(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Xuân Quang là tên làng ở huyện Tuy Phước. Triều Đồng Khánh nó thuộc tổng Dương An, nay là phường Quang Trung của thành phố Quy Nhơn. “Xuân Quang biệt lũy” được hình thành từ câu liễn năm Đinh Mùi 1907, của sĩ phu Bình Định điếu tang Hậu tổ Tuồng Đào Tấn.
Ông quan Đào Tấn người làng Vinh Thạnh, Tuy Phước – Bình Định, chỉ đỗ Cử nhân (khoa Đinh Mão 1867), đường hoạn lộ khởi đầu chỉ với chức Hiệu thư nhỏ bé ở Nội Các hàm chánh Bát phẩm, rồi Phủ doãn Thừa Thiên hàm chánh Tứ phẩm năm Tự Đức thứ 35 (1882), kể từ đó mà thăng tiến đến Nhất phẩm triều đình.
Năm 1883 xảy ra sự kiện “Tứ nguyệt tam vương” ở kinh thành, Đào Tấn về quê thọ tang cha. Khi vua Hàm Nghi xuất bôn năm 1885, ông lánh nạn ở chùa Linh Phong (chùa Ông Núi tại Phù Cát) bị triều đình phạt giáng 4 cấp. Năm 1887 phục chức Phủ Doãn Thừa Thiên, sau thăng Thị lang bộ Hộ. Từ đây, bên ngoài khi thì Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), khi thì Tổng đốc Nam Ngãi (Quảng Nam – Quảng Ngãi), trong triều từng trải qua Thượng thư các bộ: bộ Binh, bộ Hình, bộ Công. Năm Thành Thái thứ 10 Mậu Tuất 1898, vinh thăng Vinh Lộc đại phu Hiệp biện Đại học sĩ, hàm tòng Nhất phẩm. Năm Nhâm Dần 1902 được phong tước Vinh Quang tử.
Làm quan mà được dân yêu, vua quý trọng là điều hiếm có. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Đào Tấn được Tự Đức ban tặng bài thơ kể Phủ Doãn Đào Tấn hộ vệ thuyền vua, trời ban ơn cho mưa xuống. Trích chép lại đây 4 câu cuối:
Mạc luân hảo sự tùy chu dị
Thả hỷ nghi nông thuận tự thường
Kinh doãn hộ tùng đồng kiến úy
Thần nhân hà đạo vĩnh vô mang
Trong Chuyện Cũ Kẻ Sĩ Bình Định, Đặng Quý Địch đã dịch nghĩa:
Chớ cho rằng nhờ trận mưa tốt này (nước sông nhiều) thì thuyền ngự đi dễ dàng.
Mà phải mừng cho nhà nông mưa thuận gió hòa, (thời tiết diễn ra) theo trật tự thông thường.
Quan Doãn tại kinh đô theo hộ vệ ta (trong lần tuần hạnh này) cũng thấy được trời an ủi (dân ta).
Thì từ thần đến người sao dám nói không phải bận tâm (mà phải luôn nhớ đến ơn trời vậy).
Ngoài ra còn có nhiều liễn trướng từ Nghệ An – Hà Tĩnh, Quảng Ngãi – Quảng Nam gửi điếu Đào Tấn. Thế mới thấy ông quan cầm quyền đất Hoan châu, đã được dân nơi đấy hết lòng yêu kính. Không chỉ vua mến dân yêu, bạn đồng liêu của ông cũng tỏ bày thương tiếc. Như Hiệp biện Đại học sĩ Hà Đình – Nguyễn Thuật, người xứ Quảng đã viếng, khóc cho cái đức, cái tài của Đào Tấn:
Công tài công vọng triều quận thôi xưng, tố chí hoạch thân, cự chỉ Hồng lĩnh Nhung công vinh gia cốc bích.
Năng ẩm năng ca anh hùng bản sắc, trần duyên phao tận, cánh hướng Linh phong Phật cảnh tu đáo mai hoa.
Vũ Ngọc Liễn dịch nghĩa:
Tài năng ngài, ước vọng ngài, trong triều ngoài quận đều ngợi khen (chính vì ngài) mong muốn thi thố chí lớn, chứ đâu phải vì cương vị Tổng đốc núi Hồng mà sáng ngời ngọc quý.
