Chuyện kể của Tolstoi

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Tôi thấy mình rất mệt mỏi và thất bại. Nơi đó trông như một cái lỗ im lặng, là nơi người ta có thể trốn tránh thế giới đang chống lại anh ta. Cuối cùng, Brodzky muốn con trai ông ta vào học đại học. Có lý do để tôi trở thành thư ký của hiệu sách. Buổi sáng tôi có việc làm đó, tôi bước nhiều giờ trên các con đường. Trên cửa hiệu sách có một cái bảng viết bằng chữ in: “Cần tuyển thư ký” và dòng chữ này làm tôi chú ý. Tôi bước vào cửa hiệu và thấy ông chủ, là người Hêbrơ, hốc hác, đang ngồi trên một chiếc ghế lớn ở cuối cửa hiệu, xung quanh là các chồng sách. Ông ta dọ dẫm nhìn tôi. Lý do ông ta nhận tôi vào làm việc thật khó nói. Gương mặt và thân thể tôi phiền muộn nhưng nhìn chín chắn. Tuy vậy, khó có thể nói là tôi dễ thương. Có lẽ, ông thấy tôi có cái gì đó cho biết là tôi sẽ làm việc chí thú cho tiệm sách lặng lẽ và mờ tối của ông.

Bằng mọi giá, tôi đã có việc làm và thấy rất thích thú với nó. Đời tôi buồn tẻ nhưng sự buồn tẻ này được đền bù bằng đặc quyền tham gia vào một vở kịch khá hấp dẫn, với nhân vật là hàng ngàn quyển sách nêm chặt trên các kệ sách của cửa hiệu sách này.

Vào lúc đó, con trai ông Brodzky đã mười tám tuổi. Anh ta ngoan đạo, trầm tư, như là hình mẫu của người Nga gốc Do Thái và có dáng mảnh mai, da màu tối, có nét mặt dễ thương, thanh tú. Tôi chưa bao giờ hiểu được anh và không ai có thể vì anh ta kín đáo như một con thú nhỏ, là loại người hoàn toàn khó có thể giao du. Đây là câu chuyện về anh ấy, được kể khi bố anh ta mất, sau hai tháng thuê tôi vào làm.

Chàng Brodzky trẻ yêu đương say đắm và cô gái không phải là người Do Thái. Đó là lý do cha anh muốn anh phải vào học đại học. Như những người Do Thái cùng thế hệ với mình, ông cực lực phản đối cuộc hôn nhân của con trai mình với một cô gái không phải là người Do Thái. Cặp đôi này, nếu chỉ còn hai người, khó có thể không lấy nhau. Chàng trai luôn quấn quýt bên cô gái, không biết đến ai khác. Họ cùng nhau lớn lên, cùng chơi ở lối thoát hỏa hoạn phía sau nhà, cùng nhau trưởng thành.

Họ khác nhau. Đó là sự khác nhau về chủng tộc: Một bên là người Gô-loa, bên kia có dòng máu Hê-brơ, như mặt trăng khác mặt trời. Nhưng còn có nhiều khác biệt nữa. Đó là sự khác biệt trong tính cách. Chàng trai, như tôi nói, hay thẹn thuồng, thầm lặng còn cô gái thì cư xử một cách ầm ĩ, mạnh bạo, hiếu động.

Mặc dù vậy, họ bên nhau từ thuở ấu thơ. Chàng cô độc còn nàng thì không được chăm sóc. Lần đầu tiên tôi gặp cô ấy, cô ấy trông rất dễ mến. Thân thể cô là sự biểu hiện của tinh thần cô. Tinh thần này có cội nguồn từ sự tươi sáng và ấm áp. Nhưng cái đáng yêu nhất của cô, đó là giọng hát. Vào các buổi chiều tối, cô thường hát cho chàng nghe bằng giọng hát dễ thương. Tôi không thể không lắng nghe giọng hát này, dù tôi đang nghĩ hay làm gì.

