(VNBĐ – Tùy bút). Mấy anh em lớp tôi – hình như khóa 11 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1965-1969) hay gọi “cụ” Đồng là “cụ… Đìn”, kèm theo hai câu thơ Bích Khê mà chúng tôi thuộc lòng được độ lại: Ô, hay buồn vương cây ngô… đìn/ Vàng rơi vàng rơi thu… lin din, câu thơ độ lại còn khó hiểu hơn cả nguyên tác. Vâng, Nguyễn Văn Đồng – tức cụ Đồng, tức cụ Đìn, là bạn cùng lớp Văn với chúng tôi, dù so về tuổi tác thì Đồng đáng bậc… cụ, do lớn hơn đám chúng tôi dăm bảy tuổi gì đó. Nhớ khi Đồng vào lớp tôi, lúc ấy hình như lớp đã học qua học kỳ một, nhìn dáng “cụ” của anh, mới đầu đám trẻ chúng tôi chỉ dám “kính nhi viễn chi” vì cứ ngỡ anh là cán bộ đi học. Hồi đó, lớp chúng tôi có nhiều cán bộ đi học, họ thuộc một thế hệ khác nên khó có chuyện chúng tôi dám chơi thân với họ. Nhưng Đồng hình như là một trường hợp “lạ”. Vì anh không nhận lương cán bộ đi học, mà chỉ có học bổng, dù học bổng khá cao, khoảng 30đ/ tháng. Hồi đó mà nhận học bổng cỡ đó là ngon lắm rồi, có đồng ra đồng vào rồi. Trong khi đám học sinh chúng tôi chỉ được nhận học bổng đại trà là 17,5đ/ tháng, vừa đủ đóng tiền ăn. Như học bổng của anh Đồng là có dôi ra chút ít đủ tiêu vặt.
Nhưng cũng không phải lý do học bổng khiến chúng tôi thân nhau. Thực ra, khi nói lý do vì sao tôi và mấy anh em chơi thân với anh Đồng, thì chắc có người sẽ nghĩ tôi chảnh: chúng tôi thân nhau vì… ước mơ sáng tác văn học. Một lý do có vẻ “hoành tráng” quá! Nhưng đúng là như vậy. Lúc chơi thân với đám học sinh phổ thông mới vào đại học chúng tôi, sau đó kết thành một nhóm, gồm Cương, Minh, Phát, Thuyết, Đồng và tôi, thì anh Đồng đã… viết rồi, đã sáng tác rồi, đã có đống bản thảo khá dày dặn rồi. Nghĩa là anh Đồng đã là đàn anh chúng tôi trong ước mơ sáng tác văn học. Anh Đồng viết văn xuôi, nhưng có làm một bài thơ mà thỉnh thoảng anh có đọc cho chúng tôi nghe, một bài thơ tình hơi bị “rớm máu”. Lúc đó đám trẻ chúng tôi mới… ước mơ là chính, chứ chưa viết được gì mấy. Vậy mà chơi với anh Đồng, chúng tôi quyết định thành lập luôn một nhóm sáng tác văn học mang tên là “Ngũ Hoàng”, do mỗi thành viên đều tự nguyện lấy họ Hoàng cho bút danh của mình. Tôi còn nhớ, bút danh của anh Đồng lúc ấy là Hoàng Ly, còn tôi là Hoàng Thanh Nam. Như bây giờ, các bạn trẻ trong các nhóm “Áo trắng”, “Me xanh” hay “Mực tím” vẫn tụ họp nhau để vừa vui chơi vừa sáng tác văn học, chúng tôi hồi đó cũng vậy. Nhưng thời buổi ấy khó khăn đói kém lắm, nên lập nhóm đầu tiên phải nghĩ đến… ăn trước đã. Lớp chúng tôi là lớp Văn sơ tán trọn gói suốt 4 năm học ở vùng rừng núi xã Vạn Thọ – tổng Đại Từ – phủ Thái Nguyên. Nhiều anh em chúng tôi giỏi đi rừng lấy củi chặt nứa hơn cả giỏi học. Và cảm giác chiếm hữu chúng tôi suốt 4 năm học đại học là cảm giác… đói. Đói triền miên, hết ngày dài lại đêm thâu, nhất là đêm thâu, khi cả nhóm “Ngũ Hoàng” ngồi uống trà với nhau xuyên đêm để… ước mơ văn học, thì cái đói càng dữ dội. Tôi còn nhớ, dưới sự “chỉ đạo” của