Đêm nguyệt thực

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Ở trong cái khách sạn kỳ quái này, những điều đơn giản nhất cũng trở nên bí ẩn đối với nàng Anna Magdalena Bach. Nàng đánh que diêm cái tách, nó như công tắc, cả căn phòng bỗng chốc sáng bừng kèm theo tiếng chuông chống cháy vang lên. Rồi một giọng trầm quyền uy đâu đó nhắc nhở nàng rằng đây là phòng cấm hút thuốc. Phải chấp nhận vì trong tiệc khiêu vũ đêm nay, nàng chỉ có thể thuê được duy nhất căn phòng này.

Sự kỳ quái khiến nàng phải nhờ tới lễ tân mới hiểu được rằng có thể dùng luôn thẻ phòng để bật đèn, mở tivi, điều chỉnh máy lạnh, dàn nhạc. Người ta chỉ nàng cách chỉnh vòi nước, vòi nào chế độ thư giãn, vòi nào chế độ gợi dục. Không thể chờ đợi, nàng cởi vội chiếc áo đã nhễ nhại mồ hôi, đeo mũ trùm tóc và thả mình xuống bồn tắm ngập bọt xà phòng. Nàng gọi ngay cho gã chồng yêu quý đang ở nhà để bày tỏ niềm hưng phấn: “Đáng lẽ anh phải ở cùng em lúc này!”. Ông chồng cũng cảm nhận được và đáp lại với niềm hưng phấn không kém:

– Đồ đĩ điếm, mày về đây tao giết!

Nàng muốn thưởng thức bữa tối ngay tại đây nhưng bảng giá trên tờ menu và chiếc túi rỗng buộc nàng phải mặc lại quần áo thân hành xuống tận nhà ăn. Cái váy lụa đen bó sát, dù có hơi dài nhưng lại ăn rơ với mái tóc. Chiếc áo xẻ ngực quá sâu làm cho nàng thấy như mình đang ở trần, cảm giác hở hang này được bù đắp bằng dây vòng cổ, đôi hoa tai và chiếc nhẫn ngọc bích giả. Nàng tự tin và ánh mắt càng thêm long lanh.

Lúc xuống dùng bữa thì đã tám giờ tối. Nhà ăn nhao nhao vì tiếng gào khóc của trẻ con trộn lẫn tiếng vô tuyến khiến nàng khó chịu. Nàng ăn vội vàng rồi trở về phòng tiếp tục với cuốn tiểu thuyết đã đọc từ ba tháng trước. Khác hẳn với nhà ăn, sự yên tĩnh ở sảnh làm nàng bình tâm. Khi ngang qua quầy rượu, một cặp vũ công chuyên nghiệp đang trình diễn bản Vũ khúc Hoàng đế với kỹ thuật cực kỳ điêu luyện thu hút sự chú ý của nàng. Bị điệu nhảy lôi kéo, nàng như mê đi trước quầy rượu cho tới lúc cặp đôi nhường lại sân khấu cho khách. Rồi một giọng nói trầm, trẻ trung, dịu dàng thì thào phía sau lưng kéo nàng về thực tại:

– Thưa cô, cho phép tôi?

Gã trai trẻ đứng sát người nàng đến nỗi Anna ngửi được mùi kem cạo râu của gã, cùng một thoáng rụt rè trong đó. Nàng quay lại nhìn, ngỡ như mình ngộp thở:

– Xin lỗi – Nàng bối rối – Tôi không mặc trang phục khiêu vũ.

Gã trai đáp ngay tức khắc:

– Cô đã khoác lên mình bộ cánh đẹp nhất đấy thôi.

Câu tán tỉnh sáo rỗng nhưng gây ấn tượng. Nàng vô thức đặt tay lên cặp ngực thon gọn, vuốt cánh tay trần và phần eo con kiến để chắc chắn rằng đây vẫn đúng là cơ thể của mình. Rồi nàng quay lại, tế nhị săm soi gã trai. Một cặp mắt đẹp, nàng chưa từng thấy ai có mắt đẹp đến thế.