Một thời gian ngắn sau khi tôi trở thành thư ký của ông Brodzky và chàng trai trẻ con của ông đang học đại học, lão già trở bệnh nặng. Bà Brodzky nhắn tin ngay cho con trai mình nhưng trước khi anh ta trở về nhà, nến đã được thắp và nhạc đám ma đã được hát trên các phòng ở phía trên tiệm sách. Ý chí của bà Brodzky không mạnh mẽ bằng chồng bà. Chàng trai từ chối, không muốn tiếp tục học và chưa đầy một tháng sau, cả hai làm đám cưới và cùng sống ở các phòng phía trên tiệm sách. Sau đó là khởi đầu của bi kịch dài mười lăm năm và tôi là kẻ chứng kiến.

Xung đột tính cách diễn ra ngay khi họ về sống với nhau. Nàng chưa bao giờ thấy là mình có đủ. Suốt cả thời ấu thơ, nàng chỉ mong có đủ thức ăn và áo mặc. Người ta có thể cho rằng, nàng hài lòng khi là vợ của một ông chủ tiệm sách phát đạt. Nhưng nàng có nhiều tham vọng hơn, muốn có nhiều hơn những gì ông chủ tiệm sách có thể cung cấp. Nàng giục chồng bán tiệm sách để kinh doanh thứ khác có lời nhiều hơn. Nàng không nghĩ được là điều đó rất khó. Từ lúc cưới nhau, nàng chỉ thấy anh chồng mộng mơ của mình cho kinh doanh sách là tốt nhất.

Đúng vậy, anh ta thấy kinh doanh sách là đơn giản. Thay đổi là điều anh sợ. Anh yêu tiệm sách lờ mờ tối, như tôi yêu nó. Dù không quá hiểu nhau nhưng tôi biết đó là lý do làm cho tôi và anh ấy đồng cảm với nhau. Chúng tôi cùng ghét tiếng ồn ào trên đường phố bên ngoài hiệu sách.

Nàng không tha cho anh, không cho anh được bình yên. Nàng đem hết năng lượng của mình để sinh sự với anh. Chàng trai vì có dòng máu Do Thái nên có khả năng chịu đựng giỏi. Sự chịu đựng này có thời gian gần một năm. Không biết sao, nàng gặp một ca sĩ của đoàn ca nhạc tạp kỹ. Anh ta thấy nàng có giọng hát và nói là nàng có khả năng tham gia gánh hát. Anh ta nói rất nhiều, làm nàng say mê đến mức quyết định bỏ chồng đi theo gánh hát tạp kỹ.

Tôi không cho là tôi hiểu rõ tình yêu của chàng trai trẻ này dành cho vợ. Hình như anh bị vợ xỏ mũi. Tình yêu của anh dành cho vợ là cốt lõi của đời anh. Tình yêu như thế có gì đó rất nguy hiểm. Khi tình yêu đó mất đi, cuộc đời cũng tiêu vong. Nó vỡ ra thành từng mảnh. Đó là những gì xảy ra với chàng trai trẻ Brodzky khi vợ anh bỏ đi theo đoàn ca nhạc tạp kỹ.

Tôi muốn kể lại chuyện cô ta bỏ đi.

Một buổi sáng nọ, sau khi trò chuyện với chàng ca sĩ, nàng nhào vào tiệm sách, gọi chồng khi chàng đang mở các thùng sách. Nàng nói bằng giọng cuồng loạn và lấy một tay đưa lên cổ họng, như thể có ai đó làm nàng bị nghẹn họng.

Nhìn cung cách của nàng, bạn nghĩ họ sẽ có một cuộc cãi vã dữ dội, nhưng trời quang đãng, chỉ có vài áng mây.

Nàng nói với chồng: “Tôi đã đi tới hết mức rồi. Tôi không chịu đựng được nữa. Tôi đã nói với anh nhiều lần nhưng không được gì. Giờ tôi đã có cơ hội. Tôi sẽ nắm lấy cơ hội này. Tôi sẽ đến phương Tây với đoàn tạp kỹ”.