đại ca Đồng, cứ vào tầm 3 hay 4 giờ sáng là tôi và Chương lại vác rổ hạ sơn xuống nhà dân để… mua chịu khoai lang hay củ mì về luộc chống đói. Còn Minh và Cương thì đột kích vào nương chè của bà Vân hái trộm chè tươi về nấu uống với khoai luộc. Phát với Thuyết ở nhà “nổi lửa lên em” chờ chúng tôi mang chiến lợi phẩm trở về. Vui đáo để. Cứ thế hết đêm này qua đêm khác, những ước mơ văn học của chúng tôi bắt đầu hiện hình thành một số bài thơ và truyện ngắn mà các thành viên của nhóm sáng tác. Nói thêm, hồi ấy, khi quyết định thành lập nhóm xong, chúng tôi bèn quyết định không ở nhà dân nữa, mà tự “sáng tác” ra một ngôi nhà ngay dưới chân núi để ở. Vật liệu không hề thiếu, từ gỗ tới nứa chúng tôi cứ vào rừng mà chặt rồi vác về. Nhà dựng lên trông cũng thơ mộng ra phết. Tiếp đến, chúng tôi quyết định không ăn ở bếp ăn tập thể của lớp nữa, mà nhận gạo tiêu chuẩn về nhà tự thổi nấu lấy để “ăn cho no”. Vẫn là anh Đồng làm “giám đốc điều hành” các công việc này, một giám đốc mẫn cán và luôn xung phong đi đầu làm gương cho đàn em.
Dù nhóm “Ngũ Hoàng” chỉ tồn tại được vài năm, nhưng đó là thời kỳ hoàng kim của mấy anh em chúng tôi. Những bài thơ đầu tiên của tôi cũng được viết ra từ cảm hứng những “đêm văn học” như thế. Và khi, tôi được in bài thơ đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 8.1967, thì cả nhóm nổ bùng những hứng khởi. Nhất là khi nhận được phiếu nhuận bút, cả nhóm kéo nhau đi bưu điện cách nhà mấy cây số để nhận. Tôi còn nhớ, nhuận bút bài thơ ấy là 12 đồng, một số tiền không hề nhỏ đối với nhóm chúng tôi lúc ấy. Đủ mua mấy lít rượu gạo và hai con gà để liên hoan. Nhưng lập nhóm sáng tác văn học một thời gian thì chúng tôi lâm cảnh… nợ nần. Những chi tiêu vật chất cho ước mơ văn học đã khiến chúng tôi phải thường xuyên mua chịu, dù chỉ là mua khoai lang hay chè uống. Lớp chúng tôi ở ngay vùng trồng và sao chè truyền thống của Đại Từ – Thái Nguyên, nên chuyện uống trà với chúng tôi là chuyện thường ngày ở… chân núi. Nhưng do uống nhiều trà quá, lại kèm thêm khoai lang luộc, nên ngân sách của nhóm bị thâm hụt khá đáng kể. Lúc bấy giờ, anh Đồng quyết định: cả nhóm phải đi rừng lấy nứa về bán cho… các thầy, đặng có tiền trả nợ. Nói thêm, thời ấy tình thầy trò chúng tôi thiết tha nồng ấm lắm. Nhưng tình là tình, còn tiền là tiền, cái nào ra cái ấy. Các thầy do không có khả năng đi rừng lấy nứa về làm nhà bếp hay chuồng gà, nên đã ký hợp đồng mua nứa của chúng tôi. Còn chúng tôi, do nợ nần phải trả, nên tình nguyện đi rừng chặt nứa về bán cho các thầy. Vậy là chỉ sau nửa tháng chịu khó đi rừng, được các thầy thương mua giúp những bó nứa tươi, cả nhóm đã đủ tiền trả hết nợ. Nếu không có anh Đồng và ý chí của anh, thật khó để trả những món nợ không thể không trả ấy. Chúng tôi đã lao động cật lực, lao động lương thiện để trả nợ, và cả nhóm có thể ngẩng cao đầu tiếp tục những ước mơ văn học của mình. Tôi còn nhớ, cứ mỗi lần nghỉ hè hay nghỉ Tết được về Hà