– Anh thật khéo nói. Ngày nay chẳng người đàn ông nào dùng những lời như vậy.

Gã chỉ mỉm cười đáp, tiến sát nàng hơn và đưa tay lặp lại lời mời. Thế là cô nàng Anna Magdalena Bach đơn bóng, hoàn toàn tự do trên hòn đảo biệt lập này, nắm lấy bàn tay trẻ trung chìa ra đó với toàn bộ niềm cuồng nhiệt, như thể nếu thả ra là rơi ngay xuống vực.

Cả hai nhảy ba bài Valse cổ điển. Nhìn những bước đưa chân tài nghệ nhưng ma mãnh của gã trai qua bài đầu tiên, nàng cho đây là một vũ công chuyên nghiệp mà khách sạn vẫn thuê nhảy với khách. Vậy nên, nàng Anna tự tin để mặc cho chàng kéo mình vào những vòng quay vô độ, trong khi vẫn giữ khoảng cách bằng đôi tay. Gã nhìn thẳng vào mắt nàng và nói: “Cô nhảy đẹp lắm!”. Nàng cảm nhận được sự chân thành, nhưng nàng cũng thừa biết, với bất cứ người đàn bà nào gã có ý định gạ gẫm, gã đều bày tỏ lời khen ấy.

Bài nhảy thứ hai, gã trai cố ý áp sát thân nàng, nhưng Anna vẫn kiềm được, buộc gã phải giữ đúng khoảng cách. Gã đành chuyển sự tập trung vào điệu nhảy, chỉ đỡ nhẹ người nàng bằng đầu ngón tay như thể nâng niu một nhành hoa dễ gãy. Đến bài nhảy thứ ba, nàng đã quen với thân thể của gã.

Nàng không thể hình dung được một người đàn ông trẻ tuổi biết khiêu vũ mà lại mang vóc dáng đẹp đến vậy. Dù nước da chàng hơi tái nhưng cặp mắt chàng bốc lửa, mái tóc bóng bẩy được rẽ đường ngôi hoàn hảo. Chiếc áo lễ phục may lụa bó sát thân càng tôn dáng vị công tử hào hoa. Cử chỉ điệu đà cũng như mọi thứ ở người đàn ông này đều toát ra vẻ không thật, mà sao đôi mắt lại đắm say khao khát đến thế?

Kết thúc mấy điệu Valse, gã thản nhiên dẫn nàng đến chiếc bàn đặt ở cuối phòng trà mà chẳng buồn ngỏ lời mời. Mà thật ra cũng không cần, nàng đã biết ý muốn của gã, và hài lòng khi thấy gã gọi một chai sâm banh. Ánh sáng mờ ảo thật dễ chịu, mỗi bàn lại có đủ khoảng cách để đảm bảo sự riêng tư.

Anna nhẩm tính gã trai hẳn chưa quá tuổi ba mươi, bởi gã chẳng hề biết gì về điệu Boléro. Nàng hướng dẫn gã nhảy theo vũ điệu ấy cho đến khi gã bắt đúng nhịp. Tuy nhiên nàng vẫn giữ khoảng cách để gã không nhận ra máu trong huyết quản nàng đang sôi lên bởi hơi rượu sâm banh. Gã trai đang dần mạnh bạo, gã ép, thoạt đầu là dịu dàng, sau đó là với toàn bộ sức mạnh của đôi tay, ghì chặt lấy thân nàng. Nàng chợt cảm thấy hông của mình chạm vào cái vật mà gã cố tình khiến nàng chạm vào. Nàng tự nguyền rủa tại sao mạch máu của mình lại đập nhanh đến thế, hơi thở tại sao lại gấp gáp đến thế. Vậy mà nàng vẫn khước từ ly sâm banh thứ hai.

Gã liền ngỏ ý mời nàng dạo chơi một vòng trên bãi biển. Nàng che giấu đi sự bối rối bằng một câu hỏi bâng quơ, vẻ thương cảm:

– Anh có biết tôi bao nhiêu tuổi rồi không?

