Cho thanh xuân ở lại…

(VNBĐ – Đọc sách). Tuyển tập thơ Nguyễn Thanh Xuân tập hợp 80 bài thơ của anh, chủ yếu được trình hiện qua thể thơ truyền thống. Thơ anh nhẹ nhàng, ý nhị, hài hòa giữa cấu tứ và xúc cảm. Đặc biệt, chất lãng mạn của tuổi thanh xuân, của một thời áo trắng hoa mộng được anh chuyển tải nhiều trong sáng tác của mình.

Nguyễn Thanh Xuân viết nhiều về tình yêu, đó là địa hạt và có lẽ cũng là chất xúc tác để tâm hồn người thơ mãi trẻ trung, tươi nõn cảm xúc. Dẫu là hân hoan hạnh phúc, hay nuối tiếc cho mối “tình thơ” chỉ còn trong ký ức, thì thơ của anh vẫn giữ cái nhịp khẽ khàng, từ đó bật lên những tinh khôi, duyên dáng.

Những chiếc lá thời thơ dại
Còn ai cất giữ làm tiền
Bây giờ trong kho kỷ niệm
Rỗng không cả nụ cười duyên

(Kho tàng ký ức)

Cũng trong “khuôn viên nỗi buồn” của tình yêu, dẫu yêu thương theo người nhòa phai, nhưng dường như nhà thơ không đau cái đau của bế quẫn, mà anh trao gửi nỗi niềm đó trong vô tận không gian, tự chữa lành mình, để dịu lòng hơn. Có lẽ đó cũng là một cách mà anh bao dung với người, với đời: “Tôi ký gởi tình yêu trong trái tim em/ Em mang theo giữ làm chiến tích/ Đôi khi quay lại mỉm cười/ Với những đổi thay// Tôi ký gởi nỗi buồn vào tâm linh thinh lặng/ Nỗi buồn chắp cánh thiên thai/ Mây thì trắng mà trời xanh lắm/ Mặc kệ trần gian mua bán niềm vui” (Nỗi buồn ký gửi).

Trong nhịp chảy của hoài niệm, quê nhà với hình cha dáng mẹ hiện lên gần gũi, xúc động trong thơ của Nguyễn Thanh Xuân. Ở đó, anh không dụng công cầu kỳ kỹ thuật hay thể hiện ấn tượng góc cạnh chữ nghĩa, anh bình dị như người nông phu đã quen với rạ rơm, quen với những mộc mạc chia sớt và khe khẽ đưa người đọc lội ngược về những miền suy tưởng.

Gió len hương nếp ngùi ngùi
Khói vương tóc trắng bạc lời tháng năm
Ngáp buồn con chó ngoài sân
Chờ cha tìm kiếm mùa xuân trở về
Cuối năm mẹ gánh bộn bề
Chợ quê bày bán ê hề… lo toan!

(Cuối năm)

Bằng lối thơ lục bát, Nguyễn Thanh Xuân dễ tạo được đồng cảm với bạn đọc. Ở dòng thơ này, anh có nhiều câu thơ đằm thắm:

Tôi về lỗi hẹn chân người
Bờ sông cát đã lở bồi dấu xưa
Tôi về không kịp cơn mưa
Sông làm sao khóc lòng chưa nước đầy?
Đêm qua không kịp ánh ngày
Quê hương lỗi hẹn sum vầy…
Sông đi…

(Lỗi hẹn sông Côn)

Hay vẫn cái thể lục bát ấy, trong thế giới cô đơn thi sĩ, thơ anh tạo sự dây dưa suy ngẫm, đối thoại với chính mình trong sự trôi chảy của thời gian:

Tôi cầm lên trái tim tôi
Như cầm lên cả bồi hồi thời gian
Tôi cầm lên nỗi cô đơn
Cô đơn rồi cũng buồn hơn… một mình!

