Cầu vồng tình yêu

(VNBĐ – Truyện ngắn).

1.

Bữa ăn sang trọng chỉ có hai người. Trần Huy, người đàn ông lịch lãm, sung mãn ở độ tuổi bốn mươi và Lan Phương, người phụ nữ nhan sắc kiều diễm. Trần Huy gắp thức ăn bỏ vào chén Lan Phương, tươi cười bảo: “Em dùng đi, những món đặc sản này, ăn nóng mới ngon”. Lan Phương e lệ, lí nhí: “Anh để em tự nhiên ạ!”. Rượu vang đỏ sóng sánh trong ly thủy tinh. Khúc nhạc tình du dương êm ái như rót mật vào tai. Ánh điện xanh dịu làm không khí căn phòng VIP thêm lãng mạn. Lan Phương hết sức xúc động. Được Trần Huy quan tâm là vinh hạnh lớn đối với cô. Bởi trong giới kinh doanh của thị xã, tiếng nói Trần Huy rất có trọng lượng. Anh ta quan hệ rộng, có thế lực, hiện là giám đốc một công ty ăn nên làm ra. Lan Phương làm nghề mua bán bất động sản. Nhờ Trần Huy trợ giúp, cô mua được mấy lô đất dự án, gặp thời cơ sốt đất, cô bán ngay, thu được lời kha khá. Tận thâm tâm, cô luôn hàm ơn anh ta…

Lan Phương biết Trần Huy trong tiệc rượu một người bạn cùng giới kinh doanh. Khi Trần Huy chủ động đến chào hỏi làm quen, cô đồng ý ngay. Vì đã biết vị thế của người đàn ông lịch lãm này. Lan Phương vừa đặt chân vào thương trường, còn thiếu kinh nghiệm, được Trần Huy quan tâm còn gì bằng. Dĩ nhiên, Lan Phương biết lí do khiến Trần Huy chú ý tới cô. Và thầm bảo: “Phải chấp nhận thôi! Mặc kệ anh ta! Miễn mình không đi quá giới hạn là được”. Lan Phương tự tin vào bản thân. Nhưng không ngờ quan hệ giữa cô và Trần Huy ngày càng thân mật. Không gian riêng tư cho hai người ngày càng nhiều hơn. Cô vui vẻ nhận những món quà Trần Huy tặng. Bên Trần Huy, cô như sống trong một thế giới khác, thế giới hoa lệ của những kẻ trưởng giả, tiêu tiền như nước, không quanh quẩn thiếu thốn trong căn nhà chật chội với Thân, chồng cô, là giáo viên dạy âm nhạc trường trung học cơ sở, lương ba đồng ba cọc và Vĩnh An, đứa con trai của hai người đã được năm tuổi.

Hôm nay, Lan Phương uống hơi nhiều. Kết thúc bữa ăn, rượu đã thấm, men nồng chuếnh choáng, gò má đỏ ửng. Trần Huy lái xe đưa cô về. Xe đi vào khu trung tâm vui chơi sầm uất của thị xã. Rồi ghé vào một khách sạn. Lan Phương vẫn còn chút ít tỉnh táo, nhìn qua ô kính xe, giật mình quay sang Trần Huy, lắp bắp: “Anh… Anh… Sao lại vào đây?”. Trần Huy không trả lời, âu yếm, nồng nàn nhìn cô. Như bị thôi miên, Lan Phương mềm nhũn trước cái nhìn đó. Mọi rào cản tự vệ tan biến mất. Cô líu ríu bước theo Trần Huy lại bàn lễ tân… Khép cửa phòng lại, Trần Huy ôm ghì lấy cô, hôn lấy hôn để, vuốt ve mơn trớn, rồi bế xốc cô lên, bước tới chiếc giường nệm trải ga trắng muốt, đặt cô nằm xuống, vội vàng trút bỏ quần áo, chồm lên người cô, bàn tay lần mở từng chiếc khuy áo váy. Vành môi ép vào môi cô. Lan Phương nhắm nghiền mắt lại, người chìm trong cảm giác đê mê, đắm đuối…

