(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Mất hơn một ngày đường trên tàu để anh về lại vùng giáp ranh năm xưa. Lúc ngồi trên tàu, bao hình dung cứ chấp chới trong ý nghĩ. Gió Bấc cuối mùa từng đợt chao động những vân sóng ký ức. Đến khi bước xuống ga cuối, đặt chân lên vùng đất thuở nào, anh thấy lồng ngực mình như thể đã hóa thành một lòng sông, cuộn xiết dòng chảy năm tháng. Anh đứng trước cánh rừng dương ngút ngát, kéo dài đến hư vô như một ảo ảnh, có phải giữa tiếng gió đang vi vút lồng lộng là tiếng nói của đồng đội anh? Rừng dương bao năm vẫn bời bời xanh đến nhức nhối, cái màu xanh nhấn ngập giấc mơ.
Hai mươi năm đã vụt trôi qua, liệu chị có còn nhận ra anh? Thời gian đã phủ lên hình hài đôi mươi ngày nào một dáng vẻ khác, dáng vẻ của một người bước ra từ khói lửa chiến trận. Mùi thuốc súng như vẫn còn lẩn khuất đâu đó sâu trong da thịt, tóc tai, trong những cơn chếnh choáng dạt về từ thác ghềnh ký ức.
***
Hoàn thành khóa huấn luyện, Định xung phong vào chi viện miền Nam. Cuộc chiến đưa anh về một vùng đất rộc rạc gió Lào, nắng lửa. Lần đầu tiên anh đứng giữa rừng cây dương liễu, từng dốc đồi trập trùng nối nhau vươn tới chân trời. Dưới bóng rừng dương, chành rành mọc lên thành đám thành vùng giữa hoang dại và khô cằn, bện đan vào nhau làm ổ ngụy trang. Lần đầu tiên anh được nghe giọng nói bản địa đầm đậm thô ráp, thẳng lòng thẳng dạ của những con người khẳng khái từ lớp trẻ trai đến bậc bô lão, trong đáy mắt luôn rừng rực ánh lửa khao khát hòa bình. Nơi này là vùng giáp ranh giữa ta và địch, những cuộc càn quét đan xen phòng ngự cứ dai dẳng hàng tháng trời. Máy bay Mỹ ném bom dữ dội xuống những vạt rừng dương sẫm xanh ứ nghẹn, xoáy thành bao lòng chảo cát trắng nham nhở tựa vết thương trống hoác. Nhiều tán cổ thụ cháy rụi từng dải lá thon dài sau cơn bão lửa, thân cây sạm đen chết đứng. Giữa ngui ngút khói đẫm mùi lá dương, đất cát và xương thịt người, nhiều cây chưa kịp bén sâu rễ đã bật gốc sõng soài. Những xóm làng nhỏ nhoi nép vào đồi dương như bị bóp nghẹt trong bàn tay lạnh lẽo của cái ác. Vậy mà những con người mong manh nhưng ý chí choáng ngợp, đã bền bỉ ở lại giữ từng tấc đất thiêng, từng vuông đất lành.
Giữa chiến cuộc triền miên, quân ta ở vùng giáp ranh được người dân xứ sở hết lòng đùm bọc. Lương thực, thuốc men được tiếp tế liên tục dưới những căn hầm bí mật ngụy trang kĩ lưỡng. Định đã ở lại dưới hầm trú sau nhà một bà cụ nói giọng Bắc đượm đà, suốt nhiều tháng đóng quân. Bà theo chồng về xứ này làm dâu rồi neo đời mình ở mảnh đất bà đã coi như là hơi thở. Nhưng chất Bắc trong bà vẫn chưa bao giờ phai lạt, bà hay chít khăn mỏ quạ bâng quơ cất lên vài câu hát xẩm, giai điệu còn sót lại giữa miền nhớ nhớ quên quên.