Vừa nâng ly, vừa ca hát (ấy là) bản sắc kẻ anh hùng, nợ trần rũ sạch, tìm đến cõi Phật chùa Linh Phong tu thành đóa hoa mai.
Nhưng với chốn quan trường hiểm ác, có người thương thì tránh sao khỏi chẳng có kẻ ghét, người ganh. Trong Liệt Truyện Kẻ Sĩ Đất Thang Mộc, Vũ Ngọc Liễn kể khi Đào Tấn về hưu: “khỏi phải nhắc lại bao nỗi cơ cực chung quanh chuyện về hưu của ông do Nguyễn Thân và Trương Như Cương hành hạ”. Nguyễn Thân năm 1896 đã là Võ Hiển điện Đại học sĩ, sung Phụ chính Đại thần. Còn Thượng thư bộ Hộ Trương Như Cương năm 1894 đã kiêm quản ấn triện Văn thần Phò mã, sung Cơ mật viện Đại thần.
Về Nguyễn Thân, tháng 5 năm 1886 đã thụ hàm Tả Tham tri bộ Binh, tước Diên Lộc nam, sung chức Chiêu thảo xử trí Sứ ở Bình Định. Năm 1888, Nguyễn Thân về triều, cùng Đào Tấn là đồng sự trong một công tác được Đồng Khánh phái đi gặp Khâm sứ Trung kỳ Séraphin Hector. Tháng 7 năm ấy, theo Đại Nam Thực Lục của Quốc sử quán triều Nguyễn: “Bấy giờ Tiễu phủ sứ là Nguyễn Thân về Kinh chiêm bái. Ý vua quyến luyến muốn lưu ở lại, mật sai viện thần là Hoàng Hữu Thường, Đào Tiến và Thân đến Sứ quán thương thuyết, để cho Thân ở lại Kinh. Khâm sứ là Hách Tô cho rằng phòng sở ở Bình Định quân Man thường quấy nhiễu, là việc đáng lo. Nguyễn Thân cần phải giữ chức Phòng sứ như cũ”.(1)
Đồng Khánh muốn Nguyễn Thân nhận chức mới ở tại triều, lại sai Đào Tấn và Nguyễn Thuật đi thuyết phục lần nữa. Nhưng Khâm sứ Trung kỳ Séraphin Hector khăng khăng không bằng lòng. Quân Man lại quấy nhiễu, Đồng Khánh đành cho Nguyễn Thân về lại sơn phòng. Cái xui xẻo đã ngăn bước chân Nguyễn Thân sớm bước vào triều trung. Chẳng rõ có phải vì cú dớp nầy hay không mà sau này Nguyễn Thân luôn gây hấn với Đào Tấn, kể cả với Hà Đình – Nguyễn Thuật là người chuyến sau có mặt cùng Đào Tấn đi gặp Hector.
Nhưng cũng phải thừa nhận, hình bóng của Trương Như Cương và Nguyễn Thân luôn lảng vảng dưới ngòi bút của ông quan phụng sắc chỉ soạn tuồng là Đào Tấn. Bản tuồng Hộ Sanh Đàn do Đào Tấn soạn quãng năm 1898 – 1902, nhân vật Tiết Nghĩa trong tuồng đã hiển hiện bộ mặt những kẻ bất nghĩa bán bạn cầu vinh. Những kẻ phản phúc Nghĩa Hội, dã man đàn áp Văn thân Nghĩa Hội như Nguyễn Thân làm sao không chột dạ mà ghét căm, tìm cách tống Đào Tấn về hưu.
Thực ra Đào Tấn là cái gai dưới mắt người Pháp. Nhận chức Thượng thư bộ Công lần thứ hai năm 1902, Đào Tấn lại ngầm tiếp xúc với thành phần đang mưu toan chống đối chính quyền bảo hộ.
