Đôi điều về thẩm mỹ trong nghệ thuật múa

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Sáng tạo nghệ thuật nói chung là hành trình khám phá cái đẹp. Giá trị nghệ thuật của một tác phẩm ngoài những ý nghĩa lớn lao thì cái trực tiếp tác động đến người thưởng thức trước tiên phải là những yếu tố thẩm mỹ mà ngôn ngữ loại hình nghệ thuật đó mang lại. Tính mỹ cảm bộc lộ từ hình thức – thủ pháp kỹ thuật hay ẩn sâu trong nội dung là điều cần thiết để “dẫn ru” con người tìm đến, yêu thích mê đắm với tác phẩm. Một tác phẩm nghệ thuật dù có bày biện hoành tráng công phu thế nào, dù có chuyên chở thông điệp, triết lý cao sâu thế nào nhưng dấu ấn thẩm mỹ không đọng lại những cảm xúc mới lạ – sáng tạo, những yếu tố ngôn ngữ kết hợp không được tinh tế, phản cảm, hụt hẫng tâm lí, không gợi sự liên tưởng giáo dục đạo đức, không khơi gợi những ý nghĩa cao đẹp lẽ sống thì không thể coi là tác phẩm có giá trị.

Những đặc trưng thẩm mỹ trong tác phẩm được xem như linh hồn lôi cuốn người thưởng thức. Nó có thể toát ra từ hình thức, cũng có thể ẩn chứa từ sâu ngầm trong ý nghĩa nội dung.

Nghệ thuật múa cũng vậy. Tính thẩm mỹ nghệ thuật múa tất nhiên phải được xem xét từ thủ pháp nghệ thuật cũng như các yếu tố kỹ thuật và tùy vào thể loại: Thẩm mỹ tạo hình không gian động (ngôn ngữ ước lệ biểu cảm trực tiếp), hay cấu trúc động tác trừu tượng tạo hình tượng (chú trọng cảm xúc thẩm mỹ), hoặc loại hình nghệ thuật không gian – thời gian, nghe nhìn tổng hợp.

Với đặc trưng ngôn ngữ khai thác sử dụng hình thể, cái đẹp của nghệ thuật múa trước tiên phải được xem xét dưới góc độ tạo hình, mà cụ thể là tạo dáng, tạo sự chuyển động duyên dáng hình thể. Không phải tự nhiên mà ta thấy các nghệ sĩ múa đều có hình thể đẹp, dẻo dai. Yếu tố khách quan – cái đẹp tỉ lệ hình thể là điều kiện không thể bỏ qua để người biên đạo khai thác tạo mỹ cảm cho người thưởng thức. Sự linh hoạt, biến đổi sáng tạo ra nhiều kiểu dáng mới lạ sẽ góp phần tạo nên sự sinh động cái đẹp.

Ngôn ngữ hình thể kết hợp âm nhạc, ánh sáng… tạo cảm xúc thẩm mỹ cho người xem. Ảnh: S.P

Ấn tượng cái đẹp có thể có được từ hoạt động tạo hình, tạo dáng riêng lẻ, hay từ sự kết hợp hai hay nhiều nhân vật, nhóm nhân vật trong tổ chức xây dựng bố cục tương đồng, hoặc tương phản. Sự tương đồng – tương phản ở đây có thể là hình thể, giới tính, lứa tuổi, trang phục…

Nhưng múa còn được xem là loại hình nghệ thuật của không gian và thời gian. Vì vậy từng khoảnh khắc của không gian phải là những khoảnh khắc sáng tạo thẩm mỹ. Sự liên kết các động tác, biểu diễn hình thể tạo hình phải tạo được nhịp điệu thống nhất xuyên suốt trong ý tưởng nội dung. Sẽ là nực cười, kém duyên nếu trong một tiết mục lại xuất hiện những động tác thừa thãi. Thế nên nhà nghiên cứu Francois Delsarte mới cho rằng: “Không có gì kinh khủng bằng một cử chỉ vô nghĩa. Chỉ có những người mất trí (và một số vũ công) mới thực hiện những động tác như vậy”. Rõ ràng, sự khắt khe trong sáng tạo nghệ thuật là cần thiết với biên đạo – nghệ sĩ múa để có một tác phẩm hoàn chỉnh thẩm mỹ. Biên đạo múa giỏi chắc chắn không chỉ có con mắt tinh tường như họa sĩ mà còn có khả năng bao quát làm chủ “câu chuyện” như một đạo diễn phim.

