Chồng mới của vợ tôi

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Đối với loài ngựa mà nói, kiếm cỏ là công việc cực kỳ quan trọng. Nhưng vấn đề tiếp theo nảy ra là: Sau khi vất vả vài ba chục năm để kiếm cỏ ăn, thì rốt cuộc cái chết cũng sẽ tìm đến như một lẽ tự nhiên, như vậy thì sống để làm gì? Tuy nhiên, ngựa không biết rằng nó sẽ phải chết cho nên vấn đề đó không gây một chút băn khoăn gì cho nó. Nhưng đối với con người, chúng ta là loài động vật sống thực tế, nghĩa là chúng ta biết trước rằng mình sẽ phải chết, thì câu hỏi bên trên được đặt ra trước mặt như một ngọn núi sừng sững che lấp đi câu trả lời đằng sau.

Qua những lời trên, nếu tôi không lầm thì con người đúng ra phải nên ghen với loài ngựa. Nhất là những động vật sống thực tế kiểu như tôi, nghĩa là đang đau ốm, biết trước rằng chẳng còn bao lâu nữa mình sẽ chết đã đành, lại còn biết cả những gì sẽ xảy ra sau khi mình chết, ấy vậy mà đến cả cái quyền được phẫn nộ cũng không có.

Đã là cặn thì có bao giờ trong suốt. Càng gần đến ngày chết, sinh lực trong thân thể tôi càng vẩn đục và trở nên méo mó. Thế là tôi muốn tuôn ra giấy con chữ cho nhẹ vơi đi nỗi chua xót, cũng để kiếm chút thú vị sau này – nỗi thú vị mà tôi sẽ không được hưởng thụ. Tôi muốn vợ tôi sau khi tôi chết đọc được những dòng này, và hiểu rằng chồng của cô ta đã nhìn thấy trước mọi thứ.

Ý nghĩ này nảy sinh trong đầu tôi vào sáng hôm nay, nguyên do bắt nguồn từ việc tôi bị vợ bắt quả tang khi đang đứng ngoài hành lang cúi người nhòm qua lỗ khóa vào phòng riêng của cô ta.

– Tưởng anh không có máu ghen kia mà! – Cô ta hét lên với tôi – Sao anh lại làm thế? Lại còn bỏ cả giày để không phát ra tiếng nữa kia chứ!

Tôi ngó xuống thì đúng là tôi đi chân đất thật! Vừa lúc ấy vợ tôi cười phá lên. Biết trả lời thế nào đây? Tôi đành lúng búng vài câu thanh minh ngu xuẩn. Đại khái là tôi không định nhìn trộm, tôi làm thế thuần túy chỉ vì do tò mò. Cũng bởi không nghe thấy tiếng piano, và không nhìn thấy ông thầy dạy nhạc ra về, nên mới… Nhưng tôi thề, giày là tôi đã cởi trước đó vì bị đau chân chứ không phải để rình mò như lời vợ nói. Cô ta, nàng Ophelia yêu quý của tôi, người vừa phát giác việc tôi đi chân đất, đúng ra phải hiểu được tại sao tôi lại đau chân, và không được cười chuyện ấy, ít nhất là ngay trước mặt tôi.

Tôi vẫn biết, và hiện giờ cũng biết rằng vợ tôi không hề có chút hứng thú gì với cái lão ấy – tức là ông thầy dạy nhạc cho vợ tôi. Hơn nữa, tôi tin chắc trong khoảng thời gian ăn ở với nhau, vợ tôi chưa một lần phản bội tôi. Ngần ấy năm cô ta đoan trang giữ mình, vậy tại sao chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vài tháng, thì cứ cho là bốn, năm tháng đi, cô ta lại phản bội tôi kia chứ? Mà không, tôi tin chắc rằng vợ tôi đủ kiên nhẫn để chờ đợi, cho dù phải đến một năm nữa tôi mới chết.

Thêm nữa, cũng lại vì tôi biết rất rõ anh ta, anh chồng tương lai của vợ tôi. Và tôi dám đem cái đầu tôi ra đánh cược rằng anh ta sẽ không làm gì khiến tôi phải phiền lòng trong khi tôi vẫn còn ngắc ngoải.