+ Theo Ngục Trung Thư, Phan Bội Châu viết lúc bị Long Tế Quang bắt giam ở Quảng Châu năm 1914 hòng để nộp cho người Pháp, bấy giờ Phan Bội Châu có nêu tên Công bộ Thượng thư Đào Tấn tiếp nhậm Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư của ông: “Tôi ôm sách tới ra mắt các cụ lớn, như cụ Đông các Nguyễn Thảng, Công bộ Đào Tiến, Lễ bộ Hồ Lễ, Lại bộ Nguyễn Thuật, v.v…”.(2)
+ Tự Phán của Phan Bội Châu còn cho biết, tháng 10 năm 1904 hội nghị tại Nam Thịnh sơn trang của Tiểu La Nguyễn Thành ở Quảng Nam thành lập Việt Nam Quang Phục Hội, những người tham dự gồm: “Kỳ Ngoại hầu Cường Để, Tiểu La Nguyễn Thành (Nguyễn Hàm), Phan Bội Châu, Trình Hiền, Lê Vũ, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, và các người khác nữa”.(3)
Hồi ức của Kỳ Ngoại hầu qua phỏng vấn của một ký giả người Nhật, sau được dịch và in thành sách ở Sài Gòn, cho biết “các người khác” cùng tham dự đó là: Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Thảng, Lại bộ Thượng thư Nguyễn Thuật, Công bộ Thượng thư Đào Tiến…
Tháng 4 năm 1904, Đào Tấn đã nhận chỉ dụ triều đình cho hưu trí. Cuộc phỏng vấn có đề cập tên của Đào Tấn và những đại thần trước đây đã tiếp cận Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư của Phan Bội Châu. Xem ra đâu có gì là không hợp lý. Đào Tấn cũng đâu lạ gì chủ trương vun trồng nhân tài của Phan Bội Châu, rắp tâm đưa thanh niên xuất dương cầu học. Ông có biệt nhãn với việc làm của Phan Bội Châu từ trước:
+ Năm 1901 khi Phan Bội Châu cùng con của Phan Đình Phùng và đồng sự mưu đánh thành Nghệ An. Vì sai kỳ hẹn nên việc phải đình chỉ. Nhưng mật thám dò biết báo cho Tòa Công sứ. Phan Bội Châu Tự thuật: “May lúc đó quan Tổng đốc Nghệ An là Đào Tiến cho việc tôi làm là phải, hết sức che chở, nên chưa bị lộ”.
Cũng chính Đào Tấn cấp giấy thông hành cho Phan Bội Châu dự khánh thành cầu Doumer (Long Biên). Nhờ giấy ấy mà cụ Phan rong chơi khắp đất Bắc, nhưng thật ra là đi Phồn Xương tiếp xúc cụ Đề Thám.(4)
Những việc làm của Công bộ Thượng thư Đào Tấn lúc bấy giờ, hẳn người Pháp phải biết. Sau hội nghị ở nhà Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Bội Châu còn bị Tòa Khâm sứ gọi vào để chất vấn những chuyện “đâu đâu”! Chuyện Đào Tấn về hưu và bị Nguyễn Thân cùng Trương Như Cương hành hạ, không lẽ không có bàn tay của người Pháp!
Hiệp biện Đại học sĩ Thượng thư Bộ Công Đào Tấn mang nguyên hàm về hưu. “Học bộ đình” cũng theo về Vinh Thạnh tiếp tục xiển dương và gìn giữ tuyên ngôn: “Trò đời đều như kịch, đừng cười giả ấy chẳng là chân”.
Về hưu được cấp 4 mẫu lộc điền, Đào Tấn phải bao bọc hơn 20 nghệ sĩ của Học bộ đình theo về. Tháng 5 năm 1907, Đào Tấn được triều đình cho khẩn hoang trên 100 mẫu ở hai thôn Phú Hòa và Xuân Quang. Hạn hai năm thành ruộng, trích ba phần giao cho hai thôn ấy, còn bảy phần được làm ruộng tư nộp thuế.(5)
Cũng từ sự kiện này mà đại diện cho sĩ phu Bình Định viếng Hậu tổ Tuồng, Nguyễn Bá Huân đã chấp bút:
Trừu trâm quy lão dĩ tam đông, bách ưu vô phục lụy, phò trượng Xuân Quang biệt lũy, Phương Thái linh phong, mỗi phùng giai tiết tương yêu, hứa đa thành trái.
Hàm lụy đàm tâm tài thất nhật, nhất bệnh hồ trường từ, khu xa Vinh Thạnh lý môn, Huỳnh Mai cao trủng, đồ thán cố nhân an tại, năng bất thương tình.
