Đọc thơ Mai Thìn nghe “Tiếng chim về cũ”

(VNBĐ – Đọc sách). Không kể những tập thơ in chung, những tập nghiên cứu văn hóa dân gian, tản văn và bút ký, đến nay, Mai Thìn đã ấn hành riêng 6 thi tập, khẳng định được thi pháp cá nhân của mình trên hành trình nghệ thuật luôn hướng về phía trước. Từ thi tập đầu tiên Cổ tích tình yêu (1991) đến Tiếng chim về cũ (2020), Mai Thìn đã có trên dưới 30 năm gắn bó với ngôn từ và hình tượng để làm nên chứng chỉ thi ca vững chắc mang tên anh.

Ra đi từ ngôi nhà tuổi thơ với ký ức làng quê sâu nặng, Mai Thìn đã mở rộng tầm nhìn của mình ra non sông, đất nước rộng dài, nội cảm những ba động của đời, ám ảnh những cổ mẫu, sự kiện đáng nhớ của hiện tại và quá khứ một cách triết mỹ. Rồi từ đó, anh quay về lại nơi xuất phát của mình để thức nhận về quê hương, dân tộc, con người một cách mới mẻ, có ổn định, nhưng có tái hiện, phục sinh từ những trầm tích ẩn sâu trong từng sự vật và chứng tích u trầm của lịch sử, văn hóa. Tôi gọi đó là sự ra đi cũng là sự trở về ngày càng giàu có, tin yêu trên hành trình tâm linh sự sống của Mai Thìn. Từ đó, trong anh hình thành thế giới hình tượng và ngôn từ chứa đựng những tư tưởng hiện sinh một cách nhân văn, thế sự trước dòng đời đang thao thiết chảy. Chất thơ đó định hình, và có biến đổi, bổ sung để làm thành sự vận động, phát triển thi pháp, làm nên phong cách thơ Mai Thìn.

Điều này thể hiện rõ qua thi tập mới nhất của anh: Tiếng chim về cũ (NXB HNV, 11.2020). Tôi xem thi phẩm Nhà thơ nằm cuối tập, như là tuyên ngôn nghệ thuật của Mai Thìn để lần vào bên trong, bên xa câu chữ thi ca, tìm ra chất thơ của anh, bởi vì như anh đã tự thức nhận: “Đêm đêm anh rạc người với chữ/ vẽ nên gương mặt của nhà thơ”. Đối mặt với sâu thẳm lòng mình trong đêm anh đã “gọt dũa, tỉa tót những hình dung từ/ rồi đọc to lên/ ngắm nghía”, và tự nhận “anh như kẻ điên/ mê mải nặn trái tim mình/ bằng chữ”. Vậy là đã rõ, Mai Thìn là nhà thơ với tận cùng yêu thương, tận cùng chân thật bằng sự “bạo động chữ”, “tạo sinh nghĩa” để thành những thông điệp tình yêu và cuộc sống:

Thèm một câu thơ về loài hoa rũ tàn rồi bung nở/ tôi chọn cà phê một mình/ trong góc nhỏ nhìn ra ô cửa nhỏ/ cây mai già trầm tư// chiêm nghiệm về phận người về nhân thế/ mai còn một khoảng để vàng xuân//…//đời quanh quẩn hơn thua hờn giận/ vờn đau tròn quả địa cầu// tôi một mình/ với cái bóng của mình/ mòn nhau (Với cái bóng của mình).

Anh mê mải viết và tự “mòn” mình “với cái bóng của mình” bằng phép loại trừ, nhặt bỏ ra ngoài những gì là thừa thãi, rác rưởi, những gì là xa lạ với nhân vị, nhân sinh để giữ lại những hòa âm tốt đẹp của sự sống thật: “Mỗi ngày tôi nhặt từ trong tủ sách/ một vài trang rác/ một vài lời rác/ loại dần những điều không dùng đến/ những lời nói rỗng/ những con chữ rỗng/ xếp hàng từ hồi đi học”. Những gì không thuộc về thức nhận nhân văn, nhân ái của anh, chúng đã bị loại ra khỏi bộ nhớ thường nhật để còn lại những tinh hoa, tinh túy cho thơ, cho đời:

cứ thế từng ngày tôi nhặt từ tôi/ những điều thừa/ loại khỏi tôi/ những cái bây giờ không còn thuộc về tôi nữa// cũng như mai đây/ chỉ còn lại cái tên/ dưới mỗi trang thơ/ dưới mỗi bài thơ/ mê mải/ viết (Chỉ còn lại cái tên).