– Tôi không sao tưởng tượng ra!

– Xấp xỉ cái tuổi mà anh đoán…

Chưa nói hết câu, nàng đã phát chán với bấy nhiêu điều dối trá. Nàng ép con tim mình, thể xác mình phải lựa chọn: Hoặc lúc này hoặc mãi mãi chẳng bao giờ.

– Tôi rất tiếc – Nàng nói và đứng dậy.

Gã trai hoảng hốt:

– Cô có việc phải đi sao?

– Tôi phải về thôi. Tôi không quen uống sâm banh.

Gã trai tiếp tục cố mời gọi, những lời vô thưởng vô phạt. Gã có lẽ vẫn chưa biết rằng một khi người phụ nữ đã quyết định ra đi, thì không có quyền uy nào của con người hay thậm chí của đấng thần linh có thể giữ chân nàng ta. Cuối cùng, gã đành nhượng bộ:

– Vậy cho phép tôi tiễn cô chứ?

– Không dám phiền. Thật cảm ơn anh về buổi tối khó quên này!

Vừa bước vào thang máy, nàng lập tức thấy hối tiếc. Nàng tự giận mình ghê gớm, nhưng lại được an ủi bởi nếp hành xử đúng mực. Vào phòng, nàng tháo giày, nằm ngửa lên giường và châm điếu thuốc lá. Vừa lúc ấy, tiếng chuông phòng réo lên. Nàng thầm rủa cái khách sạn này, đã đặt ra đủ thứ luật hành hạ khách thì chớ, đến cả những lúc riêng tư của người ta mà cũng… Nhưng không phải, đó là chàng.

Trong ánh đèn trăng tối trăng sáng ở hành lang, gã trông giống hệt bức tượng nặn bằng đất sét bày trong bảo tàng. Nàng tay giữ quả đấm cửa, nghiêm nghị nhìn gã, nhưng sau cùng vẫn để cho gã vào. Gã trai bước vào như đây chính là phòng mình.

– Hãy mời tôi uống thứ gì đó.

– Xin anh cứ tự nhiên. Tôi hoàn toàn chẳng biết chút gì về chốn quái quỷ này.

Gã thì biết tất. Gã nhanh nhẹn hạ bớt ánh đèn, chỉnh nhạc nhỏ, rồi rót hai ly sâm banh lấy ở minibar, thành thạo như một tay nhạc trưởng. Nàng không khước từ, sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi, như thể sự chống cự nãy giờ là vô nghĩa, và con người hiện tại không phải nàng. Hai người vừa nâng ly thì chuông điện thoại réo, nàng hoảng hốt nhấc máy. Một viên chức phụ trách an ninh của khách sạn nhã nhặn báo rằng khách phòng khác đến chơi không được phép ở lại tới quá nửa đêm nếu chưa đăng ký ở quầy lễ tân.

– Tôi xin lỗi – Nàng bối rối đáp.

Nàng đặt máy xuống, mặt đỏ như gấc. Gã trai nghe rõ lời cảnh báo, buông một câu: “Vớ vẩn”. Rồi chẳng chút chờ đợi, gã mời nàng cùng xuống bãi biển ngắm cảnh nguyệt thực. Hôm nay có nguyệt thực sao? Tin này hoàn toàn mới mẻ đối với nàng. Từ nhỏ nàng đã mê xem nguyệt thực, mà sau cả một tối giằng co giữa việc giữ phẩm giá và đi theo cám dỗ, thì lần này chẳng thể viện ra được lý do nào chính đáng hơn để khước từ nữa.

– Số mệnh đã an bài – Gã nói.

