Dấu xưa còn nhớ

(VNBĐ – Đọc sách).

(Đọc tập thơ Gốm lưu lạc, NXB HNV, 2024 của Vân Phi)

Vân Phi là nhà thơ trẻ, thuộc thế hệ 9X với dòng thơ tự do, hiện đại. Mặc dù còn trẻ nhưng tác giả đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng độc giả bởi một giọng thơ rất riêng biệt, như có một hấp lực níu giữ tâm hồn người đọc. Một giọng thơ nhiều nhớ thương, chiêm nghiệm về cuộc đời.

Gốm lưu lạc là tập thơ thứ hai của anh (được in vào đầu năm 2024) sau tập thơ Ngày mắc cạn (năm 2020). Đọc tập thơ, người đọc bắt gặp bao nhớ thương khắc khoải cả từ những điều quen thuộc nhất đến những thoáng qua. Chợt tự hỏi, tại sao một hồn thơ trẻ lại nhiều suy tư đến thế.

Từ nhớ những dấu xưa
Mở đầu tập thơ là Mắt hồ, với những tiếc nhớ về một Dấu tích nào thung lũng…/ Nơi đây gã du tử câu cá mùa thu/ thung lũng Công bầy chim tìm về hò hẹn… Nhưng hình ảnh thung lũng xanh, hồ cá sủi tăm, bầy chim hò hẹn làm tổ chỉ còn trong dĩ vãng. Ta khẳng định điều đó bởi sự thảng thốt của tác giả:

Đâu rồi thung xanh
đàn chim tao tác
ai thả về những dọc ngang toan tính
bụi mù mắt sóng hoang vu.

Có khi nỗi nhớ được gợi lên từ tiếng chuông cổ tự (trong bài Giấc cổ tự) từ phía ba trăm năm vọng về. Để rồi miên man nghĩ về Người quét lá sân chùa/ Người thiền định dưới gốc bồ đề, nghĩ về những lời kinh, những cỏ cây, những phận người. Chuông níu hồn ai khi một ông già ngả lưng trên ghế đá/ chiếc xe kẹo kéo tụng niệm bóng chiều phía những câu kinh. Từ tiếng chuông này, nhớ tiếng chuông xưa, nhớ những con người, nhớ những phận đời, tác giả đi đến khẳng định chỉ có cái cúi đầu từ tâm nơi cửa Phật/ ngả về đất từ bi… Hay nói cách khác, mặt trời đỏ gặp tiếng chuông cũng vàng.

Nỗi nhớ có khi được bắt nguồn từ một dòng suối, P-rah Jớ, một con suối ở vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định để rồi nghe vọng về tiền sử thâm âm ai người khai hoang mở đất? Có lẽ, đó là những con người “Không ai nhớ mặt đặt tên/ nhưng họ đã làm ra đất nước” (Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm). Vân Phi cũng thật thà mà rằng Chẳng ai buồn giải mã/ chỉ biết rằng mạch nguồn đã nghìn năm (P-rah Jớ biên niên).

Đến nhớ những người xưa
Nhớ để tri ân những con người đã nằm lại Gạc Ma giữa tháng Ba năm ấy giữ lấy Trường Sa – hòn đảo của cha ông ngàn năm đi mở cõi. Đọc những câu thơ trong Dưới gốc tra già vừa thấy rưng rức một niềm thương vừa tự hào kiêu hãnh: mảnh đạn nào ghim vào thớ sóng tháng Ba/ lửa bén hoàng hôn/ đỏ mắt môi người chiến sĩ/ những cái siết tay thành chứng tích/ đất nào là đất mồ côi… Để hôm nay, bình yên Những ban mai bên gốc tra già/ kể nhau nghe về loài phù du, về người về từ biển, về loài hoa trổ muộn/ màu tuyết trắng những giấc mơ.

Điệp ngữ Người nằm đấy bên lòng hồ Núi Một trong bài Nghe núi hồ kể chuyện lại thể hiện sự khắc khoải của tác giả về những người lính đã ngã xuống, có người lính mãi ở tuổi ba mươi. Nói sao hết những hi sinh mất mát, những vất vả thương đau trên những mặt người, trên những xác thân. Một cái cúi đầu, một sự rưng rưng sau nửa thế kỷ của người nay đối với người xưa chính là sự tri ân chân thành nhất.

Từ sự tri ân đến thấu hiểu được thể hiện trong Gió ăn trăng. Ta trân trọng Vân Phi bởi anh là một tác giả trẻ 9X nhưng lại thấu cảm được tâm tư của những người lính nơi Chiến trường K gợi niềm rơm rạ/ vấn điếu thuốc rê chia nỗi nhớ nhà, nhớ cả người thương với áo xanh, cổ thơm, tay nõn. Anh hiểu được những mất mát của những người ra đi theo tiếng gọi của non sông đất nước, ngày trở về áo hụt một bên tay/ lẹm khuyết nụ cười đồng đội. Anh trân trọng sự trở về của họ, dù một phần thân thể đã gửi lại nơi chiến trường, họ vẫn trở về “súng gươm vứt bỏ” để hòa mình vào cuộc sống hiện tại: Một cánh tay/ đủ ôm chặt người thương/ đủ thắp những giấc mơ không bao giờ vụi tắt/ gieo lòng mình vào đất/ hạt lúa thơm qua bùn bãi ươm mầm.

