(VNBĐ – Văn học nước ngoài).
1.
Khi bà Emily Grierson qua đời, cả thị trấn lũ lượt kéo đến trong đám tang bà: các đấng mày râu thể hiện lòng trân trọng đối với một tượng đài đã đổ; đám phụ nữ tò mò muốn xem nội thất ngôi nhà sang trọng cỡ nào, và không ai để tâm cứu một người hầu già nua – một ông lão vừa làm vườn vừa làm bếp – từng ra vào nơi đó trong ít nhất 10 năm.
Lúc tại thế, bà Emily là truyền thống, là sự chăm chút mẫu mực – một loại nghĩa vụ cha truyền con nối đối với thị trấn, bắt đầu từ một ngày nọ vào năm 1894 khi đại tá Sartoris, thị trưởng đã ưu ái miễn thuế cho bà, rồi khi cha bà qua đời, đặc ân đó được kéo dài vĩnh viễn. Thực tế bà Emily không hề nhận lời làm từ thiện từ thiếc gì cả. Đại tá Sartoris đã bịa ra câu chuyện như thế và vô tình gây phiền toái về sau. Ông nói rằng thân phụ bà Emily đã cho thị trấn vay tiền, và thị trấn đồng tình với cách trả nợ đó. Hóa ra, chỉ người cùng thế hệ và loại tư duy quái đản như đại tá Sartoris mới có thể phát minh ra lời bịa đặt kỳ cục đó, và chỉ một người phụ nữ là bà mới có thể tin như thế.
Ở thế hệ kế tiếp, khi lớp trẻ trở thành các thị trưởng và các ủy viên hội đồng thị trấn, với những ý tưởng tân thời hơn, người ta bất mãn với sự quy định phi lý ấy. Ngày đầu năm, họ gửi cho bà tờ thông báo nộp thuế. Tháng Hai đến, không thấy hồi âm. Họ viết cho bà một lá thư trịnh trọng, yêu cầu bà gọi điện tới văn phòng cảnh sát trưởng khi thuận tiện. Một tuần sau, ông thị trưởng đương nhiệm tự tay viết thư cho bà, đề nghị trao đổi qua điện thoại hoặc người ta đưa xe đến đón. Đoạn ông nhận được mấy dòng phúc đáp viết bằng một thứ mực hơi mờ, trên một loại giấy cổ xưa mỏng mảnh, nhưng nét chữ cực đẹp, bà nói rằng bà không còn đi ra ngoài được nữa. Bà gửi kèm tờ thông báo nộp thuế, nhưng không ghi gì thêm.
Người ta triệu tập phiên họp đặc biệt Hội đồng Ủy viên thị trấn, rồi cử một phái đoàn đến nhà bà. Họ gõ cửa, không ai mở; mà cũng không ai đi ngang qua đoạn hành lang đó kể từ khi bà thôi dạy vẽ tranh sơn thủy mười năm trước. Một người da đen luống tuổi mời họ bước vào sảnh đường mờ mờ tối tối, từ đó có một cầu thang dẫn lên một nơi còn tối tăm hơn nữa. Thoang thoảng có mùi bụi ẩm và mùi vật liệu thải bỏ – một thứ mùi ẩm ướt khó chịu. Người da đen dẫn họ vào phòng khách. Đó là nơi đầy ắp đồ nội thất, với những bộ ghế gỗ bọc da.
Khi người da đen ấy mở rèm cửa, họ thấy rõ các thứ bọc da ấy đều nứt nẻ; và lúc họ đặt lưng xuống ghế, một đám bụi mờ phảng phất trên đùi họ, chầm chậm bay lên trong tia nắng vàng vọt rọi vào phòng. Trên chiếc giá vẽ mạ vàng hoen ố trước lò sưởi là bức chân dung thân phụ bà Emily được họa bằng bút chì màu.