Nghệ thuật múa không tồn tại độc lập mà thường gắn kết với âm nhạc. Nhịp điệu tạo hình múa được sáng tạo trên nền nhịp điệu tiết tấu của âm nhạc. Vì thế tính thẩm mỹ nghệ thuật múa phải được xem xét dựa trên sự cộng hưởng những động tác hình thể với nhịp – tiết tấu, tiếng động – âm thanh. Có thể nói nhờ âm nhạc mà múa thêm gần gũi với công chúng. Nhờ âm nhạc mà múa trở nên lôi cuốn người thưởng thức. Rất nhiều những tác phẩm múa thành công nhờ nghệ sĩ đã phát triển sáng tạo từ cảm hứng tác phẩm âm nhạc. Biên đạo – nghệ sĩ múa nhất thiết phải có thẩm mỹ âm nhạc, biết phân tích cảm thụ sâu khúc thức – giai điệu, nhịp điệu – tiết tấu. Có thể nói nghệ thuật múa là nghệ thuật “phiên dịch” ngôn ngữ âm thanh thành ngôn ngữ tạo hình.

Dưới góc nhìn tạo hình – thị giác, tính thẩm mỹ còn biểu hiện ở việc sử dụng trang phục, phương tiện, dụng cụ phụ trợ. Tất cả những yếu tố này khi gắn kết với từng động tác điệu bộ, hình thể, nó cùng với hình thể tạo thành hình tượng – sự chiếm chỗ trong không gian và vì thế nó đều tác động trực tiếp đến thị giác. Trang phục, đạo cụ là những bộ phận đi cùng hình thể tạo nên cấu trúc dáng vóc nghệ thuật. Nếu hình thể động tác, cử động được xây dựng mang tính khái quát, ước lệ, trừu tượng, mà phương tiện, dụng cụ lại hiện thực – không có ý thức cải trang chỉnh chu thẩm mỹ thì chắc chắn sẽ tạo cảm giác chông chênh về thị giác. Sự chông chênh này có thể về mặt motip tạo hình, về chất liệu vật liệu, về hình khối, về màu sắc và cả về logic tâm lí thị giác…

Tiết mục múa “Vươn khơi bám biển” (âm nhạc Đào Minh Tâm, biên đạo múa Châu Mi). Ảnh: V.P

Ngoài những hoạt động múa tự do, đa số các hoạt động múa chuyên nghiệp đều thực hiện trên sân khấu. Vì vậy không gian và màu sắc, ánh sáng trên sân khấu cũng góp phần quan trọng không nhỏ đến sự tác động mỹ cảm người xem. Người biên đạo múa giỏi là người biết hình dung tác phẩm của mình sẽ thực hiện trong một không gian như thế nào? Khai thác những yếu tố màu sắc, ánh sáng trên sân khấu là điều cần hướng đến có chủ đích trong ý tưởng nội dung. Có thể nói các hoạt động múa trình diễn trong các chương trình văn nghệ, hội diễn đều không làm tốt vấn đề này. Nghệ thuật múa đương đại có chú trọng nhiều với việc kết hợp ánh sáng trên sân khấu. Với sự phát triển công nghệ điện tử, kỹ thuật ánh sáng đã được các nghệ sĩ khai thác triệt để, tạo ra sự sinh động, tính hấp dẫn trong ngôn ngữ múa. Không ít tác phẩm đã mang lại cảm xúc thẩm mỹ mới lạ, lôi cuốn đặc sắc cho người thưởng thức.

