Dư ba từ một khúc thơ rời

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Chúng ta cùng đọc “câu chuyện” về mẹ, một thiếu phụ, góa phụ điển hình. Mẹ là vọng phu tảo tần sương nắng đồng sâu núi cao, nuôi con chờ chồng một thời đất nước phân ly; tái giá rồi thành mẹ góa, con côi. Ngày đất nước thống nhất, cuộc trùng phùng với người chồng trước lại ngỡ ngàng cho ai, bẽ bàng cho ai, không thể là ngày vui đoàn tụ. Đến khi nằm xuống, một mình mẹ với hai người đàn ông: bàn thờ hai di ảnh, lại đôi mộ cận kề với di ảnh khác…

Chuyện về mẹ, viết về mẹ, về người phụ nữ Việt trong văn chương, nghệ thuật thường giông giống nhau. Hoặc tảo tần chịu thương chịu khó, một đời chắt chiu lo cho chồng con; hoặc cam phận đàn bà hoặc vẫy vùng trong thua thiệt trước những tập tục, những thói thường “trọng nam khinh nữ”, bất bình đẳng giới. Lại nữa, đất nước trải dài suốt những cuộc chiến tranh, ly loạn, người phụ nữ bao đời thêm kiếp vọng phu, vọng đến hóa đá.

Thế Đoản khúc mẹ của Trần Quang Khanh có gì khác? Với nội dung gần như “mặc định” đàn bà thương khó thì cũng vầy vậy:

Nắng cheo leo núi ban trưa
Chiều thăm thẳm lún đồng mưa sụt sùi
Mẹ tôi tất tả ngược xuôi
Mơ gieo mây trắng về nơi cuối ngàn…

Còn cảnh chờ chồng thời đất nước phân ly Nam Bắc, cũng như bao người phụ nữ khác, chồng đi “tập kết” ai ngờ dằng dặc đến hai mươi năm, người héo hắt tuổi xuân đợi chờ, người tái giá cũng trĩu nặng mặc cảm có lỗi. Và khi đất nước hòa bình thống nhất, trong niềm vui nụ cười hòa nước mắt ngày sum họp, không thiếu cảnh bẽ bàng: người về trong nghịch cảnh khó thể đoàn tụ. Có thể đúc kết tổn thất máu xương của cuộc chiến chứ phận người qua chiến tranh, những âm thầm dằn vặt, những thương trách, nuối tiếc, những ngậm ngùi ly tan, chỉ… vọng vào văn chương. Và cũng là nghịch cảnh chung.

Bài thơ cấu trúc “đoản khúc” như kiểu kể tắt câu chuyện, chỉ ghi những cảnh huống, nỗi niềm chính của người mẹ. Thực ra vì là cảnh chung dễ hình dung, có thể đọc liền mạch những vần lục bát mà chẳng cần phân tích từng khổ, từng đoạn. Cái tình, niềm đau đáu thương cảm của người con với một đời chịu đựng, khổ lụy của mẹ, cảnh “hai phía con thơ”, “góa bụa hai lần”, những “đầy” – “vơi” kiểu cộng góp trong “mười mùa mai” làm vợ mà thấu nỗi “gối đơn rã xác mùa phai má hồng”…, cũng chỉ tròn trịa cảm xúc, câu chữ. Đọc nhé:

Mẹ tôi làm vợ hai lần
Lần tạm biệt rồi lần khân không về
Vọng phu hai phía con thơ
Bắc Nam mấy nẻo sơn khê mấy tầng?
***
Mẹ tôi góa bụa hai lần
Gió đâu là gió xoáy quanh phận người
Thiếu phụ đầy
góa phụ vơi
Hai lần làm vợ trọn mười mùa mai
***
Đêm ngui ngút một canh dài
Gối đơn rã xác mùa phai má hồng
Cha về thêm một phù sinh
Đủ đong đầy một khối tình phù vân

Có thể thấy cái tinh tế của tác giả khi kể chuyện mẹ, như hai đời chồng tính gộp năm làm vợ chỉ “mười mùa mai” – cách đếm mùa xuân đất trời liên tưởng xuân thì người nữ được hưởng; hay một đời mẹ cơ cực cùng núi cheo leo với đồng sâu vất vả, khi chết cũng nằm trên triền núi ngó xuống ngui ngút đồng, một định phận u buồn lẩn quẩn không rời, không thoát. V.v…

Nhưng bài thơ nếu vậy cũng chẳng có gì đáng bàn. Bi kịch người mẹ, người phụ nữ thời tao loạn nhiều người còn nghiệt ngã hơn.