Nội, anh Đồng lại cùng mấy đứa đàn em chúng tôi lội bộ hơn 30 cây số ra ga Quán Triều hay ga phố Cò để đón tàu lửa xuôi Hà Nội. Có lần, không có tàu lửa, chúng tôi và hai cô bạn học cùng lớp người Hoa phải vừa đi bộ vừa đón xe tải quân sự của lính Trung Quốc đi từng chặng, hai cô bạn Hoa kiều nhận trách nhiệm giao dịch với lính Tàu, lúc nào họ nói “hết… tiền” lại xuống đi bộ, lại đón xe khác. Cứ thế mà qua một đêm chúng tôi vẫn về tới Hà Nội ngon lành. Bây giờ nghĩ lại, thời đi học sơ tán ấy thật nhiều kỷ niệm, cả vui cả buồn, nhưng khó quên lắm. Và trong tất cả những kỷ niệm của nhóm chúng tôi, đều có mặt anh Nguyễn Văn Đồng, một người ít nói nhưng chơi với anh em thật lòng. Đó là một tình bạn đã được thử thách, dù sau này mỗi người ra đời đi một phương, làm những việc khác nhau, và không phải ai cũng nuôi tiếp giấc mơ văn học, nhưng chúng tôi đã có những tháng năm cơ cực mà gắn bó như anh em ruột thịt. Tôi cứ nghĩ mãi, vì sao một người yêu văn học, và là người viết văn rất chi chút rất cẩn trọng như anh Đồng cho tới cuối đời lại không có một sự nghiệp văn học? Có phải anh đã quá cầu toàn, hay anh bị phân tâm trong những hoàn cảnh sống khó khăn để không theo đuổi quyết liệt được ước mơ văn học của mình? Có thể cả hai lý do. Chơi thân với anh Đồng, tôi biết anh rất khó nhọc qua từng trang viết, dù sau này đi chiến trường Trị – Thiên, anh là một trong những người làm văn nghệ xông xáo nhất, đi về những vùng sâu ác liệt nhất của chiến trường này. Bao nhiêu là vốn sống, bao nhiêu là trải nghiệm. Vậy mà bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu cảnh ngộ xứng đáng cho những tiểu thuyết về đề tài chiến tranh mà anh Đồng ấp ủ bao nhiêu năm đã không được anh viết ra, hoặc chỉ viết được từng đoạn dang dở. Quá tiếc! Nhiều lúc gặp nhau, anh lại kể những chuyện ở chiến trường Trị – Thiên khiến tôi kinh ngạc. Anh đã từng sống một mình ở một ghềnh đá sát biển, đã từng sống với một người xã đội trưởng ở một nơi mà theo anh nói là “không thời gian”. Đó có thể là chất liệu cho những tác phẩm kinh hoàng.
Bây giờ, sau khi anh Đồng mất, anh em bạn bè anh thu góp lại được một tập truyện ngắn sinh thời anh đã viết, và in ra như một kỷ niệm về anh. Nhưng theo tôi, như thế là quá ít so với những gì anh Đồng đã sống, đã trải nghiệm. Đời anh quá vất vả, mấy chục năm sau hòa bình vẫn vất vả. Tới khi, do một cơ may “trời cho” gia đình anh được khá lên một chút, thì anh mất. Cách đây mấy năm, anh có nói với tôi là những người bạn du kích hồi xưa ở Trị – Thiên muốn anh về lại nơi anh từng sống trong chiến tranh, họ sẽ cấp đất rừng đất rẫy đủ cho anh làm hẳn một trang trại. Đất có sổ đỏ hẳn hoi. Những người bạn chiến đấu ấy đã yêu quí anh Đồng biết bao! Nhưng anh kể cho vui vậy thôi, chứ làm sao anh về lại được. Có bao nhiêu việc chúng ta đã không thực hiện được trong cuộc đời này, và năm tháng cứ trôi. Thời gian không biết chờ ai, không nắm tay ai để kéo lùi lại những tháng ngày đã qua.
