Đêm xoang của núi rừng

(VNBĐ – Tản văn). Bok Tới những ngày đầu tháng Tư không khí vẫn còn chút vương vấn của nàng xuân. Mặt trời xòe tia nắng cuối ngày xuyên qua những tán rừng keo vào mùa thu hoạch trước khi khuất núi để trả lại bóng đêm cho buôn làng. Lòng người lữ khách lỡ trót đa mang niềm yêu thương với xoang mà rộn ràng, rạo rực khi hoàng hôn choàng tím những con đường. Tôi cứ mong cho đêm buông thật nhanh để được thưởng thức và hòa vào vòng xoang huyền thoại, để được nhịp nhàng cùng tiếng cồng chiêng quyến rũ nơi non cao của huyện trung du Hoài Ân quê mình.

Chẳng biết xoang có từ bao giờ mà chỉ biết nó gắn bó với bao đời người, bao mùa rẫy, bao mùa lễ hội để rồi mê hoặc những ai đã từng chiêm ngưỡng, hòa nhập cùng xoang. Những con người nơi miền cao này sinh ra đã nghe tiếng chiêng ngân đêm đêm nơi nhà sàn. Những em bé khi đôi chân đi chưa vững được mẹ, được bà địu trên lưng đến những đêm xoang. Chúng lớn lên trong không gian văn hóa đa sắc màu như thế nên làn điệu truyền thống của dân tộc mình ngấm sâu vào từng tế bào trong cơ thể. Khi lớn lên chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng, đôi chân, đôi tay của những con người Banar ấy đã uyển chuyển, nhịp nhàng mà chẳng cần phải tập luyện công phu gì. Lớp già ra đi, lớp trẻ lớn lên lại tiếp bước giữ gìn để những vòng xoang, nhịp cồng chiêng là chiếc cầu nối quá khứ với hiện tại.

Khi bóng đêm bao trùm lên những con đường ngoằn ngoèo uốn lượn theo những sườn núi, những ngôi nhà đã lấp lánh ánh đèn. Già Yang Danh khoác chiếc áo thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình bước ra giữa sân cất giọng sang sảng bằng tiếng Banar như một lời hiệu triệu cho đêm xoang. Tiếng của già vang vào màn đêm nơi rẻo cao tĩnh mịch thôi thúc những bước chân lùa nhanh đàn trâu, đàn bò về chuồng, cùng ăn vội bữa cơm tối để đến với đêm xoang. Ông còn cất giọng hát gọi mời. Tiếng hát của già Yang Danh lanh lảnh hòa vào không gian mênh mông mà vọng xuống dưới thung sâu hay bay ngược lên những ngọn núi để gõ cửa từng nhà. Khi không gian nhỏ của nhà sinh hoạt cộng đồng đã kín người, tín hiệu khai hội bắt đầu.

Những cô thôn nữ với váy áo thổ cẩm nhún nhịp đều đặn xoay theo vòng ngược kim đồng hồ trên những đôi chân trần đẹp tựa như những sợi thổ cẩm đang cuộn trên những con quay lúc nhanh, lúc chậm. Vũ điệu khỏe khoắn, hồn nhiên, mộc mạc mà đầy cuốn hút như cái lòng, cái dạ của đồng bào nơi đây. Những động tác của tay khi múa xoang chẳng khác gì em đi tra hạt bắp, em đi hái măng rừng hay nhổ cỏ cho cây lúa trên rẫy lên đều. Mọi thao tác của lao động, sinh hoạt hàng ngày như dồn vào điệu xoang để những người lữ khách như tôi cứ ngồi mà ngẩn ngơ… Trước mắt ta không chỉ đơn thuần là điệu múa mà là sự mô phỏng, tái hiện đời sống cộng đồng cư dân nơi non cao này. Nếu nói cái linh hồn của xoang là những động tác mượt mà, trau chuốt đến từng chi tiết thì những tuyến lượn mềm mại là sự điểm tô cho điệu xoang thêm lung linh, đắm say. Hồn người, hồn đất hay những cung bậc tình cảm được bộc lộ rõ ràng qua thứ ngôn ngữ hình thể độc đáo này. Những đôi tay của các cô gái uyển chuyển, mềm mại lên xuống. Những đôi chân trần nhún nhẹ nhàng đúng nhịp và đặc biệt là khuôn mặt cực kỳ biểu cảm. Tôi đọc được sự rạng ngời ánh lên qua đôi mắt như biết nói. Đôi bắp tay cuồn cuộn của chàng trai vỗ trống Chơ – gút đi đầu chỉ huy dàn cồng chiêng như mê hoặc người xem. Những tiếng trống đều đều nhưng đôi lúc lại phá nhịp tạo nên tiết tấu độc đáo. Dàn cồng chiêng làm nhịp cho xoang vang lên thứ âm thanh lôi cuốn lòng người. Dáng điệu rắn rỏi, cái nắm tay chắc nịch vỗ vào núm cồng phát ra tiếng vang rền. Âm réo rắt với nhịp nhanh hơn của chiêng lớn, chiêng bé ngân nga lúc sâu lắng, lúc thôi thúc trầm hùng. Những vòng xoang cứ sóng sánh, sóng sánh cùng tiếng cồng chiêng như bất tận…

Tôi hỏi một cụ gia người Banar về xoang khi ánh mắt đầy vết chân chim của ông đang theo dõi những vòng xoang trên sân. Cụ kể tôi nghe bằng giọng tiếng Kinh lơ lớ nhưng đầy niềm tự hào về loại hình văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Xoang Sa mơk rộn ràng, sôi nổi mỗi khi dân làng mở hội mừng lúa mới; xoang A tâu chậm rãi, u buồn trong lễ Pơ thi (bỏ mả) tiễn đưa lần cuối người đã khuất; xoang Long Đeh và Khiêl thể hiện sự mạnh mẽ, dũng mãnh của các chiến binh trong lễ đâm trâu; xoang Tap Sơ gơr mỗi khi làng về vùng đất mới… Bây giờ một số điệu xoang đã mai một đi nhiều lắm không còn như xưa nữa do sự phát triển của xã hội và sự giao thoa văn hóa vùng miền.

Tôi ngồi ngẩn ngơ trước những vòng xoang lúc nhặt lúc khoan mà nghe như có cả tiếng núi đồi vọng lại. Nụ cười giao cảm, ánh mắt của trai gái múa xoang trong veo như nước giữa rừng già. Những bước chân trần cứ nhịp đều đều như tiếng tỉ tê của dòng suối nhỏ gần đấy. Thứ âm thanh của thiên nhiên mà người phố thị luôn ao ước. Đang đứng thả hồn theo những bước xoang, tôi được cô bạn đi cùng đoàn kéo vào hòa nhịp. Vòng tròn cứ nới rộng ra khi cả chủ khách vừa uống rượu vừa nhảy múa. Cô gái người Banar kéo tay tôi cùng vít cần bằng cái nhìn lúng liếng. Ta lâng lâng trong men rượu của núi rừng, ta đung đưa cùng em trong điệu xoang sóng sánh. Thời gian ơi xin ngừng lại để đêm thâu kéo dài mãi cho vòng xoang càng nới rộng, để những trầm tích văn hóa từ ngàn đời lại có dịp trỗi dậy trong đêm trong veo của núi rừng…

BÙI DUY PHONG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trăng trong sương

A Lếnh đi. Đêm bị gió bẻ nham nhở, hòn đá kê một chân kiềng gãy, mỏi tê dại, mắt Mẩy đỏ khé. Sương trắng như đàn bà đốt củi ướt hong váy ngày mưa…

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…