Chiếc nón rơm

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Onoda không phải là loại người nhiều chuyện như vậy, nói đúng hơn, anh vốn là người rất kiệm lời và không hứng thú với gì khác ngoài những thứ xung quanh mình, thế nhưng ngay từ đầu, ông lão ấy đã thu hút sự chú ý của anh một cách kỳ lạ.

Ngày thứ hai đến ngôi làng biển có suối nước nóng, trong lúc Onoda đi tản bộ xuống con đường dọc bờ biển hướng về phía mũi đất, khi đến một ngọn đồi nhỏ, ba mặt là vách đá cheo leo, chỉ một nơi cỏ dại mọc um tùm thì bắt gặp một ông lão đang ngồi trong đám cỏ ấy với chiếc dây câu buông thõng xuống… Ông lão mặc chiếc áo khoác vải len sờn cũ rách rưới, đầu đội chiếc nón cũ kỹ to tướng lạ lẫm, ngồi im lặng không nhúc nhích, mắt dõi về phía khơi xa, những sợi râu bạc mọc lưa thưa trên gò má sạm đen vì hơi nước biển, trên những ngón tay ôm lấy đầu gối, khớp xương nổi cục sần sùi cứng như rễ cây, thoáng nhìn qua như gợi lại một cuộc sống lao động đầy vất vả trong quá khứ.

– Ông câu gì vậy?

Onoda cất tiếng chào hỏi, ông lão lặng lẽ quay lại, nở một nụ cười hiền hậu trên khuôn mặt đen sạm và đáp rằng đang câu cá mó Bera.

Ngày hôm sau, ông lão cũng đến câu ở chỗ cũ, dáng vẻ cũng như cũ. Thấy Onoda đến, ông nhấc tấm mạng che của chiếc nón rơm lớn lên chào.

– Hôm qua có nhiều cá không ạ?

Khi Onoda đến bên và hỏi, ông lão liền dịch người sang một chút, bảo anh ngồi xuống đó.

– Hôm qua chẳng được con nào vì thời tiết xấu quá, có một cầu cảng trên đảo ở ngoài vịnh này, nếu là ở đó có thể câu không kịp thay cả mồi, anh ở trong nhà khách kiểu Tây đó à?

– Vâng, mời ông điếu thuốc!

Onoda rút một điếu thuốc lá từ trong hộp đưa mời ông lão, ông nheo mắt nhận lấy rồi nhẹ nhàng đưa lên mũi.

– Ồ, đồ nhập khẩu đây, lão đã từng hút loại có mùi như thế này lúc nào đó rồi, lúc nào ấy nhỉ, trước hay sau khi Gohachi rơi xuống vách đá nhỉ?

Khi Onoda châm lửa giúp, ông già hút lập bập vài hơi đến hóp cả má một cách ngon lành nhưng ngay sau đó liền dụi tắt và cho vào túi áo khoác.

– Lão luôn đến đây, khi thấy buồn thì cứ đến chơi. Nếu không phiền, lão sẽ kể cho nghe chuyện của Gohachi.

– Có chuyện gì xảy ra vậy ạ?

– Là người giúp việc trong nhà lão nhưng anh ta đã rơi xuống vách đá và trở nên điên khùng vì lời nguyền của một con khỉ, là một anh chàng tốt bụng đáng thương nhưng… Rất lâu trước đây, phải rồi, đó là khoảng thời gian còn có những quả hồng.

Ông lão nhìn xa xăm ra phía vịnh một lúc, như để nhớ lại điều gì đó, rồi thở dài, nói tiếp:

– Nhà lão là một trong những ngôi nhà lâu đời nhất trong làng này, mọi người thường gọi là trang viện Cây Thông, lúc anh đến có lẽ cũng đã trông thấy, qua khỏi cầu Kobe là một khu rừng sâu, lúc lão còn nhỏ nó rộng gấp mười lần bây giờ, có rất nhiều khỉ hoang, đôi khi có cả hươu nai đi lạc vào, vườn nhà lão tiếp giáp với cánh rừng đó, lúc còn nhỏ… lão thường hay bị đánh thức bằng kiểu thế này, dậy đi, khỉ đến trộm hồng kìa!