Bất ngờ, đoản khúc 4 câu đều đều từ trên xuống đã tách đôi thành cụm 2 câu phần kết:

Mộ phần bên một mộ phần
Còn di ảnh lại ở gần người kia
***
Con về thăm mẹ quê xưa
Thấy trong khói nắng mẹ vừa dớm chân…

Hai câu trên là tình huống lạ lùng khi người mẹ “giờ đã xa rồi”, đã xong một phận người tứ bề giông gió: di ảnh trên bàn thờ bên ảnh người chồng sau; còn mộ phần, người chồng tập kết về vẫn một lòng với vợ, xây sẵn cho mình và cho vợ khi còn sống ngôi mộ song đôi. Hai câu sau là “phát hiện” của người con, người đã quá thấu cảm nỗi đời mẹ.

Mẹ sẽ sàng “dớm chân” đi đâu? Đi như trộm lén?

Câu trả lời vốn đã có sẵn. Đây là cái riêng/ khác, cái tinh tế trong hành xử, mà cũng là nỗi khổ tâm của người phụ nữ này, ngay khi còn sống: nghĩ về người chồng nào cũng như sự ngoại tình với người chồng kia. Huống chi, lại phân thân bên di ảnh bàn thờ, bên mộ phần, khi “vòng trăm năm rồi cũng khép”. Khép mà không thể dứt. Nhắm mắt xuôi tay đâu đã có thể gỡ xong mối rối? Nếu ở chỗ mộ song đôi mẹ có lúc “dớm chân”, lẻn đi thăm người kia thì di ảnh bàn thờ, cũng có lúc mẹ không hẳn ở đó. Giờ đã xong cái xác trần trĩu nặng, cuộc sau dường như nhẹ hơn chăng? Hay đó chỉ cảm nghĩ của người con trong niềm sẻ chia lớn dành cho mẹ?

Chưa thấy thơ viết về nỗi niềm, sự đa mang, khổ lụy của hồn người chết, như Trần Quang Khanh, những khúc rời khóc mẹ!

Thì ra “đoản khúc” có lý. Nó không chỉ tường trình đời mẹ những khúc quanh, những rối rắm, dằn vặt mà còn là cái thắt nghẹn đến cao trào của người con: đoạn kết câu chuyện mẹ là những đọng lại một cảnh huống trớ trêu. Chết là “hết”, là “nhắm mắt xuôi tay”, là “cái quan định luận”…, ở trường hợp này, ở bài thơ về mẹ này, mọi thứ mãi không dừng lại, không thể phân định thế nào cho phải.

Tôi rất không thích trò chẻ câu thơ ra mà bình tán như đang rất phổ biến, nhưng buộc phải nói rằng, từ “dớm chân” là khoảnh khắc xuất thần của tác giả, của bài thơ. Nó vụt sáng: người con cảm thương, “bắt bài” mẹ rất tình và khá hóm hỉnh. Bài thơ bình bình đã dần tăng cấp rồi thực sự hay!

Tình thế đoạn kết lạ. Vâng. Nhưng chữ “dớm chân” mà thâu tóm một đời trái ngang khổ lụy của người mẹ là tài, có thể là may mắn cho bất kỳ người cầm bút nào.

Người cầm bút nào cũng thường viết về mẹ. Thơ hay đề tài này cũng nhiều. Và Đoản khúc mẹ của Trần Quang Khanh là một trong những di sản ấy.

 

Đoản khúc mẹ

TRẦN QUANG KHANH

Nắng cheo leo núi ban trưa
Chiều thăm thẳm lún đồng mưa sụt sùi
Mẹ tôi tất tả ngược xuôi
Mơ gieo mây trắng về nơi cuối ngàn…
***

Mẹ tôi làm vợ hai lần
Lần tạm biệt rồi lần khân không về
Vọng phu hai phía con thơ
Bắc Nam mấy nẻo sơn khê mấy tầng?
***

Mẹ tôi góa bụa hai lần
Gió đâu là gió xoáy quanh phận người
Thiếu phụ đầy
góa phụ vơi
Hai lần làm vợ trọn mười mùa mai
***

Đêm ngui ngút một canh dài
Gối đơn rã xác mùa phai má hồng
Cha về gieo một phù sinh
Đủ đong đầy một khối tình phù vân
***

Nắng cheo leo núi ban trưa
Chiều thăm thẳm lún đồng mưa sụt sùi
Mẹ tôi giờ đã xa rồi
Cũng lưng chừng núi ngó ngui ngút đồng
***

Mộ phần bên một mộ phần
Còn di ảnh lại ở gần người kia.
***

Con về thăm mẹ quê xưa
Thấy trong khói nắng mẹ vừa dớm chân…

(Rút từ Gió thiếu phụ, Nxb. Hội Nhà văn, 2020)

* Ảnh minh họa: Trần Đình Hùng

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 100 tháng 8.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…