Để hiểu đúng bài thơ “Điếu Nguyễn Trung Trực” của Huỳnh Mẫn Đạt

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình).

Vài nét về anh hùng Nguyễn Trung Trực
Nguyễn Trung Trực (1838 – 1868) là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 ở Nam bộ. Ông có tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh tại thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thạnh Đức, Bến Lức, Long An).

Nguyên quán của Nguyễn Trung Trực là thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Khi nổ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, ông nội Nguyễn Trung Trực đưa gia đình vào Nam và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông.

Tháng Hai năm 1859, Pháp tấn công thành Gia Định, Nguyễn Trung Trực làm lính giữ Đại đồn Chí Hòa dưới quyền của kinh lược Nguyễn Tri Phương. Sau đó, ông trở về quê, thôn Bình Nhựt, phủ Tân An, chiêu mộ thêm nhân lực và đầu quân giữ thành Kỳ Hòa dưới quyền chỉ huy của Trương Định (3.1860). Khi thành Kỳ Hòa thất thủ, ông lại lui về phủ Tân An tiếp tục chống giặc.

Sáng ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực mưu trí nghi binh, dũng mãnh tập kích đốt cháy chiến hạm L’Espérance (Hi Vọng), tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, ba tỉnh miền Đông lọt vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Trung Trực quyết không rời địa bàn, phối hợp với Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định đánh Pháp.

Tranh minh họa Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đốt cháy tàu L’Espérance trên sông Nhật Tảo, ngày 10.12.1861.
Ảnh nguồn: baotanglichsu.vn

Trương Định hy sinh (8.1864), ông đem quân về miền Tây lập mật khu ở Sân chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) và chính thức đổi tên thành Nguyễn Trung Trực, thoát li hẳn sự ràng buộc của triều đình nhà Nguyễn. Tiếp đó, lập thêm căn cứ ở Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang).

Sau khi nắm chắc địch tình, rạng sáng ngày 19 tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực bất ngờ đem quân tập kích đồn Kiên Giang, chiếm được đồn, tiêu diệt nhiều sĩ quan và binh sĩ Pháp, thu nhiều súng ống, đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền.

Pháp huy động binh lực lớn phản công ráo riết, Nguyễn Trung Trực phải lui quân về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn.

Giặc Pháp điên cuồng truy sát, chúng đã tàn sát 700 người dân ở Rạch Giá để trả thù. Chúng treo giải thưởng lớn và hứa ban quan chức cho ai bắt hoặc giết được ông. Độc ác hơn, chúng bắt mẹ ông cùng nhiều đồng bào, cả trẻ con, cứ mỗi ngày chúng đem bắn mấy người, bắn cho đến khi nào Nguyễn Trung Trực ra hàng mới thôi. Trong tình thế nghĩa quân đang bị hao tổn, thuốc súng cạn kiệt, lại thêm sức ép ghê gớm đó, ông quyết định chọn lấy sự hy sinh, nộp mình cho giặc vào ngày 19 tháng 9 năm 1868, để cứu mẹ, nghĩa quân và nhân dân khỏi bị tàn sát.

Bắt được ông, người Pháp và bọn tay sai phản quốc giở đủ trò mua chuộc, khuyên dụ ông theo Pháp để hưởng vinh hoa phú quý, chức tước, lợi lộc nhưng ông chỉ gác ngoài tai. Ngày 27 tháng 10 năm 1868 (nhằm ngày 12.9 Mậu Thìn 1868), Pháp đã đưa ông ra hành hình tại Rạch Giá, hưởng dương 30 tuổi. Trước khi hy sinh, ông khẳng khái: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây!”.

Hiện mộ của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) nhưng Nhân dân đã xây dựng đền thờ ông ở nhiều tỉnh, thành như: Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Long An… Lễ tưởng niệm ông được Nhân dân tổ chức rất trang trọng vào các ngày 27, 28, 29 tháng Tám âm lịch hằng năm.

Ngày 11 tháng 10 năm 2020, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ khánh thành công trình Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát.

Về bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực
Nhiều sĩ phu yêu nước Nam bộ có thơ văn bày tỏ lòng quý trọng, ngưỡng mộ, tiếc thương người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Trong số đó, nổi tiếng nhất là bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực của Huỳnh Mẫn Đạt (1807 – 1883).