Bà làm Định nhớ vùng bãi bồi phù sa eo thắt miền ngoại ô, nơi anh đã gửi lại ấu thơ bên mẹ. Gió bãi bồi cũng tung tẩy, nồng nhiệt như bầy gió thổi qua nơi này, nhưng đằm thắm hơn và thơm mùi cố xứ. Mẹ sớm chiều vẫn xắn cao ống quần, bì bõm lội bùn gạn chắt những thơm thảo từ sông. Lòng mẹ và lòng sông đã bồi nên hình hài này của Định. Liệu anh có được trở về, thay người cha biền biệt theo giặc chối bỏ quê hương, nhóm lại ngọn lửa ấm yên đời mẹ, để mẹ không còn phải cúi mình giữa bủa vây tủi nhục, phán xét?
Có nhiều đêm Định ngồi dưới tán rừng dương, những rặng cây đắm mình vào bầu im lặng vô biên, cái im lặng vừa như không có gì, vừa bí hiểm rợn ngợp. Tiếng súng luôn chực chờ xung quanh để ráo riết xuyên qua bầu im lặng này, xé toạc từng mảnh đêm. Ngửa mặt nhìn lên vằng vặc sao trời, anh nhớ người con gái phố Hàng Đào vẫn ngày ngày đợi mong anh. Người con gái phố cổ chưa từng quan tâm đến gốc gác một chàng trai có người cha theo giặc, ở vùng hiu hắt ngoại ô, vào trọ nhà mình với túi hành lý nặng bởi chỉ nhiều sách vở. Định mang ơn Nhã. Từng lá thư nắn nót còn bịn rịn mùi nhớ mong, Định giữ lại thật kĩ như tín vật của yêu thương được gửi từ Hà Nội. Lời đính ước với Nhã trước lúc anh đi vẫn còn dở dang. Trong thư, Nhã kể những biến động ở quê nhà từ ngày anh vắng mặt, lá thư nào anh cũng nhận ra cô đang cố giấu đi nỗi thổn thức. Những lá thư rách góc, nhòe chữ quý giá đã xuyên qua muôn vàn cắt chia để anh được nâng niu trên tay, cũng như lòng dạ của Nhã chưa bao giờ đổi khác dẫu phải nghìn trùng chia biệt.
***
– Dạ, chú tìm ai ạ?
Một cô bé da trắng, mắt nâu màu hạt dẻ, mái tóc xoăn xõa ra tựa một đám mây nhỏ, đứng dưới gốc mận tò mò nhìn anh. Dừng trước cổng nhà dựng tạm bợ bằng vài nhánh tre, Định lựng khựng mất một lúc, như có đá nặng níu ghì bước chân anh. Ngôi nhà bạc rạc như co lại giữa bầy gió bấc bủa giăng, từ cổng nhìn chếch ra bên hông nhà, dưới gốc khế là hai ngôi mộ thẳng hàng xanh cỏ. Trong một thoáng, Định dường như đã khẽ run lên rồi bần thần, thấy nhói lên giữa lồng ngực. Cô bé mắt nâu vẫn đứng chờ anh trả lời. Thoáng nhìn cô bé, những đường nét trên khuôn mặt hồn nhiên ấy khiến anh băn khoăn. Không lẽ nào…
– Đây có phải là nhà của chị Diêu, con gái cụ Lành không cháu?
– Dạ phải. Là má và ngoại cháu, chú tìm má cháu ạ?
– Ừ… Má, má cháu có nhà không?
– Dạ, có ạ. Má ơi, có chú này tìm má!
Cô bé nói vọng vào nhà. Định khấp khởi mừng, chị vẫn còn đây. Sau đó, một người phụ nữ lụp xụp nón lá, phủi phủi hai tay lom khom bước ra, đẩy nón ngước lên nhìn anh khựng lại chốc lát, rồi một nỗi bàng hoàng kéo tới giăng lên khuôn mặt. Định cũng ngỡ ngàng. Chị Diêu đây rồi, người có vết sẹo lồi na ná hình mảnh trăng khuyết hằn ở cổ tay. Ngày đó, anh Thoại từng muốn làm tặng chị một chiếc vòng để che đi vết sẹo ấy, nhưng chị cản, bởi mỗi vết sẹo trong đời đều mang hình hài một câu chuyện. Mặc cho đôi gò má bây giờ đã vun lên cao hơn trên khuôn mặt gầy, nước da như được tráng qua bởi nhiều lớp nắng lửa, chị vẫn đẹp, vẻ đẹp ẩn nhẫn đến xót xa. Hai mươi năm, thời gian mãi đành đoạn là những lằn roi buốt nhói quất vào phận người nhỏ nhoi, mà chiến tranh là cơn bão muôn đời vẫn âm ỉ tàn dư đắng đót.