2.
Lan Phương mở choàng mắt. Ngay lập tức hoảng hốt kéo chăn quấn tấm thân trần. Cô bần thần ngồi dậy, ngơ ngác nhìn khắp căn phòng lạ lẫm. Men rượu tan biến hồi nào. Liếc sang bên cạnh, Trần Huy thiêm thiếp ngủ, hơi thở đều đều, nét mặt lộ vẻ thỏa mãn. Cô bàng hoàng tê dại, vội quơ lấy váy áo mặc vào, khẽ mở cửa phòng, lầm lũi đi ra cổng. Cô vẫy tay gọi chiếc taxi. Lan Phương ngồi vào ghế sau. “Cô đi đâu?”. Bác tài xế hỏi. Lan Phương lặng im, mặt đờ đẫn. Bác tài dường như cũng đã quen với cảnh này, nên không ngạc nhiên, chỉ nhẹ nhàng nhắc: “Này cô! Cho tôi địa chỉ để đưa cô đi chớ!”. Lan Phương ngẩng đầu lên, giọng buồn rầu: “Cho tôi về…”. Lời chưa nói hết đã đột ngột dừng lại. “Về nhà ư? Không thể được! Không thể về với tâm trạng thế này!”. Làm sao đủ can đảm đối mặt với chồng con? Nhưng biết đi đâu đây?”. Lan Phương thừ người ra ngẫm nghĩ… Bác tài lại giục: “Nhanh lên cô! Muốn đi đâu thì nói! Tôi còn tranh thủ thời gian kiếm thêm vài cuốc nữa”. Trong đầu Lan Phương chợt lóe lên một địa chỉ. Cô nói: “Quán cà phê Lối Cũ”. Bác tài gật đầu, xe từ từ lăn bánh…

Đó là quán cà phê vườn nằm trên bờ con sông lớn ở ngoại ô thị xã. Tuy là quán bình dân nhưng luôn đông khách. Không gian thoáng đãng. Buổi chiều mùa hè ra đây ngồi thì không gì bằng. Gió Nồm lồng lộng mát rượi. Lan Phương đến chỗ một cái bàn kê sát mé sông. Cô kéo ghế ngồi xuống. Chị chủ quán bước tới, cười thân thiện: “Lan Phương đấy à? Lâu quá không ghé quán chị, quên rồi hả?”. Lan Phương gượng gạo đáp: “Khi nay em bận chị ạ!”. Chị chủ quán hỏi: “Sao đi một mình giờ này? Thân đâu?”. Lan Phương hờ hững: “Anh ấy mắc việc. Chị cho em một chai rượu Rum nhé!”. Chị chủ quán gật đầu, rời đi.

Quán cà phê này là nơi cô và Thân hẹn hò lúc quen nhau. Chị chủ quán đã coi hai người như em. Lan Phương nhìn dòng sông. Trên mặt nước đen thẫm, các bóng điện màu gắn trên vòm mái hiên nhô ra chiếu xuống mặt sông tạo hình chiếc cầu vồng lấp lánh sắc màu. Dưới làn sương đêm la đà, chiếc cầu vồng càng trở nên lung linh như thực như hư. Chiếc cầu vồng sao mà thân thiết quá. Lan Phương nhớ lời của Thân thủ thỉ bên tai ngày nào khi cô tựa đầu vào vai anh cùng ngắm cái vòm sáng kì ảo ấy: “Tình yêu chúng mình sẽ mãi sáng đẹp như chiếc cầu vồng kia”. Nghe lời ấy, Lan Phương xúc động. Niềm hạnh phúc dâng trào ngọt lịm cả người. Bao nhiêu năm chung sống, Thân luôn chân thành, yêu thương, tôn trọng cô. Anh đảm đương việc nhà, đưa đón con đi nhà trẻ để cho cô được toàn tâm toàn ý cho việc kinh doanh. Mỗi khi Lan Phương mỏi mệt trở về, gieo mình trên ghế sô pha, Thân liền vắt nước cam hoặc pha sữa nóng ân cần đến ngồi bên cô cười hiền hòa: “Em vất vả rồi! Uống đi cho khỏe”… Lan Phương nao lòng khi nhớ lại những ngày tháng êm đềm, ăm ắp yêu thương. Mắt cô ngân ngấn lệ…

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Người phục vụ mang rượu đến. Lan Phương rót vào ly, uống hết ngụm này tới ngụm khác. Cô tự nhủ: “Phải quên hết! Đó chỉ là một cơn ác mộng!”. Chỉ có rượu mới giúp được cô. Nhưng thật oái oăm, càng uống, cảnh giường chiếu với Trần Huy lại càng hiện ra rõ ràng… Lan Phương uất ức mím chặt môi… Cô uống tràn… Chai rượu vơi dần. Lan Phương thấy choáng váng. Cảnh vật chung quanh bỗng chao đảo. Cô loạng choạng đứng dậy, hai tay vịn vào bàn. Vài bóng người chạy tới. Tiếng của Thân. Anh cảm ơn chị chủ quán. Rồi đỡ lấy Lan Phương. Cô líu quíu ngã dúi vào người anh, miệng huyên thuyên thốt ra những thanh âm nhừa nhựa, đứt quãng, mỗi lúc một yếu ớt, rồi tắt hẳn…

