với đủ ái ố sân si. Tôi thích thú với cái nhìn của chàng trai đốn củi đối với Phật hoàng Trần Nhân Tông, lấy đời chọi đạo: “Thiên hạ sao cứ rỗi hơi đi tìm đạo ở một người không mấy nghĩa tình thế nhỉ. Này nhé, hàng trăm cung tần mỹ nữ phải chịu cảnh góa bụa khi ông ấy vào núi đi tu!” (Tuyết mai Yên Tử). Tôi thích một Ngô Thì Nhậm tự phân thân thành người hầu để nhìn thẳng vào con người bản năng của mình qua tờ sớ khuyên Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế: “Mày nịnh thế không thấy nhục à?”. “Mày thì biết gì. Phàm là người ai chẳng thích nịnh. Bậc quân vương thích nịnh hơn ngàn vạn lần” (Dưới hiên Văn miếu). Tôi thú vị với cái nhìn chéo góc của một thị vệ đối với vĩ nhân Nguyễn Trãi, vĩ đại trong mưu lược chiến tranh nhưng thất bại thảm hại trong trị nước thời bình: “Tôi thấy Trãi cô đơn và lạc lõng quá. Giữa triều chính lắm lúc Trãi như kẻ đần người ngọng. Trãi lú lẫn khi già mồm hơn thua với bọn hoạn quan về lễ nhạc đã đành, còn ngô nghê dạy khôn ngài ngự dùng lễ nghĩa giáo huấn bọn đầu trộm đuôi cướp” (Gương mặt thủy thần). Giải huyền thoại theo cách Triều La Vỹ đã biến thánh nhân thành con người đúng nghĩa, kéo quá khứ xa xưa về thực tại. Triều La Vỹ chưa già, nhưng xem như đã già đến ngàn năm lịch sử và đang lột xác thành trẻ trung.

Cuối cùng, Lệ Thu tỏa sáng trên sách này không phải thơ mà những dòng văn xuôi trẻ trung mang không khí nóng bỏng của chiến tranh và sự mát mẻ của tâm hồn thanh xuân một thời say mê với lý tưởng. Đọc chỉ mấy đoạn trích Nhật ký nữ nhà báo chiến trường, tôi ngạc nhiên về một Lệ Thu xinh đẹp, trẻ trung trong mưa bom bão đạn, trong sự nuôi dưỡng của sông núi tươi xanh và trong sự chở che của con người Bình Định chân chất, bình dị và tràn ngập tình yêu thương. Viết và công bố nhật ký, chị không tự tôn vinh mình mà tôn vinh nhân dân, tôn vinh cha ông: “Những giá trị mà tôi tôn quý vẫn còn đó. Vàng ròng của nhân cách là đức hy sinh, là lòng vị tha, là thẳm sâu của nền văn hóa sống “vì nước quên mình” của cha ông muôn thuở” (Nhật ký nữ nhà báo chiến trường). Nếu thơ làm cho chị trăn trở và già đi thì khi nhìn lại văn xuôi với những dòng nhật ký rạo rực một thời thanh xuân, tôi tin chị đang hồi xuân.

3.

Khi tôi đọc văn trẻ thấy có dấu hiệu già và ngược lại, khi đọc văn già lại thấy tràn đầy sức trẻ. Ranh giới giữa hai tập Văn trẻ Bình ĐịnhNhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định, có lẽ là vậy. Tất nhiên, thơ khác, văn xuôi khác. Trong tập Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định này, cái tâm tình, uẩn khúc trong thơ làm cho trẻ hóa già nhanh, trong khi chất thế sự của văn xuôi lại làm cho già hoàn sinh thành trẻ hơn. Tôi tin, cái ranh giới trẻ và già sẽ bị xóa mờ hoàn toàn trong làng văn Bình Định. Ở đây sẽ không còn cái nỗi niềm Văn Trọng Hùng từng cảm thán: “Nghiêng vào văn chương đèn sách/ nơi ta yêu quý nhất/ cũng gập ghềnh chiếu dưới chiếu trên…”.

Nhà văn, với tư cách là chủ thể sáng tạo, càng phải vượt qua những gì đã có và vượt qua cả chính mình. Tuy chưa có một sự nổi bật mang tinh thần cách mạng như cái thời Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, nhưng văn chương Bình Định đã nỗ lực vượt qua chính mình và cả một thời đại văn chương đang bị người đọc làm ngơ so với những làn sóng ồn ào trên mạng ảo.

Cái gọi là Trung ương/ địa phương cũng thế. Cái ranh giới giả tạo ấy chỉ hiện ra khi người ta kiến tạo thành danh vọng, thậm chí kiến tạo luôn trong giáo dục, rằng có văn chương Trung ương và văn chương địa phương. Trong khi ấn tượng từng rực sáng trên các trang sách cho học trò lại là những đóng góp của các nhà văn ở địa phương nào đó. Tôi đang tiếc một điều, cái chất địa phương từ sông núi, con người Bình Định vẫn chưa được thể hiện nổi bật trong “văn trẻ” lẫn “văn già” Bình Định. Vì sự mặc cảm địa phương chăng, khi một số tác giả cố gắng hòa tan vào biển lớn Trung ương? Frank Kafka vì không mặc cảm Do Thái, thậm chí đem toàn bộ chất Do Thái hóa thân vào câu chữ, hình tượng của riêng mình, mà các sáng tạo của ông trở thành bất hủ.

TS. CHÂU MINH HÙNG

(Văn nghệ Bình Định số 112 tháng 8.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…