– Định, Định phải không?
Người phụ nữ thốt lên.
***
Định đã ở lại chiến đấu tại vùng đất này từ mùa gió Nam hầm hập thổi qua đồi, rồi giáp mặt cả mùa gió Bấc trải lên cái lạnh thấu buốt. Mưa bắt đầu kéo về lao rao, lao rao khắp những triền đồi dương liễu trầm mặc, nhấn rừng cây vào một cơn buồn không dứt. Những hố bom đọng mưa giàn giụa bóng tối như mắt người ứa lệ, chỉ muốn khép lại tất cả súng đạn bạo tàn. Ngồi trước một ô lô cốt, thè lưỡi thử nếm mưa ở xứ này, Định thấy nhớ vị mưa phùn, gió Bấc vào cuối năm giăng trên xóm ngoại ô của anh, cũng là lúc mẹ đan xong áo rét. Ngày trở về, nhất định anh sẽ đón mẹ vào phố để dựng lên một cuộc đời mới, chuộc lại lỗi lầm của người đã sinh ra anh rồi bỏ đi không ngoảnh lại.

Bà cụ từng kể ngày chị Diêu chào đời cũng vào mùa gió Bấc, mưa lê thê u tịch rót xuống làng như thể đang rót xuống một chiếc bình không đáy. Con gái của bà được sinh ra giữa một vạt rừng ken dày chành rành, tơ hồng và dương liễu. Bà cụ không bao giờ biết được ai đã xui khiến bà đội mưa băng ra cánh rừng, để con mình hòa tiếng khóc đầu đời vào những cuộn gió vồ vập xoắn xuýt, giữa bóng chiều cô đặc như bị gió làm loãng ra, và tiếng lá dương ngân bất tận dìu tiếng khóc bay khắp miền đồi. Tiếng khóc ngằn ngặt giữa bao la như là sợi dây số mệnh bện đời chị vào cánh rừng này. Như từng búi dây tơ hồng mướt xanh bện vào nhành dương liễu, quấn quýt cuộn chặt đến khi héo tàn.
Chị Diêu vừa tròn ba mươi. Nghĩa là chị hơn Định đúng nửa con giáp. Dáng người mảnh dẻ thoăn thoắt luồn rừng, chui hầm tiếp ứng lương thực cho bộ đội. Trong một lần giặc vào làng lùng soát những chum gạo của dân đem đổ hết xuống giếng, chị quyết liệt dằn lại làm chum gạo vỡ toang, một mảnh sành cứa vào cổ tay ròng ròng máu chảy. Từ ấy chị có thêm vết sẹo lồi hình mảnh trăng khuyết, như cách anh Thoại đã xoa nhẹ vào đó rồi nhìn lên trời hình dung, vào cái đêm đầu tiên anh được cầm tay chị. Anh Thoại là sĩ quan chung tiểu đội với Định, cùng được bố trí hoạt động dưới hầm bí mật sau nhà chị Diêu. Khi tiếng súng đã im bặt trả lại sự thanh tĩnh cho cánh rừng, thỉnh thoảng chị ngồi hát vài điệu xẩm học được từ mẹ cho anh Thoại nghe, giọng hát đậm xứ Kinh Bắc len lỏi giữa miền rừng dương, cát trắng. Những cung bậc bổng trầm xoa dịu, cũng đẹp như khuôn miệng cất lên tiếng hát: “Thơm nức quê làng có chàng là chàng quân tử/ Dạo cung đàn ái ân/ Có khách lên chùa thời bẻ nhánh hoa xuân/ Khách lên chùa thời bẻ nhánh, nhánh hoa xuân”. Hai người phải lòng nhau từ đó. Còn Định lại man mác nhớ về Nhã, nơi thủ đô có lẽ mùa rét đã giăng trên từng con phố trầm.
