“Cú vẫn còn kêu” và hai kiểu ứng xử trong xã hội Việt Nam hiện đại

(VNBĐ – Đọc sách).  Cú vẫn còn kêu là tên một tập truyện ngắn của tác giả Trần Quang Khanh, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Bình Định. Vốn là một nhà báo kì cựu với thâm niên nghề báo trên 30 năm nên những tác phẩm đã xuất bản sớm của anh như Bình Định – Người đương thời (Phỏng vấn chân dung – 4 tác giả) và Theo dấu trâu lung (Bút ký – Phóng sự) đều gắn liền với quá trình làm báo. Có điều với một nhà báo đam mê văn chương sinh ra và lớn lên ở An Nhơn, “Miền đất thi ca” của Bình Định, dĩ nhiên anh cũng từng làm thơ, in thơ và rộn ràng thơ với tập Gió thiếu phụ. Riêng trong tập truyện ngắn Cú vẫn còn kêu, nhà văn/ nhà báo Trần Quang Khanh dàn dựng, trình hiện cái nhìn, cách nhìn hiện đại, đa chiều, giàu tính đối thoại về hai kiểu ứng xử trong xã hội ngày nay. Đó là ứng xử giữa con người với tự nhiên và với hàng xóm láng giềng. Hai kiểu ứng xử này khi tách biệt lúc đan cài trong từng truyện ngắn của anh.

Kiểu ứng xử nào thường xuyên ám ảnh, nung nấu trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn sẽ không chỉ xuất hiện ở một truyện ngắn ngẫu nhiên mà chi phối, lan tỏa, xuyên suốt cả chùm truyện ngắn. Nhờ vậy, tác giả mới có điều kiện thiết lập, trình bày quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc sống của mình một cách đa diện, tinh tế. Chùm truyện ấy, theo người viết, bao gồm: Cú vẫn còn kêu, Con Bin và hàng xóm, Đàn chim của bố Láng giềng.

Hình ảnh cây kiểng, loài vật có mặt trong chùm truyện đã dẫn với nhiều mức độ đậm nhạt khác nhau, dung chứa nhiều tầng ý nghĩa đa dạng, phức tạp, gợi nhiều suy cảm. Phần lớn chúng trở thành tâm điểm kết nối các mối quan hệ chồng chéo giữa tự nhiên và tự nhiên, giữa tự nhiên và con người. Mới hiểu vì sao nhà văn Trần Quang Khanh đã chọn tên riêng một truyện làm tên chung cả tập.

Vậy thì có thể khảo sát kiểu ứng xử giữa con người và cây con, con người và láng giềng bắt đầu từ truyện mở màn: Cú vẫn còn kêu (CVCK). Câu chuyện được kể theo trình tự thời gian tuyến tính, chia làm 8 khúc đoạn có đánh số từ điểm nhìn nhân vật xưng tôi. Có thể tóm tắt như sau: Một đêm khuya mùa hè, hai vợ chồng tôi nghe tiếng cú kêu trong khu vườn nhà. Người vợ sợ hãi; cả xóm nháo nhào lên vì tiếng cú mà họ tin là đang báo hiệu điềm dữ. Con cú bị đuổi từ vườn nhà tôi sang vườn hàng xóm cuối cùng trở lại vườn tôi và sinh ra một ổ bốn con. Tôi đi công tác xa đến khi trở về chứng kiến cảnh tượng bốn con cú con chết ba, sót lại mỗi con mù lòa vì chai thuốc sâu của anh hàng xóm. Người vợ hối hận ăn chay nằm đất; anh chồng cùng các con chăm nuôi cú con “sổ giọng trưởng thành”. Câu chuyện gắn liền định kiến xã hội xưa cũ (“Cú kêu cho ma ăn” – lời đề từ của chính tác giả) dẫn đến những hành động tàn nhẫn “quyết liệt và hằn học” của một vài cư dân trong xóm: “… chặt cây xoài từng gắn bó với ngôi nhà hằng mấy chục năm”, “ném bừa cả chai thuốc sâu vào tổ cú” nhằm giết tiệt cú con và đuổi tận cặp cú bố mẹ. Những hành động này cho thấy kiểu ứng xử “khai thác, hủy diệt thiên nhiên” vẫn đang nhơn nhơn tồn tại giữa lòng xã hội hiện đại. Người đọc chúng ta cũng bắt gặp kiểu ứng xử này ở nhân vật người kể chuyện (Đàn chim của bố) khi anh ta không chỉ một lần lên tiếng đòi “phải giết hết lũ chuột cống” mà còn từng dùng gậy sắt đánh chết “con chuột cống đầu đàn”. Ở hai tên trộm chó (Con Bin và hàng xóm/ CBVHX) luôn chủ động tấn công cả chó và người “bằng thứ vũ khí man rợ”…

