Chất thơ của một vùng thơ

(VNBĐ – Nghiên cứu và phê bình). Trong tâm thức của mọi người, Bình Định là xứ sở của võ thuật, thi ca và nghệ thuật, từ xưa đến nay, thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng có những nhà thơ tài năng, những nghệ sĩ nổi tiếng làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Tác phẩm và sự nghiệp của họ là những giá trị tinh thần vô giá, trở thành di sản của dân tộc, được người đời sau ngượng mộ, tiếp nhận, truyền tụng và phát huy.

Bình Định cũng là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa rất đặc trưng, kết tinh thành những yếu tố địa – văn hóa hiển minh và trầm tích cùng những chứng tích u trầm và huyền tích Kinh xưa đã tạo nên những nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca và nghệ thuật. Bên cạnh thi ca là võ thuật, nghệ thuật Hát bội, hát Bài chòi, hát bả trạo, nhạc võ Tây Sơn, nghệ thuật Chăm, võ Tây Sơn, nón Gò Găng, làng nghề đúc đồng Đập Đá… cùng đồng hành tồn tại, phát triển rực rỡ và được truyền tụng đến ngày nay. Đó chính là đối tượng khơi nguồn cho những trang thơ lấp lánh tình yêu và dạt dào sự sống. Bình Định xứng đáng được mệnh danh là “đất võ trời văn” được mọi người thừa nhận, tôn vinh. Và thực tế, có một Bình Định thơ – thơ Bình Định trong dòng chảy thi ca của dân tộc.

Chỉ riêng về mặt thi ca, Bình Định qua các thời kỳ từ trung đại đến hiện đại đều có những nhà thơ lớn mà tên tuổi và tác phẩm của họ có khả năng trở thành đại diện, tiêu biểu cho thi pháp văn chương cả nước. Sự hiện hữu những thi sĩ tài danh nối tiếp nhau sống và viết trên quê hương Bình Định từ thời trung đại như: Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Khuê, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Quý Luân, Đào Phan Duân… đến đầu thế kỷ XX như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Quách Tấn, Yến Lan, Nguyễn Lam Vũ, Phú Sơn, Nguyễn Viết Lãm, Hoàng Diệp… đã chứng minh Bình Định là vùng đất của thi ca có sức hội tụ và tỏa phát mạnh mẽ. Họ đã làm nên hành trình thi ca lực lưỡng và ngoạn mục cho một vùng đất.

Trong hai cuộc kháng chiến ái quốc đến cuộc sống thời bình sau 1975 cho đến ngày nay, Bình Định ngày càng xuất hiện những thế hệ nhà thơ tiếp nối nhau để làm nên thành tựu thi ca mới trên hành trình hiện đại. Tên tuổi và tác phẩm của các thế hệ nhà thơ này liên tục xuất hiện và chiếm lĩnh thi đàn cả nước, trong đó, nhiều nhà thơ đã để lại dấu ấn thi pháp đặc sắc, được độc giả yêu quí tiếp nhận và ngợi ca. Thơ Bình Định là thơ Việt Nam, hòa chung với thi ca cả nước. Ở đó, sắc thái tình cảm và thiên nhiên Bình Định làm thành nét riêng độc đáo, tạo ra bao hồn thơ, và thơ bồi đắp thêm hồn quê hương, xứ sở. Từ trước đến nay, nhiều Tuyển tập thơ văn Bình Định đã được ra mắt bạn đọc với dư luận tốt.

Nhằm tiếp tục khẳng định và thông điệp đến độc giả gần xa về thành tựu thi ca cùng chất thơ của một vùng đất, lần này, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định cho ra mắt Tuyển tập 10 năm thơ Bình Định (2011-2021) do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Tuyển tập có sự góp mặt của 87 nhà thơ với 435 bài thơ (bao gồm những nhà thơ quê Bình Định sống và viết trên quê hương và những vùng quê khác; những nhà thơ quê khác nhưng sống và viết trên/ về quê hương Bình Định). Sự hội tụ và phân tỏa như thế đã tạo nên cấu trúc đặc biệt cho Tuyển tập: sự nối tiếp đông đảo các thế hệ nhà thơ; sự hội tụ về chủ đề, đề tài; sự đa dạng về thi pháp, phong cách; sự phong phú về chất thơ, hồn thơ; sự dung hợp về thể loại và hệ hình thơ; sự tích hợp và đổi mới về ngôn ngữ… Chính thực tế này đã làm cho Tuyển tập 10 năm thơ Bình Định lần này có sự tích hợp nghệ thuật mới mẻ và hấp dẫn. Đây thực sự là món quà tinh thần quí giá, thanh cao gửi đến bạn đọc cả nước.

