(VNBĐ – Nghiên cứu & phê bình). Theo Đại Nam liệt truyện – Tiền biên, ngài Đào Duy Từ là người huyện Ngọc Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hóa, con của người kép hát tuồng là Đào Tá Hán. Ngài là người đĩnh ngộ thông minh, đọc rộng kinh sử, giỏi văn chương, rất giỏi về lý học, thuật số. Ngài đã từng tham gia kỳ Hương thí dưới triều Lê, nhưng vì là con nhà ca xướng nên đã bị gạt tên. Phẫn uất, ông bèn bỏ về và lập chí đi vào Nam theo lời hiệu triệu và chiêu hiền đãi sĩ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Tới huyện Võ Xương ở hơn một tháng, người vùng đó chưa biết, nghe Khám lý Trần Đức Hòa là người thân tín của chúa liền đến đó, giả làm kẻ chăn trâu cho nhà phú ông ở thôn Tùng Châu.
Hành trạng của Đào Duy Từ sau mốc sự kiện ấy cho đến nay vẫn để lại những dấu hỏi trong sử sách. Ông đã làm gì, ở đâu, trong thời gian nào… các câu hỏi ấy không thể tìm được một lời giải đáp chân xác bởi những mờ tối của sử liệu đã che lấp phần nào. Chính sử ghi chép về cuộc đời của Đào Duy Từ chủ yếu trên những nét đại thể, hình ảnh của ông hiện diện trong hậu thế căn bản trên cơ sở của sự kết nối rất nhiều các giai thoại khác. Theo dã sử, một hôm, phú ông đặt tiệc đãi các danh sĩ uống rượu, ngâm thơ làm vui, Đào Duy Từ chiều chăn trâu về, cầm roi đứng trước tiệc, cùng bọn họ bàn chuyện cổ kim cùng kinh sử bách gia, không chuyện nào không thông suốt, mọi người đều kính lạ. Phú ông đem chuyện này thưa lại với quan Khám lý. Ngài Đức Hòa nói chuyện với Đào Duy Từ, thấy tài học rộng, biết nhiều, rất làm lạ và yêu mến, bèn lưu lại làm môn khách và gả con gái cho. Đào Duy Từ thường ngâm một thiên Ngọa long Cương vãn bằng Quốc âm, lấy chuyện Gia Cát Lượng để ví với cảnh ngộ của mình hiện tại.
Năm Đinh Mão, Hy Tông Hiếu Văn hoàng đế (tức chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) thứ 17 (1627), quân Nguyễn đánh bại quân Trịnh ở sông Nhật Lệ. Trần Đức Hòa nghe tin thắng trận bèn vào Kinh chúc mừng và dâng bài Ngọa Long cương vãn. Chúa thấy làm lạ và cho vời Đào Duy Từ vào bệ kiến, dùng lễ đối đãi với nhau, trò chuyện tâm đầu ý hợp, lập tức phong Nội tán Vệ úy, tước Lộc Khê hầu. Ngài thường được chúa triệu vào cung để bàn luận chính sự. Đào Duy Từ đã đem tài học uẩn súc của mình mà ra sức tham mưu, cố vấn cho chúa trong tất cả các phương diện. Ông kiến nghị không nộp thuế cho họ Trịnh, không nhận sắc phong và đắp lũy Trường Dục, sau tiếp tục cho đắp Lũy Thầy làm phên giậu ngăn chặn quân Trịnh vào xâm lấn. Ngài tham chính được tám năm thì mất. Văn tài võ lược được xếp vào hàng khai quốc công thần. Sau khi mất được phong Phúc thần, lập đền phụng tự. Năm Gia Long thứ 4 (1805) được liệt vào hàng thượng đẳng công thần, cho tòng tự tại Thái miếu, cấp 15 mẫu tự điền, 02 người mộ phu, ấm thụ cho cháu là Đào Duy Tình làm Cai Hạp (Hiệp), nối đời tập chức Đội trưởng coi việc phụng tự. Năm Minh Mệnh thứ 12 được truy tặng chức Thái sư, tước Hoằng quốc công. Tác phẩm chính của ông được truyền thế là Sơn Hậu, Ngọa Long Cương vãn, Tư Dung vãn và Hổ trướng khu cơ – một bộ binh thư quan trọng trong lịch sử quân sự Việt Nam.
