Đào Tấn và gia đình Nguyễn Tất Thành

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Trong những năm 1948 – 1953, nhà văn Sơn Tùng may mắn được ở gần hai cụ Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm, chị ruột và anh ruột Bác Hồ. Ông được hai cụ kể cho nghe nhiều chuyện về gia đình, về ông bà ngoại, về cha mẹ, về Bác Hồ thời niên thiếu. Trong những câu chuyện của hai cụ, nhất là của cụ Nguyễn Sinh Khiêm, các cụ nhắc nhiều đến quan Tổng đốc, quan Thượng thư Đào Tấn, như một người rất thân thiết và một ân nhân của gia đình mình.

Trong Tứ hổ Nam Đàn, cụ Đào Tấn có quan hệ thân thiết và lâu bền nhất với ông Nguyễn Sinh Sắc có lẽ là vì dù cách xa nhau về tuổi tác, địa vị nhưng hai người khá giống nhau về gia cảnh, về cốt cách, về quan niệm nhân sinh. Cụ Nguyễn Sinh Khiêm không biết cha mình quen với cụ Đào Tấn tự khi nào nhưng cụ nhớ từ lúc làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ nhất, Đào Tấn từng về làng Chùa thăm cha và đàm đạo cùng ông ngoại Hoàng Xuân Đường khi cụ Đường còn sống (cụ Đường mất năm 1893). Ông Nguyễn Sinh Sắc trở thành tri kỷ vong niên của cụ Đào kể từ năm 1895, khi đưa gia đình vào Huế dự thi Hội. Đó là khi quan Thượng thư Đào Tấn (lúc này cụ Đào đã về triều và lần lượt đảm nhận các chức vụ Thượng thư bộ Binh, Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Công) hay đến chơi nhà chàng cử nhân nghèo học tài thi phận Nguyễn Sinh Sắc. Chính ngôi nhà của gia đình Nguyễn Sinh Sắc ở Đông Ba cũng là do cụ Đào Tấn cùng Cao Xuân Tiếu, con cụ Cao Xuân Dục, cùng góp phần tạo dựng nên. Cuối năm 1895, sau khi Nguyễn Sinh Sắc trượt kỳ thi Hội khoa Ất Tỵ, cụ Đào Tấn và cụ Cao Xuân Dục đã can thiệp để đưa ông Sắc vào Huế theo học trường Quốc Tử Giám, một trường thường chỉ dành cho con cháu tôn thất và quan lại cao cấp triều Nguyễn, để vừa tích lũy kiến thức vừa có học bổng đỡ phần khó khăn. Năm 1898, ông Sắc lại trượt trong kỳ thi Hội khoa Mậu Tuất, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn, cụ Đào Tấn đã bàn bạc với ông Nguyễn Viết Chuyên, một cộng sự dưới quyền trong bộ Hình, đón ông Sắc về nhà ông Chuyên ở làng Dương Nỗ để dạy cho con trai mình sắp dự thi Hương và mở lớp dạy học tại nhà ông Nguyễn Sĩ Độ để ông Sắc có thêm thu nhập.

Không chỉ riêng cụ Đào Tấn mà cả gia đình vị thượng thư triều đình này cũng qua lại thân thiết với gia đình ông cử nghèo Nguyễn Sinh Sắc. Năm Canh Tý (1900), ông Sắc được cụ Trần Đình Phong chọn đi làm thư ký kỳ thi Hương tại Thanh Hóa, đem theo Nguyễn Sinh Khiêm. Nguyễn Tất Thành ở lại Huế cùng với mẹ. Thời gian này bà Hoàng Thị Loan sinh thêm Nguyễn Sinh Nhuận, tự Tất Danh, thường gọi là bé Xin. Do quá lao lực một thời gian dài nuôi chồng nuôi con trong tình cảnh hết sức thiếu thốn cực nhọc, lại mất sức khi sinh nở, bà Loan đã ngã bệnh nặng và đột ngột qua đời vào ngày 23 tháng Chạp, chỉ trước khi sang năm mới Tân Sửu 7 ngày. Một mình Nguyễn Tất Thành khi đó mới 10 tuổi phải vừa lo tang mẹ vừa lo nuôi đứa em thơ. Lúc này, cụ Đào Tấn cũng đã ra lại Nghệ An. Chính hai người con trai của cụ Đào Tấn là Đào Thụy Thạch và Đào Nhữ Tuyên, đã cùng cha con Ngô Huệ Liên, Ngô Đức Kế, các học trò của ông Sắc tại Huế và bà con xóm giềng ở Đông Ba tận tình giúp Nguyễn Tất Thành lo chu toàn đám tang bà Hoàng Thị Loan và nuôi nấng bé Xin. Sau đám tang bà Loan, gia đình cụ Đào Tấn ở Huế đã đón anh em Nguyễn Tất Thành về ở nhà mình để đỡ bớt khó khăn trong khi chờ cha và anh về.