Chiến trận vào hồi căng thẳng. Ở những vùng giáp ranh, địch mở nhiều cuộc càn quét vào làng, điều động thêm lính Nam Triều Tiên, thiêu rụi nhà cửa, giết hại trâu bò, san bằng vườn tược. Ngoài cánh rừng, mùi tử khí ngập ngụa chiếm lấy mọi khoảng trời, xe tăng, thiết giáp của địch kéo về như bầy nhện khổng lồ giày xéo cây cỏ đất cát, tiếng bom mìn xé từng mảnh rừng rùng mình nén đau.
Một buổi chạng vạng sa mưa, gió lồng lên thổi qua cánh rừng tựa ngàn cánh tay sải dài, siết lấy những ngọn cây ràn rạt. Gió như bầy ngựa hoang từ mọi hướng xoáy cuộn róng riết, vun vút lao mình theo đường đạn bay chao chát, rải tung đám lá mục ướt mưa. Gió quần nhau trong tiếng bước chân sầm sập, gấp gáp, cứa vào những khuôn mặt căng ra cao độ. Tiếng la hét xé mưa dạt đi muôn nẻo cùng tiếng đạn nổ không khoan nhượng. Chiến trận đầy cam go. Bất ngờ bị đạn xuyên thẳng vào chân, anh Thoại khuỵu xuống sau bụi chành rành. Cùng lúc có tiếng bom vang động trong chớp mắt, anh ôm đầu cúi thấp, một thân cây dương liễu rùng rùng đổ xuống ngay chỗ anh ngồi. Định rẽ cây chạy lại, run rẩy gỡ anh ra khỏi thân dương liễu, rồi bế thốc anh lên, nương theo lối mòn lao nhanh về ô lô cốt. Một viên đạn vẫn kịp đáp vào vai Định. Thân thể anh Thoại lúc này đã mềm nhũn, máu loang đẫm ống quần, từng nhịp thở mỏng mảnh tan trong hơi mưa. Không thể cất lên tiếng nói, anh chỉ còn biết trút hết trăng trối vào cái nhìn thăm thẳm dành cho Định. Ngoài kia, gió vẫn thét gào âm âm theo tiếng súng nổ, một bên vai máu cứ rỉ rả nhưng Định chỉ thấy tim mình buốt nhức. Rồi đột ngột anh Thoại gượng mình dậy, ra dấu lệnh cho Định phải ngồi im, rồi cố sức nhoài người bò ra ngoài lô cốt.
Trước khi lả đi vì mất nhiều máu, Định chỉ kịp nghe tiếng nổ chát chúa dội bên ngoài, cùng lúc có một bàn tay người nhòe nhoẹt máu văng về phía miệng lô cốt. Anh Thoại đã rút chốt một trái lựu đạn cài sẵn dưới bụng mình, vài tên địch tới lật anh lên dí súng vào ngực, chưa kịp bóp cò thì lựu đạn phát nổ. Thịt xương của anh và địch lẫn vào nhau. Nhưng bàn tay trước mắt Định chính là bàn tay anh Thoại, bởi trên ngón áp út cong cong lấm đầy cát và máu kia, cái nhẫn bạc vẫn sáng lên giữa những lằn sấm sét, chớp rạch long trời. Trong cơn mê man, Định nghe như lời nói của anh Thoại đêm qua vọng bên tai, rằng má chị Diêu đã trao lại cho hai người cặp nhẫn đính ước của ông bà ngày đó. Giơ bàn tay cục mịch đen sạm chỉ biết cầm súng lên, anh Thoại nói mà như reo, khuôn mặt hồ hởi: “Đợi hòa bình anh chị sẽ chính thức cưới nhau”. “Đợi hòa bình… anh chị… sẽ chính thức… cưới nhau…”. Tiếng vọng vừa dứt, cả rừng lá dương như hóa thành muôn vạn linh hồn rì rầm, rì rầm xung quanh Định…
***
– Thời gian qua chị sống thế nào?
Hỏi xong, Định không biết giấu vào đâu sự bối rối.
– Chúng ta, còn được sống đã là hạnh phúc vô bờ rồi, Định à. Lần này Định về thăm, chị mừng quá!