Anh ta chính là bạn thân của tôi. Thật ra anh ta cũng không trẻ trung gì lắm. Bốn chục tuổi, nghĩa là suýt soát tuổi tôi. Chỉ có điều trông tôi già khọm như ông lão, còn anh ta thì vạm vỡ, đi đứng vững chãi như một cây sến trong khu rừng. Ngoài ra anh ta còn được trời phú, nói như các cụ, đủ thứ phẩm hạnh khiến một người đàn ông trở thành kiểu mẫu như: thanh lịch, rộng rãi, cao thượng. Điều đó bộc lộ rõ nhất trong cách anh ta chăm sóc tôi.

Chẳng hạn, hầu như sáng nào anh ta cũng cưỡi xe ngựa đến đón tôi đi hít thở khí trời. Anh ta xốc nách tôi, dìu tôi chầm chậm xuống bậc thang, đến mỗi chỗ ngoặt lại bắt tôi phải nghỉ. Anh ta đếm đến một trăm rồi sờ mạch tôi xem có nhanh quá hay không, xong dịu dàng hỏi: “Đi tiếp chứ?”. Cứ từ tốn như thế cho đến tận tầng dưới.

Kết thúc cuộc dạo chơi, anh ta đặt tôi vào một chiếc ghế, đứng sang bên, bên kia là bác gác cổng tòa nhà, và hai người cùng khiêng tôi lên gác. Thật ra tôi không muốn để bạn tôi phải vất vả phục dịch mình như thế. Tôi cũng chẳng muốn làm phiền bác gác cổng chút nào. Nhưng mà thôi thế cũng được, bởi vì tôi chẳng nặng lắm, chỉ khoảng bốn mươi lăm cân kể cả quần áo, với lại tôi trộm nghĩ, lý do anh ta hầu hạ tôi là để sau này được hưởng hạnh phúc với vợ tôi cho khỏi áy náy. Vậy cứ để anh ta vất vả một chút thì đã sao?

Đến ngay cả Ophelia cũng thích được hầu hạ tôi. Thậm chí cô ta còn muốn vất vả, khổ sở nhiều hơn nữa là đằng khác.

Tuy nhiên cũng phải thú thật rằng có giây phút tôi đã thèm được nhìn thấy hai con người đó lộ nguyên hình là những kẻ khốn nạn. Những ý nghĩ cao thượng, những tình cảm tinh tế của họ nhiều lúc khiến tôi cảm thấy phát tởm. Bởi vì tôi không có khả năng phản đối chuyện sẽ xảy ra sau mình khi chết, điều ấy đã rõ ràng, cho nên tôi luôn cảm thấy phải có trách nhiệm căn dặn thằng con trai độc nhất của mình là nó, với tư cách một người con, phải biết yêu thương và kính trọng cái người chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành bố thứ hai của nó, để nó không bao giờ được làm điều gì khiến Phlorextano phiền lòng. Tôi bảo con trai tôi:

– Carlo yêu quý, hai bàn tay của con bẩn rồi kìa. Hôm qua bác Phlorextano đã nói với con như thế nào khi bác ấy nhìn thấy mũi con bị dính mực? Bác ấy bảo rằng: “Chùi sạch cái mũi bẩn ấy đi, Carlo, kẻo bác bỏ cháu vào tù bây giờ”. Tất nhiên bác Phlorextano nói đùa thế thôi chứ thời bây giờ không ai bỏ tù kẻ khác chỉ vì bàn tay bẩn. Nhưng con vẫn cứ phải đi rửa tay vì bác Phlorextano chỉ yêu những đứa trẻ sạch sẽ. Bác ấy tốt bụng và rất thương con, Carlo ạ. Con cũng phải thương bác ấy. Phải nhớ vâng lời để bác luôn luôn hài lòng về con. Con hiểu chứ, con yêu của bố?

Rồi tôi dành lời khen ngợi tất cả những quà cáp, đồ chơi mà anh bạn đem đến cho thằng con trai tôi nhằm lấy lòng mẹ của nó. Thằng con tội nghiệp của tôi theo đúng lời tôi khuyên bảo, đã tỏ ra quấn quýt Phlorextano. Ngay mới cách đây ít ngày thôi, Phlorextano đưa thằng bé đi dạo phố, khi về nhà, anh ta vui vẻ kể với tôi rằng trong lúc hai bác cháu đang đi, con trai tôi đột nhiên dừng lại rồi buồn bã hỏi anh ta: “Cháu làm bác đau lắm phải không, bác Phlorextano?”. “Không, Carlo ạ. Nhưng tại sao cháu hỏi bác như thế?”. Con trai tôi ngây thơ đáp: “Tại cháu vô ý giẫm lên bóng của bác”.