Cái tên dưới mỗi trang thơ, bài thơ không gì khác là tên nhà thơ. Một quyền của nhà thơ là quyền được vui buồn cùng nhân dân và cuộc sống. Với tâm nguyện như thế, Mai Thìn đã không bị khuất phục bởi cái xấu, cái ác để thẳng bước trên con đường của lẽ phải, của điều thiện. Ra đi từ “cổ tích tình yêu”(*) với “đồng quê”(*) tuổi nhỏ vang “khúc sơn ca”(*), rồi sau đó, anh tự “lặng lẽ xanh”(*) trước “thiên đường thơm rèm cửa nhà mình”(*) để nhận ra “tiếng chim về cũ”(*) là một hành trình của tình yêu và sự sống mà ở đó Mai Thìn đã hiện hữu mình như một thi sĩ đầy tin yêu và sáng tạo.

Với một quan niệm nghệ thuật sáng rõ như thế, hẳn nhiên Mai Thìn đã xác lập và qui chiếu cho mình những tiêu điểm thẩm mỹ thơ để hình thành nội dung thơ, hình tượng thơ, ngôn từ thơ mang cá tính sáng tạo riêng. Trước hết, tôi muốn nói đến cảm thức hoài vãng trong thơ Mai Thìn. Đây có thể xem là chìa khóa để mở lối vào thơ anh. Nhìn lại, đồng hiện là cách tốt nhất để nhà thơ hiện hữu mình như một hiện sinh đích thực trong từng kinh nghiệm sống. Và như thế, thời gian không mất đi mà chính là thời gian được phục sinh những quan hệ quá khứ để mộng mơ vào tương lai mà trong từng khoảnh khắc đồng hiện chủ thể nhận ra:

Gần hết một đời// mong được đóa hoa thơm dâng tặng quê hương/ đầu đã bạc// mỏi chân về lại ngàn xưa/ bất chợt/ dưới bóng quê nhà/ tiếng chim ca/ về cũ (Tiếng chim về cũ). Ký ức sâu đậm trong anh là mẹ, là cha, là mái nhà xưa với bóng ngày qua càng rộng dài theo năm tháng. Đó là những hình ảnh và hình tượng thân thương, xao động nhất: “nhớ hàng râm bụt/ nhớ cây cau/ đã phải vì ta mà chịu khuất/ một khoảnh vườn xưa/ vương trong tim” (Nhớ nhà).

Cảm thức hoài vãng là sự vận động hình tượng thời gian chính trong thơ Mai Thìn. Anh thể hiện nỗi lòng mình và nhập vai để nói nỗi lòng người thân về nỗi nhớ quê day dứt: “Rã rời trong nỗi nhớ quê/ mẹ mang cau héo hong nhờ mái hiên/ dõi nhìn bóng nắng xiên xiên/ trầu têm nửa cánh ưu phiền nhạt vôi”. Bóng mẹ cha là tượng trưng cho bóng quê và những gì thiêng liêng nhất khi nghĩ về cội nguồn nơi chôn nhau cắt rốn: một đời bóng mẹ tỏa quanh/ cây lên thành trái, trái thành chúng con/ bây giờ dáng mẹ hao mòn/ vào ra thơ thẩn nhớ con, nhớ làng (Nhớ quê).

Bởi vì trong anh, không có đâu bằng đồng ruộng quê nhà với mái tóc mẹ bay trong chiều lộng gió, thơm hương lúa đồng cùng mùi rơm rạ: “tôi lớn lên đi khắp cùng thế giới/ mênh mông hơn, hùng vĩ hơn nhiều/ nhưng không có/ hương tóc lùa đồng lúa/ và/ bóng mẹ tôi ngồi tựa cửa xoáy trầu trưa” (Làng Vĩnh Phú).

