(VNBĐ – Truyện ngắn). Lê Dương người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, gia tư giàu có, người hầu kẻ hạ ra vào tấp nập, trâu bò đầy chuồng, ruộng vườn nhiều không kể xiết. Đây là sản nghiệp cha ông để lại. Ông gốc gác trấn Thanh Hoa. Dưới triều vua Lê Anh Tông, năm Mậu Ngọ (1558), cụ tổ của ông rời quê hương bản quán, cầm gươm theo Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi, lập nhiều công trạng. Khi lui về an hưởng tuổi già, cụ tổ được Tiên Chúa ban thưởng hậu hĩnh, cấp đất ở làng Kiên Dõng, huyện Tuy Viễn lập ấp. Lúc đó, nơi đây vẫn còn là vùng hoang hóa, đầm lầy, cỏ gai phủ rợp, dân cư thưa thớt. Trải qua mấy trăm năm, các thế hệ nối tiếp cần cù khai khẩn, chăm chỉ canh tác, mở rộng giao thương, thuận buồm xuôi gió mới tạo được cơ nghiệp bề thế như bây giờ.
Khác với đám hào môn thế phiệt làm điều bạo ngược, ức hiếp bá tánh, Lê Dương tính tình ôn nhu, hiền đức, biết quý trọng hiền tài. Anh hùng hào kiệt, tao nhân mặc khách bốn phương thường lui tới đối ẩm, thưởng trăng, đàn hát, ngâm thơ, thi võ. Lê Dương có một nghĩa nữ tên là Ngọc Bích, nhan sắc chim sa cá lặn, tài đàn hát tuyệt đỉnh. Tiếng hát nàng trong trẻo như họa mi, êm ái như tiếng sáo du dương, mượt mà, ngọt như mật làm say đắm lòng người. Lê Dương yêu mến, chăm sóc nàng như con ruột.
Ngọc Bích là con một bằng hữu tri kỉ. Thân phụ nàng tính khảng khái cương trực, giữ chức Đề lại phủ Quy Nhơn. Bấy giờ ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát đắm chìm trong tửu sắc, bỏ bê việc triều chính. Quốc cửu Trương Phúc Loan chuyên quyền làm nhiều điều bất nhân, thất đức. Xã hội loạn lạc, muôn dân lầm than. Quan Tuần phủ Quy Nhơn là kẻ gian ác, hiểm độc, nhân thời loạn té nước theo mưa, ra sức vơ vét kiếm chác. Trên công đường, thân phụ Ngọc Bích không ít lần phản đối việc làm sai trái quan Tuần phủ. Hắn căm tức xuống tay hãm hại. Đề lại bị gán tội vô cớ và kết án tử. Gia quyến bị giam cầm trong ngục tối. Thân phụ Ngọc Bích kịp sai người đưa giọt máu duy nhất của mình đến nương nhờ Lê Dương. Bấy giờ nàng hãy còn là hài nhi nằm nôi. Thấm thoắt, Ngọc Bích đến tuổi cập kê. Một hôm, Lê Dương nói với phu nhân:
– Đã đến lúc phải kén cho Ngọc Bích một đấng phu quân. Nghĩa nữ yên bề gia thất, ta mới an lòng. Ta thấy Lê Văn Hưng rất xứng đáng. Ý phu nhân thế nào?
Phu nhân gật đầu:
– Đó cũng là suy nghĩ của thiếp.
Lê Dương vui vẻ:
– Phu nhân hỏi cả hai xem thế nào. Nếu có tình ý, ta tác hợp cho đôi trẻ nên nghĩa phu thê.
Người vợ mỉm cười:
– Việc này cứ giao cho thiếp.
***
Lê Văn Hưng cùng làng với Lê Dương, trước kia cũng vào hàng danh gia vọng tộc. Nhưng đến đời chàng thì gia cảnh sa sút, bần hàn. Phụ mẫu đau đớn bệnh tật, chàng làm lụng vất vả, kiếm tiền lo thuốc thang, phụng dưỡng. Cảm mến lòng hiếu thuận của chàng, Lê Dương tận tình giúp đỡ, coi chàng như người thân trong nhà. Trong số môn khách của Lê Dương có một thiền sư tên Trúc Lâm ở Thiên Thai Tự trên núi Hội Sơn, võ nghệ tuyệt luân. Tình cờ thiền sư Trúc Lâm gặp Lê Văn Hưng trong một bữa tiệc ở nhà Lê Dương. Nhìn vóc dáng cường tráng, khí chất hơn người, phong thái nho nhã và thái độ khiêm cung của Lê Văn Hưng, thiền sư yêu mến ngỏ ý muốn nhận chàng làm đệ tử. Thiền sư trao đổi với Lê Dương về ý định của mình. Lê Dương tán đồng bèn gọi Lê Văn Hưng lại nói rõ ý thiền sư và bảo:
– Nếu con ưng thuận, thiền sư sẽ dẫn lên Thiên Thai Tự truyền thụ võ nghệ, con thấy thế nào?