Đồng ý là phải yêu thương, nhưng đến như thế thì hơi quá, con trai tội nghiệp của tôi ơi! Con đúng là chẳng hiểu gì hết. Giẫm vào bóng thì có sao đâu. Bác Phlorextano và mẹ của con đến một ngày nào đó cũng sẽ giẫm chân lên bóng của bố đấy, mà họ đều tin chắc rằng bố không đau đớn chút nào.

Giữa ba chúng tôi diễn ra cuộc thi xem ai là người lịch sự hơn. Trong khi ấy, một nỗi khổ tâm dần hình thành, bởi lẽ kẻ đau ốm như tôi rất thèm được buông thả, nhưng lại buộc phải giữ nghị lực, cố không làm điều gì khiến vợ và bạn phải phiền lòng, nếu không thì họ sẽ tăng thêm sự ân cần săn sóc. Sự săn sóc quá đáng ấy khiến tôi ghê tởm, thậm chí sợ hãi nữa. Có thể là tôi nghĩ sai. Nhưng việc được người ta phục dịch trong khi mình sắp chết giống như đang xem một vở bi hài kịch vậy. Tôi thấy rõ hai con người ấy đeo găng tay, vừa khúm núm lễ phép vừa đẩy tôi tới cửa địa ngục. Họ cúi thấp chào tôi, mỉm cười rất tươi rồi bảo: “Anh cứ bước qua cánh cửa ấy đi. Mong anh được thanh thản! Cũng mong anh hãy nhớ rằng chúng tôi không bao giờ quên anh, một con người tốt bụng, biết điều và vô cùng đứng đắn!”.

Hai người ấy luôn bảo với tôi rằng phải thành thật. Muốn tôi thành thật ư? Đối với tôi thành thật lúc này là mong muốn được đâm chết anh bạn quý hóa của mình. Mong Chúa tha thứ cho tôi cái ý nghĩ ấy!

Vào những đêm khó ngủ, tôi tưởng tượng cảnh hắn nằm trên giường của tôi, chiếm chỗ của tôi, được hưởng cái quyền làm chồng đối với vợ của tôi. Tôi tưởng tượng cảnh ở phòng bên cạnh, con tôi đang ngủ bỗng thét lên khóc nức nở gọi mẹ, lúc đó hắn sẽ bảo vợ tôi, nếu như cô ta có ý định nhỏm dậy để sang với con xem có chuyện gì: “Mặc cho nó khóc em yêu ạ. Đừng dậy làm gì, em sẽ bị cảm lạnh mất!”. Khi nghĩ đến chuyện ấy, xin thề với quý vị, tôi muốn giết Phlorextano ngay lập tức. Thế nhưng tôi không làm gì hết mà chỉ ngồi lặng lẽ bên cửa sổ, nhìn ra bầu trời rất lâu.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Với Ophelia, bố cô ta vốn là người theo tư tưởng tự do nên cô ta thường tự hào là bản thân không tin vào Chúa, mỗi khi như vậy tôi luôn bảo: “Em ngốc lắm, hãy tin ở Chúa, hãy gửi lòng biết ơn tới Ngài!”.

Ophelia sửng sốt nhìn như thể không tin được là tôi, Luca Lesi mà lại có thể thốt ra những lời lẽ đó. Bởi cô ta cho rằng người dĩ nhiên phải mất niềm tin vào Chúa nhất là tôi mới phải, làm sao tôi lại có lòng tin ở Chúa trong khi Ngài đối xử tàn nhẫn, bắt tôi phải chết lúc còn trẻ như thế này? Nhưng nếu cô ta thật sự yêu Phlorextano, thì khi đọc được những dòng này cô ta sẽ phải cảm tạ Chúa.

