Chùa Bà và lễ hội truyền thống ở Nước Mặn

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Cuối thế kỷ XVI, quá trình khai hoang lập làng ở Bình Định, vùng đất Nước Mặn được hình thành với nhiều sắc tộc bản địa cùng người Việt, người Hoa (Minh Hương) đã theo đường thủy sang cư trú sinh sống ở vùng đất này. Cộng đồng dân cư Nước Mặn lúc bấy giờ đã trao đổi, giao thương, lập phố xá buôn bán, hình thành nên đô thị sầm uất một thời. Cảng thị Nước Mặn ở Bình Định chính thức ra đời vào đầu thế kỷ thứ XVII dưới thời các chúa Nguyễn cùng với Hội An (Quảng Nam) và Thanh Hà (Huế). Hiện nay các dấu tích còn lại của Cảng thị Nước Mặn không nhiều, tập trung chủ yếu ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: P.N

Người Minh Hương mang theo tín ngưỡng của mình vào vùng đất mới cùng người Việt lập Chùa Ông, Chùa Bà. Chùa Ông thờ Quan Công, Chùa Bà thờ Thiên Hậu. Thị tứ Nước Mặn còn lưu truyền hai kiến trúc này. Bà có tên thụy là Thiên Hậu Thánh Mẫu, hay còn gọi là Bà Thiêu Hậu. Ngày nay, Chùa Bà thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.

Bà Thiên Hậu là một công chúa lá ngọc cành vàng triều nhà Tống (Trung Quốc), bà có tên thật là Lâm Tức Mặc (CN 960 – 987), con gái thứ sáu của Lâm Nguyên, người quê ở huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Vào thời Tống Kiến Long nguyên niên (CN 960), tương truyền Lâm Tức Mặc khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, có những vòng ánh sáng lạ xuất hiện chung quanh. Khi lớn lên Bà rất thông minh, hoạt bát gan dạ, hiền lành và có khả năng tiên đoán được sự đổi thay của khí hậu, thời tiết. Bà rất thích đi ngao du tứ hải nên người ta thường gọi Bà là “Long Nữ”. Bà còn có biệt tài về chữa bệnh, khử tà, bơi lặn, do đó được ngư dân Nước Mặn rất thương yêu, kính phục. Bà là người dạy cho dân cách sử dụng rong biển làm thạch để làm thực phẩm cứu đói trong những tháng mưa gió biển động kéo dài.

Bà Thiên Hậu gắn liền với truyền thuyết cứu cha và anh trai gặp bão sau một lần đi chở muối và thực phẩm trên biển. Lúc đó Bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ, nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn vạt áo của cha, hai tay nắm hai anh, giữa lúc ấy mẹ gọi, buộc Bà phải lên tiếng trả lời, Bà vừa mở môi để trả lời thì sóng đã cuốn người cha, chỉ cứu được hai anh. Theo truyền thuyết này, mỗi khi tàu bè trên biển bị nạn, người ta thường khấn vái, nhờ đến sự che chở của Bà. Đến đời Tống Ung Hy tứ niên (CN 987) ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch, Bà tự nhiên qua đời lúc 25 tuổi, Bà hóa vào một ngày có quần tiên tấu nhạc, hiện nay cổ kiệu trong Chùa của Bà còn có 4 chữ“Bạch nhật phi thăng”, khi hiển thánh, Bà thường mặc áo đỏ cưỡi thảm bay lượn trên biển để cứu dân gặp nạn.

Dưới triều Nguyên, Bà được phong sắc làm Thiên Phi, đến đời Thanh vua Khang Hy phong cho Bà là Thiên Hậu và danh hiệu này được lưu truyền đến ngày nay. Người dân Nước Mặn tiếp nhận tín ngưỡng và tôn Bà là Thần biển, lập Chùa khi khai hoang vùng đất mới.

Chùa Bà Nước Mặn đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, lần tu sửa gần đây nhất là vào năm 1986 và 2016. Chùa quay mặt về hướng Nam, bên cạnh một con sông nhỏ có tên là Cầu Ngói, người dân còn gọi là cầu Nước Mặn. Phía trước có một hồ nhỏ có lẽ xưa trồng sen, tương truyền đó là bến thuyền neo đậu vào hành lễ. Sau hồ là bình phong án ngữ trước cửa chính của chùa, hai bên có hai trụ liên hoa nhưng bị đổ, nay đã phục dựng. Bức bình phong phía trước trang trí đề tài “Long mã hà đồ”, một tích truyện trong Phật giáo, mặt trong trang trí hình chim phượng, một trong “tứ linh” được thờ trong các đình chùa ở Bình Định nói riêng.

Kiến trúc chùa theo lối kiểu chữ Nhất, mái cong, hai đầu đốc hình thuyền trang trí hình chim phượng, mái hai tầng, đỉnh trang trí hình lưỡng long triều nguyệt, diềm mái trang trí hoa văn theo lối ghép mảnh men sứ các loại, mái lợp ngói âm dương, nay thay lại ngói mới. Phía trước Chùa thiết kế cổng Tam quan kiểu vòm cuốn, bên trên các trụ gắn hình hổ và kỳ lân, diềm mái trang trí hình bát tiên, chính giữa trang trí hình rùa, một biểu tượng tứ linh trong thờ tự. Bên trong có ba cửa, một cửa chính và hai cửa phụ hai bên. Chùa được thiết kế ba gian, phần khung đỡ xưa là gỗ, sau khi được sửa chữa lại một số chi tiết được thay bằng nguyên vật liệu mới. Nguyên gốc còn bốn cột cái, trong đó hai cột đã bị mục được xây bọc xi măng, hai cột trong còn nguyên. Kiến trúc theo kiểu chồng rường, kẻ chuyền nhưng đã được thay thế.