Mắt Lê Văn Hưng sáng lên. Được theo học võ nghệ với thiền sư là mơ ước của chàng. Nhưng vẫn băn khoăn, do dự. Chàng thưa:
– Con đi rồi không ai chăm sóc phụ mẫu.
Lê Dương hứa:
– Việc đó đã có ta. Con không phải bận tâm.
Lê Văn Hưng mừng không kể xiết, rối rít cảm tạ Lê Dương rồi làm lễ bái thiền sư Trúc Lâm làm sư phụ. Thiền sư dạy chàng các tuyệt kỹ môn đánh côn. Lê Văn Hưng tư chất thông minh, đam mê võ học, cần cù khổ luyện. Đường côn của chàng ngày càng lợi hại, biến hóa khôn lường, loang loáng như lớp lớp sóng trào, có thể kết liễu đối phương bằng một thế hiểm nhanh như chớp giật. Đường côn của Lê Văn Hưng làm vang danh tên tuổi Thiên Thai Tự. Thiền sư hết sức hài lòng.
Tại làng Kiên Dõng, ngày cưới đã định, ít hôm nữa Lê Văn Hưng trở về, sẽ cùng nàng Ngọc Bích làm lễ thành hôn, tưởng chừng sẽ có một đám cưới tưng bừng náo nhiệt, pháo nổ vang trời. Nào ngờ sóng gió ập tới. Trong vùng có tên Hắc Liệt là nội điệt của quan Tuần phủ Quy Nhơn. Cậy thế thúc phụ quyền cao chức trọng yêu chiều, hắn mặc sức lộng hành, tác oai tác quái. Là kẻ phàm phu tục tử, dâm ô, trụy lạc, Hắc Liệt sai đàn em lùng sục gái đẹp, từ chốn thanh lâu đến tận thôn cùng xóm vắng bắt về để hắn mặc sức giày vò thỏa thích. Tội ác hắn ở huyện Tuy Viễn chất chồng như núi nhưng không ai dám ho he. Ngọc Bích lọt vào mắt hắn. Nhan sắc khuynh thành làm hắn mê mẩn, ngày đêm tơ tưởng. Quen thói làm càn, hắn quyết phải đem nàng về bằng được. Hắn dẫn đám thuộc hạ đến nhà Lê Dương. Tới trước cổng, hắn gọi to:
– Gia chủ đâu! Mau ra tao bảo!
Thấy Hắc Liệt, biết là chuyện chẳng lành, nhưng Lê Dương vẫn cố giữ bình tĩnh, ôn tồn hỏi:
– Ông đến nhà tôi có việc gì?
Hắc Liệt trừng mắt, cao giọng:
– Tao muốn Ngọc Bích. Giao người cho tao mau!
Lê Dương thẳng thừng đáp:
– Điều đó không thể được.
Trỏ vào mặt Lê Dương, Hắc Liệt quát:
– Mày tới số rồi!
Hắn đạp Lê Dương ngã nhào, miệng ộc máu tươi. Lê Dương nén đau lồm cồm ngồi dậy, Hắn bồi thêm mấy quyền. Ông lăn ra bất tỉnh. Hắc Liệt cười hắc hắc bảo đám đàn em:
– Bắt ngay nàng ấy! Đứa nào ngăn cản, đánh chết tao chịu!
Đám thuộc hạ dạ ran, tay roi, tay đao hung hăng xông vào. Lát sau, hai tên thuộc hạ mặt mũi bặm trợn, mỗi tên một bên cặp tay Ngọc Bích dẫn ra. Trông bộ dạng nàng hết sức thảm thương: xiêm y xộc xệch, đầu tóc rối bù, mặt mày xanh mét, lệ rơi đầm đìa. Chúng trói nàng, quăng lên mình ngựa rồi cả đám hò hét kéo đi, để lại phía sau tiếng than khóc của người nhà Lê Dương.