Chàng trai lúc đầu không nói gì. Chàng nhìn như thể đã bị cả thế giới tấn công. Chàng bơ vơ nhìn theo nàng khi nàng lao xuống cầu thang. Thật lạ là tôi thấy chàng đang cầm trên tay một cuốn sách có bìa đỏ, với tên khá mỉa mai là Những kẻ ngốc trong tình yêu và dù cho tình huống là khá oái ăm, tôi không ngăn được nụ cười châm chọc khi nhìn tựa đề của cuốn sách và khuôn mặt bí xị của chàng trai.

Khi nàng đang đi xuống, chàng cuối cùng như đã hiểu vấn đề.

“Em sắp bỏ anh đi sao?”, chàng buồn bã hỏi.

Nàng trả lời là nàng sẽ đi. Chàng lấy trong túi ra một chiếc chìa khóa và trao cho nàng. Đó là chìa khóa cửa trước nhà sách.

“Em hãy giữ nó”, anh lặng lẽ nói, “Vì sẽ có ngày em cần tới nó. Em không thể mang đi tình yêu của anh dành cho em. Em sẽ trở về vào một ngày nào đó và anh sẽ đợi”.

Nàng ôm vai chàng, hôn chàng và ào ạt lao ra khỏi nhà sách. Trong căn phòng mờ tối, chúng tôi nhìn theo cô. Chúng tôi càng sợ hãi và ghê tởm khi nhìn ra đường. Con đường đông đúc và rực rỡ ánh nắng có vẻ như đang hân hoan và độc ác cuốn vào trong lòng nó những đau thương trong lòng người đàn ông đang đứng cạnh tôi.

Trong nhiều năm tháng, tôi chứng kiến một điều không khác cái chết.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Như tôi đã kể, nàng là cuộc đời của chàng. Khi nàng bỏ đi, chàng tan ra thành từng mảnh. Lúc đầu tôi nghĩ chàng sẽ bị thất tình nặng. Chàng thất thểu bước dọc các kệ sách, rên rỉ và chùi hai tay vào hai bên hông áo khoác. Khách nhìn chàng chòng chọc và bước vội ra khỏi cửa hiệu. Tôi cố thuyết phục chàng là hãy ở lại trên lầu. Nhưng chàng không nghe. Chàng chẳng thể ở trên đó, nơi chàng bị các ký ức về nàng ám ảnh. Nhiều đêm, chàng ngủ với tôi trong căn phòng ở phía sau của cửa hiệu. Chàng mất ngủ. Chàng làm tôi cũng không ngủ được khi cứ liên miên xì xào về nàng. Thi thoảng, hơn thế, chàng còn thì thào: “Em yêu anh. Em sẽ về lại với anh ngày nào đó!”.

Thấy không ổn, tôi gọi cho mẹ chàng là người đang sống với một số người bà con đến. Bà an ủi chàng, làm chàng nguôi ngoai phần nào. Không lâu sau đó, chàng lao vào đọc sách.

Chàng nghiện đọc sách như người ta nghiện rượu hoặc ma túy. Chàng đọc để thoát khỏi thực tại. Cuối cùng, việc đọc đem lại những kết quả đáng nói.

Ngồi vào chiếc ghế lớn ở cuối tiệm, chàng đọc cả ngày, cho đến khi mắt mờ. Tôi và mẹ chàng đánh động chàng, để chàng phục vụ khách, đóng và mở các thùng sách, không phải vì chúng tôi cần chàng mà chỉ để cho chàng được tỉnh táo. Chàng dường như chỉ muốn làm những gì chàng thích, vụng về và vô tích sự như một đứa bé. Việc đọc liên tục làm cho chàng đù đờ. Chỉ cần khách hỏi vài câu đơn giản, chàng cũng trở nên bực bội. Chàng chẳng nhớ tên các cuốn sách họ hỏi. Chàng bực dọc nhìn quanh, lúng túng như mới ngủ dậy sau một giấc sâu.

Tôi hy vọng bằng lòng tiếc thương và đồng cảm, là tình trạng này chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, hàng ngày trôi qua mà vẫn không có gì thay đổi. Chàng rõ ràng đã là một người đàn ông bị cạn kiệt, một ngọn nến đã cháy hết, không còn hy vọng để vực chàng dậy, trừ khi vợ chàng trở về. Nhưng thậm chí nếu nàng trở về, thì cũng đã quá muộn.