Cách bày thờ tự, so với truyền thống nay có sự thay đổi, gian chính thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Hai bên có hai tượng đứng là Thiên nhĩ (nghe vạn dặm) và Thiên nhãn (nhìn vạn dặm). Phía trên gian chính là bức hoành phi đề “Hộ Quốc tý dân” tức bảo vệ đất nước, che chở dân lành, niên hiệu Bảo Đại triều Nguyễn ban tặng, gần cửa chính là bàn thờ Hội đồng chư thần. Bàn thờ bên trái thờ Thành hoàng làng. Hai bên bày tượng hai vị thần Hộ pháp (thần gác cửa). Bên trên treo bức hoành phi đề chữ “Phúc ấm trùng quang” tức là “Cái phúc sáng mãi”. Bên phải là bàn thờ Bà Thai sanh Thánh mẫu, thờ 12 bà mụ trong tư thế bồng con. Bên trên treo bức hoành phi đề “Tứ Sanh Đức”. Bên trái là bàn thờ Thành hoàng làng. Qua thờ tự ta thấy sự dung hợp tín ngưỡng Việt – Hoa trong quá trình cộng cư, sinh sống của cư dân vùng này.

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội cổ truyền có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định cách đây trên dưới bốn thế kỷ. Kể từ khi Cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh. Lễ hội được tổ chức hàng năm trong ba ngày: Ngày cuối tháng Giêng Âm lịch, có thể là ngày 29 hay 30 tùy tháng thiếu hay đủ, và từ ngày 01 đến ngày 02 tháng 02 Âm lịch. Cứ vào dịp đến ngày lễ dưới sự điều hành của ban nghi lễ, dân Cảng thị cả người Việt, người Hoa và các sắc tộc cùng nhau hỗ trợ khiêng kiệu với biểu trưng “Ngư – Tiều – Canh – Mục” tới Chùa Ông, Đình làng Nước Mặn, các miếu xung quanh làng rước linh vị của các vị thần về Chùa Bà để chuẩn bị nghi thức tế lễ. Nửa đêm ngày 30 là lễ tế chính thức những vị thần khai sáng che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của mọi người dân làng Cảng thị.

Phần tế lễ cũng thể hiện rõ tinh thần dung hợp tín ngưỡng trong đời sống tâm tinh của người Việt, người Hoa và các sắc tộc tại Nước Mặn. Sau ngày tế thần, sang ngày thứ hai và thứ ba là hai ngày hội làng. Khách thập phương xa gần về Nước Mặn chờ đợi được viếng chùa, xin Bà phù hộ cho việc làm ăn, phát triển, thịnh vượng.

Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, do sự bồi lấp của phù sa sông Côn, con sông Cây Da trước chùa bị bồi lấp, không còn đóng vai trò là con đường giao thông, thuyền bè không thể vào cập cảng buôn bán. Nước Mặn dần kết thúc vai trò là một cảng thị. Song, lễ hội truyền thống ở Nước Mặn luôn được duy trì và lan tỏa, vẫn tiếp tục phát huy những nét đẹp ở các hoạt động tín ngưỡng hàng năm.

Nếu như ngày tế thần là nghi thức tín ngưỡng thì tới ngày hội mới phô diễn hết vẻ đẹp của văn hóa cảng thị xưa. Nghi thức đầu tiên thu hút sự chờ đợi của tất cả mọi người là nghi thức rước biểu trưng trên phố cổ. Tất cả người dân trong vùng cảng thị xưa háo hức tham gia vào nghi thức rước biểu trưng “Ngư – Tiều – Canh – Mục” để tưởng nhớ công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng sình lầy ven biển trở thành một đô thị, thương cảng sầm uất ở vùng phía Nam nước ta thời bấy giờ. Biểu tượng “Ngư, Tiều, Canh, Mục” tượng trưng cho bốn nhóm người với các hoạt động sản xuất trên vùng đất này trong buổi mới mở cõi, khai hoang: Người hoạt động nghề biển, người khai thác, bảo vệ rừng ngập mặn, người đắp bờ làm ruộng, người chăn nuôi gia súc. Bốn nhóm người được mô phỏng bằng bốn tượng hình người biểu trưng và được cung kính đặt lên kiệu khiêng đi. Ngoài ra còn có rước biểu trưng tàu thuyền viễn dương với những tay chèo vạm vỡ vượt sóng gió làm sống lại những ngày đầu tấp nập tàu thuyền bốn phương tới vùng cảng thị buôn bán, trao đổi hàng hóa. Phật giáo và Đạo giáo theo bước chân di cư của người Việt, sau đến người Hoa tới Nước Mặn nên trong ngày hội còn có rước biểu trưng Hà Tiên Cô ngồi trong hoa sen có cánh khi cụp, khi xòe thu hút sự chú ý của người xem.

Đến với Chùa Bà, nhất là dịp diễn ra lễ hội truyền thống chúng ta sẽ được chứng kiến một kho tàng văn hóa dân gian đã in đậm trong tâm trí của người dân Tuy Phước, người dân Bình Định từ bao đời. Chùa Bà được UBND tỉnh Bình Định công nhận là di tích lịch sử – văn hóa ngày 20 tháng 7 năm 2010. Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 04 tháng 8 năm 2022. Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định đã phối hợp với UBND huyện Tuy Phước tổ chức lễ vinh danh, đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào dịp lễ hội truyền thống Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn năm 2023 vừa qua.

PHƯƠNG NAM

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

Làng chiếu Chương Hòa

Ở thị xã Hoài Nhơn, làng chiếu cói Chương Hòa thuộc xã Hoài Châu Bắc có từ lâu đời, đến nay vẫn tấp nập, tạo nên bức tranh quê đẹp, thơ mộng, nghĩa tình…