Bài này in trong sách Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX (1859 – 1900), NXB Văn học, 1976, bản in lần thứ 2, trang 100 – 101. Sách này chỉ in phần phiên âm Quốc ngữ và bản dịch nghĩa, không có bản chữ Hán, không đưa bản dịch thơ:

Điếu Nguyễn Trung Trực
Thắng phụ nhung trường bất túc luân,
Đồi ba chỉ trụ ức ngư dân.
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỷ thần
Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa,
Lưỡng toàn vô úy báo quân thân.
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ.
Tu sát đê đầu vị tử nhân.

Dịch nghĩa:

Khóc Nguyễn Trung Trực
Thua được ở chiến trường không cần bàn đến,
Chỉ nhớ người dân chài đã làm cột đá trong lúc sóng lở.
Lửa đỏ vàm Nhật Tảo vang động trời đất,
Kiếm vung lên ở Kiên Giang làm quỷ thần phải khóc.
Một buổi sáng phi thường nêu cao tiết nghĩa,
Không sợ báo đền vua và cha mẹ không vẹn toàn;
Anh hùng cứng cố tiếng thơm dài lâu
Làm cho bọn chưa chết chịu sống cúi đầu thẹn chết được.

Bản in trong https://www.thivien.net có phần chữ Hán, phiên âm Quốc ngữ (dựa theo nguồn: Cao Tự Thanh, Việt Nam bách gia thi, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2005) và một số bản dịch thơ.

So sánh hai bản phiên âm ở hai tài liệu trên, chúng tôi thấy có 2 chỗ dị biệt. Một là chữ thứ 2 câu thơ thứ tư: BẠT/ BẠCH. Ngoài chữ BẠCH (白) ở bản này ra các bản khác phần lớn viết là BẠC nhưng không chua chữ Hán. Hai là, chữ thứ 5 câu thứ tư: KHỐC/ KHẤP. Như vậy, cả hai chữ đều thuộc cặp thực của bài thất ngôn bát cú.

Thể thất ngôn bát cú Đường luật quy định cặp câu 3 và 4 (hai câu thực ); 5 và 6 (hai câu luận) phải đối nhau. Nghĩa là hai dòng thơ phải bằng nhau về số tiếng, cùng cấu trúc ngữ pháp, tương ứng nhau về từ loại (kể cả nguồn gốc và cấu tạo từ) và ngược nhau về thanh điệu (bằng/ trắc) tại các điểm ngừng giọng (tiết tấu điểm). Do đó phép đối đem lại cho thơ vẻ đẹp của sự hài hòa ngữ âm, sự hàm súc trong ý nghĩa vì nó khai thác tinh tế các mối quan hệ tư duy phù hợp với cảm quan nghệ thuật của thời đại.

Theo chúng tôi, hai câu thơ này đều cùng cấu trúc ngữ pháp:

Hỏa hồng Nhật Tảo/ oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang/ khốc quỷ thần

Chủ ngữ/ Vị ngữ

Trong cụm chủ – vị làm chủ ngữ thì Hỏa/ Kiếm là chủ ngữ, hồng/ bạt là vị ngữ, Nhật Tảo/ Kiên Giang là bổ ngữ. Phép đối trong thơ Đường luật luôn là một chỉ dấu quan trọng để xác định ý nghĩa và từ loại của mỗi từ!

1- BẠCH hay BẠC hay BẠT?
Theo giới thuyết trên, ở vị trí chữ đang xét phải là một động từ (động từ thực sự hoặc tuy không phải động từ nhưng được dùng lâm thời như một động từ). Tra cứu các bài viết trên mạng Internet thì cách viết KIẾM BẠT có số lần xuất hiện áp đảo cách viết KIẾM BẠC. Còn cách viết KIẾM BẠCH chỉ có trên Thivien.net mà thôi. Trong ba chữ BẠT/ BẠC/ BẠCH thì chỉ có chữ BẠT là một động từ thực sự. Hai chữ BẠCH, BẠC vốn là tính từ, tuy nhiên trong một văn cảnh nhất định chúng cũng có thể lâm thời dùng trong tư cách động từ. Ta thử tra cứu nghĩa của các từ này:

1.1. Với chữ BẠCH(白), Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu (sau đây chỉ gọi tắt là Tự điển Thiều Chửu) cho biết: “bạch” trong tư cách một danh từ có nghĩa là sắc/ màu trắng, chén rượu. Nếu trong tư cách động từ có nghĩa là nói, nói rõ. Trong tư cách tính từ có nghĩa trắng, sạch, sáng, rõ, đơn sơ,… Với các nghĩa này, BẠCH không phù hợp với ý nghĩa câu thơ!