***
Từ lúc bị Hắc Liệt nhốt trong bốn bức tường giá lạnh, Ngọc Bích luôn phấp phỏng lo lắng. Mỗi lần Hắc Liệt xuất hiện, nàng nơm nớp lo sợ không biết tai họa nào sẽ đến với mình. Gương mặt khả ố, dung tục của gã đàn ông thô lỗ, cộc cằn làm nàng kinh tởm. Hắc Liệt ve vãn, hứa hẹn đủ điều: phú quí vinh hoa, danh phận cao quý… Nhưng Ngọc Bích nhận ra ý đồ của đen tối của hắn là muốn nàng tự nguyện trao thân, để chiếm đoạt một cách trọn vẹn. Trước thái độ cự tuyệt của nàng, Hắc Liệt điên tiết lồng lộn, cặp mắt dâm tà ngùn ngụt lửa dục. Ngọc Bích biết không chóng thì chầy hắn sẽ cưỡng bức nàng. Thân gái liễu yếu đào tơ, làm sao đối phó được đây?…
Ngọc Bích bước tới tựa cửa sổ, trông ra hoa viên. Những khóm hoa ủ ê dưới ánh chiều ảm đạm. Bốn bề vắng lặng đìu hiu. Một cánh chim từ đâu bay tới, khẽ khàng đáp xuống chóp hòn giả sơn, hót mấy tiếng đơn điệu lạc lõng. Chim chớp cánh bay vút lên không trung rồi mất hút phía trời xa. Ngọc Bích buồn tê tái. Nàng xót xa cho nỗi bất hạnh của mình. Bao nhiêu mơ ước đẹp đẽ bỗng chốc sụp đổ tan tành. Sống trong cô đơn vò võ, nàng lại nhớ Lê Văn Hưng. Nhớ những chiều muộn ngồi bên nhau trên thảm cỏ mềm bờ sông quê, ngắm hoàng hôn phủ mờ mặt nước. Ngắm chiếc thuyền cá đôi vợ chồng ngư phủ cập bến. Tiếng cười rộn rã hạnh phúc của họ vẳng tới. Nhớ giây phút tựa đầu vào vai chàng, nàng dạo đàn khe khẽ hát, khúc tình nồng làm chàng đắm say… Nỗi nhớ quặn thắt cả lòng. Ngọc Bích thở dài ngao ngán…
***
Ở Thiên Thai Tự, nhận tin dữ, Lê Văn Hưng liền cưỡi ngựa phi nước đại về làng Kiên Dõng. Đến nhà Lê Dương, nghe kể chuyện xảy ra, chàng phừng phừng lửa giận, đến ngay dinh thự Hắc Liệt, đạp cổng xông vào. Đám thuộc hạ Hắc Liệt cầm đao túa ra ngăn chặn, bị chàng vung côn đánh ngã bò lê bò càng, khóc la ầm ĩ. Hắc Liệt ở trong phòng Ngọc Bích, không hề biết chuyện xảy ra bên ngoài. Lần này, hắn quyết thực hiện dã tâm chiếm đoạt nàng. Lửa dục ngùn ngụt, hắn thèm khát hau háu nhìn Ngọc Bích như muốn ăn tươi nuốt sống nàng. Hoảng sợ, bất giác hai tay ôm lấy ngực, nàng lùi lại từng bước, tới khi lưng chạm vào bức tường phía sau. Hắc Liệt gầm gừ:
– Tao hạ mình chiếu cố là phúc phận của mày. Vậy mà mày cứ cứng đầu cứng cổ. Thử coi, thoát khỏi tay tao được không?
Ngọc Bích rút phắt dao nhỏ, giọng quyết liệt:
– Tôi thà chết chứ nhất định không để ông làm nhục.
Hắc Liệt hầm hầm tới gần:
– Tao muốn thì trời cũng không cản được!
