Di sản Chùa Bà – Nước Mặn với giáo dục học sinh

(VNBĐ – Nghiên cứu và phê bình). LTS: Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn, đã được Bộ VH,TT&DL ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 04.8.2022. Góp phần bảo tồn và phát huy di sản Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn, giữa tháng 5. 2023, Hội VHNT Bình Định đã tổ chức tọa đàm “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn”, với nhiều tham luận, ý kiến đầy trách nhiệm của các nhà nghiên cứu trong tỉnh. VNBĐ giới thiệu tham luận của TS. Lê Nhật Ký đề xuất khai thác di sản Chùa Bà – Nước Mặn vào việc “giáo dục địa phương” cho học sinh Bình Định.

Vắng mặt trong nội dung giáo dục địa phương Bình Định
Giáo dục địa phương (GDĐP) là một trong những môn học mới của Chương trình GDPT 2018. Môn học này áp dụng ở cả ba cấp học (Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông); có nhiệm vụ giúp cho học sinh tích lũy thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lí cũng như cập nhật thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương mình đang sinh sống.

Do đặc điểm của môn học nên việc biên soạn tài liệu và tổ chức thực hiện sẽ do các địa phương trực tiếp đảm nhiệm. Ngày 27 tháng 11 năm 2019, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong đó, có nêu rõ mục đích và định hướng biên soạn tài liệu: “Nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của cộng đồng dân cư các dân tộc địa phương (…); Góp phần hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh đã được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Nằm trong chuỗi lễ hội truyền thống tiêu biểu của địa phương Bình Định nhưng lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn lại không có được cái may mắn “chọn giảng” như hầu hết các lễ hội khác như lễ hội cầu ngư, lễ hội chợ Gò, lễ hội Đống Đa – Tây Sơn… Phải chăng, người làm chương trình “bỏ sót” hay dành quyền “tìm kiếm”, “tùy chọn” cho giáo viên khi giảng dạy nội dung “Giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu ở Bình Định” (lớp 4) và “Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống ở Bình Định” (lớp 10)?

Như đã biết, Chùa Bà – Nước Mặn có vị trí đặc biệt trong hệ thống di sản văn hóa Bình Định. Nơi đây từng là cảng thị quan trọng của xứ Đàng Trong; có chùa Bà và lễ hội được tổ chức hàng năm; là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ; và hiện còn nhiều di tích, di sản văn hóa khác. Mới đây, lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 04.8.2022. Trong tương lai, Chùa Bà – Nước Mặn sẽ được nâng cấp, chắc chắn sẽ là điểm đến yêu thích của du khách gần xa. Với nhà trường, đó là không gian trải nghiệm văn hóa địa phương rất thú vị, hiệu quả, không thể bỏ qua.

Cần đưa di sản Chùa Bà – Nước Mặn vào nội dung giáo dục địa phương dành cho học sinh Bình Định
Bất cứ di sản lịch sử, văn hóa nào được lựa chọn để giáo dục học sinh về quê hương Bình Định đều cần phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định mà Chương trình GDPT 2018 đặt ra. Mặt khác, di sản ấy phải phản ánh được nét tiêu biểu, đặc trưng của địa phương trong quá khứ hoặc hiện tại, hoặc cả hai. Nói cách khác, điều quan trọng nhất là các di sản lịch sử, văn hóa phải đem lại cho học sinh những tích lũy cần thiết cả về nhận thức lẫn tình cảm đối với quê hương. Với quan điểm như vậy, chúng tôi cho rằng lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn, rộng ra là không gian di sản văn hóa Chùa Bà – Nước Mặn, là một lựa chọn đúng vì nó mang lại cho học sinh những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu quê hương đất nước.

Môn GDĐP được giảng dạy theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó trải nghiệm thực tế luôn đem lại cho học sinh niềm say mê thích thú. Thông qua tương tác, “thực mục sở thị”, “mắt thấy tai nghe” tiếng nói của di sản, học sinh sẽ có thể tự mình đúc kết được những bài học cuộc sống thú vị. Tình yêu quê hương đất nước sẽ nảy sinh, phát triển một cách tự nhiên, bền chắc nhờ việc tích lũy những hiểu biết đầy cảm xúc như thế!

Trước hết, về với Chùa Bà – Nước Mặn hôm nay, các em sẽ bất ngờ đến ngạc nhiên khi biết thuở trước, vùng đất này là một cảng thị quan trọng của xứ Đàng Trong, từng có tên trên bản đồ hàng hải quốc tế. Theo đánh giá chung, thế kỉ XVII – XVIII là khoảng thời gian phát triển cực thịnh của cảng thị Nước Mặn; trên bến dưới thuyền lúc nào cũng đông vui, tấp nập; thu hút một lượng lớn các nhà buôn từ phương xa đến… Nhưng từ nửa sau thế kỉ XVIII trở đi, cảng thị Nước Mặn lâm vào tình trạng suy tàn, dần dần trở thành làng quê. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, sự biến dạng này chủ yếu là do biến đổi tự nhiên. Trong sách Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền (NXB. KHXH, Hà Nội, 2010), ông viết: “Nhưng nguyên nhân chiến tranh chỉ là chuyện nhất thời, cảng thị Nước Mặn suy tàn còn vì một nguyên nhân khác quan trọng hơn làm cho nó không có điều kiện phục hồi, đó là sự biến đổi của tự nhiên. Cửa Thử bị bồi lấp, phù sa ngưng tụ phía Bắc đầm Thị Nại và nâng lòng sông Côn lên, sông Gò Bồi, sông Hà Bạc cạn dần, thuyền tàu trong nước và ngoài nước không ra vào được nên sau chiến tranh các thương gia kẻ trước người sau chuyển đi tìm nơi buôn bán”.