Chị Diêu cười nhẹ, ngập ngừng cúi xuống rồi lại ngước nhìn lên, vạt nắng cuối năm từ cửa sổ rọi vào, len lén thắp những ánh buồn lên mắt chị. Một tiếng gà lẻ loi rơi vào hun hút thinh lặng. Định thấy mình cũng đang lặn ngụp trong đó.
– Ngày ấy nếu không có Định, chắc chị đã đi xa. Hai mươi năm ròng, sao mà như chớp mắt…
Vài sợi bạc đã bắt đầu ghi dấu trên mái đầu chị Diêu. Chẳng biết phải làm gì, chị gượng gạo nắn nắn cổ tay, vết sẹo hơi hằn đỏ. Chiếc nhẫn bạc kia, có lẽ là chiếc nhẫn bạc của hai mươi năm trước, nó vẫn ở đó, nơi ngón áp út đượm màu gió sương. Nhà vắng người, cô bé mắt nâu không biết đã đi đâu, để lại mảnh sân trống lác đác hoa mận. Chị Diêu nhìn ra sân, ánh nhìn sâu hút như thể nếu có gì để lạc vào đó, sẽ không cách nào dứt mình thoát ra. Mớ lời Định chuẩn bị để nói khi gặp lại chị cũng theo ánh nhìn ấy tan đi đâu hết. Giữa gian nhà vừa quen vừa lạ này, anh ngồi lặng im bất lực để thời gian dần bị kéo căng, thì câu hỏi của chị Diêu đã nhấc anh ra khỏi vùng trống rỗng.
– Còn Định, vợ con công việc thế nào rồi? – Câu hỏi thường nghe trong những khoảnh khắc gặp lại, người ta không biết phải nói gì với nhau.
– Mọi thứ có lẽ đều ổn… Chị à!
Định lúng túng, nắm chặt đôi bàn tay tì sát vào hông. Anh nghe hai bên thái dương như căng ra, những nếp cơ mặt hình như cũng đang siết lại.
– Nhưng có điều này…
***
Định được chuyển về vùng hậu cứ chờ lành thương. Suốt những ngày nằm nghe cái bóng chiến tranh nghiến qua mình, Định thấy thời gian đã hóa thành một thứ keo, bết dính ngày và đêm, sáng và tối thành những khối lẫn lộn. Anh chỉ còn biết nằm đợi nghe tin tức từ đồng đội, như một người lặn mãi dưới đáy sông khi trên mặt nước là bão mưa vần vũ. Nhắm mắt lại, bàn tay của anh Thoại buổi chiều đó một lần nữa níu chặt tâm trí Định, bàn tay để mở như chờ được nắm lấy. Chiếc nhẫn bạc sáng lên hút Định vào một vùng trời không đáy, ở đó, bao mơ ước của phận người luân lạc đều hóa thành mây khói u minh.
Giữa lửa đạn chiến tranh, liệu có chỗ cho những hẹn thề hi vọng? Định tự hỏi chị Diêu giờ ra sao. Bao hẹn ước của chị và anh Thoại đã mãi mãi ở lại nơi rừng thẳm, biết gửi vào đâu những câu hát xẩm da diết chị chỉ dành cho anh? Định lại nghĩ về mình và Nhã, nỗi đợi chờ của Nhã phía thủ đô xa xôi, liệu có ngày nào đó cũng trở thành mây khói? Khi chấp nhận đặt chân vào cuộc chiến, cũng là lúc người ta mất đi quyền tự định đoạt sự sống của mình.
Địch tập trung lực lượng vây ngôi làng chị Diêu, từng tốp giặc dắt theo chó đánh mùi hùng hổ lùng sục những thương binh nặng đang bí mật trú ẩn. Mười mấy ông bà cụ bị giặc gom lại trói tay, hành hung, tra khảo, nhưng từ đầu đến cuối, bọn chúng chỉ nhận được thuần một sự lặng im. Gió lạnh phần phật choàng lấy những bóng người già cỗi mà hiên ngang, những ngón chân bấm chặt vào mặt đất, đầu ngẩng cao nhìn thẳng vào lũ tàn bạo, như bao lũy bờ dương liễu ngàn đời kiêu hãnh giữa mênh mông. Thấy mọi nỗ lực của mình sắp thành vô nghĩa, tên chỉ huy bắt đầu giương súng lên trời, nã phát đạn cảnh cáo đầu tiên.