Hắn chưa kịp vồ lấy nàng, Ngọc Bích đã đâm vào cổ mình. Một dòng máu đỏ phụt ra. Hắc Liệt khựng người. Miệng há hốc. Hắn chưa kịp định thần, Lê Văn Hưng đã phá cửa bước nhanh vào. Chưa kịp phản ứng, hắn đã bị chàng đập một côn vào đầu chết tươi. Ngọc Bích nằm sóng soài trên nền nhà. Chàng đỡ nàng ngồi dậy. Nàng cố mở mắt nhìn chàng, môi mấp máy, thều thào mấy tiếng không thành lời. Nàng lịm dần rồi trút hơi thở sau cùng. Lê Văn Hưng ôm chặt lấy nàng, ân hận vì chậm một bước nên không cứu được người mình yêu thương. Những tưởng sớm được kết nghĩa phu thê, nào ngờ lại phải chia ly mãi mãi. Lòng đau đớn tột cùng. Giọt nước mắt rơi lã chã xuống gương mặt trắng nhợt của nàng. Chàng lấy chiếc vòng tay bằng ngọc đeo vào cổ tay trái nàng, đây là vật gia bảo mẫu thân dặn trao cho vợ chàng trong ngày cưới. Chàng nghẹn ngào:
– Dù sống hay thác, nàng vẫn là hiền thê của ta, trọn một đời không thay đổi…
***
Quan Tuần phủ Quy Nhơn đau lòng trước cái chết của Hắc Liệt. Hắn hạ lệnh quan quân truy lùng Lê Văn Hưng ráo riết. Chàng khó nhọc trốn tránh, rày đây mai đó, rồi ẩn thân vào chốn đại ngàn. Bấy giờ, ở Tây Sơn Thượng đạo, Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa. Lê Văn Hưng tìm đến gia nhập nghĩa quân. Dưới cờ Tây Sơn, chàng chiến đấu gan dạ, hăng hái, lập nhiều chiến công được vua Thái Đức tin dùng, phong chức Đề đốc. Quân Tây Sơn chiếm được phủ Diên Khánh, vua Thái Đức giao cho Lê Văn Hưng trấn thủ. Chàng chỉ huy quân Tây Sơn nhiều lần đánh bại quân Nguyễn từ phương Nam kéo ra. Mỗi khi xông trận, Lê Văn Hưng dẫn đầu ba quân, tả đột hữu xông. Chàng đi tới đâu, quân Nguyễn tan vỡ tới đó. Không ít tướng Nguyễn mất mạng dưới đường côn của chàng. Quân Nguyễn sợ hãi gọi chàng là Lê Vô Địch.
Tối hôm đó, Lê Văn Hưng lên vọng lâu thành ngồi một mình với bầu rượu nóng. Khung cảnh lạnh lẽo, thê lương. Vài ngôi sao lẻ loi khi mờ khi tỏ trên bầu trời đen như mực. Ánh đuốc bập bùng hắt một quầng sáng đỏ quạnh lên bức tường lạnh lẽo. Tiếng côn trùng rả rích như một giai điệu sầu bi ảo não. Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can. Những giọt máu chung tình của nàng thấm vào ngực như muôn ngàn vết dao cứa nhức nhối. Ngọc Bích đã đem trái tim yêu thương của chàng xuống đáy mộ sâu, giờ còn lại là cõi lòng băng giá. Từ giây phút chia lìa ấy, cảm xúc luyến ái đã nguội lạnh trong chàng. Lê Văn Hưng thở dài não nề rồi rót rượu uống tràn. Đêm dần khuya. Bình rượu đã vơi. Lê Văn Hưng chuếnh choáng, cảnh vật mờ dần…
Bỗng từ đâu vẳng lại tiếng hát ngọt ngào lúc trầm lúc bổng. Tiếng hát êm ái hòa quyện với tiếng đàn du dương làm xao xuyến cảnh vật. Tiếng hát nhẹ như gió thoảng, mỗi lúc một rõ dần: Hương tình đương nồng thắm/ Cao xanh nỡ chia lìa/ Âm dương đành cách biệt/ Vạn thuở sầu chia phôi… Những thanh âm sao thân thiết quá, nghe như từ một góc nào sâu thẳm trong kí ức vọng ra. Lê Văn Hưng vội mở choàng mắt. Một hình bóng chập chờn lúc ẩn lúc hiện trong làn sương trắng. Làn sương tan biến. Ngọc Bích ôm đàn, dịu dàng âu yếm nhìn chàng. Lê Văn Hưng sững sờ, lắp bắp:
– Là… là… nàng thật sao?
