Cây cô đơn

(VNBĐ – Tản văn). Trên cánh đồng, giữa bao la lúa hát tôi bắt gặp cây cô đơn đứng trơ trọi một mình. Nắng đổ bao rát bỏng cuối hạ vào mùa. Lúa chưa kịp bén rễ, cố ngụp lặn bám bùn men theo dặm dài hơi thở. Và mưa, những cơn mưa không đầu không cuối đã làm thức tỉnh, dậy hương đồng, hương bãi. Không biết cây cô đơn đã trút lá từ hồi nào, cành khẳng khiu, gầy guộc. Như đã chịu khuất phục trước cái nắng như thiêu như đốt mà bần thần, lặng lẽ, bi ai. Giữa cánh đồng bao la, cây đứng đó như một dấu lặng gieo vào mắt tôi, ru lòng tôi niềm thương cảm, xa xót.

Thế rồi, khi những cây lúa trổ lọn, xanh dần, bừng tỉnh thôi thúc theo mưa thì cũng là lúc tôi nhìn thấy trên cây cô đơn đang khẽ khàng trổ dần lá non. Lá làm mềm nền xanh thẫm không một gợn mây như ngày nào nắng vắt kiệt bỏng rát nơi đây. Tôi ngồi xuống, ngắm nhìn xung quanh, suy tư đầu ghềnh cuối bãi. Vẫn là một khoảng trống chưa thể lấp đầy. Hình ảnh này, khung trời này gợi mở mà như dấu hỏi còn để ngỏ cho người qua đường với niềm cảm thấu về nhân sinh, vũ trụ.

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, khi cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu. Nhưng có khác, đó lại là điểm nhấn cho cả không gian khoáng đạt, rộng lớn. Và con người tồn tại không chỉ bởi đi qua những năm tháng thăng trầm, mà còn bởi mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên. Cây cô đơn nhắc tôi về những nỗi người, về tuổi già, bóng xế. Hẳn rồi, trong hành trình nếm trải hỉ, nộ, ái, ố, bất kì ai cũng sẽ trải qua những khoảnh khắc, và cả những năm tháng làm bạn với chính mình. Người đến với thế giới nhẹ như mây bay ngang trời. Mây lững thững trôi, mây rời bến nhớ. Mây làm hơi thở, tan loãng khoảng êm. Trải qua những năm tháng hạnh ngộ, tương giao, mỗi sinh mệnh được tìm về bản ngã, thế giới riêng. Dần không còn nhiều mối liên kết, đó là lúc buông bỏ. Người là lá. Lá rụng về cội. Mà trước đó, lá dầm sương, dãi nắng, úa vàng từ nỗi cô đơn, từ cây cô đơn. Tôi nghĩ đến những ngôi làng mà số lượng người già chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người già lặng lẽ sống bên con cháu, những người già có nhiều thời gian mà ít đi bầu bạn. Cứ thế, dần lúc nhớ lúc quên. Và có những khi tính tình thất thường, hay hờn hay giận. Họ neo đơn, sống thui thủi một mình, như ngọn Bấc sờn lắt lay. Trong cái chật chội, đông đúc của thế giới loài người, mấy ai nhìn thấy, mấy ai thấu cảm. Và rồi, đó là khoảng cách, tưởng như gần mà rất đỗi xa xôi.

Tôi nhớ có lần từng đọc tiêu đề một bài viết: “Nỗi buồn lớn nhất của tuổi già là phải thận trọng với con mình”. Trong bài viết dẫn lời một độc giả kể rằng: anh mua cho mẹ một chiếc điện thoại thông minh. Bà nhờ anh dạy cách sử dụng. Anh đã hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết nhưng rồi cuối cùng bà vẫn loay hoay với bao ứng dụng, phần mềm trong đó. Vì bận bịu với công việc nên khi bà hỏi lại, anh đã không đủ kiên nhẫn mà nổi cáu với bà. Bà khổ sở, nghĩ ngợi, không dám hỏi thêm con bất cứ điều gì khác nữa. Khuya, anh nhận được dòng tin nhắn: “Con à, mẹ đã già. Mẹ quên nhanh điều người khác nói. Mẹ cũng không nhớ cả điều mẹ đã nói. Con có thể kiên nhẫn hơn với mẹ không?”. Từ những dòng suy nghĩ không dám bộc bạch trực tiếp đó mà anh hiểu rằng bà đã tổn thương. Anh chia sẻ: “Điều đáng buồn nhất không phải là thái độ của tôi, mà là thông điệp tôi đã truyền tải qua thái độ ấy, nó nhắn nhủ với mẹ lại rằng: “Mẹ đã già rồi, và đang dần trở nên vô dụng”. Giờ đây, khi bình tĩnh nhìn lại, anh cảm thấy day dứt, vì đã để lại những vết sẹo trong lòng đấng sinh thành.