Lúc lão thức dậy bước ra thì ở khu trồng hồng tiếp nối với vườn, đàn khỉ đang tập trung đến rất đông, anh giúp việc Gohachi vác súng chạy đến, súng nổ làm rung chuyển màn sương yên tĩnh buổi sáng, lũ khỉ la hét ầm ĩ, con thì cầm, con thì ngậm những quả hồng nối đuôi nhau chạy trốn vào rừng, anh giúp việc Gohachi vừa thổi khói nòng súng vừa nói.

– Sẽ có lúc thanh toán con đầu đàn kia!

Sau một lúc im lặng, ông lão nói:

– Có một cô gái lẽ ra là vợ của lão, cô ấy cuối cùng đã lấy một người khác nhưng trước đó bọn ta đã gặp nhau nhiều lần trong khu rừng đó. Mùi hương hoa cỏ và cả những hạt sương lấp lánh đọng trên mái tóc cô ấy lão không thể nào quên… Chiếc nón rơm này là cô ấy mua cho trước khi đi lấy chồng đấy!

Ông lão hơi chút bối rối, cởi chiếc nón rơm to tướng lạ lẫm ấy ra đưa anh xem.

– Sau đó, ngôi làng đã hoàn toàn đổi thay. Rừng bị chặt phá từ một góc nên lũ khỉ và cả hươu nai đã bỏ đi đâu mất cả, đầu mũi đất bị sóng bào mòn, đổ xuống biển dần từng chút và người con gái ấy bây giờ đã có cháu.

– Còn ông Gohachi thì sao?

– À, sao rồi nhỉ, thật là tội nghiệp. Là một người được cả làng yêu mến nhưng chẳng bao lâu sau khi phát điên đã bỏ đi đâu mất không hề quay lại, bây giờ không biết ra sao rồi nữa!

Ông lão chùng vai xuống buông tiếng thở dài.

Tối hôm đó, khi Onoda gọi rượu uống trước khi ngủ, cô hầu phòng trẻ mang đến và vừa cười vừa nói:

– Hôm nay anh đã trò chuyện với ông Gohachi của trang viện Cây Thông phải không?

– Với Gohachi? Ở đâu?

– Chẳng phải vừa câu cá vừa trò chuyện ở khu vực đường ra mũi đất đó sao?

Nghe thấy điều bất ngờ, Onoda đặt chén rượu xuống.

– Đó là ông Gohachi à?

– Vậy anh nghĩ đó là ai?

– Ồ không, tôi không nghĩ là ai cả nhưng chuyện về Gohachi là nghe được từ ông lão đó!

– Ha ha ha.

Cô hầu phòng cười thích thú.

– Vậy là anh cũng bị những lời nói dối của ông Gohachi đánh lừa rồi, có phải ông ấy bảo là chủ ngôi nhà lâu đời nhất trong làng không?

– Đúng là như thế.

– Và rồi có một cô gái lẽ ra đã là vợ ông đi lấy chồng, chiếc nón rơm đang đội là của quà của cô ấy phải không? Nói dối đấy, tất cả đều là chuyện bịa cả!

– Nói dối sao?

Onoda gượng cười, nâng chén rượu lên. Cô hầu phòng vừa rót rượu vừa kể.

Ông lão ấy, Gohachi đó, đã trôi dạt đến ngôi làng này cùng với người cha lúc còn nhỏ. Cha ông nghiện rượu nặng, đến làng không lâu thì chết vất vưởng đâu đó, ông được trưởng làng lúc ấy là ông Sano Genshichi, một gia đình lâu đời nhận về nuôi. Trang viện Cây Thông là nhà của ông Sano Genshichi ấy.