Ngọc Bích khẽ gật đầu. Lê Văn Hưng muốn bước tới ôm lấy nàng cho thỏa nỗi nhớ thương khao khát mong chờ nhưng chân không tài nào nhấc lên nổi. Ngọc Bích nhẹ nhàng nói:
– Chàng đã một lòng thương tưởng đến em. Ân tình đó, em luôn tạc dạ. Trời cao có mắt, thương tình đôi lứa, sẽ cho mình được trùng phùng. Chàng hãy đợi đến ngày đó. Thôi, em không thể ở lâu được. Chàng bảo trọng…
Lê Văn Hưng chưa kịp trả lời, bóng nàng nhạt dần rồi biến mất…
***
Năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà. Thái tử Nguyễn Quang Toản lên ngôi lấy hiệu là Cảnh Thịnh. Quốc cữu Bùi Đắc Tuyên được phong làm Thái sư. Vì Quang Toản còn nhỏ tuổi, Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền hành xử độc đoán, tư tình tư lợi, làm không ít điều xằng bậy nên một số tướng lĩnh Tây Sơn hết sức bất bình. Trong đó, Lê Văn Hưng chống đối gay gắt nhất. Bùi Đắc Tuyên tức tối muốn trừ khử đi. Năm Giáp Dần (1794), quân Nguyễn chiếm phủ Phú Yên. Vua Cảnh Thịnh sai Lê Văn Hưng đem quân vào đánh. Lê Văn Hưng phối hợp với Phó đô đốc Nguyễn Quang Huy đang đóng quân án ngữ tại đèo Cù Mông công kích quân Nguyễn. Kết quả trận giao chiến, quân Nguyễn thua trận tháo chạy về phủ Diên Khánh. Đêm ấy, Lê Văn Hưng bày tiệc rượu mừng thắng trận. Trong tiệc còn có một số tướng tá dưới quyền và phú hào sở tại tham dự. Một phú hào dẫn theo nàng ca kỹ đến đàn hát giúp vui. Vừa trông thấy nàng, Lê Văn Hưng kinh ngạc nhìn trân trân như không tin vào mắt mình. Gương mặt, dáng người, ngay cả tư thế ngồi đàn cũng giống hệt Ngọc Bích. Nhưng sao có thể là nàng được? Đã hai mươi năm cách biệt. Mình đã là một tráng niên. Còn nàng ca kỹ kia đang tuổi trăng tròn. Sự chênh lệch khá lớn về tuổi tác. Lê Văn Hưng phân vân, hồ nghi, không biết nghĩ sao cho phải, cứ thừ người ra, ngơ ngẩn. Nàng ca kỹ thong dong dạo đàn, rồi cất giọng: Lời thề xưa luôn nhớ/ Tha thiết nỗi mong chờ/ Lòng riêng ai thấu tỏ/ Đến bao giờ đoàn viên… Tiếng hát u hoài, khắc khoải, tha thiết nhớ nhung. Tiếng hát dìu dặt vấn vương nghe thân thiết đến mức làm Lê Văn Hưng ngây ngất cả người. Không kìm được, Lê Văn Hưng đứng dậy, bước về chỗ nàng ca kĩ. Tiếng đàn ngưng bặt. Nàng ca kỹ bồi hồi, ngơ ngác nhìn Lê Văn Hưng, rồi như nhớ ra điều gì, gương mặt nàng lộ vẻ xúc động, mắt xao xuyến, muốn nói mà ấp úng không thành lời. Lê Văn Hưng bất giác cầm bàn tay trái của nàng. Cổ tay hằn một vòng đỏ in rõ hoa văn. Đó là hoa văn trên cái vòng ngọc gia bảo đã đeo vào tay nàng thuở trước. Lời Ngọc Bích báo mộng trong đêm trên vọng lâu thành Diên Khánh chợt vọng lại bên tai rõ mồn một. Không phải là một khát khao mơ tưởng, mà đã ứng nghiệm thật rồi. Lê Văn Hưng vui sướng tột cùng, nhưng vẫn run run hỏi:
– Nàng là Ngọc Bích phải không?
Nàng ca kỹ thẹn thùng bối rối giây lát rồi khẽ gật đầu. Lê Văn Hưng ôm lấy nàng. Giọt lệ anh hùng ứa ra. Những rung cảm ngọt ngào của ngày xưa ùa về ăm ắp. Lê Văn Hưng cảm tạ đất trời rộng lòng thương, ban phép mầu cho Ngọc Bích được trùng sinh. Và tự hứa với lòng không để mất nàng thêm một lần nữa. Ngọc Bích thổn thức nép vào ngực Lê Văn Hưng. Lòng nàng ngập tràn hạnh phúc… Cho tới khi cả hai dìu nhau đi khuất sau cánh cửa, người dự tiệc vẫn chưa hết ngạc nhiên. Họ không hiểu đầu cua tai nheo gì, chỉ đoán già đoán non, xì xào bàn tán nhưng không lí giải được thỏa đáng. Bởi vị Đề đốc nổi tiếng sắt đá, chưa từng rung động trước bất cứ mỹ nữ nào, lúc này lại đắm đuối như một kẻ tình si như vậy.