1.2. Với chữ BẠC (撲), có âm đọc khác là PHÁC. Nếu đọc là BẠC thì mang nghĩa: Cùng đánh nhau, đấu sức; Ðổ ngã. Nghĩa này cũng không phù hợp.

1.3. Với chữ BẠT(拔)

– Tự điển Thiều Chửu ghi nhận nghĩa là “Nhổ” (Ví dụ: liên căn bạt khởi 連根拔起 nhổ cả rễ lên) và nghĩa: “Vây thành mà lấy được cũng gọi là bạt”.

Từ ghép, thành ngữ có từ tố BẠT này chiếm số lượng lớn nhất. Ví dụ BẠT THÀNH, nghĩa là “Nhổ thành, đánh lấy được thành của địch”. Như vậy, việc chọn từ BẠT, là động từ chỉ hoạt động mạnh, cho câu thơ “Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỷ thần” là sự lựa chọn hợp lí nhất. Theo đó câu thơ được dẫn trong sách Thơ văn yêu nước… (Sđd) có nghĩa: Kiếm rút ra/ vung lên/ ở Kiên Giang làm quỷ thần phải khóc hoặc: Kiếm san bằng thành Kiên Giang khiến quỷ thần phải khóc là sự diễn tả đắt nhất cho chiến công tập kích, chiếm đồn Kiên Giang (1868), tiêu diệt nhiều sĩ quan và binh sĩ Pháp, thu nhiều súng đạn và và chiếm giữ suốt 5 ngày. Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh Pháp toàn Nam bộ có thể đánh chiếm trung tâm đầu não của tỉnh.

2. HỒNG(紅) hay HỒNG(烘)?

2.1. Với HỒNG(紅), bộ MỊCH biểu ý; chữ CÔNG biểu âm.

Bản trên thivien.net viết chữ HỒNG theo tự dạng 紅. Dễ thấy, vì bản chữ Hán thivien.net đã chọn chữ BẠCH (白) cho câu 4 nên tất dẫn đến chọn chữ HỒNG (紅) ở vị trí đối xứng thuộc câu 3. Nếu BẠCH, tính từ, là TRẮNG thì HỒNG, tính từ có nghĩa là ĐỎ. Có thể có cách hiểu trong cặp thực này, hồng, bạch được lâm thời dùng như một động từ, nghĩa là trắng lên, đỏ lên. “Kiếm bạch” là kiếm lóa trắng/ sáng lên; hỏa hồng là lửa đỏ lên! Hiểu như vậy, ý thơ có màu sắc, tức có hình ảnh nhưng không rõ uy lực của hành động, không có hành động của chủ thể con người!

2.2. Với Chữ HỒNG (烘); bộ HỎA biểu ý; chữ CỘNG biểu âm là động từ với các nghĩa: nóng đỏ; đốt, đốt cháy; sấy, hơ lửa.

Như vậy, với chữ hồng này câu thơ “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa”, có nghĩa là Lửa đốt cháy vàm Nhật Tảo vang động trời đất thể hiện đúng khí thế trận hỏa công thiêu rụi chiến hạm L’Espérance trên Vàm sông Nhật Tảo năm 1861. Chỉ chữ HỒNG này mới đối xứng với chữ BẠT ở câu sau, hai câu thơ diễn tả được khí thế dũng mãnh áp đảo, nêu bật tầm vóc của hai chiến công oanh liệt của nghĩa quân! Đây là hai câu thơ tuyệt bút thường xuyên được trích dẫn khi nói về chiến công oanh liệt của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực.

Bài thơ Mộ (Ngục trung nhật ký) của Hồ Chí Minh, câu thơ “Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”, cả bút tích và tuyệt đại đa số bản in, từ HỒNG cũng viết theo tự dạng (烘) này.

3. KHẤP (泣) hay KHỐC (哭)?

Từ KHẤP/ KHỐC đang khảo sát nằm trong thế ĐỐI XỨNG với từ OANH. OANH có các nghĩa: nổ, bắn; vang lừng,…; về từ ghép/ thành ngữ có oanh liệt, oanh oanh liệt liệt có nghĩa là vang lừng, rực rỡ, gây chấn động mạnh. Hãy cùng xem xét nghĩa của hai chữ KHẤP/ KHỐC xem từ nào phù hợp hơn?