May thay, trong quan hệ với thiên nhiên, cây con trong chùm truyện ngắn, còn có một kiểu ứng xử khác, nhân văn mà hiện đại. Người cha trong truyện ngắn đầu tiên đã dần dà thay đổi suy nghĩ, hành động của mình đối với gia đình chim cú. Cùng mấy đứa nhỏ trong nhà, anh cưu mang, chăm sóc cú con mù lòa khôn lớn trưởng thành. Tiếng cú kêu từ “gieo nỗi hãi hùng” cho cả xóm bắt đầu “dần quen” rồi cuối cùng “trở nên thân thiết với cả nhà tôi, cả xóm tôi”. Chó Bin (trong truyện đã dẫn) vừa gắn bó với ông chủ, “tâm tình với cô chủ” đồng thời còn nhận được sự quan tâm của cả xóm, do vậy, khi bị bọn trộm bắt đi “hình như ai trong số họ cũng cảm thấy như mình có lỗi vì đã không thể ra tay nghĩa hiệp”. Người bố về hưu, Đàn chim của bố, “chăm chim như chăm cây” đã dồn mọi cung bậc, sắc thái cảm xúc (say sưa, nuối tiếc, thú vị, buồn bã, nhớ nhung…) cho những cây kiểng, chim chóc vườn nhà. Tuy đau thương, thất thần khi biết lũ chuột cống đã tàn sát đàn chim thân yêu của mình, ông vẫn buông từng lời lạnh lùng mà thâm trầm: “Không giết hết được đâu con ạ. Mình phải chấp nhận chung sống với lũ chuột. Có điều phải biết sự nguy hại của chúng để khắc chế”.

Xâu chuỗi, hệ thống hóa các nhân vật và chi tiết nghệ thuật nêu trên có thể nhận ra ý thức sinh thái đã và đang tồn tại, chi phối ý thức nghệ thuật của tác giả chùm truyện ngắn. Ý thức sinh thái (Ecological consciousness) là “một quan niệm giá trị mới, phản ánh sự phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên”(1). “Ý thức sinh thái nhấn mạnh con người và tất cả các sinh mệnh khác đều là những thành viên bình đẳng trong hệ thống đại tự nhiên, nhân loại không phải là chủ nhân của tự nhiên, tự nhiên cũng không phải là nô lệ hoặc đối tượng tiêu dùng của nhân loại. Quan hệ giữa con người và tự nhiên là quan hệ phát triển hài hòa, cộng sinh, cùng có lợi”(2). Ra đời vào nửa cuối thế kỉ XX, cùng với ý thức thời gian, ý thức sinh thái thuộc về tinh thần/ tư duy hiện đại đang có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến văn xuôi sinh thái thế giới nói chung văn xuôi sinh thái Việt Nam đương đại nói riêng.