Sau này, khi ông Sắc đỗ Phó bảng trong kỳ thi Tân Sửu (1901), cụ Đào Tấn khi ấy đang làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai đã tổ chức đón tiếp vị tân đại khoa xứ Nghệ và tri kỷ vong niên mà cụ rất trọng thị tại Vinh. Cụ Đào Tấn còn về tận làng Kim Liên, làng Chùa để chúc mừng ông Sắc và gia đình. Hiểu gia cảnh của ông Sắc, cụ Đào Tấn đã gửi văn bản về triều đình xin hoãn việc bổ quan cho ông Sắc để ông ở lại quê nhà làm tròn chữ hiếu với mẹ vợ già yếu.

Cụ Nguyễn Sinh Khiêm cho biết cụ Đào Tấn rất quý mến và kính trọng thân mẫu Hoàng Thị Loan, cụ thường gọi mẹ ông là “từ mẫu”, là “hiền thê minh đức”. Cụ cũng rất quý mến hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Tất Thành, nhất là cụ rất chú ý tới Nguyễn Tất Thành và hay dành thời gian trò chuyện với Nguyễn Tất Thành khi đến nhà chơi, bất ngờ trước nhiều câu hỏi của Tất Thành, khen Tất Thành có nhiều thiên tư đáng quý, sớm bộc lộ “chí lớn”, “trí lực to lớn” ngay từ tuổi thiếu niên và tin rằng nếu được hướng dẫn để chọn được con đường học tập rèn luyện đúng đắn, tất sẽ lập nên nghiệp lớn không chỉ cho gia đình mà còn cho nước cho dân.

Tình bằng hữu thân thiết, chung thủy, không phân biệt tuổi tác, địa vị, đẳng cấp giữa cha và cụ Đào Tấn, những lần được hầu nước, thuốc cho cha cùng cụ Đào Tấn và bạn bè bình văn, đàm đạo việc nước việc nhà; những lần được theo cha đi xem hát tuồng tại dinh Tổng đốc Nghệ An hay tại Thành Nội Huế, đã đem lại cho cụ Khiêm và Tất Thành những bài học làm người sâu sắc, khó quên. Chính tại căn nhà nhỏ của gia đình mình ở Huế, Sinh Khiêm và Tất Thành đã được nghe cụ Đào Tấn đọc câu đối viếng Phan Đình Phùng và bài thơ Khóc Phan Đình Nguyên cũng như nhiều bài thơ chí tình chí nghĩa, tràn đầy tinh thần yêu nước thương nòi, căm thù bọn xâm lược. Từ đó, nhiều câu thơ như thế của cụ Đào đã khắc sâu trong tâm khảm Tất Đạt, Tất Thành.

Theo tài liệu nhà văn Sơn Tùng ghi chép được từ những lời kể của cụ Nguyễn Sinh Khiêm thì trong đời mình, Nguyễn Tất Thành có ba lần về quê hương Đào Tấn, trong đó lần theo cha vào làm tri huyện Bình Khê là lần thứ ba, ba cha con cụ đến Bình Định.
Lần thứ nhất là vào khoảng tháng 8 năm 1905. Đó là khi ông Sắc đem theo hai con vào kinh đô Huế để chờ bổ quan, theo trí nhớ của cụ Khiêm thì vào thời điểm cầu Trường Tiền vừa sập. Về đến Huế, ông Sắc được biết để cô lập vị vua yêu nước, bất khuất, có mưu đồ phục quốc Thành Thái, thanh trừng những người thân tín của ông, cụ Đào Tấn đã bị bọn gian thần tay sai và Khâm sứ Pháp vu cáo, buộc về hưu và cụ đã về quê hương Bình Định từ cuối năm 1904. Thế là sau khi tạm thu xếp công việc ở Huế, Nguyễn Sinh Sắc đã cùng hai con lặn lội vượt trăm dặm vào Bình Định về làng Vinh Thạnh thăm cụ Đào Tấn. Cụ Khiêm còn nhớ quê cụ Đào Tấn là một làng quê rất đẹp, thanh bình. Không giống với nhà nhiều thượng quan triều Nguyễn mà cụ đã từng đến, ngôi nhà cụ Đào Tấn là một ngôi nhà gỗ mái tranh như nhiều ngôi nhà bình thường khác trong làng. Đặc biệt, nhà cụ có một khu vườn rất đẹp. Cụ Khiêm nói đường vào nhà cụ Đào không có trúc nhưng cụ tưởng như đang đi trong ngõ trúc. Cụ Khiêm nhận xét: Đúng là nhà một vị quan đầu triều thanh bần, cái thanh bần mà phụ thân Nguyễn Sinh Sắc từng nói với các con “Thanh bần thường lạc, phú quý đa ưu”. Lần đó, khi ông Sắc và cụ Đào Tấn cùng đàm đạo việc nước việc quan, hai anh em Sinh Khiêm, Tất Thành dạo chơi vãn cảnh quê hương cụ Đào. Tất Thành đã nói với anh: “Đức ông có một quê hương thật đẹp và một cuộc sống thật thanh cao nên mới có thể làm thơ hay như thế”.