Chỉ có nỗi nhớ và hành trình trở về trong không/ thời gian hoài niệm thì con người mới có dịp lau chùi ký ức của mình một cách cụ thể và xúc động nhất: “Lâu lâu con lại về ngôi nhà xưa/ lau dọn từng ký ức/ sáng lên dưới lớp bụi mờ/ mà như thấy mẹ đi mẹ đứng mẹ nằm mẹ ngồi/ dáng còng liêu xiêu/ cơi trầu nhẫn nại/ mấy chục năm rồi vẫn không già hơn”. Từ đó, ký ức sáng bừng lên trong niềm vui tái sinh, sum họp:

lâu lâu con lại về
lau chùi từng ký ức
như lau gương mặt mẹ
mừng vui dưới bụi mờ.
(Lau dọn ký ức)

Bóng quê nhà cũng từ đó cụ thể hơn trong từng hình ảnh đồng hiện. Không gian sinh thái tuổi thơ còn đây như ngày nào thơ bé, khiến nhà thơ không cầm được rưng rưng, dù hiện tại tuổi nhà thơ theo năm tháng lớn dần: “qua năm tháng tưởng rồi như sợi tóc/ bạc trắng theo ngút ngát cuộc người”. Vậy mà bóng quê nhà vẫn còn đây trong từng hình ảnh trực cảm, gần gũi: quê nhà là cái bến sông trong vắt/ con bống con ấp vào trong bóng mẹ/ nước lơ thơ thuở nhỏ tôi đằm// cảm ơn cây thị già, cảm ơn bống/ trong lòng tôi neo mãi đến giờ/ bóng quê nhà phủ kín những trang thơ (Bóng quê nhà).

Bóng làng luôn chập chờn trong những thao thức của Mai Thìn với “những địa danh lăn lóc bao đời”. Chúng thoáng hiện và lưu dấu trong tâm hồn nhà thơ từng đợt nhấp nhô: lưu dấu mãi dáng hao gầy ngọn núi/ nhấp nhô trông từng bóng tháp Chàm/ mây thương nhớ vắt qua làng đợt đợt/ như nỗi niềm bao kẻ xa quê (Làng Vĩnh Phú).

Cái gạch nối giữa cảm thức hoài vãng và hiện tại là nỗi nhớ. Anh nhớ từng tiếng gà gáy sáng, nhớ tiếng chim gù trong ký ức, nhớ cả tiếng bom ngày sơ sinh mẹ mang anh chạy giặc, ở đó: “máy bay quần đảo trên đầu/ súng nổ/ và tiếng gà đẻ trứng/ là những âm thanh tôi đón nhận mặt trời” (Tiếng vọng đầu). Và từ đó, anh thấy mình mắc nợ với cuộc đời này lớn hơn, sâu hơn và xa xót hơn hiện thực rất nhiều: “tôi nợ cuộc đời này/ cả những thương đau”, những thương đau đã nuôi lớn tâm hồn anh, làm nên một Mai Thìn hiện hữu. Biết mình mắc nợ, tức là biết mình phải tìm cách đáp đền. Tận cùng của tình cảm và ứng xử văn hóa là vậy! Bởi vì, quê hương đã nuôi dạy anh lớn thành người: “cây xương rồng trên cát/ dạy tôi bền lòng/ bờ tre cha trồng/ dạy tôi làm đàn ông/ phải biết bảo vệ, phải biết nhún nhường/…/ dạy tôi gột cho sạch/ những hạt bụi đường/ những hạt bụi đời/ mong/ làm chùm quả ngọt” (Bên chái bếp của mẹ).

Từ cảm thức hoài vãng cụ thể có liên quan đến tình cảm và quan hệ cá nhân mình, Mai Thìn đã lần tìm đến những sự vật và chứng tích u trầm của lịch sử và văn hóa vật thể, phi vật thể. Qua đó, anh có dịp bừng thức trước những cổ mẫu điển hình ngay trên quê hương anh mà mỗi lần tiếp nhận nó, anh nhận ra thêm nhiều ý nghĩa mới. Nhìn những viên gạch tháp Chàm, anh thấy được bước thời gian đi trong từng màu đất để hiểu về “bất biến và chia ly”. Và thời gian đã kịp minh chứng cho sức sống vĩnh cửu từ sự sáng tạo của con người:

suốt mấy trăm năm
những viên gạch tháp Chàm
 dán lên thời gian
mã vạch của vẻ đẹp vĩnh cửu.
(Những viên gạch tháp Chàm)

Nhìn ba ngọn tháp Dương Long, anh cũng nhận ra chúng như là bóng dáng ba chàng trai ra đi từ lửa – những cổ mẫu mộng mơ: “Ba ngọn bút vẽ lên trời xanh/ vẽ lên thời gian/ vẻ đẹp của tháp”. Và người đời sau đến thăm, lòng ngưỡng mộ đã làm dài thêm bóng tháp. Bài thơ mang vẻ đẹp ánh xạ thị giác trong người đọc: ba chàng trai bước ra từ lửa/ bước ra từ đất, từ nước/ tôn cao nhau/ quyện vào nhau/ tiếng hát// chúng tôi đến thăm/ vô tình/ làm dài thêm/ bóng tháp (Dương Long).