Gần 15 năm sau ngày nàng bỏ đi nước ngoài, theo đoàn tạp kỹ, chàng trai Brodzky trẻ quanh quẩn ở tiệm bán sách. Trời đã là giữa tháng 12, bóng tối đã xuống nhưng người ta vẫn còn nhộn nhịp đi lại để mua sắm cho Giáng sinh. Họ thở vào cửa kính của nhà sách những hơi thở loang loáng khí.

Cửa hiệu đóng cửa và tắt hết đèn, trừ đèn ở phòng sau, nơi Brodzky đọc sách. Tôi đứng ở cửa hiệu sách, nhìn dòng người qua lại. Một tài xế cho xe dừng lại và một phụ nữ mặc áo lông thú bước xuống xe. Đèn đường chiếu thẳng vào xe nên khi người phụ nữ quay đầu về phía cửa hiệu, tôi nhận ngay ra cô.

Bằng cảm giác sợ hãi, tôi thụt vào để bóng tối của các kệ sách có thể che giấu mình một nửa. Cô tiến vào cửa, hăm hở đi xuyên qua đám đông khách đang mua sách. Cô ta rõ ràng không thay đổi. Khuôn mặt và thân hình cô được ánh đèn chiếu sáng, cho thấy cô ta vẫn hoàn toàn không khác trước. Tại sao cô ta trở về?, tôi tự hỏi. Lời tiên tri của chồng cô đã chính xác? Sau mười lăm năm, tình yêu của cô dành cho chồng vẫn không thay đổi?

Tôi ngập ngừng tiến tới chào cô khi cô ta đưa chìa khóa vào ổ khóa. Cô vẫn còn giữ chiếc chìa khóa chồng cô đã trao cho cô mười lăm năm trước.

Trong khoảng khắc, cửa bung ra và cô ta bước vào vùng tối lờ mờ. Tôi có thể nghe được tiếng cô thở gấp. Cô đưa mắt nhìn quanh và không hiểu sao, cô ta không thấy tôi khi tôi đứng thu lu trong một góc. Tôi thấy cô rất phấn chấn. Cô đưa tay sờ cổ họng, như cô làm vào buổi sáng cô ra đi, như thể cô bị nghẹn họng.

Kể từ khi cô ra đi mười lăm năm trước, có rất ít sự thay đổi, làm cho cô khó mà nhận ra là mười lăm năm đã trôi qua. Tất cả là khó tin, như một giấc mộng gở. Ánh sáng lờ mờ, bóng tối của các kệ sách, mùi của giấy, âm thanh u u ngoài đường, tất cả đều như các buổi chiều mùa đông mười lăm năm trước, khi cô thường bước ra từ phòng khách để giúp chàng đóng cửa tiệm.

Cô có lẽ đang bước về quá khứ.

Cô lấy một chiếc khăn tay nhỏ đưa vào môi, như thể muốn giữ bình tĩnh. Cô nhẹ tiến tới. Cô thấy chàng đang ngồi trên ghế. Người ta chỉ thấy phần đầu của chàng còn bên dưới thì bị một cuốn sách lớn che lại. Mái tóc dày, xanh đen rối bời của chàng lấp lánh dưới ánh đèn đêm. Tôi giật mình khi thấy chàng không thay đổi về mặt hình thể. Mười lăm năm qua rồi mà chàng không già đi đáng kể.

Tôi muốn tiến tới và nói cho nàng biết những gì nàng sẽ khám phá nhưng có gì đó kiềm tôi lại. Tôi vẫn trốn sau các kệ sách. Tôi nhìn nàng từ từ đi đến chiếc ghế chàng ngồi và thấy nàng khá căng thẳng. Tôi thấy rối rắm trong lòng.

Tôi tự hỏi nàng đang nghĩ gì khi nàng đang đứng trước chiếc ghế, nhìn người đàn ông nàng đã yêu thương mười lăm năm trước. Có lẽ nàng bối rối khi thấy chàng đang say mê đọc, hoàn toàn không biết là có âm thanh của tiếng bước chân đang ồn ào tiến tới trên sàn xưa của tiệm sách của nàng. Chắc hẳn nàng đang vừa hân hoan, vừa sợ sệt.