(Nói với cô đơn)

Thơ là một dạng biểu hiện chân phương nhất của đời sống tinh thần. Ở thơ, vẻ đẹp của tâm hồn dẫu là khoảnh khắc, được biểu hiện chân thật. Người thơ bằng quan sát và kinh nghiệm đời sống, đã tích lũy xúc cảm và có những cách truyền tải riêng theo cá tính sáng tạo. Ở thơ Nguyễn Thanh Xuân, những thay đổi đời sống đã khúc xạ vào thơ anh trong những cảm nghiệm. Nhưng cái buồn trong thơ anh nhẹ nhàng loang ngân như con sóng mơn man giữa hồ thu bình lặng, khe khẽ những nuối tiếc, khe khẽ những đồng cảm và mong ước khát khao.

Ngõ hẻm… Con gái rồi cũng lớn
Cũng biết tô son điểm phấn cuộc đời
Những ô cửa nhìn nhau gần quá
Không giấu được mình vào năm tháng tả tơi
Ngõ hẻm… Ngỡ lạc loài thung lũng
Giữa chập chùng cao ốc vây quanh
Đã lâu rồi con chim quên tiếng hót
Mang giấc mơ bay tít trời xanh…

(Ngõ hẻm)

Có lúc, ta cũng thấy tâm hồn thanh xuân thi sĩ ấy “thắt ruột thắt gan” khi chứng kiến cảnh quê cha đất mẹ đang gồng mình trong cơn bão lũ:

Những cánh đồng thiêm thiếp nắng
Đất nứt thịt đẻ lúa thì con gái
Rát bỏng niềm xanh
Ngoại đã chôn mình với những cánh đồng
Tiếng cầu kinh tắt ngấm trong ngôi mộ nước
Những con mắt lũ không còn nước mắt
Nhờ cơn mưa khóc hộ mênh mông…

(Những con mắt lũ)

Nguyễn Thanh Xuân viết bằng sự bao dung, yêu thương cuộc đời, hồn hậu và trữ đầy cái tình. Suốt quãng đời hoạt động văn chương, anh gắn bó với những sân chơi của giới trẻ, đồng hành và làm bạn cùng họ. Anh từng chia sẻ, chơi với các bạn trẻ, anh thấy tâm hồn mình không bị xơ hóa, mãi hồn nhiên và chẳng bao giờ nhìn đời, nhìn người bằng những “con mắt hình viên đạn”. Anh đã về miền mây trắng bay, nhưng bạn thơ còn thương, còn trân trọng và nhớ về anh với một tâm hồn thi sĩ – người lặng lẽ một tình yêu với văn chương trong sự lành hiền. Xin khép lại bài viết bằng những câu thơ anh viết trong bài Mắc nợ mùa xuân như một giãi bày lòng mình, để thấy những khát khao tuổi trẻ, tình yêu và niềm tin vẫn luôn được anh trân trọng: Tôi mắc nợ mùa xuân một bầu trời xanh trong mắt/ Tầm nhìn xa không vượt khỏi lòng mình/ Bao cánh hoa giữa chợ đời mua bán/ Cũng tranh nhau một chỗ sang hèn/ Chỉ bông cỏ bên lề năm tháng/Vẫn lặng thầm nở dọc bon chen…

Nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân (1958 – 2022) là hội viên Hội VHNT Bình Định, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Anh có nhiều đóng góp cho các hoạt động văn học Bình Định, nhất là phát hiện, dìu dắt thế hệ trẻ trên bước đường sáng tác. Sau khi anh mất, được sự ủy quyền của gia đình nhà thơ, BCH Chi hội Văn học Bình Định mà trực tiếp là nhà văn Trần Như Luận đã sưu tầm, tuyển chọn từ bản thảo mà nhà thơ để lại, hoàn thành Tuyển tập thơ Nguyễn Thanh Xuân. Tập sách được Hội VHNT Bình Định hỗ trợ xuất bản theo Quy chế chi tiêu hỗ trợ các hoạt động sáng tạo VHNT giai đoạn 2021 – 2025.

ĐỨC LINH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…