Cửa sau

(VNBĐ – Tản văn). Lối kiến trúc ngôi nhà có sân vườn của người Việt tự ngày xưa luôn có cửa sau. Không đơn thuần là lối thoát hiểm, mà hơn cả thế, là lối mở ra không gian sinh tồn phía sau nhà. Cửa sau dẫn ra giếng nước, bên thềm giếng có chiếc vại sành chứa đầy nước trong veo mát lành. Giải cơn khát, chỉ cần mở nắp vại, dùng gáo dừa múc nước, ngửa cổ tu ừng ực mặc cho dòng nước chảy tràn xuống cổ, thấm qua lần áo rượi mát cả người. Cuối ngày nắng nóng, đàn ông con trai quần cộc mình trần kéo từng gàu nước mát dội từ đầu tắm táp. Trẻ con, được người lớn lấy và dội nước giúp. Mắt nhắm, tay xoa cho dòng nước ngấm tràn da thịt như trút bỏ mọi sự nhớp nhơ, bụi bặm mà tận hưởng sự thanh sạch như chưa từng. Đêm xuống, trong gian nhà tắm đơn sơ vách ván hoặc phên tre che chắn, người phụ nữ dội từng gáo nước dừa múc ra từ chum vại sành. Quanh thềm giếng luôn xõa bóng khóm chuối hột, chuối già hương. Tránh lá khô rơi vào lòng giếng làm bẩn nguồn nước, người ta ít khi trồng loại cây nào khác ngoài cây chuối gần giếng nước. Nước sinh hoạt đi ra từ thềm giếng cho khóm chuối tốt tươi vươn lá, trĩu buồng. Trưa hè, lũ gia cầm cũng tranh với người tìm bóng râm, hơi nước đến đây trốn nắng.

Cửa sau dẫn ra vườn sau có chuồng nuôi heo cách không quá xa giếng nước. Nước dùng tắm mát đàn heo. Nước dùng nấu cám heo; làm “dung môi” khuấy loãng rau, cám, cháo. Thực phẩm nuôi con heo ốm đói ngày ấy, bây giờ gọi là nuôi heo sạch, người tiêu dùng rất chuộng.

Vườn sau dù rộng dài đến mấy gia chủ cũng không xây cất chuồng nuôi trâu, bò. Được lý giải, phía Tây phòng (bên trái ngôi nhà ngang) là nơi dành riêng cánh đàn ông con trai ngủ nghỉ, thuận tiện hơn cho việc chăm sóc, trông giữ con vật “đầu cơ nghiệp”. Những ụ rơm, cây rạ theo đó cũng chen nhau đứng cạnh. Lối kiến trúc như vậy truyền đời.

Những gia đình có diện tích đất vườn rộng, cửa sau bước ra sân sau, dẫn ra vườn cây loang loáng nắng không bao giờ thiếu vắng tiếng chim, ngan ngát hương mùa quả chín. Hoạt cảnh mở ra từ cửa sau lúc nào cũng rộn. Ngạch cửa sau, bà tôi ngồi hong nắng sáng, mắt già mờ đục ngó mông lung vào xa xăm ký ức. Cửa sau, buổi nông nhàn mẹ tôi ngồi hong tóc nắng gió đồng lên cho dịu bớt nỗi nhọc nhằn. Cha tôi in dáng ngồi thảnh thơi trên nền đất nhẵn thín dưới gốc mít già râm bóng vót những chiếc nan tre dành đan vật dụng cần thiết cho gia đình, gồm cả ngư cụ đánh bắt thủy sản.

Cửa sau, gian bếp khói lùa đưa hương cơm sôi chín tới, thức món dân dã cũng dậy mùi cho cái đói cồn cào, cho hoài thương đọng nhớ bước chân người xa quê. Chiều chưa tắt nắng, nơi sân sau đàn gia cầm lao xao quẩn quanh chân người thường chăm sóc chúng tìm bữa. Đàn heo đồng thanh lên tiếng đòi ăn. Chim trời đảo quanh trên những ngọn cây tìm nơi trú qua đêm rộn ràng đua tiếng. Không gian buổi hoàng hôn nơi thôn dã dẫu nhuốm màu trầm mặc nhưng trôi qua rất nhanh, chẳng kịp gợi nỗi niềm.

Cửa sau, cái thời lề thói cổ hũ nặng nề, bày chuyện đón dâu về qua cửa sau. Tề gia, yên nhà đâu chẳng thấy, chỉ đọng lại nỗi buồn đi suốt cuộc đời người phụ nữ về nhà chồng bước qua cửa sau.

Sống nơi phố thị đất chật, người đông, sau nhà không có cửa nữa. Tôi da diết nhớ không gian, hoạt cảnh diễn ra từ cửa sau nhà mình có hương cau ngan ngát, trăng sương dát ngọc trên từng phiến lá. Những đêm tối trời, tiếng con chim cú cuối vườn men theo cửa sau vọng vào giấc ngủ rờn rợn chuyện ma mị, xui xẻo.

“Cửa sau” đã chuyển nghĩa, động từ hóa ra hành vi tham nhũng, cậy nhờ, chạy chọt làm Nhà nước thất thoát hàng tỷ tỷ đồng; mồ hôi, nước mắt người dân chảy vào tư túi. “Cửa sau”, quan tham vướng vòng lao lý, đánh mất thanh danh; người dân giảm sút niềm tin vào bộ máy công quyền. Sự nể trọng, thương quý nhau cũng theo đó mà giảm sút.

Cửa sau có muốn thế đâu. Bức tranh không gian dung dị, âm thanh bình thường, thân ái và tin yêu mới thuộc về cửa sau!

NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Duyên nợ trùng sinh

Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can…

Thơ dự thi của Thái An Khánh

An Nhơn ẩn vào ta bằng ngôn ngữ của lúa
đôi vai của mẹ gánh trĩu mặt trời
lấm tấm mồ hôi mặn mòi non nước
đất nặng nghĩa tình gieo hạt trái tim ai.