Bình Định trong thơ có thể nhận diện ở bề mặt câu chữ, ở địa danh, tên núi, tên sông, ở những nhân vật, danh lam thắng cảnh, tháp Chàm trầm mặc với tần xuất cao mà ta đã từng đọc, kiểu: “Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát/ Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm” (Xuân Diệu) hoặc có thể nhận diện ở chiều sâu thẳm của tâm linh, của không khí, của nỗi u trầm, khói sương bàng bạc trong thơ Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan…

Ôi Bình Định, hương phong trường cách biệt
Những bâng khuâng trong đức hạnh sương hoa
Nhà ngơ ngẩn, những tường vôi keo kiết
Nam Quách sầu, Đông Phố quạnh, Tây Môn xa…
(Yến Lan)

Hoặc thời hiện đại trong thơ Lệ Thu, Từ Quốc Hoài, Văn Trọng Hùng, Hà Giao, Mai Thìn, Phan Trọng Cầu… Ở đó, nhiều lúc không có một từ nào liên quan đến con người và vùng đất này, nhưng vẫn hiện lên hồn đất, hồn người rất quyến rũ. Kiểu như: Nỗi sầu đau theo dĩ vãng lùi xa/ Ngọn sóng xóa những dấu giày xâm lược/ Bờ cát trắng như tấm lòng hẹn ước/ Tình yêu ta hai giọt nước trong ngần/ Giữa vô tận cuộc đời biển cả mênh mông (Lệ Thu).

Khổ thơ giúp người đọc nhận ra niềm vui của con người Quy Nhơn trước biển trời ngày đất nước thống nhất. Mỗi thi nhân – bằng vốn sống và xúc cảm riêng của mình đã thổi vào cảnh vật, con người “đất võ trời văn” một triết lý, suy tưởng và liên tưởng riêng, làm sống lại hoặc bổ sung cho Bình Định những sắc thái và tính cách mới.

Bình Định càng lung linh, kỳ ảo và đẹp mơ màng qua từng trang thơ của những nhà thơ bốn phương đến và viết về Bình Định. Lịch sử, văn hóa vùng thành Đồ Bàn và huyền tích Kinh xưa của vương triều Thái Đức đã tích hợp những giá trị nhân văn riêng, đủ sức hội tụ và soi sáng trong mỗi hồn người. Thực tế thi ca viết về Bình Định từ trước đến nay cho thấy, có bao thi nhân đến đây đều có bấy nhiêu cảm xúc bừng thức trước thiên nhiên và nỗi niềm “xứ Nẫu”, đều có thơ hay về Bình Định – dù chỉ trong khoảnh khắc dừng chân, mơ màng trước thành quách, khói sương nhân ảnh kiểu như Văn Cao: Một nửa hình con trai/ ngày/ lấp lánh sắc cầu vồng/ một nửa mình trăng/ đêm/ nằm nghiêng trên bãi biển (Văn Cao).

Sức quyến rũ, kỳ ảo và lan tỏa của Quy Nhơn – Bình Định là thế!

435 bài thơ trong Tuyển tập 10 năm thơ Bình Định chứng minh điều trên một cách cụ thể. Vì thế, nếu tuyển chọn thơ hay và đầy đủ về Bình Định sẽ lên đến mấy nghìn trang, đủ nhận diện về một giai đoạn thi ca Bình Định đầu thế kỷ XXI. Có thể nói, có một vùng thơ, một vùng văn học Bình Định trong nền văn học chung của dân tộc Việt Nam với bản sắc, thi pháp riêng độc đáo. Nó tích hợp từ cái sườn móc xích bộ ba: Tâm hồn thi nhân – Lịch sử, văn hóa – Con người, thiên nhiên. Thơ là sản phẩm của tư duy nghệ thuật, là điển hình của cảm xúc và tâm trạng, biểu hiện thành hình tượng thơ, triết lý thơ chính là bắt nguồn từ sườn móc xích nói trên. Các nhà thơ bốn phương đến Bình Định mang theo vốn văn hóa và tâm hồn nơi mình sinh sống nhập vào tâm hồn và văn hóa nơi đây để thành những giá trị thi ca mới mẻ.