Lần thứ hai, ba cha con về Bình Định là sau rằm tháng Bảy năm 1907, sau khi được tin cụ Đào Tấn tạ thế tại quê hương. Khi ấy, ông Sắc đã nhận chức thừa biện bộ Lễ được hơn một năm. Cụ Khiêm kể rằng trong năm 1907, ông chứng kiến hai lần cha cụ thức trắng đêm thắp hương và ngồi một mình lặng lẽ khóc trước bàn thờ. Đó là ngày vua Thành Thái bị buộc thoái vị và ngày nhận được tin cụ Đào mất. Biết tin cụ Đào mất, nhiều vị quan quê xứ Nghệ tại triều như Ngô Huệ Liên, Ngô Đức Kế, Cao Xuân Tiếu, Phạm Khắc Doãn… đã hội tụ tại nhà ông Sắc để cùng bàn bạc làm câu đối viếng cụ nhân danh văn thân An Tĩnh. Ông Sắc được giao chấp bút và đã dồn hết tâm sức để hoàn thành một câu đối vừa thu tóm được sự nghiệp lớn lao của cụ Đào trong mười năm ở An Tĩnh vừa thể hiện được lòng thương tiếc sâu sắc của người xứ Nghệ với cụ. Sau đó, ông Sắc lại cùng hai con và hai cha con ông Phạm Khắc Doãn, Toản tu Quốc sử quán, một người đồng hương xứ Nghệ, bạn thân của ông Sắc, rất yêu mến cụ Đào, vào dâng câu đối mang tấm lòng thành kính tiếc thương của người xứ Nghệ lên bàn thờ cụ tại nhà cụ. Ba cha con ông Sắc cùng hai cha con ông Phạm Khắc Doãn, Phạm Gia Cần đã ra tận mộ cụ Đào trên núi Hoàng Mai viếng cụ. Trước mộ cụ Đào Tấn, cụ Khiêm nhớ cha cụ đã nói với hai con: “Các con hãy học tấm gương của cụ Thượng Đào mà rèn chí lập thân. Cụ Thượng là người đã sống trọn vẹn theo câu châm ngôn của người xưa “Kỳ ấu giả duy phụ mẫu sở hữu chi thân, ký tráng giả duy quốc gia sở hữu chi thân, kỳ lão giả chi hậu thế sở hữu chi thân”. Sau đó, cha con ông Phạm Khắc Doãn, Phạm Gia Cần lên đường về Huế trước còn ba cha con ông Nguyễn Sinh Sắc thì xuống Quy Nhơn thăm một người bạn, thầy giáo Phạm Ngọc Thọ, người thầy từng dạy ở Trường Pháp Việt Đông Ba Huế vừa được điều vào dạy ở trường Pháp Việt Quy Nhơn…

Lễ kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khánh thành tượng đài
Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành được tỉnh Bình Định tổ chức tối 18.5.2017 tại TP. Quy Nhơn. Ảnh: T.L

Lần thứ ba, ba cha con ông Sắc đến Bình Định, như chúng ta đã biết, là khi ông Sắc được điều vào làm giám khảo cuộc thi Hương ở trường thi Bình Định và sau đó được bổ nhiệm làm tri huyện Bình Khê (khoảng cuối tháng 5.1909). Về sự kiện đến Bình Định lần thứ ba của ba cha con, theo ghi chép của nhà văn Sơn Tùng, cụ Nguyễn Sinh Khiêm có kể một chi tiết rất đáng chú ý: trước khi cha cụ chính thức đến Bình Định vì công vụ thì Nguyễn Tất Thành đã được cha gửi đến Quy Nhơn theo học tiếng Pháp tại nhà thầy Phạm Ngọc Thọ từ đầu năm 1909. Với chi tiết này, chúng ta có thể thấy hai điều:

Một là, tuy đã được chính thức nhận vào học lớp trung đẳng trường Quốc học Huế vào tháng 8.1908, nhưng cả ông Sắc và Nguyễn Tất Thành đều không mặn mà lắm với cái “vinh dự” được vào cái nơi được gọi là “thiên đường trường học” này, cái trường có mục đích đào tạo các viên chức cho bộ máy cai trị thuộc địa của người Pháp. Vốn là người tôn trọng “thực học”, ông Sắc muốn tìm cho con mình có một cách học khác, ngắn hơn, hiệu quả hơn cho cái đích mà ông và Tất Thành đã thầm hướng đến: sang Pháp sang phương Tây để tìm đường lập thân, cứu nước.