Những dáng người vẫn lặng câm như tượng đá, ánh nhìn căm phẫn, không một ai trả lời.
Phát súng thứ hai, chỉ có tiếng gió khô khốc đáp lại.
Phát súng thứ ba, viên đạn bay từ bàn tay gồng lên đầy giận dữ của tên chỉ huy, xuyên thẳng vào lồng ngực cụ Lành…
***
– Cô bé đứng trước nhà khi nãy, không biết… Định ngập ngừng.
– Nó là con của một tên lính Mỹ. Chính là tên đã bắn má chị!
Định bất chợt rùng mình. Chị Diêu vươn tay rót thêm vào cốc nước của Định, trân trối nhìn ra mảnh đất lòa xòa những bụi dong riềng hoa đỏ.
– Sau cái ngày dẫn lính vào làng lùng sục tìm bộ đội, hắn rời đi đâu đó được ba năm rồi quay lại nơi này, tổ chức bắt bớ, tấn công dã man ở nhiều thôn xã, khúc sông trước làng loang nghẹn màu máu. Làm sao chị không nhớ mặt tên kẻ thù đã giết mẹ mình! Chiều hôm ấy, lũ ác ôn tràn vào làng, tất cả đều đẫm hơi men, chúng bắt hết đàn bà ra làm đồ chơi thú tính. Như một định mệnh, hắn đã chọn chị. Khi hắn đang hả hê thỏa mãn sau cơn hoan lạc, nhân lúc hắn không đề phòng, chị đã gạt hết đớn đau gượng dậy trả thù cho má. Một phát súng kết thúc tất cả, rồi chị nhảy xuống nhánh sông trước làng, để mặc thân thể trống hoác đầy nhục nhã xót buốt, lặn thật sâu xuống lòng sông. Định ơi, lúc ấy chị đã ngàn lần muốn chết đi. Chị không biết là nước sông mặn hay nước mắt mình. Chị nghĩ đến má, nghĩ đến anh Thoại, chỉ cần một cú buông mình hòa vào dòng nước, chị sẽ được gặp lại hai người. Nhưng ngay khi đó, tiếng khóc non nớt của thằng Phúc bỗng vang lên bên trong chị, nhắc chị phải sống.
Kềm lại cơn xúc động, chị Diêu dừng lại một quãng, nghe như có tiếng thở đều đều đâu đó trong gian nhà.
– Mấy tháng sau, chị biết mình mang thai. Nhưng đứa nhỏ vô tội, Định à. Chị đã giữ nó lại, vì đâu ai sinh ra được quyền chọn cha mẹ mình.
Định bắt đầu thấy máu nóng rần rật cuộn sóng trong người. Giữa những nhịp tim gấp gáp như thể đang xoáy qua thác dữ, anh nói mà nghẹn lại từng chữ:
– Chị ơi! Thằng Phúc, thằng Phúc, có phải…
***
Ngay sau khi vết thương hồi phục, Định xuyên rừng về tìm chị Diêu. Mái tóc dài, đen nhánh thuở nào của chị thơm thơm mùi khói lá dương đã không còn nữa. Chị tự cạo đầu mình. Rồi chôn xuống ngay giữa hai nấm mộ, trên mái tóc này cả má và anh Thoại đều để lại dấu tay. Nó là thứ chị quý nhất đời con gái. Phía ấy, từng sợi tóc sẽ thay chị sống tiếp những phần đời có má và anh Thoại ở bên mình.
Đêm đó, gió căng tràn gió, dường như cánh rừng này không lúc nào thiếu gió. Ngồi nghe dương liễu vi vu chải gió, chị Diêu lặng im vuốt những ngón tay thon lên mái đầu chỉ mới chớm mọc những sợi tóc tơ. Rồi bâng quơ nhặt trái dương khô xếp thành hình một mảnh trăng khuyết. Người ta bảo có những nỗi buồn chẳng thể nói ra từ cánh môi, nên đôi mắt để những giọt lệ thay lời. “Vậy là chị còn gì nữa đâu, phải không Định?”. Ngửa mặt lên vòm trời như đang chảy một dòng sông trăng, khóe mắt chị Diêu cũng giàn giụa ánh trăng mười sáu. “Chị giờ như ngọn gió giữa rừng này, chẳng biết phải thổi về đâu rồi, Định ơi!”. Từng chữ cất lên tan nát. Sương xuống chầm chậm. Những giọt trăng đang xa xót tuôn trên mắt chị Diêu khiến lòng Định như tan chảy.
