Cọp

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Trong dân gian, cọp còn có các tên gọi khác, như: hổ, hùm, ông cả, sơn thần, chúa sơn lâm, ông ba mươi…

Bản năng của cọp rất hung dữ, “hung như cọp, dữ như hùm”. Tuy vậy, cọp lại có bản tính hồ nghi và sợ hãi khi có tiếng động bất ngờ, sợ vật lạ. Vì vậy, ở rừng núi, cọp thường chọn cho mình một cái hang, hốc đá, hẻm sâu trong các suối nhỏ để ẩn mình vào ban ngày, đến chiều, tối lại ra khỏi hang đi săn mồi. Cọp thường rình bắt mồi ở các suối cạn, ven rừng non, các đồi cỏ tranh, các khu dân cư nhỏ gần núi. Kinh nghiệm khi đi qua các vùng có cọp rình mồi, phải đi vào buổi sáng, tránh đi vào buổi chiều và tối, nếu gặp cọp, dễ bị cọp vồ; nên đi đoàn đông người và có công cụ hỗ trợ dọa cọp, không nên đi lẻ một hoặc hai người dễ bị cọp chụp. Cọp chỉ vồ, chụp những vật chuyển động. Người có kinh nghiệm đi rừng thường phải mang theo gậy, rựa, rìu… Khi bất ngờ gặp cọp thì đứng yên, giương công cụ về phía cọp, cọp không dám vồ, cọp chỉ ngồi nhìn một lát rồi bỏ đi; nhưng sau đó, cọp bình tĩnh quay lại phá nát vùng ta vừa dọa cọp.

Vùng duyên hải Nam miền Trung xưa kia, tỉnh nào cũng có cọp, nhiều nhất là tỉnh Khánh Hòa, “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Ít ai biết ma Bình Thuận là như thế nào, nhưng cọp Khánh Hòa thì nhiều người biết, nhất là các vùng: núi Ổ Gà, huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa); núi Xích Thố, huyện Cam Lâm, và những đồi tranh các huyện miền núi… Ở tỉnh Bình Định, xã Tuk Roong (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh); vùng 32 đồi tranh, đầm Bà Lãnh (làng người H’rê bỏ hoang), xã An Toàn, huyện An Lão là những vùng nhiều cọp. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đóng quân của các cơ quan, đơn vị đều tránh xa những vùng có cọp. Các khu dân cư gần bìa rừng, thỉnh thoảng những đêm tối trời, cọp xuống rình bắt vật nuôi như: heo, bò, trâu nhỏ… nhưng với kinh nghiệm dọa cọp, đuổi cọp của người dân, cọp cũng khó bắt được vật nuôi. Người sơ ý, thiếu cảnh giác, gặp lúc xui xẻo cũng bị cọp vồ.

Tuy cọp rất hung dữ, nhưng là một trong những con vật thiêng, được nhân dân tôn phụng. Một số làng xã các tỉnh miền Tây Nam bộ có lăng thờ cọp, tiêu biểu như tỉnh Bến Tre: xã Châu Bình – huyện Giồng Tôm, xã Tân Xuân – huyện Ba Tri có lăng thờ Ông Cả (cọp). Các bình phong tại đình, miếu thường đắp nổi hình cọp, trên nóc các trụ biểu có tượng cọp ngồi rất oai vệ. Những ngày Tết cổ truyền xưa, nhân dân có tục lệ mua những tấm giấy hồng đơn có vẽ cọp, hoặc tranh cọp về dán trước nhà để “ông ba mươi” trấn giữ cho nhà mình được bình an, vui xuân đón Tết.

Cọp có sức mạnh phi thường, dân gian tôn là “chúa tể sơn lâm”, không ai dám gọi con cọp mà gọi là ông cọp, ông hùm, ông thầy, sơn thần, ông cả, ông ba mươi…

Những tướng lĩnh xưa có sức mạnh, võ nghệ cao cường, được mệnh danh là những “hổ tướng”. Thời nhà Tống bên Tàu, có Ngũ hổ tướng: Địch Thanh, Thạnh Ngọc, Lưu Khánh, Trương Trung, Lý Nghĩa. Ở Việt Nam thời Tây Sơn, có Thất hổ tướng: Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Tuyết. Thời cận đại có Tăng Doãn Văn (người xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đánh bại hổ, từ đó có tên là Tăng Bạt Hổ.

Trong nghiệp võ cổ truyền Bình Định, có một số võ đường tôn hổ là một trong những vị tổ võ “Mãnh hổ tướng quân”.

Từ sức mạnh và những động tác bản năng săn mồi của cọp, như phóng toàn thân, chụp, vồ, bấu, đá (2 chân sau)… các võ nhân xưa đã sáng tạo ra các bài thảo võ quyền mang tên hổ: Lão hổ thượng sơn, Hồng hổ quyền, Mãnh hổ trường quyền, Tuyệt kỹ quyền ba chân hổ, Hổ quyền. Xin giới thiệu hai trong các bài thiệu võ hổ:

1. Tuyệt kỹ quyền ba chân hổ:

Tả hữu diện tiền, bái tổ sư
Chúa sơn lâm, vung trời hổ trảo
Vườn bóng nguyệt, đảo sơn di hải
Phá âm dương, xoay chuyển càn khôn
Đảo đơn cước, tiền môn phá trận
Chuyển bàn long, trả tấu ẩn hình
Vươn oai hổ, 3 châu đả diện
Vuốt sơn lâm, tả hữu vờn mồi
Tung thiết trảo, đảo sơn tọa thạch
Tấn song phi, trấn bộ lưỡng biên
Vồ tam thế, hồi quy hạc lập
Đảo lưỡng quyền, lập bộ như tiền.

2. Hổ quyền:

Hắc hổ khai sơn, thiết chỉ quyền
Thiềm thừ quá hải, phản dương tiên
Ô vân cái nguyệt, câu hôn cước
Hắc hổ khai sơn, thối ngũ liên.

* Dịch nghĩa:
Cọp đen mở núi, đường quyền ngón sắt
Con cóc qua biển, đánh bật hướng dương
Mây phủ kín mặt trăng, đá xuống hướng âm
Cọp đen lìa núi, lui bộ năm lần.

NGUYỄN AN PHA

(Văn nghệ Bình Định số Xuân Nhâm Dần 2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…