Khi bà bước ra, họ cùng đứng lên – đó là một phụ nữ nhỏ người, hơi mập, mặc y phục đen, đeo dây chuyền vàng mỏng mảnh thòng xuống tận bụng, tay chống gậy gỗ mun có cán mạ vàng đã đục màu. Bộ xương bà hẳn phải nhỏ nhắn, mỏng manh lắm; có lẽ đó là lý do tại sao bà trông có vẻ béo bệu ra, chứ không tròn trịa. Bà trông quá xập xệ và xanh xao, giống như một cơ thể ngâm nước lâu ngày. Đôi mắt bà, dường như do mất đi những đường nét nảy nở của khuôn mặt, nên trông giống như hai hòn than nhỏ được ép thành hai viên bột đen tuyền, óng ánh đong đưa từ gương mặt người này sang gương mặt người khác trong khi khách lần lượt thưa chuyện.
Bà không hề mời họ ngồi. Bà chỉ đứng ở cửa, im lặng lắng nghe cho đến khi một vị khách ngừng nói. Sau đó, mọi người có thể nghe tiếng đồng hồ đâu đó cứ tích tắc ở chỗ thòng xuống của sợi dây chuyền vàng.
Giọng bà khô khốc và lạnh. “Tôi không nộp thuế cho trận Jefferson. Đại tá Sartoris đã giải thích điều đó cho tôi rồi. Có lẽ chỉ cần một người lục tìm hồ sơ thành phố sẽ biết rõ điều đó”.
“Nhưng theo chúng tôi, bà phải nộp. Chúng tôi là chính quyền thành phố. Bà không nhận được tờ thông báo của Cảnh sát trưởng có ký tá đàng hoàng hay sao?”.
“Đúng. Tôi có nhận”, bà Emily nói. “Có lẽ ông ấy tự coi mình là Cảnh sát trưởng… Tôi không nộp thuế Jefferson đâu”.
“Nhưng, bà thấy đấy, chẳng có sổ sách nào nói lên điều đó cả. Chúng tôi làm theo…”.
“Cứ tìm đại tá Sartoris đi. Tôi không nộp”.
“Nhưng, bà Emily ạ…”.
“Tìm gặp Đại tá Sartoris đi” (Đại tá Sartoris đã chết gần mười năm). “Tôi không chịu thuế cho trận Jefferson nào cả. Ông Tobe đâu!”. Người da đen xuất hiện. ”Tiễn khách”.
2.
Bà bị bệnh trong một thời gian dài. Khi chúng tôi gặp lại, tóc bà đã được cắt ngắn, khiến bà trông giống như một cô gái, từa tựa như những thiên thần có cánh trong các ô cửa nhà thờ – một loại hình nhân đầy cảm thương và bình lặng.
Thị trấn đã ký hợp đồng lát vỉa hè, và vào mùa hè sau khi thân phụ bà qua đời, người ta bắt đầu thi công. Công ty xây dựng đến, gồm đông đảo thợ lát đường, mấy con la và mấy thứ máy móc, cùng một ông quản đốc tên là Homer Barron, một người Yankee. Đó là một trung niên to cao, da ngăm đen, tháo vát, giọng nói ồ ồ; ánh mắt sáng hơn da mặt. Lũ nhóc con đi theo để nghe ông sai bảo đám công nhân, và những người thi công tha hồ hát khi nâng lên hạ xuống những chiếc cuốc nặng trịch. Chẳng bao lâu ông quen biết mọi người trong thị trấn. Bất cứ khi nào bạn nghe một tràng cười ở bất cứ đâu xung quanh quảng trường, bạn có thể bắt gặp ông Homer Barron ngay giữa nhóm ấy. Hiện giờ, vào các chiều Chủ nhật, chúng tôi bắt đầu thấy ông ta và bà Emily ngồi trên chiếc xe ngựa, bánh xe sơn vàng, cùng với cặp ngựa hồng thuê từ chuồng xe ngựa.