“Thơm nức quê làng có chàng là chàng quân tử/ Dạo cung đàn ái ân”.
Lúc này, câu hát ấy như từ bến mộng trôi về đậu trên môi chị Diêu, tròng trành, linh lang, day dứt, như hư như thực. Anh Thoại ở đâu giữa rừng này, anh có đang nghe chị hát? Trăng choàng lấy chị, từ những sợi tóc tơ chảy xuống đôi nét mày thanh tú, ngân ngấn đọng lại nơi vành mi, cánh mũi, hõm tai, khỏa lên bờ gáy mảnh mai trắng muốt. Đẹp đến nghèn nghẹn. Một lọn gió khuya lạc vào vạt áo mỏng, chị Diêu khẽ co mình. Định bất giác choàng tay qua người chị, tiếng lá dương đang reo ngân nga bỗng lặng thinh. Sương giăng đầm đậm. Định run rẩy ghé môi mình đặt nhẹ lên cổ chị, chạm vào những phiến trăng mỏng tang ngọc ngà. Run rẩy gạt đi những mặn xót rưng rưng nơi mắt chị. Run rẩy nâng tay chị ấp vào vồng ngực rắn rỏi nóng ấm như có ngàn thân củi đang rừng rực bên trong, phả thành những hơi thở đôi mươi thanh tân phập phồng. Từng cúc áo bỡ ngỡ lần mở ra một miền da thịt mướt đẫm trăng sáng. Thảm lá dương khô đằm êm loạt soạt, nâng những chuyển động lung liêng bóng đêm rừng…
Trăng dần lặn cuối trời. Nằm bên Định, như một người đi lạc giữa chiêm bao, chị Diêu chợt thảng thốt: “Anh Thoại! Anh Thoại ơi!”. Định mở mắt vụt dậy, luống cuống, mồ hôi đổ ròng ròng.
– Em, em có lỗi với hai người!
Rạng sáng hôm ấy, Định nhận được lệnh điều động tới một chiến trường mới. Mọi thứ đều gấp gáp bất ngờ, không kịp nói với chị Diêu ngay cả lời từ biệt. Rời khỏi mảnh đất ngút ngàn những vạt rừng xanh đến mộng mị, ngoảnh nhìn lại, Định như thấy anh Thoại đang vẫy tay hiền hậu phía ấy. Nét cười bao dung. Bàn tay vẫn rắn chắc vẹn nguyên, lấp lánh chiếc nhẫn bạc. Định cúi đầu nghe nhói ran lồng ngực. Ân hận. Ray rứt. Miệng đắng. Mắt cay. Ký ức quẫy đạp thấu buốt. Bầy gió rừng nổi lên xốc theo đám lá tơi bời như trách móc, như cồn cào. Rồi những vòng xoáy vô định của chiến tranh cứ cuốn anh đi xa dần, xa mãi, càng về sau càng bùng dâng mạnh mẽ cho ngày thống nhất.
Hòa bình. Mọi thứ ở thủ đô như đã sắp sẵn từ lâu chỉ còn đợi Định về. Những mòn mỏi đợi chờ rồi cũng đến ngày được nở hoa. Những bông hoa có màu nước mắt. Lòng mẹ già như mùa đông nhàu nhĩ mưa gió, mong Định về mang theo bóng xuân nắng ấm giải thoát bao u tối đọa đày, rũ bùn nhơ quá khứ mà đứng lên. Và cả tuổi xuân của Nhã, mười năm như cơn mơ dài hơn thế kỉ, ngày anh về dẫu tột cùng hạnh phúc nhưng Nhã đã không còn khóc được. Nước mắt đã lịm hết vào hun hút tháng năm.