Nghệ thuật múa thường gây sự chú ý cuốn hút bởi tính hoành tráng bao rộng cả sân khấu, quảng trường. Nhưng có khi cái đẹp ẩn chứa trong một hình thức so sánh hết sức giản dị. Dù là hình thức nào, tính thẩm mỹ của nghệ thuật múa nhìn chung phải được xem xét trên phương diện bố cục tổng thể các yếu tố tác động đến thị giác và thính giác. Nó bao gồm hình ảnh, động tác – cử động các nhân vật xuất hiện trong vở múa, trang phục, đạo cụ, sân khấu, ánh sáng và âm nhạc. Mỗi khoảnh khắc cắt ra từ “thước phim” múa phải đảm bảo đọng lại xúc cảm thị giác – vẻ đẹp về tạo hình không gian. Xâu chuỗi những khoảnh khắc đẹp của những hình thể trong không gian âm nhạc để liên tưởng ý tưởng nội dung, đó là cách cảm nhận thẩm mỹ nghệ thuật múa. Không phải tự nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng: Múa là mẹ của nghệ thuật. Âm nhạc và thi ca tồn tại trong thời gian, hội họa và kiến trúc trong không gian. Chỉ có múa cùng một lúc sống cả trong không gian và thời gian.

Rất khó để xác định tính thẩm mỹ chung trong nghệ thuật, nhất là trong thời đại hiện nay, nghệ thuật múa đã chi phối rất sâu rộng vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là văn hóa giải trí – nghe – nhìn. Khi mà nghệ thuật múa luôn tìm cho mình những phương thức đột phá thì sự đánh giá những giá trị thẩm mỹ mới trong nghệ thuật cần những hiểu biết khoa học, thận trọng chứ không chỉ dừng ở cảm tính thói quen nghệ thuật. Các thể loại múa hiện đại, dân gian đương đại, hay các hình thức đương đại khác ra đời thách thức những quan niệm cũ, thách thức những rào cản về văn hóa. Giữa sự phản cảm và mỹ cảm đôi khi chỉ là quan niệm, trình độ hiểu biết nghệ thuật, cách nhìn – quan điểm thẩm mỹ cá nhân. Sự phân định đẹp hay không đẹp, ủng hộ hay phản bác những sáng tạo đột phá mới? Và đâu là lý lẽ đúng?

Nói như vậy không có nghĩa vấn đề thẩm mỹ không có tính khách quan khoa học. Có thể nói giá trị thẩm mỹ là thành quả của quá trình thách thức giới hạn của óc sáng tạo. Chính vì thế, công việc của những nhà nghiên cứu nghệ thuật là cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi vì khi chúng ta thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, cảm nhận của chúng ta không chỉ đơn thuần dừng ở nó đẹp hay không đẹp, mà chúng ta còn cần hiểu tại sao nó lại đẹp và lại không đẹp. Những hiểu biết về giá trị nghệ thuật giúp tăng khả năng cảm nhận thẩm mỹ và nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Những yếu tố sáng tạo mới lạ hình thức luôn mang lại sự kích thích tò mò, sự hưng phấn, khoái cảm khi thưởng lãm. Tuy nhiên đánh giá yếu tố thẩm mỹ trong một tác phẩm bao giờ cũng gặp phải những khó khăn vì nhiều lẽ. Đó là những hình tượng mang các giá trị thẩm mỹ đa dạng như cái đẹp, cái cao cả, cái hài, cái bi… Các giá trị ấy có thể cảm nhận trước hết bằng giác quan, trực cảm làm thỏa mãn tình cảm yêu cái đẹp của con người. Trong nghệ thuật múa, giá trị thẩm mỹ chính là sự hấp dẫn, lôi cuốn của những nhịp điệu chuyển động hình thể, những thủ pháp mới lạ, sự gợi cảm, sự trẻ trung, cái hoành tráng, cái dung dị, cái bất ngờ được tạo nên bằng các phương tiện của ngôn ngữ.

Những tác phẩm có giá trị nghệ thuật bao giờ cũng được nghệ sĩ sáng tạo trên nền tảng lý thuyết thẩm mỹ. Bởi vậy việc nghiên cứu hệ thống lí thuyết thẩm mỹ trong nghệ thuật múa là rất cần thiết.

Họa sĩ – NĐK LÊ TRỌNG NGHĨA

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…