Thoạt đầu, chúng tôi mừng cho bà Emily, bởi các quý bà từng nói, “Hẳn nhiên người gia tộc Grierson chẳng bao giờ xem trọng một người phương Bắc, một người lao động bình thường”. Nhưng vẫn còn mấy người khác, mấy người cao tuổi, nói rằng dù đau buồn cỡ nào cũng không thể khiến một quý bà thực sự quên đi thân phận quý tộc của mình. Họ chỉ nói, “Ôi, bà Emily đáng thương. Sao họ hàng bà không giúp gì bà ấy nhỉ”. Bà ấy có một số người thân ở Alabama; nhưng nhiều năm trước, cha bà đã cãi cọ với họ về món tài sản của bà Wyatt, người phụ nữ điên, và không còn liên lạc gì với họ nữa. Thậm chí họ đã không đến dự lễ tang ông.
Và ngay sau khi những người già thốt lên, “Ôi, bà Emily đáng thương”, người ta bắt đầu xì xào lên. “Bà cho rằng bà ấy đáng thương lắm sao?”, họ nói với nhau. “Tất nhiên rồi. Còn những chuyện khác thì…”. Điều này dường như ngoài tầm tay họ; tiếng sột soạt của lụa và sa-tanh càng lúc càng rộ lên sau lớp mành xe ngựa chợt khép lại dưới ánh trời chiều Chủ nhật khi tiếng vỗ tay nhẹ nhàng, vội vã của đội điều khiển xe ngựa lướt qua: “Ôi! Bà Emily đáng thương”.
Bà Emily vẫn ngẩng cao đầu – ngay cả khi chúng tôi đoán bà bị ngã. Như thể bà cố đòi hỏi hơn bao giờ hết sự công nhận phẩm giá của mình với tư cách là người cuối cùng của dòng tộc Grierson; như thể cái chạm đất đó tái khẳng định sự bền vững, sự không hư hoại của bà. Cũng giống như khi bà mua thạch tín, thuốc diệt chuột. Điều ấy xảy ra hơn một năm sau khi người ta bắt đầu thốt lên “Ôi, bà Emily đáng thương”, và hai chị em họ của bà đến thăm bà.
“Tôi cần mua độc dược”, bà nói với vị dược sĩ. Khi đó bà đã hơn 30 tuổi, vẫn là một người phụ nữ nhỏ nhắn, mặc dù gầy hơn bình thường, với đôi mắt đen lạnh lùng, kiêu kỳ, trên gương mặt có làn da căng ngang giữa hai thái dương; còn về ổ mắt, bạn có thể tưởng tượng như đang nhìn bộ mặt của một người canh giữ hải đăng. “Tôi cần mua độc dược”, bà cao giọng.
“Dạ, thưa bà Emily. Loại nào ạ? Bà định diệt chuột và mấy con côn trùng lặt vặt hả? Tôi khuyên bà…”.
“Ông có loại nào tốt nhất, bán cho tôi”.
Vị dược sĩ đã nêu tên một số loại. “Mấy loại thuốc này có thể giết cả một con voi. Nhưng thứ thuốc bà cần là…”.
“Thạch tín”, bà Emily nhấn mạnh. “Loại đó tốt không?”.
“Thạch tín cơ à? Dạ, thưa bà. Nhưng bà cần…”.
“Tôi cần thạch tín”.
Vị dược sĩ nhìn bà. Bà nhìn lại anh ta, mặt đanh lại, vẻ mặt bà như ngọn cờ căng gió. “Tất nhiên tôi cần hỏi tại sao”, anh ta nói. “Nếu đó là thứ bà cần. Nhưng luật pháp yêu cầu bà nói rõ bà định sử dụng nó để làm gì”.
Bà Emily chỉ nhìn chằm chằm vào anh ta, đầu bà hơi ngửa ra sau để nhìn trực diện vào mắt anh ta, cho đến khi anh ta quay đi để lấy thạch tín và gói lại. Cậu giúp việc, người da đen, mang gói hàng ra cho bà; vị dược sĩ đã không quay lại. Khi về tới nhà, bà mở gói hàng ra xem, trên nhãn hộp thuốc, dưới hình cái sọ người và hai khúc xương bắt chéo là dòng chữ: “CHỈ DÀNH CHO CHUỘT”.
3.
Thế là ngày hôm sau, tất cả chúng tôi đều thốt lên, “Chắc bà ấy sẽ tự tử thôi”; và mọi người cho rằng, biết đâu đó là điều tốt nhất cho bà.