Tài năng của Đào Duy Từ chỉ được phát huy và trọng dụng trong tám năm cuối cùng của cuộc đời, nhưng với tám năm ấy, Đào Duy Từ đã tạo nên cho Đàng Trong những thay đổi đại cục. Ông được công nhận là vị khai quốc công thần của vương triều Nguyễn sau này. Hiện tại, hầu hết các công trình tổng tập văn học lớn đều có những ưu tâm đúng mức tới những giá trị văn học mà Đào Duy Từ đã tạo lập được. Tuy nhiên, trong thực tế khảo sát, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy chưa có những nghiên cứu nào giải quyết một cách thỏa đáng một vấn đề vốn đã được rất nhiều người nói đến, đó là Đào Duy Từ với tư cách là người hoạch định những bước phát triển đầu tiên cho văn học Hán Nôm miền Nam Trung bộ. Đào Duy Từ có cơ hội được cống hiến trong một xã hội phóng khoáng và có chiều hướng dung nạp nhiều hơn là ly khai, ít quan tâm đến thành phần xuất thân như quan niệm chiêu hiền đãi sĩ của các chúa Nguyễn và được kiến tạo bởi một cơ cấu dân cư hết sức bình dân của nó. Đó là một xã hội đang khao khát nhân tài, nhất là những người có năng lực kinh bang tế thế. Và đó cũng là một xã hội đang vận hành theo chiều hướng ly tâm với mô hình chuyên chế của Đàng Ngoài đã tạo điều kiện cho sự dung nạp dễ dàng hơn với những quan điểm và suy nghĩ mới. Và cũng trên nền tảng văn hóa, xã hội và chính trị ấy, chúng ta ghi nhận sự xuất hiện đầy ấn tượng của mẫu hình “người anh hùng thời loạn” trong sáng tác của Đào Duy Từ như một tuyên ngôn cá tính.
Về phương diện văn học, những sáng tác của Đào Duy Từ như vở tuồng Nôm Sơn Hậu, Ngọa Long cương vãn (Đại Nam thực lục ghi là Ngọa Long cương ngâm), Tư Dung vãn… có thể được ghi nhận là những tác phẩm văn học Hán Nôm cơ bản của của miền Nam Trung bộ thời kì này và ông cũng là người khởi phát cho một dòng chảy văn học địa phương mới trong văn học mới kể từ sau khi các chúa Nguyễn xưng vương. Đó là bộ phận quan trọng mà Nguyễn Văn Sâm gọi là văn học Nam Hà (Văn học Đường Trong). Trước tác của Đào Duy Từ, bên cạnh Hổ trướng khu cơ là một tác phẩm binh pháp được viết bằng chữ Hán mà hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được thẩm định lại và hai bài vãn Ngọa Long Cương vãn và Tư Dung vãn đều được viết bằng chữ Nôm, thì một bài thơ vô đề được chép trong Nam triều công nghiệp diễn chí gồm cả hai bản Nôm và Hán. Bài thơ này là một trong những sáng tác hiếm hoi để ta thấy được sự nghiệp văn chương Hán Nôm còn khá khiêm tốn của ông. Nhưng giá trị và tài năng văn học của Đào Duy Từ lại chủ yếu được ghi nhận bởi những sáng tác của ông từ trước khi phục vụ cho chúa Nguyễn, những thi phẩm ông đã viết ra trên chặng đường đầu đầy gian nan của cuộc hành trình đi tìm minh chúa và môi trường để có thể thi triển tài năng, đó là Ngọa Long Cương vãn và Tư Dung vãn.
Giống như Ngọa Long Cương vãn, Tư Dung vãn về cơ bản cũng dụng thể lục bát mà ký thác nội dung, duy có khác biệt ở chỗ đan xen thêm bảy bài thơ viết theo nhiều thể: tứ tuyệt, thất ngôn, bát cú, ngũ ngôn…, tác giả viết ra chủ ý ca ngợi vẻ đẹp của cửa biển Tư Dung, nơi chúa Nguyễn định đô Nam Hà, đồng thời gửi gắm tâm sự của kẻ sĩ có chí hướng lập thân, những mong được nhập thế giúp đời. Mở đầu bài vãn, khung cảnh cửa biển Tư Dung hiện lên trong tầm nhìn rộng, tưởng như người viết đang bao quát tầm mắt ôm trọn những cảnh mỹ lệ của thiên nhiên đầy màu sắc. Có thể nói, với vai trò và vị trí khá đặc biệt trong tiến trình văn học sử cổ điển Việt Nam và thời đoạn thế kỉ XVII, Đào Duy Từ là người hoạch định những bước tiến quan trọng cho vùng văn học Hán Nôm miền Nam Trung bộ.
Ngọa Long Cương vãn và Tư Dung vãn là những tác phẩm văn học đầu tiên bù lấp cho khoảng trống hơn 150 năm của văn học Nam Trung bộ kể từ thời điểm được coi là mốc thời gian đánh dấu sự định hình một cách rõ nét diện mạo của vùng đất này. Sự tiến triển của văn học Hán Nôm vùng Nam Trung bộ nói chung và Bình Định nói riêng từ 1470 đến 1613 tuy diễn ra chậm chạp nhưng không hề bị đứt gãy. Dưới những tác động lịch sử nhiều mới mẻ đã kích hoạt cho một quá trình chọn lọc và tích tụ các tố chất nổi bật để định hình nên những sắc thái riêng biệt của văn học Nam Trung bộ sau những cống hiến của Đào Duy Từ. Những sáng tác của Đào Duy Từ với vị trí là những thành tựu tiên phong của văn học Hán Nôm Nam Trung bộ đã hội tụ khá nhiều đặc điểm mang dấu vết của sự luân chuyển và dần dần hội nhập văn hóa, văn học từ miền Bắc, Bắc Trung bộ vào phía Nam đèo Hải Vân trong giai đoạn đầu phát triển của văn học khu vực Nam Trung bộ.
TS. VÕ MINH HẢI