Bằng giọng run run, sắc lẹm, nàng gọi tên chàng: “Jacob!”.

Chàng giật mình và nhìn thẳng về phía nàng, hai mắt nhấp nháy. Trong khoảng khắc dường như rất lâu, tôi thấy họ nhìn nhau.

Tôi nghĩ nàng sẽ khóc và lao về phía chàng, như điều tất nhiên. Nhưng sự chán ngán trong đôi mắt chàng làm nàng chùn lại. Hay là nàng nghĩ rằng thời gian mười lăm năm đã làm chàng thay đổi?

Khi tôi đang nghĩ vậy thì trong phút giây bồi hồi, chàng cất tiếng.

Chàng nói với nàng bằng giọng trổng trơ theo thói quen: “Chị cần mua sách gì?”.

Nàng đưa tay mang găng lên cổ họng và thở dốc. Tôi vui vì nàng quay lưng về phía tôi, do đó, tôi không thấy mặt nàng. Khoảng khắc lúng túng trôi qua và cả hai tiếp tục nhìn nhau. Cuối cùng, nàng đã về. Nàng phải thấy rằng có nhiều sự biến xảy ra đối với nàng hơn đối với chàng trong mười lăm năm qua. Nhưng đó là điều nàng không thấy. Bằng bất cứ giá nào, nàng cũng phải giữ bình tĩnh. Nàng có phần thư thả và lấy tay ra khỏi cổ họng.

“Chị cần mua sách à?”, chàng hỏi.

Nàng lẩm bẩm, “Không, à… Tôi muốn mua một cuốn sách nhưng tôi quên mất tên rồi”.

Nàng mở to mắt và bất ngờ nói, “Em là Lila. Em đã về với anh!”. Nàng lấy cớ mua sách để làm phương tiện trần tình, để bớt lúng túng hơn.

Nàng ngồi vào chiếc ghế đẩu, đối diện với chàng và nói:

“Hãy để em kể anh nghe câu chuyện. Chắc anh đã đọc truyện này và có thể nhớ tên truyện. Đó là câu chuyện về một chàng trai và một cô gái. Cả hai thân nhau từ thuở ấu thơ. Họ muốn kết hôn, nhưng chàng trai là người Do Thái còn nàng thì không phải người Do Thái. Cha của chàng trai phản đối, không muốn chàng kết hôn với người khác chủng tộc. Ông buộc con trai mình vào học đại học. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, cha chàng mất và chàng trở về, cưới cô gái. Họ sống cùng nhau trên gác của một tiệm sách nhỏ của cha chàng trai để lại cho chàng. Đó là tiệm sách không giúp họ dư dả còn cô gái thì nhiều tham vọng. Nàng ngưỡng mộ chàng nhưng sự thất vọng ngày càng gia tăng. Nàng liên tục thúc giục chàng kinh doanh ngành nghề khác, sinh lợi hơn. Nhưng chàng trai khác cô gái. Chàng yêu nàng rất nhiều, tuy nhiên chàng bất lực, không muốn bán đi tiệm sách mà cha mẹ chàng để lại. Bạn thấy đó, chàng trai là một người Do Thái điển hình vì chàng mộng mơ và tình cảm. Nhưng cô gái không bao giờ nhìn đời từ góc nhìn của chàng. Gia đình nàng không còn ai, cha mẹ nàng đã chết và trao lại nàng cho một bà cô độc thân. Bà này là người Pháp. Cô thừa hưởng từ bà cô sự năng nổ, óc thực tế và tình yêu cuộc đời. Nàng nhận được lời mời của một đoàn tạp kỹ. Bị mờ mắt vì viễn cảnh của nghề ca hát, nàng nhận lời. Nàng trở về nhà và nói với chồng là nàng sắp ra đi. Chàng không thể giữ nàng và đưa cho nàng một chiếc chìa khóa của cửa hiệu, nói là nàng có ngày sẽ cần nó và rằng, chàng sẽ đợi nàng. Đêm đó, nàng đi tàu thủy sang Anh với đoàn tạp kỹ. Trên sân khấu ở Anh, nàng thành công rực rỡ. Nàng trở thành ca sĩ nổi tiếng và đi lưu diễn ở nhiều nước lớn ở Châu Âu. Nàng sống xa hoa và trong một thời gian dài, không nghĩ đến chàng trai Do Thái hay mộng mơ, người đã hết lòng yêu mình. Nàng cũng không nghĩ gì về tiệm sách nhỏ, nơi họ sống với nhau. Nhưng chiếc chìa khóa của cửa hiệu mà chồng nàng trao cho nàng vào đêm nàng ra đi, nàng vẫn giữ. Không hiểu sao, nàng không có can đảm để vứt bỏ nó. Chiếc chìa khóa bám chặt vào nàng, như thể nó có mong muốn đó. Đó là chiếc chìa khóa loại cũ kỹ, lạc hậu, nặng và có màu đen, dài. Bạn bè nàng cười khi thấy nàng lúc nào cũng mang theo chiếc chìa khóa và nàng cười lại với họ. Dần dà, nàng khám phá ra được lý do nàng mang theo chiếc chìa khóa. Hào quang của nghề nghiệp từng rực rỡ quanh nàng bắt đầu tan biến, như sương mù. Nàng thấy được cái đẹp thật sự của quá khứ. Kỷ niệm về người chồng và cuộc sống của nàng ở tiệm sách bắt đầu ám ảnh nàng. Cuối cùng, nàng biết là nàng muốn trở về, để đút vào ổ khóa chiếc chìa khóa nàng đã giữ mười lăm năm nay và gặp lại người chồng đang đợi mình, như anh đã hứa.