Khi lần đầu tiên người dân chúng tôi bắt đầu nhìn thấy bà cùng đi với ông Homer Barron, ai cũng đoán, “Rồi bà sẽ lấy ông ấy”. Đoạn chúng tôi tự hỏi, “Bà đã thuyết phục được ông ta chưa nhỉ?”, bởi vì chính Homer tiết lộ ông chỉ thích đàn ông, và mọi người biết rõ ông đã từng uống rượu mê đắm với đám thanh niên trong Câu lạc bộ Elks đồng thời ông không muốn kết hôn với phụ nữ. Sau đó, mọi người kể rằng, vào buổi chiều Chủ nhật, trên chiếc xe ngựa lấp lánh, “Bà Emily đáng thương” ngồi đằng sau tấm rèm, ngẩng cao đầu; còn Homer Barron đầu đội mũ, miệng ngậm điếu xì gà, tay mang găng màu vàng, cầm dây cương.
Một số phụ nữ cho rằng đó là một sự ô nhục đối với thị trấn và là gương xấu cho những người trẻ tuổi. Cánh đàn ông không muốn can thiệp, nhưng cuối cùng những người phụ nữ buộc vị Giám mục đại diện Hội thánh Baptist – người đồng hương với bà Emily – phải gọi điện cho bà. Ngài ấy không tiết lộ những gì diễn ra trong cuộc chất vấn đó, nhưng ngài nhất quyết không gọi lại lần thứ hai. Chủ nhật tiếp theo, họ lại lái xe ngựa dạo phố, và ngày hôm sau, phu nhân Giám mục viết thư cho những người bà con của bà Emily ở Alabama.
Vậy là bà ấy có cơ hội nối lại quan hệ huyết thống với những người trong gia tộc và chúng tôi chờ xem diễn biến. Lúc đầu không có gì xảy ra. Nhưng sau đó, chúng tôi nghe tin gần như chắc chắn rằng bà Emily và ông Barron sẽ kết hôn. Chúng tôi biết bà Emily đã được vị hôn phu đưa đến tiệm kim hoàn; còn bà thì đặt mua cái bồn cầu bằng bạc dành cho nam, trên đó có khắc hai chữ HB. Hai ngày sau, chúng tôi biết thêm bà đã mua một bộ y phục đàn ông, bao gồm cả áo ngủ, và chúng tôi nói, “Chắc họ kết hôn rồi đấy”. Chúng tôi đã thực sự vui mừng. Chúng tôi rất vui vì hai bà chị em họ của bà ấy thậm chí còn giữ cung cách gia tộc Grierson hơn cả bà Emily.
Vì vậy, chúng tôi không mấy ngạc nhiên khi ông Homer Barron đột ngột bỏ đi – lúc này vỉa hè thị trấn đã lát xong một thời gian. Chúng tôi hơi thất vọng vì không có một cuộc bùng nổ nào xảy ra trước công chúng, nhưng tin rằng trong nay mai ông ấy sẽ tiếp tục đón nhận bà Emily, nghĩa là ông chỉ ra đi để tạo cơ hội cho bà ấy thoát khỏi các bà chị em họ mà thôi (Vào thời điểm đó, chúng tôi cùng một phe, coi như “đồng mình” của bà Emily để chực phá đám mấy bà chị em họ). Hiển nhiên, sau một tuần, họ rời đi. Và, như mong đợi, trong vòng ba ngày, ông Homer Barron trở lại thị trấn. Một đêm nọ, người hàng xóm trông thấy gã giúp việc da đen đón ông ta ở cửa bếp nhà bà.
Và đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy ông Homer Barron. Còn bà Emily cũng vắng mặt một thời gian. Gã da đen ra vào với chiếc giỏ đi chợ, nhưng cửa trước vẫn khép. Lắm lúc chúng tôi thấy bà thấp thoáng ở cửa sổ trong giây lát, nhưng gần sáu tháng bà không xuất hiện trên đường phố nữa. Sau đó, chúng tôi biết rằng người ta cũng mong đợi điều đó xảy ra; như thể phẩm giá của người cha đã ngăn cản đời phụ nữ của bà quá nhiều lần, đồng thời nó độc địa và đáng sợ đến mức không thể không chết.