Như vậy, khi tiếp xúc với Chùa Bà – Nước Mặn, thu hoạch đầu tiên của học sinh sẽ là hiện tượng biến đổi tự nhiên không chỉ xảy ra ở đâu đó trên thế giới mà ngay trên quê hương mình. Điều này không chỉ “biến cải vũng nên đồi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm) mà sâu sắc hơn là làm lụi tàn một cảng thị, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế, văn hóa Nước Mặn ở những chặng đường sau. Theo chúng tôi, lịch sử Nước Mặn ở khía cạnh này là một minh chứng quan trọng về mối quan hệ ảnh hưởng giữa biến đổi tự nhiên và sự phát triển kinh tế, văn hóa địa phương (rộng ra là vùng, đất nước). Nếu khai thác tốt khía cạnh này, bài học về “Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên ở Bình Định”(1) sẽ sinh động, thuyết phục biết nhường nào!

Thứ hai, Chùa Bà – Nước Mặn là nơi từng diễn ra hoạt động tiếp xúc, giao thoa văn hóa Đông – Tây rất sôi nổi và cởi mở. Trên cơ sở các nguồn tư liệu sách vở khác nhau kết hợp với hoạt động điền dã, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân nhận thấy: “Giao lưu văn hóa Bắc – Nam ở Nước Mặn không chỉ thể hiện ở tín ngưỡng, cư trú, dựng nhà cửa, chung sức đấu tranh xã hội và khắc phục tự nhiên mà còn để lại dấu tích trong lễ hội hàng năm. Trong lễ hội chùa Ông, chùa Bà, tế Thanh minh, tế Xuân thu, Tết Nguyên đán có các hình thức chay đàn và múa lục cúng của Phật giáo, rước thần của Nho giáo, rước Hà Tiên Cô của Đạo giáo, hát mộc xà leo của Bà La Môn giáo, rước biểu trưng Ngư – Tiều – Canh – Mục của người Việt, tục đổ giàn – đốt cây bông của người Minh Hương…” (Trích trong sách Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền). Điều đáng mừng là các tôn giáo, tín ngưỡng kể trên vẫn còn lưu lại khá nhiều dấu tích trên vùng đất này như mồ mả, lễ hội, âm nhạc… Nổi bật lên trong số đó là lễ hội Chùa Bà, không những được duy trì qua hàng năm mà còn được nâng tầm giá trị, trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Khi đến với Chùa Bà, nhất là vào kì diễn ra lễ hội, các em học sinh sẽ được trải nghiệm trong một không gian rực rỡ sắc màu, vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Các em sẽ được nghe kể về lai lịch Bà Thiên Hậu, những ước vọng mà người dân địa phương bày tỏ qua hệ thống nghi lễ thờ cúng cũng như quan sát các trò chơi dân gian hồn nhiên, tươi trẻ. Thu hoạch của các em qua lễ hội Chùa Bà – Nước Mặn không chỉ là lịch sử đời sống cộng đồng, kết quả của tiếp xúc văn hóa Việt – Hoa mà còn là bài học về “bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống ở Bình Định”(2).

Thứ ba, có một hệ thống ca dao về Chùa Bà – Nước Mặn tuy không thật phong phú về số lượng nhưng đủ để xây dựng hoạt động trải nghiệm sưu tầm, khám phá giá trị văn học dân gian cho học sinh. Về Nước Mặn ngày nay, chúng ta không khó để tiếp cận những câu ca dao như: “Nước Mặn một tháng sáu phiên/ Thuyền bè, xe ngựa khắp miền về đây”, “Sông xưa nay đã cạn rồi/ Cây Da bến cũ, ai người qua sông”, “Ai về Nước Mặn – Chùa Bà/ Đi qua cầu Ngói cho ta nhớ mình”, “Tháng Giêng xem hội chùa Ông/ Mà lòng nhấp nhổm chờ mong hội Bà”…

Với hoạt động này, học sinh không chỉ được thực hành kĩ năng sưu tầm văn học dân gian mà còn có cơ hội để làm giàu thêm vốn liếng ca dao bằng chính nguồn địa phương Bình Định. Nói cách khác, hoạt động này là sự rèn tập cho học sinh về một phương án mà bản thân các em có thể tham gia vào công cuộc bảo tồn văn học dân gian địa phương về sau.

