Đường về ngoài xứ

(VNBĐ – Tản văn). Hôm rồi, chồng tôi có việc về quê ở Bình Định. Anh tranh thủ hai ngày cuối tuần, để sáng thứ hai đi làm như bình thường. Biết chồng không có thời gian, tôi hỏi, hay anh đi máy bay cho tiện và an toàn, để em lên mạng đặt ngay nhé? Lời từ chối của chồng tôi: “Anh đi xe khách thôi. Bao nhiêu năm nay anh quen vậy rồi. Nhà xe, mấy người hơi già chút là còn biết anh xuống đâu về đâu luôn ấy chứ!”.

Sau câu đó của anh, thì tôi không ngăn cản nữa. Bởi “thói quen” là khái niệm mà khi chúng ta lớn lên, trải qua nhiều được mất đổi thay trên đời, thì đấy chính là điều vô cùng quý giá, neo giữ chúng ta vào các ký ức ngọt ngào. Giống như tôi, khoảnh khắc ấy dưng không nhớ lại lần đầu theo chồng với má chồng về xứ. Lúc đó, chúng tôi đã kịp sinh con gái đầu lòng, cuộc sống cũng có chút chật vật. Thế nhưng, chiều lòng cô con dâu mới chưa từng đi xe lửa, gia đình quyết định mua vé xe lửa, chấp nhận trả số tiền cao gần gấp đôi so với ngồi xe đò…

Tôi mãi vẫn không quên cảm giác đứng ngơ ngác giữa sân ga Hòa Hưng, đối diện với con tàu đang chuẩn bị cho hành trình Nam – Bắc hôm ấy. Thật kỳ lạ, vừa nôn nao vừa bồi hồi khó tả. Với một người sinh ra và lớn lên ở đồng bằng, thì đi tàu lửa là một khái niệm đầy tò mò háo hức. Và chuyến tàu đêm xình xịch rời xa thành phố, chung toa là những người cùng chất giọng “quê xứ” với nhà chồng ghi mãi trong tâm trí của tôi. Gần gụi, tự nhiên, thân tình, chẳng chút màu mè kiểu cọ. Hồn nhiên mời nhau đồng quà tấm bánh. Hỏi han xem, về đó bác ở đâu, đường Ngô Mây hay gần biển, dưới chân núi hay đi huyện…

Buổi sáng tới ga Diêu Trì, không có cảnh chèo kéo tranh giành, mà các bác xe ôm, taxi vẫn còn vô cùng mộc mạc. Họ hồn hậu, đen nhẻm, ăn mặc tuềnh toàng, xe cộ cũng cũ xấu. Nhưng lại ít nói thách, không chạy lòng vòng, mà nhiệt tình hướng dẫn, giới thiệu. Kể chuyện không dứt. Rằng, nhà tôi cũng có đứa con gái đang đi học ở Sài Gòn nè. Kệ, mình chịu khó vất vả chút, để cho con nó kiếm ít chữ vào đời…

Đó cũng là lần đầu, tôi biết, quê chồng mình nghèo tới vậy. Quy Nhơn thuở ấy cũng chưa phải là thành phố du lịch phổ biến như bây giờ. Cảnh biển đẹp nhưng vẫn còn vắng vẻ. Đường về Phù Cát, vẫn thuần quê chứ chưa có các khu nghỉ dưỡng. Nông thôn đúng nghĩa. Chỗ đi vệ sinh tuốt xa ngoài vườn. Nhà tắm che chắn tạm bợ, dù ngày mưa gió. Hàng quán ăn vặt không có, đủ khiến cho bà mẹ trẻ bối rối! Nhưng cái tình của người dân quê xứ thì khiến tôi nhớ mãi.

Đó cũng là lần đầu, tôi thấm thía câu “nhịn miệng đãi khách”. Bà con phía bên chồng kéo lưới, kiếm ít tôm cá đãi khách. Cua chỉ có một con duy nhất, được ưu ái dành riêng cho con gái tôi. Tội, đường sá xa xôi, chịu khó lặn lội về tận quê thăm bà con, là quý lắm rồi. Câu phân bua hiền lành trân quý đến xót xa. Bởi ngoài sân kia, là mấy đứa trẻ con gầy gò nở nụ cười rụt rè, những mẹ những chị lúi húi nhà sau, miệng luôn tục nhắc nhau “Xem trên mâm có thiếu gì thì múc thêm”, mặc kệ cái xoong trong bếp đã gần như cạn hết. Cái sự chịu thương chịu khó hằn lên qua những vuông ruộng muối, dăm cánh đồng thưa thớt, và trong làn gió chớm đông lành lạnh tạm biệt quê chồng năm nào…

Đường rời miền Trung, tôi mang theo ít con cá chua mới bắt được dưới đầm, mà chồng tôi cứ luôn miệng tấm tắc “Ngon lắm, hai mẹ con em ăn thử là mê ngay”, cùng mớ trứng gà nhà, mấy quả cà dĩa hơi già hái vội. Thế thôi, mà trĩu nặng tấm lòng…

Sau này, tôi cũng có vài dịp theo chồng về ngoài ấy. Từng có một lần, chuyến xe đò qua khỏi Tuy Hòa thì dừng lại ăn tối. Vô cùng ngạc nhiên khi chừng gần mười người vốn chẳng quen biết gì ngồi chung một bàn, đợi dọn món. Cảnh ấy chẳng khác gì mâm cơm nhà. Mọi người bới cơm, so đũa, mời nhau, rồi bắt đầu chan gắp. Không có cảm giác vội vàng, chen chúc, mà thậm chí, tôi còn ngỡ ngàng trước thái độ lịch sự, nhường nhịn của những người xa lạ chung bàn chung mâm hôm ấy. Một bữa cơm thôi, mà cứ khiến tôi ngẫm ngợi mãi. Phải có thói quen đối đãi với nhau thế nào, phải kham khổ ra sao, phải chắt chiu biết mấy, người ta mới có thể cùng ngồi vào mâm với nhau, bằng một vị thế như vậy…

Tất cả đủ để vương vấn niềm tin rằng, sẽ còn nhiều lần khác nữa, cả nhà tôi có cùng mặt trong hành trình về miền quê yêu dấu ấy.

HOÀNG MY

(Văn nghệ Bình Định số 107 tháng 3.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Văn Hiếu

Ta lăn lóc đứng ngồi
Ta lên rừng xuống bể
Nay ta chín – ta vẫn là hạt gạo
Vẫn đăm đắm cánh đồng chiều
Vẫn thương câu hát gánh qua sông…

Mê Cung

Giây phút Minh nhận ra trái tim của mình cũng là một mê cung là khi cậu nhìn vào mắt người con trai đó. Bộ dạng nó áp sát vào người cậu như muốn tìm kiếm ở đó một sự chở che, nương náu và an ổn…