Gohachi ngoan ngoãn lớn lên. Là một đứa bé hiền lành tốt bụng, người làng chưa bao giờ thấy cậu nổi giận hay khóc lóc. Sano Genshichi có một con gái tên là Kinuko, nhỏ hơn Gohachi bốn tuổi, cô bé gắn bó với Gohachi hơn bất cứ ai trong nhà, thân thiết đến mức sáng tối không lúc nào rời.

Trang viện Cây Thông có một khu vườn rộng, khu vực tiếp giáp với rừng Kobe là nơi trồng hồng. Vào mùa thu, khi hồng ra trái, những đàn khỉ đông đúc từ trong rừng lại ra trộm. Không chỉ riêng trang viện Cây Thông mà cả làng đâu đâu cũng đều chịu ít nhiều thiệt hại nhưng theo truyền thuyết, những con khỉ đó là thần thú của đền Hachiman (Thần chiến tranh trong Thần Đạo) vì vậy việc giết chúng là điều cực kỳ kiêng kỵ nên chẳng ai tích cực diệt trừ cả.

Vào mùa thu năm Gohachi tròn hai mươi tuổi, một buổi sáng, bầy khỉ lại kéo ra vườn hồng nên Gohachi xách súng lao ra đuổi chúng đi. Và như thường lệ, anh bắn một phát súng đạn mã tử để đe dọa nhưng không hiểu sai sót sao đó súng đã được nạp đạn thật và anh đã bắn chết một con khỉ mẹ to lớn. Quá bất ngờ, Gohachi vội vàng chạy đến đó nhưng sau khi biết mình đã giết chết thần thú, anh thẫn thờ đứng chôn chân tại chỗ.

Sau hôm ấy, tính tình của Gohachi từng chút thay đổi. Vốn là một người vui vẻ hòa nhã, anh ấy dần trở nên cáu kỉnh, không muốn tiếp xúc với người khác, cứ lặng lẽ thu mình ngồi trong bóng tối và thở dài vì điều gì đó.

Chẳng bao lâu sau khi Gohachi rời quân ngũ trở về, Kinuko, người con gái của Genshichi, được hứa hôn với nhà Animoto ở làng bên. Lễ đính hôn sẽ diễn ra vào tháng Mười và đầu tháng Mười một thì kết hôn. Vào ngày lễ đính hôn, trong lúc Gohachi đang chở cỏ về cho ngựa từ núi Ofuna, anh đã bị trượt chân ngã xuống vách đá và được đưa về nhà trong tình trạng bất tỉnh. Không có vết thương nào khác nhưng đầu bị va đập mạnh nên bác sĩ nhanh chóng được mời đến chữa trị nhưng trí nhớ của anh đã mất hoàn toàn, trở nên ngẩn ngơ như người điên.

Thời gian Gohachi nằm trên giường bệnh, Kinuko tận tâm chăm sóc hầu như không đêm nào chợp mắt nhưng Gohachi, ngược lại, không muốn Kinuko đến gần, tận đến khi cô ấy đã đi lấy chồng anh cũng không hề hé răng nói nửa lời… Việc Gohachi phát điên, người làng ai cũng bảo là do lời nguyền của khỉ.

– Từ đó về sau ông được trang viện Cây Thông chăm sóc nhưng mãi mà không khỏi bệnh.

Cô hầu phòng dừng lại một chút.

– Nghe bảo là hình như hồi cô con gái trang viện Cây Thông mười hai mười ba tuổi, trong một lần ra thị trấn đã mua cho ông ấy chiếc nón rơm, nhưng đó không phải là vật còn lại mãi, vả cũng chẳng phải chuyện gì to tát, có lẽ là vì bị khùng nên thích gì nói nấy thôi, nhưng cứ sống mãi với những điều đó thì trang viện Cây Thông cũng phiền nhỉ.

– Cô Kinuko ấy giờ thế nào?

– Giờ vẫn đang khỏe mạnh, đã có sáu đứa cháu rồi!