Khi chúng tôi gặp bà Emily lần kế tiếp, bà trông mập hẳn lên và tóc đã hoa râm. Trong vài năm tiếp theo, tóc bà ngày càng xám đi, cho đến khi nó xám như sắt, thậm chí trở thành muối tiêu, rồi không chuyển màu thêm nữa. Đến ngày bà qua đời ở tuổi bảy mươi tư, nó vẫn mang màu xám như sắt ấy một cách mạnh mẽ như tóc của một người đàn ông đầy sức sống.
Kể từ thời điểm nói trên, cửa trước nhà bà vẫn khép; điều đó kéo dài suốt sáu bảy năm, khi bà khoảng bốn mươi, bà bắt đầu chuyển sang dạy vẽ tranh Tàu. Bà thu xếp phòng dạy vẽ ở tầng dưới để dạy cho đám con cháu của những người già nua, cùng thế hệ với đại tá Sartoris. Thời điểm này, bà đã chấp nhận nộp thuế.
Thế hệ mới hơn dần dần trở thành trụ cột, trở thành tinh thần của thị trấn. Các cô cậu học trò của bà trưởng thành rồi đi xa, không gửi con cho bà kèm theo những hộp bút màu, những cây cọ buồn tẻ và những bức tranh cắt ra từ các tạp chí phụ nữ nữa. Cuối cùng, nhà bà vẫn cửa đóng then cài, và cứ đóng hoài như vậy. Khi thị trấn có dịch vụ chuyển phát bưu phẩm miễn phí, riêng bà Emily từ chối không cho người ta đóng biển số kim loại phía trên cửa nhà bà để gắn hộp thư vào. Bà nhất quyết từ chối việc đó.
Hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, chúng tôi chứng kiến tóc gã da đen ngày càng bạc hơn và lưng gã khòm đi, gã vẫn ra vào với chiếc giỏ đi chợ. Đến tháng Mười Hai mỗi năm, chúng tôi gửi cho bà tờ thông báo thuế; nhưng một tuần sau, bưu điện hồi trả vì không có người nhận. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy bà ngồi ở cửa sổ tầng trệt – hiển nhiên bà đóng cửa tầng trên – tấm thân bà giống như thân tượng đặt trong góc, bà có để mắt tới lũ chúng tôi không thì không sao biết được. Vì vậy, bà đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác – cả vẻ yêu quý, sự gò bó, sự khó hiểu, vẻ lặng thinh, lẫn tính bướng bỉnh, cứng đầu.
Và thế là bà ra đi vĩnh viễn. Bà nằm liệt giường trong ngôi nhà đầy bụi bặm và bóng tối, chỉ có một người giúp việc lẩy bẩy chờ đợi bà. Chúng tôi thậm chí không biết bà bị bệnh; từ lâu chúng tôi đã từ bỏ việc mọi thông tin từ ông lão da đen.
Ông ta không nói chuyện với ai, có lẽ thậm chí đối với bà, vì giọng nói của ông đã trở nên thô vụng và khàn khàn, như thể không hề được sử dụng.
Bà nằm chết ở căn phòng tầng trệt, trên chiếc giường gỗ óc chó nặng nề, có rèm che, đầu tóc bạc xám của bà gối lên chiếc gối đã ố vàng, thậm chí mốc meo theo thời gian và bóng tối.
4.
Lão da đen gặp mấy người phụ nữ đầu tiên ở cửa trước; lão để họ vào. Họ nhỏ to, đưa mắt ngó quanh đầy vẻ tò mò; sau đó lão biến mất. Lão băng qua ngôi nhà rồi biệt tăm ở đằng sau.
Hai chị em họ đến cùng một lúc. Họ tổ chức tang lễ vào ngày hôm sau.