Và nhớ cả những gì thân thuộc nhất
Đó là những núi Chúa, chợ Gò,… ; là một đêm say, một sáng ban mai,…; là khi nghe điệu Bài chòi chớm Giêng hiện tại, lại nhớ về một thuở nào xa lắc, thuở ai về Trường Úc gieo hạt mai vàng/ mấy trăm năm cửa sông ngó về Thị Nại (trích Đi chợ Gò nhớ phù sa biển).

Cái tên “Gốm lưu lạc” có tác dụng gợi ấn tượng mạnh mẽ với người đọc, để cùng tác giả nhớ thương về một vùng gốm cổ – Gò Sành, lửa quánh lên men đỏ… mảnh sành đỏ rọc. Rồi ngược dòng ký ức bao năm, chợt thấy Bóng người chuốt gốm ngả theo những vòng xoay/ rịn đỏ đôi tay/ kẻ đứng người ngồi nhịp nào thoăn thoắt. Nhưng tất cả đã lùi vào dĩ vãng, sáu thế kỷ đã đi qua, tấm bia chứng tích đã lỗ chỗ vết thời gian. Xứ Đồ Bàn còn lại gì? Dòng nước Côn giang ngàn năm vẫn chảy. Có khi nào gốm cổ Gò Sành quay trở lại? Vua Chế Mân vẫn giữ mãi mối si tình với công chúa Huyền Trân. Chuyện xưa kể mãi, người nay còn nhớ.

Vần thơ lưu lạc khắp nơi, vần thơ xuôi Nam ngược Bắc, cuối cùng lại trở về nơi chôn rau cắt rốn với mẹ với cha. Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ tác giả từng nói dù đi đâu, cuối cùng Gốm lưu lạc cũng trở về Gò Sành. Là nói vui nhưng cũng rất thật. Như những đứa con quê hương, dù đi muôn phương cuối cùng cũng sẽ hướng về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Đọc Gốm lưu lạc của Vân Phi, tôi thực sự ấn tượng với Trong ngôi nhà ký ứcNhững câu hỏi của con gái. Người cha không muốn đi đâu, chỉ muốn ở lại với nhà xưa bởi nơi đó lưu giữ những ngày cũ còn nhau; bởi nơi đó từ lâu đã trở thành một phần sống của người cha già với nụ cười hiền hậu. Người cha sẽ ở đó, nhẫn nại chờ đón những đứa con thi thoảng trở về sau những nhọc nhằn giấc mơ phố thị. Ngôi nhà xưa là khoảng trời bình yên với mảnh vườn đầy mảnh sành từ lò gốm cổ, với cây me già, với vườn rau, luống cải,… với bao ký ức của một thời. Yêu thương là vậy, nhưng khi đọc đến Những câu hỏi của con gái lại chợt thấy rưng rưng.

Sao Tết này,
nhà mình không có nội
ba ơi…

Bài thơ kết thúc bằng câu hỏi bỏ lửng, không có câu trả lời. Mà biết trả lời ra sao với con trẻ thơ ngây khi nội đã theo mây về trời. Dấu ba chấm cuối câu hay niềm nhớ thương ngân mãi. Trả lời sao được, khi Ngày mẹ đi, cháu nội của mẹ mới tuổi lên hai/ hấp háy nhìn làn hương cay cay nơi viền mắt (trích Từ nơi ấy mẹ nằm). Đứa trẻ sẽ không biết được rằng giấc ngủ của bà nội kéo dài mãi thiên thu, chỉ lòng người cha se sắt nỗi mồ côi trước câu hỏi ngây thơ con trẻ.

Trong Gốm lưu lạc, Vân Phi dùng rất nhiều những từ ngữ chỉ thời gian như: một ngày, hơn ba mươi năm, trăm năm, hai trăm năm, ba trăm năm, mấy trăm năm, ngàn năm, nghìn năm, nửa thế kỷ, sáu thế kỷ,… cùng với những điệp từ, điệp ngữ trong các bài thơ nhằm diễn tả một cách đầy đủ nhất và cũng thành thực nhất những nỗi nhớ thương, tri ân, khắc khoải của mình. Giọng thơ của Vân Phi cứ hoang hoải buồn, day dứt thương. Dường như tình cảm ấy có khả năng “lây lan”, khiến cho độc giả khi đọc xong, gấp tập thơ lại vẫn man mác một niềm thương.

TRƯƠNG THỊ THÚY

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…