Khi còn lại một mình, Onoda cảm thấy lòng mình nhói lên. Vì sao lại thế? Câu chuyện về Gohachi mà người hầu phòng kể hết sức bình thường, trong đó chẳng có bi hay hài kịch gì đặc biệt làm người ta xúc động. Cũng chẳng phải là chuyện xuyên tạc sự thật gì cho có vẻ tiểu thuyết khiến người nghe nghĩ có mối quan hệ sâu sắc gì đó giữa chiếc nón rơm mà ngày xưa Kinuko đã mua tặng cho ông ấy với chiếc mà, theo lời ông, là của một người con gái tên Kinuko, người lẽ ra là vợ ông, tặng cho trước khi đi lấy chồng và cả việc ngã xuống từ vách đá, càng nghĩ càng thấy chẳng phải là do ông ấy tự làm vậy do tuyệt vọng khi người con gái mình yêu bị hứa hôn cho người khác, nhưng cho dù có là thế có lẽ cũng chỉ là sự tưởng tượng khác xa so với sự thật mà thôi… Nếu là thế, nguyên nhân câu chuyện của người hầu phòng làm lòng Onoda nhói đau chỉ có một, đó là những ảo mộng thú vị mà ông lão mang lại cho anh đã bị đập vỡ một cách lạnh lùng. Câu chuyện của ông lão là những đoạn mơ hồ rời rạc, không thống nhất cũng chẳng mạch lạc, thế nhưng nhìn chung nó toát lên vẻ đẹp kỳ lạ siêu thực. Ánh mắt của ông lão khi cởi chiếc nón rơm ra và chỉ chỗ cho Onoda ánh lên một sự chân thật hơn rất nhiều bất cứ sự thật có sắp xếp nào và trong giọng điệu đau đớn dành cho Gohachi đáng thương, chứa đựng vô vàn tình cảm yêu thương và sự thương xót.

Câu chuyện của người hầu phòng quán trọ chắc chắn là sự thật không phải nghi ngờ, thế nhưng đó chỉ là sự thật mà thôi.

– Nói dối đấy, tất cả đều là nói dối, ông khách bị lừa rồi!

Lời nói ấy của người hầu phòng rõ ràng có sự sắc bén và đầy phán xét của quan tòa xét xử tội nhân, nếu là vậy thì quan tòa quá nhiều rồi!

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Mưa liên tiếp gần hai ngày.

Mưa vừa ngớt, Onoda liền muốn gặp ông lão hơn bất cứ việc gì khác nên mượn đồ câu từ nhà trọ đi ra. Ông lão đã có mặt ở chỗ cũ, một mình yên lặng buông dây câu như thường lệ, trông thấy Onoda, ông đưa tay lên ra hiệu vui mừng.

– Hôm nay tôi cũng đến câu!

– Tốt, mang mồi câu gì đấy? À, cái này thì không được đâu!

Ông lão nhìn vào hộp mồi câu của Onoda, lắc đầu.

– Mồi này, cá mó bera không ăn đâu, anh có thể dùng mồi của lão, nếu không đủ thì sẽ về đào tiếp!

Ông lão chọn chỗ cho Onoda, sau khi xem xét cách móc mồi và điều chỉnh phao câu cho anh, họ sánh vai ngồi trong đám cỏ… Là một ngày đẹp trời, có thể trông thấy bọt tung trắng xóa trên những bãi đá ngầm của hòn đảo phía xa xa, gió đông nam thổi nhẹ, những con sóng từ ngoài khơi tiến vào đập lên những tảng đá bên dưới rồi vỡ vụn.

– Anh có thấy phiền với câu chuyện nhàm chán lão kể gần đây không?

Một lúc sau ông lão nói.

– Có phiền gì đâu!

– Những chuyện xưa thì người kể thấy thú vị nhưng người nghe lại thấy nhàm chán, thế nhưng khi đã già như lão, chẳng có niềm vui cuối đời gì, nghĩ về những việc đã qua, kể lại cho người khác nghe là niềm an ủi hơn bất cứ việc gì đấy… Nghe những hồi ức chẳng phù hợp gì với tuổi trẻ của lão già như thế này, nếu người làng thì…

Ông lão nhíu mày lắc đầu.