Chẳng ngại ngùng, nàng bước lên con xe tải nhỏ của gã đi xem nguyệt thực, nơi cả hai tới là bên bờ vịnh kín đáo, chung quanh có rừng cọ bao phủ, tịnh không dấu vết khách du lịch. Nhìn về phía chân trời, sẽ thấy hồi quang xa xăm của thành phố. Trên bầu trời trong không mây, lơ lửng nàng nguyệt buồn bã cô đơn.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Gã đỗ xe khuất trong bóng đám cọ, tháo giày, nới lỏng thắt lưng và hạ lưng ghế ngồi cho thoải mái. Lúc này nàng mới để ý chiếc xe tải nhỏ chỉ có hai ghế ngồi đằng trước, chỉ cần ấn nút sẽ biến thành giường nằm. Chỗ trống còn lại trong xe đặt một cái minibar, một dàn nhạc Hi-fi Fausto Papetti đang chơi kèn Saxophone.

Nàng hiểu ngay ra mọi chuyện:

– Chẳng có nguyệt thực đâu. Nguyệt thực chỉ xảy ra hôm trăng tròn, mà hôm nay trăng khuyết.

Gã vẫn tỉnh bơ:

– Thì chờ nhật thực vậy. Chúng ta còn nhiều thời gian mà.

Chẳng phải rào đón thêm, cả hai cùng biết sẽ làm gì. Nàng hiểu đó chính điều mà ánh mắt gã khát khao ngay sau điệu Valse thứ nhất. Nàng bất ngờ trước cách sử dụng các đầu ngón tay khéo léo hệt như ảo thuật gia khi gã từ từ cởi bỏ phục trang của nàng. Cởi từng chiếc một, nhấc từng mảnh một, kéo từng khóa một, nhẹ nhàng như bóc lớp hành tây. Sau loạt đạn đầu tiên của con bò tót hung tợn, nàng gần như ngất xỉu vì đau đớn. Nàng cảm thấy nhục nhã y như con gà mái đang bị xả thây từng mảnh. Nàng ngạt thở, mồ hôi lạnh vã ra thái dương, nhưng nàng cố sức vận dụng mọi bản năng để khỏi cảm thấy mình quá kém cỏi, quá thụ động trước mãnh thú. Và thế là hai con người buông mình đắm đuối trong hoan lạc ái ân.

Anna Magdalena Bach không quan tâm gã là ai, nàng cũng chẳng hề thử hỏi cho biết. Khoảng ba năm sau cái đêm không thể nào quên ấy, nàng mới nhận ra gã trai qua bức chân dung mà cảnh sát phác họa lại. Một con quỷ dâm loạn đang bị truy nã khắp vùng Caraibes về tội lừa đảo và mại dâm. Gã chuyên bám váy các quý bà nạ dòng đơn chiếc, xinh đẹp mà trẻ trung. Và cũng có thể chính gã là thủ phạm đã sát hại một vài người trong số đó.

Gabriel García Márquez (1927 – 2014) là một nhà văn viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim và nhà báo người Colombia. Nổi tiếng với các tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả, Mùa thu của vị trưởng lão, Tướng quân giữa mê hồn trận và hơn cả là Trăm năm cô đơn, García Márquez là một đại diện tiêu biểu của nền văn học Mỹ Latinh. Tên tuổi của ông gắn liền với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Ông nhận giải Nobel Văn học vào năm 1982.

GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ (Colombia)

HIẾU VĂN (dịch)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Mưa về tháp cổ

Mẹ từng nói tháp cũng biết buồn. Chỉ là nó không thể nói ra. Dáng đứng trầm mặc suốt nghìn năm là minh chứng rõ nhất cho nỗi buồn miên mải đã ngấm sâu vào lòng tháp…

Già Saval và niềm hối tiếc

Saval thức giấc khi trời đang đổ mưa. Tiết thu ảm đạm kéo rơi hàng vạn chiếc lá tạo thành một cơn mưa khác. Dày đặc và chậm chạp. Điều này khiến lão không vui…

Bọ Rùa đi chợ Tết

Đây là lần đầu tiên Bọ Rùa được đón Tết. Năm nay Tết đến sớm. Tết đến sớm thì càng vui chứ có làm sao đâu?

Tết quây quần

Tối qua bà ngâm gạo nếp
Sáng nay đã nở nụ cười
Đỗ vo ửng màu vàng óng
Thịt nêm gia vị ngon tươi