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch đã dịch:
Rút trâm về lão đã ba đông, trăm nỗi lo âu thôi vướng dạ, nương gậy đến Xuân Quang bờ cát, Phương Thái núi thiêng, những mong giai tiết chung vui, hẹn nhiều nên nợ.
Ngậm lệ tỏ lòng mới bảy bữa, một lần đau ốm vội chia tay, vịn xe qua Vinh Thạnh cổng làng, Huỳnh Mai cửa mộ, đành để cố nhân an nghỉ, nghĩ lắm thêm thương!
Đào Tấn về hưu giao tiếp với Nguyễn Bá Huân chỉ có ba năm. Việc khẩn ruộng ở Xuân Quang, Phú Hòa chỉ ba tháng thì Đào Tấn tạ thế. Nhưng với giao tình của Kẻ Sĩ, Mộ Chân Sơn Nhân Nguyễn Bá Huân đã nhận chân công việc be bờ đắp ruộng của ông quan soạn Tuồng Đào Tấn. Họ Nguyễn thôn Vân Sơn chấp bút viết đối viếng tuyệt hay. Cái thống thiết của cả câu đã đành. Cái tuyệt diệu các địa danh trong câu đã nêu bật cái cốt cách của Đào Tấn, người đã dùng biệt hiệu “Tiểu Linh Phong Mai Tăng”.
+ Xuân Quang biệt lũy [春光别壘].
Nơi Đào Tấn khẩn ruộng. Ruộng be bờ như thành lũy, một chiến lũy khác biệt trong mình đối phó với nhiễu nhương.
+ Phương Thái linh phong [芳泰𩄇峯].
Chùa Ông Núi ở Phương Thái, núi thiêng mà Đào Tấn về đây giấu mình, lánh nạn hỗn quân hỗn quan khi kinh thành Huế thất thủ.
+ Vinh Thạnh lý môn [荣盛里門].
Cổng làng Vinh Thạnh, hương quán của Đào Tấn.
+ Huỳnh Mai cao trủng [黃梅髙冢].
Mộ núi Huỳnh Mai, Đào Tấn đã yên nghỉ ở đây.
Đương thời có người từng trách Đào Tấn giấu mình nơi Linh Phong tự, sao không ứng nghĩa Cần vương nổi dậy ở địa phương. Nhưng lớp hậu bối đã xem Hậu tổ Tuồng Đào Tấn là Kẻ Sĩ Đất Thang Mộc, đã cảm khái mối giao tình giữa Kẻ Sĩ với nhau. Nguyễn Bá Huân đã nhận ra bóng dáng Biệt lũy ở Xuân Quang. Vốn mến chuộng chân thật – Mộ Chân Sơn Nhân Nguyễn Bá Huân thỏa lòng mà viết câu đối viếng: “Ai cũng có chiến lũy khác biệt trong người để ứng phó với trò đời nhiễu nhương”. Huống chi ông quan làng Vinh Thạnh đã từng tuyên bố:
Sự đô như hý, hà tu giả xứ tiếu phi chân.
(Trò đời đều như kịch, đừng cười giả ấy chẳng là chân).
PHAN TRƯỜNG NGHỊ
Chú thích:
(1) Tr 327 Thực Lục, Tập IX.
(2) Tr 21 Ngục Trung Thư.
(3) Tr 39 Phan Bội Châu Niên Biểu.
(4) Tr 26 & 27 Phan Bội Châu Niên Biểu.
(5) Mục1446 Thực Lục Phụ Biên Đệ Lục Kỷ.
Tham Khảo:
+ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, Viện Sử học, Nxb Giáo Dục 2001.
+ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Phụ Biên Đệ Lục Kỷ, Cao tự Thanh dịch, bản pdf.
+ Phan Bội Châu Tự Phán, Phan Bội Châu Niên Biểu, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, Sài Gòn 1971.
+ Phan Bội Châu, Ngục Trung Thư, bản dịch Đào Trinh Nhất, Nippon Bunka Kaikan Hà Nội 1945, bản pdf.
+ Đặng Quý Địch, Chuyện Cũ Kẻ Sĩ Bình Định, Nxb Văn Hóa Dân Tộc 2009.
+ Vũ Ngọc Liễn, Liệt Truyện Kẻ Sĩ Đất Thang Mộc, Nxb Đà Nẵng 1997.