Đôi lúc tôi bắt gặp Phlorextano đưa mắt nhìn vợ tôi và thở dài. Những lúc ấy tôi thấy rõ hắn đang sốt ruột đến nhường nào. Tôi tưởng tượng đến lúc vợ tôi mệt mỏi ngả mái tóc óng vàng xinh đẹp lên bộ ngực vạm vỡ của hắn, dịu dàng vuốt ve hàng ria mép oai vệ của hắn, rồi dùng hai ngón tay khẽ chạm vào chòm ria màu hung ấy. Ôi, sao mà hạnh phúc đến thế! Chịu khó đợi ít lâu nữa nhé, Ophelia yêu quý! Khi ấy những lời trong đêm khuya cô thì thầm lúc ôm tôi, cô sẽ lại thì thầm với hắn. Cô thậm chí sẽ không nhận ra rằng đó là những lời đã từng nói với tôi: “Niềm vui sướng của em… Anh yêu của em… Ôi, anh thân yêu!”.

Tôi bắt đầu cười vang, cười không sao kìm lại được. Thế là cả hắn và vợ tôi đều ngạc nhiên hỏi tôi cười chuyện gì. Tôi nói lảng bằng một câu đùa, Phlorextano đáp lại: “Lesi ạ, có đến già bạn cũng không bỏ được cái thói bỡn cợt kiểu như thế”.

Nhưng tôi không phải kiểu người thích làm trò hề như hắn nói. Trái với ý muốn, những lời đùa cợt của tôi đâm ra thường chua chát, và những khi đó, ngồi bên cạnh tôi trong xe ngựa, Phlorextano đều tỏ ra khó chịu. Tôi bảo hắn: “Phlorextano ạ, tôi sẽ đề nghị bạn đứng vào địa vị của tôi nếu như cái địa vị ấy không đến nỗi tệ như thế này. Tôi tin chắc nếu bạn là tôi, bạn sẽ thấy được một cảm giác kỳ lạ, khi biết rõ bản thân sẽ sống chẳng được bao lâu nữa, và hình dung ra cái cách mà mọi người sẽ cư xử trong đám tang của mình”.

Tôi giải thích rất rõ ràng, nhưng hắn làm bộ như không hiểu gì hết. Tôi định nói tiếp nhưng Phlorextano lên tiếng phản đối thế là tôi không nói nữa. Tôi ngồi yên lặng, gầy gò, xanh xao và buồn bã trong cỗ xe ngựa chạy chầm chậm trên con đường rộng thênh thang, nhìn ra quang cảnh thanh bình lúc mặt trời đang lặn. Liệu rằng chuyện những kẻ khác sẽ tận hưởng cuộc đời ra sao thì có gì quan trọng đối với tôi? Anh chàng vạm vỡ với đôi vai rộng ngồi cạnh tôi đang thở dài. Vợ tôi ngồi ở nhà cũng đang thở dài. Lại đến đứa con trai của tôi, sau khi tôi chết sẽ chẳng mấy chốc mà quên hoàn toàn mặt mũi tôi. Và khi nó cất lên tiếng gọi: “Bố ơi…”.

Lúc đó Phlorextano sẽ quay mặt nhìn nó với khuôn mặt lo lắng: “Carlo, con làm sao thế? Chú là chồng của mẹ con chứ đâu phải bố thật của con. Con có hiểu không?”. Nhưng dù thế nào đi nữa, Carlo con trai của bố, cuộc sống vẫn tươi đẹp vô cùng!

Luigi Pirandello (1867 – 1936) là nhà văn, nhà viết kịch người Ý đoạt giải Nobel Văn học năm 1934. Tài năng văn học của ông thể hiện khá sớm và ông đã sáng tác từ thời học phổ thông. Năm 1889, ông xuất bản tập thơ đầu tiên Mal Giocondo (Nỗi đau sung sướng). Năm 1901, ông xuất bản tiểu thuyết đầu tiên L’esclusa (Người đàn bà bị ruồng bỏ). Năm 1904, tiểu thuyết Mattia Pascal quá cố ra đời và mang lại cho Pirandello thành công lớn, cuốn sách luôn được xếp vào hàng kinh điển của văn chương thế giới. Các tác phẩm của Pirandello mang khuynh hướng duy thực, đi sâu vào tâm lý, miêu tả nỗi đau khổ của con người.

LUIGI PIRANDELLO (Italy)

HIẾU VĂN dịch

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…