– Người làng là không được à?

– Lão không biết cảm giác của bọn họ… Chẳng hạn, khi kể về cô gái ấy thì người làng sẽ bảo ngay là không có người thế đâu, quả thật lão đã bị ốm nặng từ rất lâu trước đây nên không có một trí nhớ tốt, thế nhưng, việc của lão thì lão là người biết rõ nhất… Đúng rồi, lão sẽ kể cho anh nghe chuyện đó!

Ông lão chỉnh lại thế ngồi.

– Sau khi cô ấy đi lấy chồng, đúng thế, hình như chừng hai năm sau, bọn ta gặp lại nhau gần mũi đất.

Cô ấy búi tóc thành một búi lớn, váy xắn cao. Màu sắc rực rỡ quanh vạt áo che dấu đi nét mặt muộn phiền, đường nét của cơ thể đã hoàn toàn là của một phụ nữ, vai và mông đã đẫy đà.

Trước đó hai ba ngày biển động dữ dội, những thuyền đánh cá của làng ra khơi, có bốn năm chiếc không quay về. Vì thế tất cả dân làng kéo lên mũi đất, khi đêm xuống, họ đốt lên những đống lửa và chờ đợi những con thuyền chưa quay về ấy. Trong số đó có một chiếc thuyền của nhà chồng cô ấy, nên có lẽ vì vậy mà cô ấy cũng đến đó… Anh cũng định đến đó để xem sự tình, giữa đường thì hai người gặp nhau.

Khi anh đến nơi có cây thông làm mốc (Cây làm mốc cho các thuyền cá về cảng) thì trông thấy cô ấy đang đi lại từ trong bãi cỏ lau. Có vẻ như cô ấy nhận ra anh sớm hơn nên khi anh quay lại, cô gái gật đầu chào từ đằng xa với đôi má ửng đỏ. Anh vội vàng liếc nhìn xung quanh nhưng cả trong rừng và cả ở bãi cỏ lau không có một bóng người. Hai người tiến lại gần nhau rồi dừng lại, cô gái bất chợt nhận ra mình đang xắn cao váy áo, e thẹn sửa lại dáng vẻ, vội vàng buông váy áo xuống.

– Thuyền nhà em đã về chưa?

Anh hỏi. Cô gái ngước đôi mắt buồn bã lên nhìn anh, lắc đầu.

– Nhưng chắc là hôm nay sẽ về thôi!

Anh nói như an ủi rồi quay đi như trốn tránh ánh mắt đăm đăm nóng bỏng của cô, ngoài khơi, do còn ảnh hưởng của cơn biển động, sóng rất cao, những bọt nước trắng xóa tung ầm ầm trên mặt nước đen thẫm đến đáng sợ.

– Anh vẫn đội chiếc nón ấy à?

– Nếu không được thì…

– Không, cứ đội như thế đi, chỉ là thuận miệng hỏi thôi, chắc là anh vẫn đang giận.

Anh không đáp, ngắt ngọn cỏ lau cho vào miệng nhai, cô gái khẽ thở dài nhìn một bên khuôn mặt anh trong chốc lát rồi nói với giọng quả quyết.

– Em có nhiều chuyện phải nói với anh, nên muốn thong thả gặp một lần, sắp tới có thể gặp đâu đó không?

Anh cũng không đáp. Sợ mở miệng thì những lời nói đáng sợ nào đó sẽ tuôn ra… Cô đưa mắt chờ đợi câu trả lời nhưng đúng lúc ấy thấy có người từ mỏm đất đi lại nên cô nói.

– Trong vài ngày tới, những quả hồng sẽ được đưa đến nhà anh, lúc ấy hãy đến rừng Kobe, em sẽ đợi ở cây tùng nơi mà hai chúng ta đã gặp nhau.

Nói xong cô vội vàng cúi đầu chào rồi rời đi.

– Sau đó vài ngày thì…

Ông lão tiếp tục sau một thoáng lặng im.