Những giấc mơ tuổi trẻ được thành hình. Nhưng từng mảng ký ức trong Định cứ rị níu, chất lớp, chờ được khai quật. Bàn tay lẻ loi trơ khấc của anh Thoại vẫn ngoi ngóp vươn dài vẫy Định về quá khứ. Mười năm hòa bình không trở lại cánh rừng xưa, có phải Định đã trở thành kẻ bội nghĩa hèn nhát, phản ơn, lẩn tránh, quay lưng với biết bao thâm tình? “Chị giờ như ngọn gió giữa rừng này, chẳng biết phải thổi về đâu rồi, Định ơi!”. Câu nói của chị Diêu cùng tiếng lá dương u trầm khắc khoải vọng giữa lòng thủ đô bộn bề. Và vệt máu con gái trên thân thể chị Diêu đêm trăng đó, vẫn hiện lên đỏ bầm một màu ám ảnh, dằn vặt, khôn nguôi, trong những lần Nhã vùi vào ngực Định…
Anh đã kể với Nhã tất cả. Buổi tối trước ngày anh lên tàu, cô không nói gì, chỉ lẳng lặng nhìn anh rất lâu. Ánh nhìn nhẹ bẫng mà đau, đau hơn cả lần viên đạn xé gió bay vào vai anh, thấm thía…
***
Dường như đọc được những dồn nén sắp vỡ tung trong Định, chị Diêu tần ngần nhìn xuống, giọng nói mảnh như sương:
– Ừ. Thằng Phúc là con của Định. Nhưng chị có lỗi…
Chị Diêu chưa dứt câu, đã nghe ai đó bật khóc bên ngoài.
– Nhã! Làm sao em… Định thảng thốt.
Cùng lúc ở buồng sau vọng ra tiếng gọi:
– Má, má ơi!
Chị Diêu chạy vào buồng. Định cũng vô thức theo chân chị, rồi đứng sững…
Trước mắt anh, một cậu bé đang nũng nịu trong vòng tay chị Diêu. Tay chân teo tóp bọc lấy những dẻ xương yếu ớt, xiêu vẹo, cái đầu quá khổ so với thân thể co quắp tựa chiếc lá khô. Nhưng thật kì diệu, ông trời đã giữ cho đôi mắt cậu long lanh hệt thiên thần. Đôi mắt trong veo dẫn người ta đi lạc vào một trời tinh tú không gợn chút đớn đau thể xác. Đôi mắt biết hát những diệu âm non tơ yên ả, bất chấp những nghiệt ngã số phận, vẫn từ tốn rót vào lòng người ánh sáng của thiện lương. Cậu nhìn chị Diêu rồi nhìn sang anh, trao cho anh một nụ cười bẽn lẽn, nụ cười nở trên vành môi sứt vẫn rạng rỡ như cánh mai bung vàng trong gió lạnh.
Định chết lặng.
– Xin Định thứ lỗi cho chị. Trong lúc mang thai thằng Phúc, chị lỡ để thứ chất độc kia ngấm vào người.
– Không, chị ơi, chính em mới là người phải trăm ngàn lần xin lỗi!
Định không thở được, trái tim như đang nằm trong bàn tay ai bóp nghẹt.
Cả gian buồng quánh đặc bức bối. Nhã bất ngờ tiến lại, chạm vào lưng Định.
– Anh tới với con đi anh! Cô dịu dàng.
– Nhìn xem, Phúc đang đợi anh kìa!
Thoáng sững sờ, Định quay sang nhìn Nhã, ánh nhìn giàn giụa đầy biết ơn.
Anh bước tới.
Trong xa vắng, tiếng chuông chùa đồng vọng ai thỉnh phía hoàng hôn, loang trên khắp những vạt rừng huyền hoặc xanh như mộng. Những bè gió cuối năm đã đi hết bốn mùa vời vợi, phân ly rồi cũng về tụ lại dưới cội rừng dương. Sự sống dẫu mịt mùng quăng quật sau cùng vẫn manh nha những dòng chảy thao thiết. Hình như tháng Giêng vừa cựa mình thức dậy, sau rèm nắng chân trời lưng lửng một vệt trăng cuối mùa…
TRẦN VĂN THIÊN