Chọn điểm mốc khởi đầu và kết thúc là 10 năm để hình thành tuyển thơ này, với khuôn khổ số trang trên 500 trang, tất cả đều có lý do của người làm tuyển. Trước hết là để thăm dò, nhận diện và thông báo đến bạn đọc gần xa về một cách tiếp cận, bình giá và lựa chọn thơ hay về Bình Định. Thơ hay nói theo nghĩa tương đối trong sự hòa hợp, tương ứng, hài hòa giữa tư duy thơ, cảm xúc thơ của chủ thể sáng tạo so với khách thể thẩm mỹ; từ đó thấy được tư tưởng và cách cảm thụ hiện thực của từng nhà thơ theo từng thể thơ, hệ hình thơ, ngôn ngữ thơ và đặc biệt là cái nhìn nghệ thuật. Với ý nghĩa ấy, Tuyển tập 10 năm thơ Bình Định lần này là một tích hợp thành tựu mới xét theo tầm đón đợi hiện nay của tác giả và độc giả: vừa huyền ảo; vừa chân tình vừa triết lý theo bút pháp tiền hiện đai, hiện đại và một phần thấp thoáng hậu hiện đại.

Có thể điểm qua về cấu trúc của Tuyển tập như sau:

Về lực lượng sáng tác: Tuyển tập hội tụ được các thế hệ nhà thơ góp mặt đông vui, bao gồm thế hệ trưởng thành trước 1975 như: Lệ Thu, Hà Giao, Từ Quốc Hoài, Lâm Huy Nhuận, Nguyễn Văn Chương, Phan Trọng Cầu, Quốc Thành, Vân Bích, Nguyễn Thanh Hiện, Hồ Thế Phất, Trương Tham, Nguyễn Thái Dương, Tạ Văn Sỹ, Huỳnh Kim Bửu, Phạm Thành Trai…; Kế đến là thế hệ trưởng thành rất đông đảo và lực lưỡng trong hòa bình như: Văn Trọng Hùng, Hồ Thế Hà, Đào Viết Bửu, Hương Đình, Trần Viết Dũng, Lê Văn Hiếu, Mai Thìn, Trịnh Hoài Linh, Lê Ân, Khổng Vĩnh Nguyên, Nguyễn An Đình, Hoàng Bảo Linh, Nguyễn Thiện Đức, Trần Như Luận, Nguyễn Thường Kham, Ngô Văn Cư, Nguyễn Ngọc Lối…

Cuối cùng là thế hệ giàu tiềm năng trưởng thành ở những năm đường biên của 2 thế kỷ như: Duyên An, Phạm Ánh, Hữu Vinh, Lê Từ Hiển, Nguyễn Thanh Xuân, Phạm Văn Phương, Phạm Vân Hiền, Nguyễn Đình Sinh, Trần Quốc Toàn, Trần Xuân Toàn, Trần Quang Khanh, Trần Hoa Khá, Trần Hà Nam, Thái An Khánh, Nguyễn Đình Phê, Vân Phi, Hồ Thế Sinh, Triều La Vỹ, Lý Thành Long, Miên Linh, Nam Thi, Trần Văn Thiên, Võ Ngọc Thọ, Hà Diệp Thu, A. Ka Thủy, My Tiên, Vũ Đình Thung, Lê Hưng Tiến, Lê Thị Kim Tiết, Lê Trung Tín, Trương Công Tưởng, Vĩnh Tuy, Trần Lê Sơn Ý, Trần Võ Thành Văn… Các thế hệ nhà thơ này học hỏi và động viên nhau sáng tạo và làm nên diện mạo thơ Bình Định mới mẻ, tạo thành sự tương hợp và đa thanh, hiện đại. Đó là niềm vui và niềm tự hào của một vùng đất.