Mỗi dáng đá Mỹ Sơn đều có linh hồn. Chúng được người xưa tạc lên thành sự sống phồn thực, làm nên minh triết của sự sống: “Những Linga Yoni/ những vị thần/ những đỉnh núi quên tên/ làm nên dáng đá/ vũ nữ Apsara vòng eo rêu xanh/ phập phồng/ bước ra từ đá”. Ở đó, thời gian và sự sống của đá còn mãi trong sự tác động của tiếng kèn, vầng trăng và gió: bài tình ca u u/ lưng chừng nụ cười phớt qua/ mê mẩn vẻ đẹp của đá// tiếng kèn saranai/ vầng trăng lẻ loi đêm nay/ níu vào trong đá/ âm âm gió vọng về/ hồn đá/ thoảng/ đâu đây… (Hồn đá).

Cũng với cái nhìn nghi vấn và đối thoại với lịch sử, với quá khứ. Nhìn Hội An trong nắng, trong mưa, liên hệ đến trang sách, cuộc đời, anh thấy trong mắt mình đọng những vui buồn nhân thế: “Hội An trăng/ lững thững những con đường/ vương/ từ trang sách/ lật giữa cuộc đời/ rơi/ ánh mắt cười/ năm cũ” (Hội An). Nhìn những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng, anh lại thấy cả một trời dĩ vãng thầm thĩ qua phù sa ánh trăng Châu Thổ: hổn hển trăng khuya/ những chiếc lá ngô trên bãi Sông Hồng/ hát/ hát mãi bài ca sinh nở/ đất đai rùng mình đón nhận phù sinh (Những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng).

Như vậy, về một cạnh khía ý nghĩa nhân sinh mà nói thì, quá khứ và lịch sử cần cho con người và cuộc sống hôm nay hơn là cần cho chính nó.

Trong Tiếng chim về cũ, tôi muốn dừng lại ở chùm thơ Mai Thìn tưởng nhớ các nhà thơ quê hương Bình Định, nhóm thơ Bàn Thành tứ hữu. Từ cuộc đời và sự nghiệp thi ca âm vang của họ, Mai Thìn muốn dựng chân dung bằng thơ về họ để người đọc cùng đồng cảm tiếp nhận và tôn vinh những người đã góp phần làm rạng rỡ “đất võ trời văn” một thời và mãi mãi. Với nhà thơ tài danh quá ngưỡng Hàn Mặc Tử, Mai Thìn dùng nghệ thuật gián cách và chấm phá để hiện hữu một thi nhân mà hồn thơ đã nhập vào trăng, vào thiên thu vĩnh cửu: Nhón một nhúm thơ thả xuống đầm Thị Nại/ Hàn Mặc Tử không chờ ai/ liểng xiểng bước lên đồi Ghềnh Ráng/ nhập vào trăng/ làm thiên thu… (Hàn Mặc Tử).

Với Quách Tấn, chỉ lấy tên tác phẩm của ông để chứng thực cho con người và phẩm chất thi ca của ông. Đó là nghệ thuật liên văn bản mà Mai Thìn muốn đi đường tắt để chuyển tải thông điệp đến bạn đọc, không cần phải diễn giải thêm nhiều: Ông là “mùa cổ điển”/ ở “xứ Trầm Hương”/ tâm vọng “nước non Bình Định”/ vì trời không có mắt/ chữ ông sáng trong tim (Quách Tấn).

Còn với tác giả bài thơ Bến My Lăng, Mai Thìn lại thức nhận Yến Lan từ góc nhìn địa văn hóa giản yếu mà ở đó vầng trăng Bình Định là hình tượng ám ảnh nhất đối với Yến Lan từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi về già. Yến Lan yêu trăng, say trăng, nợ trăng cho đến trắng cuộc đời. Bài thơ ngắn mà mở ra rộng lớn khoảng trống của vô thức sáng tạo và vô thức tiếp nhận về đời và thơ Yến Lan mà các thế hệ người đọc hậu thế phải tiếp tục làm đầy nghĩa: “Lọt lòng ra giữa bãi trăng”/ ngày về ông cũng chọn một đêm trăng/ tháng Tám trời trong mây lướt thướt//mấy chục năm ròng/ đã tới chưa (Yến Lan).