Câu chuyện đọng lại nơi tôi dư âm về niềm thấu cảm trong nỗi trăn trở tuổi già, bóng xế. Ngoài đời kia có nhiều bà mẹ như thế. Khi những đứa con trưởng thành, đến giai đoạn “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” cũng là lúc có bao mối bận tâm, những mối quan hệ xã hội bủa vây thì thời gian dành cho đấng sinh thành đâu còn được tính bằng ngày dài, tháng đặng. Cha mẹ hiện hữu đó, ngày ngày tiếp xúc đó nhưng có khi chỉ là ánh mắt thoáng qua, lời hỏi thăm, cử chỉ hững hờ, vụng dại. Như bóng cây cô đơn hiện hữu giữa đồng, không kết nối, chẳng cảm xúc giữa bao la lúa hát trong luồng gió chạy dài, xô mãi, uốn lượn, mênh mang. “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con thời mồ côi”. Biết là thế đấy mà lòng con đâu có thấu được cha mẹ có những lúc thui thủi một mình một bóng giữa bao điều mới lạ, giữa thế giới riêng không dễ nhỏ to tâm sự. Mà có khi con cũng không đủ tinh tế, nhạy cảm để nhận ra cha mẹ đang mất dần kết nối với thời đại, với nhịp sống bận rộn không ngừng.

Tôi ngồi dưới gốc cây cô đơn buổi trưa, khi đã tròn bóng nắng. Bóng cây lùn dần chỉ đủ che những vạt cỏ xanh tốt quanh gốc. Tôi nhớ bóng mẹ, bóng cha. Thuở ấu thơ tôi từng lẽo đẽo đi sau những chiếc bóng ấy khi đi chợ, lúc ra đồng. Trưa đỉnh đầu, bóng tròn chiếc nón mê cụp xuống, đôi quang gánh đung đưa theo vệt bước mòn đá sỏi. Tôi hí hửng chạy theo sau, lắm lúc hữu ý mà vô tình dẫm vào chiếc bóng, thích thú, ngạc nhiên khám phá điều chưa biết, hếch chiếc mũi lên hít hà mùi cỏ cây, bùn đất ngai ngái ven đường. Tôi hay hỏi mẹ sao có lúc bóng xiên, có lúc bóng lùn như thế. Tôi đâu biết rồi sau này tuổi già cũng như bóng nắng. Bóng lùn lúc những giọt mồ hôi đã mướt mải, lã chã rơi. Bóng xiên khi xế chiều lối hoàng hôn dần tắt. Và khi đêm xuống, chỉ chiếc đèn dầu thấu tỏ, chiếc bóng còn hiện hữu trên tường, ngồi phe phẩy quạt nan, xoa tóc mây ấu thơ đang lạc vào giấc hiền cổ tích rồi lặng lẽ khâu vá tháng năm chớp bể, mưa nguồn.

Chẳng phải cây cô đơn làm tôi giật mình những tháng năm trên đời có cha, còn mẹ. Cây cô đơn vẫn đang ru từng lọn lúa xanh đòng. Lúa xạc xào ghé tai tôi thầm thĩ. Lời ru ngọt ngào cũng từ những lặng thầm như thế. Trong lời ru tôi còn nhớ: “Cây khô chưa dễ mọc chồi/ Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta/ Non xanh bao tuổi mà già/ Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu”. Tôi ngửa cổ lên chênh chao màu nhớ. Không chỉ là màu xanh bất tận tuổi thơ mà còn là những nỗi mơ hồ làm đầy khoảng trống. Tôi cúi xuống tìm gì chưa rõ. Có chăng tìm trong cội rễ, trong từng cảm thấu mỗi hè sang, thu qua, đông tới, xuân về.

DƯƠNG THẮNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Văn Hiếu

Ta lăn lóc đứng ngồi
Ta lên rừng xuống bể
Nay ta chín – ta vẫn là hạt gạo
Vẫn đăm đắm cánh đồng chiều
Vẫn thương câu hát gánh qua sông…

Mê Cung

Giây phút Minh nhận ra trái tim của mình cũng là một mê cung là khi cậu nhìn vào mắt người con trai đó. Bộ dạng nó áp sát vào người cậu như muốn tìm kiếm ở đó một sự chở che, nương náu và an ổn…