Dân thị trấn đến để nhìn khối hoa hồng bày trên quan tài bà Emily, nhìn khuôn mặt ưu tư sâu nặng của phụ thân bà được vẽ bằng bút chì màu đặt trên giá quan tài, nhìn những người phụ nữ chau mày và rờn rợn. Nơi hiên nhà và bãi cỏ trước sân, mấy ông lão già nua – có người còn mặc đồng phục liên bang tươm tất – không ngớt nhắc tới bà Emily như thể bà là người đồng trang lứa với họ. Họ nói họ đã từng khiêu vũ với bà và tán tỉnh bà, điều này xét về mặt thời gian thì khó lòng chính xác được. Xưa nay các ông lão vẫn thường như thế; đối với họ, quá khứ không phải là một con đường thu nhỏ, mà là một đồng cỏ bao la bất tận, đến nỗi chẳng có mùa đông nào chạm tới được; và giờ đây, chính thập kỷ mới này giống như cái cổ chai hẹp đã vô tình chia cắt manh mún mọi chi tiết quá khứ.
Chúng tôi từng biết rằng có một căn phòng trong khu vực phía trên cầu thang mà chưa ai nhìn thấy trong bốn mươi năm qua. Bây giờ, khi bà Emily nằm yên dưới lòng đất, người ta buộc phải mở ra.
Sau khi phá cửa phòng, bụi bay mù mịt. Một tấm vải liệm mỏng mảnh, chua xót, như thể của một ngôi mộ nằm trùm khắp căn phòng được trang trí và bày biện như dành cho một cô dâu: trên những tấm rèm diềm màu hồng nhạt, trên những ngọn đèn rợp bóng hồng, trên bàn trang điểm, trên những món nữ trang mỏng mảnh bằng pha lê và những thứ tiện nghi toa-lét dành cho đàn ông mạ bạc đã xỉn màu – lớp bạc hoen ố đến nỗi các chữ chạm khắc đã mờ nhòe. Trong số đó còn có dấu vết của cái cổ áo và cái cà vạt, như thể ai đó vừa mới lấy đi, để lại trên bề mặt một hình lưỡi liềm nhàn nhạt, nằm xen lẫn giữa lớp bụi dày. Trên một chiếc ghế có vắt một bộ đồ gấp cẩn thận; dưới chiếc ghế là đôi giày nằm im ỉm cùng đôi tất quăng xuống sàn.
Người đàn ông nằm một mình trên giường.
Trong một hồi thật lâu, chúng tôi chỉ đứng đó, nhìn nụ cười sâu kín và vô hồn. Con người nằm đó rõ ràng đã một lần dối trá trong khi được ôm ấp, cưng chiều; nhưng giờ đây giấc ngủ ngàn thu đã kéo dài vô tận vượt qua tình yêu, giấc ngủ ngàn thu thậm chí đã chinh phục cả vẻ đớn đau sầu não của tình yêu, nơi ông ta đã đành đoạn ngoại tình với đàn ông. Những thứ còn lại của ông mục rữa hoàn toàn dưới những thứ còn lại của chiếc áo ngủ, đã trở nên không thể tách rời khỏi chiếc giường; và trên người ông cũng như trên chiếc gối bên cạnh ông thậm chí có phủ một tấm drap dành cho người bệnh và phủ đầy bụi bặm.
Sau đó, chúng tôi quan sát thấy ở chiếc gối thứ hai có vết lõm của một cái đầu. Một người nhặt lên thứ gì đó trên chiếc gối, gã rướn người về phía trước, cảm nhận lớp bụi nhạt và vô hình đó giờ đã khô và có mùi chua chua, chúng tôi thấy rõ đó là sợi tóc dài màu xám sắt.
William Faulkner (1897 – 1962) là nhà văn Mỹ, nhận giải Nobel văn học năm 1949. Thư viện Hiện đại xếp tiểu thuyết The Sound and the Fury (Âm thanh và cuồng nộ, 1929) của ông vào vị trí thứ 6 trong 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thế kỷ XX. Truyện ngắn A Rose for Emily (Đóa hồng dành cho bà Emily) là một trong những truyện ngắn hay nhất của ông.
TRẦN NHƯ LUẬN lược dịch
(Từ nguyên bản tiếng Anh)