Người cuối cùng của Bàn Thành tứ hữu là Chế Lan Viên được Mai Thìn trân trọng ngợi ca như là “thi ca chi bảo” từ thuở Điêu tàn đến Di cảo thơ. Chế Lan Viên đã sống và tồn tại như chính đời ông. Sống và viết và tư duy, sáng tạo, nguyện làm người làm vườn thi ca vĩnh cửu và làm chim báo bão vượt trùng dương để chắt nên tinh huyết cho thơ, tinh túy cho đời: Bắt đầu từ “điêu tàn”/ ông tỏa “ánh sáng và phù sa”/ rồi làm “chim báo bão”/ thơ ông cuối đời như máu / lọc /tự nhân gian (Chế Lan Viên).

Mai Thìn còn mở rộng đường biên tiếp nhận để ngưỡng mộ, ngợi ca tài năng và bóng rợp nghệ thuật của người nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ lớn. Hình ảnh cái bóng của họ ngồi bất động trước dòng thời gian và âm thanh chảy tràn trên sự sống thật của chính cuộc sống và cuộc đời họ là ảnh tượng tâm linh và ẩn dụ mang nghĩa ám gợi: Ngày nào ông cũng ngồi ở cái bàn ấy/ lách cách gõ bóng mình/ lên thời gian miên chảy/…/ rồi tháng ngày/ ông không ngồi đó nữa/ cái bàn đã có người khác rồi/ khói thuốc lá bây giờ không còn là khói của người xưa/ bóng ông đọng trên tường thành vũng… (Thời gian không buồn chảy).

Còn với Thái Thanh, giọng ca liêu trai, bất hủ đã hốt hồn chàng thi sĩ đa tình, khiến anh trở thành kẻ bạo hành nhốt tiếng hát của bà trong ngục tối trái tim mình để được sở hữu và thỏa lòng si cảm: “Tôi đã từng nhốt tiếng hát của bà/ một mình tỉ tê/ một mình mơn trớn/ những xoãi/ rơi/ loang chảy/ từ lâu chỉ một tôi nghe/ thấy// tôi si tình/ hay tình si tôi/ hay tôi si bà/ tiếng hát xanh/ lơi// những hỏi những ngã/ trả lại em yêu cơn mê chiều/ ngày xưa Hoàng thị/ ngút ngát chân mây”. Sự tự thú của Mai Thìn khiến anh càng trở nên giàu có, tin yêu: tôi đã từng nhốt tiếng hát của bà/ trong ký ức/ trong nguôi quên/ dẫu khi/ không còn nữa (Thái Thanh).

Ký ức tiếng ca xanh Thái Thanh luôn thường trực trong cõi nhớ, cõi quên và cả cõi khác của Mai Thìn.

***

Trở lên chỉ là cảm nhận của tôi về hình tượng và tiêu điểm thẩm mỹ chính của tập thơ. Còn nhiều yếu tố thi pháp cần đồng cảm và chia sẻ, ví như vấn đề ngôn từ, giọng điệu, biểu tượng, thể thơ, cấu trúc câu thơ… mà trong bài viết ngắn này, chúng tôi chưa thể phân tích, minh chứng. Nhưng thiết nghĩ, như thế cũng đủ để chúng ta yêu quí và đồng cảm một hồn thơ. Khép lại Tiếng chim về cũ, thấy xao động, réo rắt, đông vui tình người, tình thơ trong khát vọng của chủ thể sáng tạo“mê mải nặn trái tim mình/ bằng chữ” để “vẽ nên gương mặt của nhà thơ”. Mai Thìn đã thực sự làm người đồng hiện bóng quá khứ gần và quá khứ xa trong tâm thế giao tiếp và đối thoại nhân văn của con người hiện tại. Qua đó, anh muốn khẳng định những giá trị hằng cửu của cuộc sống và hiện sinh đời người bằng tiếng nói thi ca. Đọc thơ Mai Thìn nghe đâu đây tiếng chim nơi vườn mẹ ngày xưa đang về vui ríu rít.

Vỹ Dạ, 8.2021

(*) Tên các tập thơ của Mai Thìn.

HỒ THẾ HÀ

(Văn nghệ Bình Định số 101 tháng 9.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…