Hai là, ông Sắc đã biết trước là mình sẽ vào làm việc ở Bình Định một thời gian dài. Việc ông đến Bình Định làm tri huyện Bình Khê dường như là việc đã được chuẩn bị một thời gian khá lâu trước khi ông chính thức đến đây nhận chức.

Theo cụ Nguyễn Sinh Khiêm thì việc đến Bình Định nhận chức tri huyện Bình Khê không chỉ là việc phân bổ ngẫu nhiên của triều đình mà là lựa chọn của cha cụ. Khoảng thời gian cuối 1908, bộ Lại thông báo có hai chức quan khuyết: tri phủ Bình Giang (Hải Dương) và tri phủ đồng tri huyện Bình Khê và bộ này có ý điều ông Sắc ra nhận chức ở Bình Giang, nhưng ông Sắc đã nhờ cụ Cao Xuân Dục (lúc này đã ở trong hội đồng phụ chính) giúp cho ông về Bình Khê. Trong những lúc cha bàn bạc với những đồng sự thân thiết, cụ Khiêm nghe cha nói ông muốn về với quê hương cụ Thượng Đào, nhất là được về với đất của Tây Sơn dựng nghĩa.

Cụ Khiêm nhớ cha vào làm tri huyện Bình Khê được ít lâu thì Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn lên thăm cha và anh. Thành đến huyện đường Bình Khê vào cuối một buổi chiều. Khi thấy Thành, cha cụ mừng lắm, nhưng ngay sau đó đã nghiêm mặt hỏi Thành: “Sao không lo học hành mà tốn thời gian tìm lên đây làm chi”. Thành trả lời: “Con chỉ tranh thủ lên thăm cha và anh ít hôm”. Tất Thành chỉ ở lại Bình Khê vẻn vẹn 3 ngày. Trong ba ngày đó, anh em cụ lần đầu tiên được cùng nhau đọc tác phẩm Không gia đình của H.Malo, cùng nhau đi ngắm cảnh sông Côn, thăm làng Kiên Mỹ của Tây Sơn tam kiệt, làng Phú Xuân của nữ tướng Bùi Thị Xuân…

Trong cái đêm cuối cùng Tất Thành được ở bên cha trong đời, cụ Khiêm đã nghe cha trò chuyện với Tất Thành nhiều điều. Ông bảo Tất Thành phải cố gắng hoàn thành chương trình tiếng Pháp ở nhà thầy Thọ, rồi tiếp tục đi về phương Nam, tìm cách thực hiện cho được chí hướng của mình. Ông viết thư gửi gắm Thành với ông Hồ Tá Bang, ông Trần Lệ Chất, những người sáng lập Liên Thành Thương Quán ở Phan Thiết. Rồi dường như dự cảm trước tai họa mà ông sẽ phải gánh chịu vài tháng sau đó vì hành động bảo vệ công lý, bênh vực dân lành của mình, ông dặn Nguyễn Tất Thành, rất kiên quyết: “Con phải tiếp tục đi xa. Dù có chuyện gì xảy đến với cha thì cũng đừng bao giờ quay trở lại tìm cha. Nước mất hãy đi tìm nước, chớ vướng bận vì cha”. Và ông nhắc lại với Thành điều ông đã từng nói với Thành và Đạt trước mộ cụ Đào Tấn hai năm trước: “Kỳ tráng giả duy quốc gia sở hữu chi thân”. Nước mất hãy đi tìm nước, phải hiến dâng toàn bộ tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, cho nhân dân. Sáng hôm sau, Nguyễn Tất Thành rời Bình Khê trở về Quy Nhơn với những căn dặn tâm huyết đó của cha. Và những điều cha dặn ngày ấy trên đất Bình Định, trên quê hương của Nguyễn Huệ và Đào Tấn, đã được Nguyễn Tất Thành mang theo mãi trong tim và thực hiện trọn vẹn trong suốt cuộc đời tuyệt đẹp của mình.

(Viết sau những lần trò chuyện với nhà văn Sơn Tùng về Đào Tấn)

NGUYỄN THẾ KHOA

(Văn nghệ Bình Định số 97 tháng 5.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nói với con hay tự nói với mình

Bài thơ “Sớm mai con vào lớp ba” Y Phương viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết…

Văn học và âm nhạc Nga trong tôi

Bây giờ, mỗi khi đọc lại thơ Puskin, thơ Lermantov, thơ Blok hay thơ Êxênhin, tôi vẫn cảm nhận được mùi hương đặc biệt của những cánh đồng Nga, vị ngọt của gió…

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…