Về đề tài, chủ đề: Người làm tuyển đã có dụng ý tuyển chọn những bài thơ hay và tiêu biểu về nhiều đề tài, chủ đề cho khỏi đơn điệu, trong đó, đề tài quê hương, đất nước, đề tài đời tư – thế sự và đề tài tình yêu là phong phú hơn cả. Các nhà thơ lớp trước ưu tiên nhiều hơn cho đề tài quê hương, đất nước và đời tư thế sự; các nhà thơ lớp sau và lớp trẻ hơn ưu tiên cho đề tài tình yêu. Nhưng tất cả đều phát huy tối đa ngôn ngữ và giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm, tạo ra cái nhìn nghệ thuật mới mẻ, gắn với những chiêm nghiệm vui buồn của thời họ sống. Các nhà thơ trẻ ưu tiên thể nghiệm bút pháp hiện đại và hậu hiện đại, nhưng nhìn chung, thành tựu cũng chỉ dừng lại ở nghệ thuật hiện đại, bút pháp hậu hiện đại chưa thành công và chưa có những khám phá đột biến, mới chỉ dừng lại ở tìm tòi, thể nghiệm.

Về thể loại và ngôn ngữ: Chủ yếu là thể tự do. Đây là thể dễ vận dụng để phản ánh đời sống một cách phóng túng và hiệu quả, phù hợp với khuynh hướng thơ trẻ hiện nay. Thơ cách luật, lục bát và 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ vẫn có nhiều nhà thơ sử dụng và đạt đến sự nhuần nhuyễn trong việc tạo vần điệu, tiết tấu, nhưng nhìn chung là khó có sự đột biến trong đổi mới vì sự khôn ngoan của thể loại đã bị sử dụng đến cạn kiệt.

Ngôn ngữ thơ trong Tuyển tập lần này thực sự có sự tìm tòi và phá cách rất nhiều, nhất là ở những nhà thơ trẻ. Về thế hệ lớp trước, ngoài sự triết lý, chiêm nghiệm khá chân thành và nghệ thuật của Lệ Thu, chúng tôi chú ý đến tác giả Nguyễn Thanh Hiện và Lê Văn Hiếu, Mai Thìn… ở thể thơ tự do và thơ văn xuôi. Nhưng chú ý hơn là ở chất thơ và tư duy thơ. Các anh muốn thể nghiệm cuộc sống và tình yêu qua các phạm trù hiện sinh: hữu thể và hư vô, sự sống cà cái chết, hoặc đi tìm thời gian đã mất trong một hoàn cảnh khác, gắn với hiện sinh và kinh nghiệm sống của chính mình. Đây là những tìm tòi cần phát huy, nhưng cũng cần giảm trừ hiện tượng luận để khỏi đi quá đà triết lý.

Trên đây là cái nhìn phóng lướt của tôi về Tuyển tập 10 năm thơ Bình Định nên dễ chủ quan và sai sót. Nhưng cái còn lại của thơ là gì? Đó là thơ hay và thơ có ích. Nếu tiếp nhận theo yêu cầu này thì Tuyển thơ 10 năm lần này có nhiều thơ hay lắm, có ích lắm. Bạn đọc giở từng trang là cảm nhận được một cách tối đa điều đó, không thể trích minh chứng hết được. Tất cả đã tạo nên chất thơ của một vùng thơ Bình Định. Chất thơ ấy chính là sự kết tinh, giao hòa giữa con người và cảnh vật, lịch sử và văn hóa, sinh thái và tình yêu cùng những khát vọng nhân văn cao đẹp của thơ ca và con người trên hành trình đi tìm những giá trị hằng cửu của qui luật Chân – Thiện – Mỹ, đáng để chúng ta tiếp nhận, suy ngẫm và giới thiệu với bạn đọc gần xa.

***

Trong khi chờ đợi một tuyển thơ đầy đủ về Bình Định từ trước đến nay, nhóm tuyển chọn cố gắng cho ra mắt Tuyển tập 10 năm thơ Bình Định, như một cách để mở lối vào miền thơ rộng rinh để chào đón những tấm lòng tri âm, tri ngộ. Có một số ít nhà thơ Bình Định viết về quê hương mình trong 10 năm qua, vì nhiều lý do, không có mặt trong Tuyển tập là điều đáng tiếc. Và vì vậy, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định sẽ cố gắng hết mình để có trong tay những thông tin và thi phẩm viết về Bình Định trong thời gian gần nhất cho tuyển thơ mới.
Mong rằng ước mơ ấy thành hiện thực. Và tất cả các nhà thơ Bình Định sẽ gặp mặt đông vui, nhiều xúc động ở Hội tao đàn Bình Định trong tương lai.

PGS. TS HỒ THẾ HÀ

(Văn nghệ Bình Định số 109 tháng 5.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…