Thứ tư, không gian Chùa Bà – Nước Mặn còn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang cho rằng: “Tại Nước Mặn, cha bề trên Buzomi và hai linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri – những giáo sĩ Dòng Tên người Ý, Bồ Đào Nha đi tiên phong trong việc nghiên cứu, phiên âm, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Nói cách khác, họ chính là những, người viết tờ khai sinh chữ Quốc ngữ tiền Đắc Lộ (tức Alexandre de Rhodes)”(3). Trước đó, tại Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ (2016), nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến vai trò của địa phương Bình Định: “Đặc biệt, trong quá trình hình thành chữ viết của tiếng Việt từ chữ Nôm đến chữ viết theo mẫu tự Latin (chữ Quốc ngữ), có sự đóng góp không nhỏ của đất và người Bình Định (…). Đó là việc quan trấn phủ Quy Nhơn – Trần Đức Hòa, các “văn nhân” tại Nước Mặn (Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định ngày nay) cùng các giáo sĩ phương Tây sáng tạo, phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII; Nhà in Làng Sông – Quy Nhơn là nơi phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX”(4). Cũng tại Hội thảo này, GS. Phan Huy Lê cũng thống nhất cho rằng: “Chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn (Bình Định), Hội An, Thanh Chiêm (Quảng Nam), trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn”(5).

Như vậy, không gian Chùa Bà – Nước Mặn đem lại cho Bình Định một vinh dự to lớn là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Không chỉ thế, đầu thế kỉ XX, Tiểu chủng viện Làng Sông trở thành trung tâm truyền bá văn hóa, văn học quốc ngữ; là nơi xuất hiện cuốn tiểu thuyết đầu tiên cho trẻ em – Hai chị em lưu lạc (Pierre Lục). Theo chúng tôi, sự ra đời của chữ Quốc ngữ là một sự kiện đặc biệt quan trọng, rất cần được khai thác để giáo dục cho các em học sinh về đóng góp của Bình Định đối với tiến trình phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời cũng để bổ khuyết vào nhận thức của học sinh, sinh viên rằng Bình Định không chỉ có võ mà còn có văn.

Thứ năm, hoạt động trải nghiệm tại không gian di sản Chùa Bà – Nước Mặn còn góp phần hình thành cho học sinh năng lực phản biện. Ở nội dung này, giáo viên sẽ dựa vào những tồn nghi do các nhà nghiên cứu đặt ra để khơi gợi tìm hiểu. Chẳng hạn, nên gọi là “Lễ hội Chùa Bà” hay “Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn”; “thị” trong “cảng thị” là chợ hay là phố… Cố nhiên, giáo viên phải cung cấp hoặc chỉ dẫn tư liệu để các em tìm kiếm câu trả lời.

Kết luận
Chùa Bà – Nước Mặn được nói đến trong bài viết này là một không gian di sản bao chứa nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khác nhau. Trong đó, nổi bật lên là cảng thị Nước Mặn “vang bóng một thời”, Chùa Bà và lễ hội Chùa Bà, nơi phôi thai chữ Quốc ngữ… Có thể nói, di sản văn hóa này chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc, in đậm dấu ấn văn hóa của địa phương qua các chặng đường phát triển khác nhau. Do đó, việc khai thác Chùa Bà – Nước Mặn vào việc giáo dục cho học sinh những kiến thức về lịch sử, tự nhiên, văn hóa của địa phương là rất cần thiết.

Nhà trường nên tổ chức cho học sinh đi thực tế tại Chùa Bà – Nước Mặn. Đó là hình thức học tập có tính khả thi, mang lại kết quả tích cực cả về nhận thức lẫn tình cảm. Trong hoạt động thực tế trải nghiệm này, Sở Giáo dục và Đào tạo nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền và Nhân dân địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật… Nếu làm được điều này thì môn GDĐP sẽ thực sự hấp dẫn, thiết thực đối với học sinh.

Mặt khác, giá trị di sản Chùa Bà – Nước Mặn không nhất thiết chỉ gói gọn trong một bài giảng dành riêng cho một lớp học cụ thể nào đó. Giáo viên cần linh động khai thác từng khía cạnh giá trị của di sản Chùa Bà – Nước Mặn để phục vụ minh họa cho bài học có nội dung liên quan. Như vậy, đối tượng sẽ được nhắc lại nhiều lần một cách tự nhiên khiến cho hiểu biết của học sinh được củng cố, khả năng chiếm lĩnh giá trị di sản sẽ trở nên sâu sắc hơn.

LÊ NHẬT KÝ

CHÚ THÍCH:

(1), (2). Xin xem: UBND tỉnh Bình Định, Kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh Bình Định, số 92/KH-UBND, ngày 27.11.2019.
(3), (4), (5). Dẫn theo Báo Bình Định, số Xuân Nhâm Dần, Vinh danh những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ: cởi mở, chân thành trong tiếp nhận và sáng tạo văn hóa, trang 49.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…