Người phụ nữ đứng dậy, thân thể run rẩy, tay vịn chiếc ghế để không bị ngã.

Chỉ còn sự tĩnh lặng và ngột ngạt. Khi người phụ nữ nói tiếp, giọng nàng run run. Nàng bắt đầu nhận ra những gì đã xảy ra với chồng mình.

“Anh nhớ không? Anh nhớ câu chuyện của Lila và Jacob không?”.

Nàng dò dẫm nhìn chàng nhưng chẳng thấy gì ngoài sự lúng túng. Cuối cùng chàng nói:

“Chuyện kể này có gì đó khá quen thuộc. Tôi nghĩ tôi đã đọc nó hồi nào đó. Hình như đây là truyện của Tolstoi”.

Từ chỗ núp sau kệ sách, tôi nghe có tiếng đanh gọn như là tiếng chìa khóa rơi, sau đó, tôi thấy nàng quỵ ngã giữa bàn ghế và kệ sách. Nàng chắc đang rất vội vàng, muốn trốn thoát khỏi tiệm sách. Tôi nhắm mắt, không dám nhìn vào mặt nàng, cho tới khi nàng đóng lại cánh cửa sau lưng nàng. Khi tôi mở mắt, tôi thấy người đàn ông đang che mặt mình bằng một cuốn sách lớn. Chàng ta đang đọc say mê, tập trung cao độ. Vợ chàng đã trở về và đã lại ra đi. Tất cả thật lạ, như một giấc mơ. Trên nền của tiệm sách là chiếc chìa khóa đen xì, nặng nề.

Nhà văn Mỹ Tennessee Williams sinh năm 1911, mất năm 1983 tại New York. Ông là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng. Ông viết nhiều thể loại như kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết… Ông được trao nhiều giải thưởng, trong đó có giải Pulizer Prize (1947).

TENNESSEE WILLIAMS (Mỹ)
TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch
Dịch từ tiếng Anh, trong Tennessee Williams, Collected Stories, Penguin Books, 1994

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tường ảo

Bức tường tối đen. Tôi có thể cảm nhận qua tiếng còi xe. Có ba mặt tường. Bên ngoài mỗi mặt là một thế giới khác nhau. Mặt vẽ hình đầu người là một trong ba bức tường ấy…

Cây cô đơn

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu…

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.