Nhớ hồi tháng 6.1975, tôi từ Sài Gòn lang bạt ra Đà Nẵng, và mấy anh em chúng tôi (Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai) đã ra Huế thăm anh Đồng. Oanh và Mai là bạn cùng lớp viết văn đi chiến trường với anh Đồng. Chúng tôi đã có một cuộc hội ngộ sau chiến tranh thật cảm động tại Huế, cùng với những người bạn mới như Nguyễn Quang Hà, Trần Phá Nhạc, Lê Văn Ngăn, Trịnh Công Sơn… Hai ngày đêm ở Huế là một kỷ niệm thật đẹp của chúng tôi với anh Đồng. Những dịp hội ngộ như thế về sau này rất khó diễn ra. Nên khi được anh Trần Nguyên Vấn đề nghị viết một cái gì đó về anh Nguyễn Văn Đồng cho một tập sách tưởng niệm anh, tôi chỉ có thể viết lan man như thế này. Giữa chúng tôi đã có bao nhiêu là chuyện, bao nhiêu tháng ngày gắn bó, chia sẻ cùng nhau. “Nhưng làm sao nói hết mọi điều”. Vâng, làm sao nói hết. Bây giờ, mỗi khi nhìn tấm ảnh chân dung anh Nguyễn Văn Đồng, nhìn lại gương mặt khắc khổ, khó khăn, khảng khái, khô khan, khó kể của anh Đồng, tôi lại nhớ cả phân nửa cuộc đời vất vả của anh. Bây giờ, những gương mặt đặc trưng cho người lao động nặng nhọc như gương mặt anh Đồng, những gương mặt ấy đã lùi vào góc khuất, vào hậu trường, vào chỗ tối tăm ẩm ướt, nhường sân khấu cho những gương mặt múp míp, mơ màng, mau mắn, mạnh mẽ, những gương mặt của thời đại mới, đầy tham vọng và thành đạt. Đành vậy. May mà ta còn sống để chứng kiến cuộc “chuyển giao gương mặt” ấy, cuộc chuyển giao lịch sử như người ta hay nói. Đành vậy.
Quảng Ngãi tháng Năm năm 2010
THANH THẢO
Kỷ niệm về những câu thơ Nga
Tặng Đồng, Chương và các bạn
đâu phải bánh mì sữa bơ
là thực đơn thời sinh viên sơ tán
ta nhai ngô răng ngựa đến trẹo hàm
ta làm quen cảm giác đói thường xuyên
đèn thiếu dầu thì đốt thêm đống lửa
mái nhà tranh rùng mình cơn gió núi
bạn bè nào khuya khoắt đến cùng ta
những câu thơ Nga những câu thơ Nga
nghe văng vẳng tiếng chuông xe ngựa
hoa tuyết bay lặng trắng những mái nhà
“tôi nhớ mãi một phút giây huyền diệu” (.)
nơi phố nghèo em thoáng hiện rồi xa
và cánh buồm khát khao, đơn độc
sống trẻ chết trẻ như những nhà thơ Nga
ôi may mắn đau buồn cho nhà thơ lớn tuổi
lỡ sống rồi, xin đừng lỡ bài ca
“buồm không tìm bình yên hạnh phúc
nhưng hạnh phúc, buồm không tránh xa” (..)
cánh buồm ơi, nếu đúng là hạnh phúc
đổi cả yên bình, tôi chấp nhận phong ba
“tiếng đàn ghi-ta
trăng và bùn” (…)
ta rung toàn thân bạch dương trong bão
lạnh cứng người vẫn nhào xuống suối Đôi
ta hồn nhiên lăn lóc như núi đồi
bất chợt sáng nụ cười hoa sim tím
lẽ nào phải đổi một chút mộng mơ một chút sai lầm
thuở hai mươi mười tám
lấy những gian nan vật vã suốt cuộc đời
những câu thơ Nga những câu thơ Nga
bây giờ bạn ở đâu
đường bóng từng làm hoảng hồn các nhà văn và tiến sĩ
niềm say mê đùa giỡn trước khung thành
chúng ta dại khờ chúng ta tinh nhanh
không ngờ được quả bóng này đã mất
“như một kẻ nguyện cầu thân đỏ rực
hoàng hôn loan báo trước một tin lành”(….)
chính Puskin, Lermontov, Esenine
đã khuyến khích tôi thành nhà thơ
ngay từ lúc tôi thường trốn học
cảm ơn các thầy các cô khoa Văn trường Tổng hợp
dẫu chưa bao giờ tôi là học sinh ngoan
cảm ơn những cánh rừng Việt Bắc
cho tôi thử sức bao lần trước khi vượt Trường Sơn
nhưng có lẽ suốt đời tôi nhớ mãi
những câu thơ Nga những câu thơ Nga
nồng nhiệt cô đơn lạ lùng kiêu hãnh
bạn bè nào khuya khoắt đến cùng ta.
1986
(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)