***
Tình hình phủ Phú Yên đã ổn, Lê Văn Hưng giao cho Nguyễn Quang Huy trấn giữ, còn mình rút quân về Phú Xuân báo tiệp. Ngọc Bích cũng theo cùng. Về tới kinh đô, Lê Văn Hưng hớn hở vào triều bái kiến vua Cảnh Thịnh. Vừa bước vào sân chầu, đã bị Bùi Đắc Tuyên trỏ vào mặt quát phủ đầu:
– Tên Đề đốc họ Lê kia! Mày biết tội chưa?
Sững sờ, kinh ngạc, Lê Văn Hưng gặng hỏi lại:
– Thưa Thái sư, tôi tội gì?
Bùi Đắc Tuyên cao giọng:
– Chưa có lệnh vua mà dám rút quân, không tạo phản là gì?
Đoạn rồi thét quân bắt trói Lê Văn Hưng ngay tức khắc. Vua Cảnh Thịnh ngồi trên ngai vàng trơ như phỗng. Đại Đổng lý Ngô Văn Sở và Phụ chính Trần Văn Kỷ can ngăn. Bùi Đắc Tuyên trừng mắt:
– Các ông bênh vực hắn à?
Cả hai sợ hãi, im thít. Lê Văn Hưng biết mình bị Bùi Đắc Tuyên rắp tâm hãm hại, căm phẫn mắng:
– Thằng giặc nước gian ác họ Bùi kia, mày hại tao, trước sau cũng bị báo ứng.
Bùi Đắc Tuyên mặt lạnh như tiền, ra lệnh đem Lê Văn Hưng ra chém trước Ngọ môn. Hành hình xong, đám quân lính cột xác vào đá dìm xuống sông Hương. Nghe tin dữ, Ngọc Bích chết lặng cả người. Ngày nào, nàng cũng khóc thảm thiết, quên ăn quên ngủ, vóc dáng sầu thảm, héo hon. Một buổi chiều ảm đạm, Ngọc Bích mặc áo xô, đầu chít khăn tang ra ngồi trên bờ sông Hương, Trời bắt đầu mưa… Mỗi lúc thêm nặng hạt… Mưa giăng trắng trời. Nàng vẫn ngồi lặng im. Mặc mưa xối vào mặt, mình mẩy ướt đầm. Nàng oán trách con tạo sao quá cay nghiệt, nỡ đọa đày nàng triền miên trong bể khổ. Cho trùng sinh làm chi để rồi một lần nữa bắt phải chịu cảnh đau đớn biệt ly. Hạnh phúc vừa lóe lên lại tắt ngấm một cách phũ phàng. Những tưởng được hương lửa sớm hôm với người nàng yêu thương, ai ngờ những kẻ lòng lang dạ sói ở điện ngọc cung son đã cướp chàng đi mãi mãi. Không có chàng, thế gian này với nàng không còn ý nghĩa gì nữa.
Mưa đã tạnh. Hoàng hôn buông xuống. Trăng lên từ lúc nào, phủ một lớp vàng vọt trên mặt sông Hương, sáng nhàn nhạt trên những đền đài, cung điện lạnh lẽo, thâm u. Ngọc Bích thẫn thờ đứng lên, bóng nàng liêu xiêu trong trăng. Nàng bước những bước vô hồn tới chỗ mép nước, đứng lặng một lúc rồi bất thần gieo mình xuống. Bóng trồi lên hụp xuống mấy lần rồi mất hút. Dưới trăng, dòng sông vẫn êm ả trôi, bình yên, đều đều như từ ngàn vạn năm qua, không hề thay đổi. Nhưng nơi đáy sâu lạnh lẽo, có một đôi tình nhân, sau những cay đắng nghiệt ngã của số phận đã tìm thấy nhau, và giờ đây, mãi mãi ở bên nhau, không gì có thể chia cách được nữa.
Tháng 9 năm 2024.
PHẠM HỮU HOÀNG