– Hồng được đưa đến như lời hẹn đấy, biết làm sao đây… Lão thật khó xử, người ấy đã là vợ kẻ khác rồi, nghĩ đến việc nhỡ bị thiên hạ bàn tán lão không thể nào quyết định được. Nghĩ thì nghĩ vậy… nhưng cuối cùng lão cũng đã đi, đến rừng Kobe, quả là tuổi trẻ mà!

Giọng nói của ông lão nhuốm chút run run, trong đôi mắt dõi xa ra khơi rõ ràng đang biểu lộ điều gì đó.

– Thế nhưng cô ấy đã không đến, dù đã qua buổi trưa, dù chiều đã xuống, lão đã đợi cho đến đêm nhưng rốt cục cô ấy không đến, dĩ nhiên như thế thì tốt hơn, lão quay về ngủ, từ sau hôm ấy, lão đã không nhìn mặt cô ấy suốt mấy mươi năm, mấy mươi năm rồi.

Trong khi lắng nghe câu chuyện, Onoda thầm nghĩ cô gái mà ông lão kể có phải là Kinuko của trang viện Cây Thông không, và anh nhận ra mình đang bị làm cho xúc động dù không có đủ thời gian để suy nghĩ xem câu chuyện có mấy phần sự thật.

– Đấy, đấy, cá ăn đấy!

Được ông lão nhắc, Onoda vội vàng nhấc cần câu lên nhưng chỉ có lưỡi câu trống không, mồi đã bị ăn mất.

– Điều lão lo lắng nhất là không biết cô ấy cứ bận tâm về lão cho đến lúc nào. Thế nhưng đã không có nỗi lo ấy, sau đó cô ấy cũng đã sống rất hạnh phúc, con trai cô ấy đều giỏi giang, có hai con gái nhưng đứa nào cũng đã lấy chồng, bây giờ hình như đang thảnh thơi chăm sóc cháu… Dạo này lão cũng đã bình tâm rồi!

– Ông định suốt đời không gặp lại sao?

– Đối với người già, quả hồng có độc!

Ông nói và cười nhẹ.

Sau khi Onoda về lại Tokyo không lâu, một bức thư được chuyển đến từ người chủ của nhà khách ở ngôi làng biển đó.

– Xin báo cho anh biết, ông lão Gohachi của trang viện Cây Thông đã qua đời. Từ thi thể rơi xuống biển chết đuối, tay trái vẫn cầm chắc chiếc nón rơm, mọi người đều thống nhất với phỏng đoán, có lẽ nón bị gió thổi bay xuống biển nên ông lão đã cố với lấy nên trượt chân. Dù có ra sao thì người làng tất cả đều nhất trí với nhau rằng, quả là đáng tiếc vì đã mất đi một chủ đề hài hước. Còn về đám tang thì…

Yamamoto Shugoro (1903 – 1967) tên thật là Shimizu Satomu, sinh ra tại quận Kitatsuru, tỉnh Yamanashi (nay là thành phố Otsuki). Trước khi xuất hiện trên văn đàn Nhật Bản, ông từng làm qua các công việc như học việc ở tiệm cầm đồ, phóng viên… Được biết đến với các tác phẩm văn học đại chúng về đề tài lịch sử, những mẩu chuyện miêu tả hoàn cảnh của người lao động sống trong các thành phố, những phận người phiêu bạc vô danh hay nỗi khó khăn của tầng lớp samurai dưới góc nhìn của người bình dân. Đặc biệt vào cuối đời, ông đã để lại nhiều kiệt tác được đánh giá rất cao.

NGUYỄN THỐNG NHẤT
Dịch từ tiếng Nhật.
Nguồn : https://www.aozora.gr.jp/cards/001869/files/57754_73707.html

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tường ảo

Bức tường tối đen. Tôi có thể cảm nhận qua tiếng còi xe. Có ba mặt tường. Bên ngoài mỗi mặt là một thế giới khác nhau. Mặt vẽ hình đầu người là một trong ba bức tường ấy…

Cây cô đơn

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu…

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.