Trong môi trường sinh thái xưa nay, quan hệ giữa người và người vẫn là một trong những mối quan hệ lâu dài, phức tạp, đáng quan tâm nhất. Xã hội ngày càng phát triển cộng với nhu cầu ăn ở, làm lụng, chuyện mỗi người “một kiểng hai quê” ngày càng phổ biến, bình thường. Mối quan hệ hàng xóm láng giềng xưa kia dần dần trở thành quan hệ cộng đồng cư trú với nhiều biến thể nhiêu khê đòi hỏi một kiểu ứng xử linh hoạt, dung hòa, nhân bản. Nhân vật xưng tôi trong CVCK thường “miên man nghĩ về chuyện xung hợp láng giềng” xuất phát từ hoàn cảnh sống và điều kiện công việc của mỗi gia đình quanh mình. Anh cũng tự suy ngẫm về các mối quan hệ khác biệt giữa mình với các gia đình hàng xóm trái/ phải, trước/ sau. Anh nhận ra hàng xóm ở phố đôi khi có thể bất hòa vì không biết nhau; có thể tụ tập bù khú tại nhà nhau; lại cũng có khi cùng nhau “đồng lõa để làm một điều ác”… Nếu như CVCK chỉ có một ngôi kể xưng tôi thì trong truyện CBVHX xuất hiện luân phiên ngôi kể: Con Bin – ông hàng xóm – người kể hàm ẩn – gã chủ. Tổ chức nhiều điểm nhìn bên trong/ bên ngoài, con vật/ con người như vậy, tác giả đã giúp người đọc hình dung hết sức cụ thể, sinh động, hiện thực “về ý thức cộng đồng trong cuộc sống nhiều ích kỉ hôm nay” (chữ dùng của nhà văn Lê Hoài Lương) ở một tổ dân phố. Trong truyện ngắn thứ nhất, “nhờ con cú kêu mới có cuộc tụ tập sáng sớm, hàng xóm mới có dịp xuýt xoa, chào hỏi nhau”. Còn ở truyện ngắn thứ hai, “từ ngày mất con Bin, cả khu phố bỗng trở nên gần gũi với nhau hơn”. Họ bắt đầu lân la qua lại chia sẻ vui buồn, giúp đỡ, bảo vệ nhau. Có thể thấy những người hàng xóm trong cả hai truyện, do mối quan tâm chung về loài vật mà quan hệ/ ý thức cộng đồng đã có những biểu hiện cải thiện, tích cực. Văn hóa phố hiện đại và văn hóa làng truyền thống hóa ra cũng tồn tại nhiều điểm tương đồng theo hướng “bán anh em xa mua láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau”…

Tuy nhiên, mối quan hệ hàng xóm láng giềng trong truyện Láng giềng/LG của Trần Quang Khanh lại mang một màu sắc tương phản so với CVCK và CBVHX. Mượn điểm nhìn của nhân vật anh sinh viên ở trọ cộng với cái nhìn sắc lẹm, khách quan của một nhà báo từng trải, anh đã khắc họa tỉ mỉ, lớp lang mối quan hệ bất hòa giữa hai nhà hàng xóm, chú Thiên – cô Minh và anh Vũ – chị Dung. Sự tương phản về công việc, hoàn cảnh sống và tính cách đã khiến “hai nhà ít khi qua lại, trò chuyện với nhau”. Vì thù ghét, đố kị nhà bên ăn nên làm ra mà vợ chồng chú Thiên không ngừng gây tổn thương tinh thần láng giềng bằng lời nói và cả hành động tàn nhẫn. Cái chết thương tâm của thằng cu Tí, con trai vợ chồng anh Vũ, đã góp phần tô đậm, khẳng dịnh thói vô cảm, ích kỉ đến mức độc ác của gia đình chú Thiên. Gia đình chú bị cộng đồng dân phố lên án, cô lập, xa lánh… đành phải bán nhà vào Nam!

Thông qua khảo sát hai kiểu ứng xử trên từ một chùm truyện ngắn của tập truyện CVCK, có thể thấy nhà báo/ nhà văn Trần Quang Khanh không chỉ gợi mở mà còn chủ tâm đối thoại với bạn đọc gần xa khá nhiều vấn đề cụ thể, thiết thực có liên quan đến hiện tượng cộng sinh, cộng cư trong không gian phố thị đương đại. Người viết cho rằng có thể kết hợp giữa chủ trương xây dựng khu phố văn hóa với việc giữ gìn, cân bằng môi trường sinh thái hiện nay…

PHAN ĐÌNH DŨNG

(1), (2): Nhiều tác giả (Bùi Thanh Truyền chủ biên): Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam bộ, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP HCM – 2018, tr.12-13.

 

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…