Hai từ này, gần nghĩa (đều là khóc) nhưng khác âm, tự dạng phân biệt, hầu như chỉ có bản phiên âm trong cuốn Thơ văn yêu nước… đã dẫn ghi là KHỐC. Rất nhiều bài viết chọn từ KHẤP. Hãy điểm qua một luận giải trực diện tiêu biểu: “một số dị bản ghi là “Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỷ thần”. Riêng chúng tôi nghiêng về từ “khấp” hơn. Trong chữ Hán, tuy cả khấp và khốc đều là động từ có nghĩa là khóc, nhưng mỗi từ có một nghĩa riêng. Khấp[泣]: Rớt nước mắt mà không ra tiếng khóc hoặc khóc tiếng nhỏ. Từ này đã được Nguyễn Du dùng trong Độc Tiểu Thanh ký: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Không biết hơn ba trăm năm sau/ Thiên hạ ai là người khóc Tố Như). Khốc[哭]: Khóc thành tiếng. Khóc rấm rứt, khóc không thành tiếng mới là cái khóc dành cho bậc trượng phu, cho đấng anh hùng mà mình kính ngưỡng” (hết trích – https://baodanang.vn/channel/5433/201105/cua-so-tri-thuc-lua-bung-nhat-tao-2050351/).

Theo chúng tôi, liên hệ chữ dùng của Huỳnh Mẫn Đạt với chữ dùng của Nguyễn Du trong hai bài thơ có tình điệu ngược hẳn nhau để chọn chung chữ KHẤP là rất khiên cưỡng. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chỉ căn cứ vào một từ đơn lẻ thường rất khó minh định khu biệt các từ nhưng khi đưa từ đó vào tổ hợp như từ ghép, thành ngữ thì sẽ nhận diện rất rõ ràng. Với từ “khấp” không có trường hợp nào kết hợp với “quỷ thần” cả!

Kết luận
Qua khảo sát bên trên, chúng tôi đi đến nhận định bản phiên âm bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực của Huỳnh Mẫn Đạt in trong cuốn Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX (1859 – 1900) của NXB Văn học là bản phiên âm chuẩn mực nhất phù hợp với thể cách bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Chỉ xin lưu ý thêm là tự dạng chữ HỒNG là (烘)(bộ Hỏa) chứ không nên tùy tiện viết/ hiểu là chữ HỒNG (紅)(bộ Mịch), chỉ vì nó thông dụng hơn trong tiếng Việt! Ngoài ra, kết quả khảo sát của chúng tôi, ngược hẳn với những bài viết xuất hiện trên các trang điện tử ở từ KHỐC. Tuyệt đại đa số đều viết từ KHẤP.

Cùng với những bài thơ cùng thời như Điếu Trương Định, Điếu Phan Tòng của Nguyễn Đình Chiểu, bài Điếu Nguyễn Trung Trực góp phần dựng nên cụm tượng đài bất hủ bằng thơ khắc họa, tôn vinh những trang anh hùng thời đại, qua đó giúp hậu thế hiểu rõ hơn khí phách, trí tuệ, tài năng, tấm lòng của đồng bào Nam bộ trong những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lăng. Bài Điếu Nguyễn Trung Trực xứng đáng là một tuyệt bút thể hiện được khá đầy đủ nhân cách và tài thơ của tác giả, nhà Nho yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt. Cố gắng của chúng tôi như một một nén tâm hương kính viếng anh linh người anh hùng Nguyễn Trung Trực, cũng là để tri ân, tưởng niệm tâm huyết, tài năng của nhà thơ yêu nước họ Huỳnh.

Tại nguyên quán Bình Định, ngày 11 tháng 10 năm 2020, trong Lễ khánh thành công trình Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, ông Hồ Quốc Dũng, lúc ấy là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh: “Ý chí đấu tranh anh dũng và sự hy sinh bất khuất của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc với câu nói bất hủ “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Bình Định, tháng Tư, 2023

ĐINH HÀ TRIỀU

* Thư mục tham khảo:
– Nguyễn Văn Bao, Thành ngữ – cách ngôn gốc Hán, NXB ĐH Sư phạm, 2003
– Ban biên soạn chuyên từ điển NEW ERA, Từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa thông tin, 2005
– Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nhà in Hưng Long, 1966
Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX – NXB Văn học, 1976
– Các trang mạng đã dẫn.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…