3.
Lan Phương tỉnh giấc trong căn phòng ngủ quen thuộc, người mệt mỏi, rã rời. Kim đồng hồ treo tường chỉ đúng chín giờ sáng. Bốn bề im ắng. Giờ này, bé Vĩnh An đi nhà trẻ và Thân đã lên lớp. Cô thẫn thờ nhìn vệt nắng xuyên qua khung cửa sổ sáng vàng một góc phòng. Một góc bình yên quen thuộc trong ngôi nhà từng ấm áp tiếng cười. Nhưng bây giờ cảnh tượng ấy với cô sao thật trớ trêu. Cô băn khoăn, lo lắng. Tối qua, Thân nghĩ gì khi thấy mình say khướt, dị hợm. Mình có lỡ miệng nói những lời khiến anh nghi ngờ không? Nếu điều đó xảy ra, mình phải giải thích làm sao đây?

Những ngày tiếp theo, Lan Phương luôn né tránh những cuộc tiệc đình đám. Xong việc, cô tranh thủ về, sửa soạn bữa ăn cho gia đình, tắm rửa cho bé Vĩnh An, dạy con học. Còn Thân, dạo rày, anh thích ngồi vào chiếc đàn piano cũ kê ở phòng khách, chiếc đàn theo anh từ hồi còn là sinh viên trường nhạc. Thân mở nắp đàn, bấm phím, say sưa thả hồn vào từng khúc nhạc. Những giai điệu cất lên mang nỗi buồn man mác, thương cảm, tiếc nuối… Có lần, nửa đêm, anh lẳng lặng đến trước bàn thờ ba cô thắp ba nén hương, đứng lặng hồi lâu. Anh cũng không còn mặn mà chuyện gối chăn với vợ… Trước những khác lạ của chồng, Lan Phương ngậm ngùi, không dám hỏi gì. Giờ cô chỉ có một mong muốn thời gian khỏa lấp đi tất cả.

4.
Nhưng sự đời không dễ dàng như Lan Phương nghĩ. Vì Trần Huy đâu chịu từ bỏ. Anh ta là kẻ dày dạn trong tình trường. Với cái mã điển trai, tiền bạc dư thừa, vung tay hào phóng, đã mê hoặc không ít mỹ nhân. Anh ta có lắm chiêu trò giữ người đẹp trong tay mình, chơi đến chán chê mới thôi. Từ lâu, Trần Huy luôn là người chủ động chấm dứt những cuộc tình trong bóng tối. Anh ta cho rằng Lan Phương cũng là một trong số bóng hồng đó. Mỗi lần nhớ tới khoái cảm khi ân ái với cô, sự thèm khát trỗi dậy, lòng rạo rực như có lửa thiêu đốt. Nhưng điều anh ta bất ngờ là Lan Phương lại quay lưng. Cô đã chặn các cuộc gọi, tin nhắn, xóa kết bạn trên Zalo, Messenger. Gặp nơi đông người, cô đối xử với anh ta một cách lãnh đạm. Trần Huy tức tối như bị cướp mất một đồ vật quý giá mình đã cầm chắc. Anh ta không còn giữ được bộ mặt cao ngạo nữa. Như kẻ say tình, săn đón Lan Phương một cách lộ liễu. Thái độ liều lĩnh, bất chấp. Cô hết sức hoảng sợ. Làm sao bây giờ? Cứ đà này, không chóng thì chầy, chuyện lỗi lầm kia sẽ vỡ lở. Hậu quả sẽ không sao lường hết… Cô vắt óc tìm cách gỡ thì sự tình càng rối tung rối mù. Lan Phương thấy mình như đang đứng trên bờ vực chênh vênh, nhưng bất lực, không tìm được lối thoát, đành phó mặc cho số phận đưa đẩy.

Tối hôm đó, Lan Phương dự tiệc cưới một người thân tại nhà hàng. Trần Huy cũng có ở đấy. Vẫn cách ăn mặc bảnh bao, nói cười hể hả, nâng li chúc tụng rôm rả với các vị thực khách. Nhưng cứ liếc chừng về phía Lan Phương. Cô giả vờ không thấy. Có tiếng chuông điện thoại của khách hàng, Lan Phương liền ra hành lang vắng trao đổi công việc. Kết thúc cuộc gọi, bất chợt, cô thấy Trần Huy đứng chờ sẵn từ lúc nào. Anh ta lại gần, chẳng nói chẳng rằng nắm tay Lan Phương kéo vào một góc khuất, mặc cho cô phản kháng. Trần Huy gấp gáp hỏi: “Sao lại trốn tránh anh?”. Lan Phương run run: “Tôi không thể có lỗi với chồng con được nữa”. Nghe vậy, miệng Trần Huy bỗng nhếch một nụ cười âm hiểm. Trông nụ cười ấy, Lan Phương ớn lạnh cả người. Chợt Trần Huy ôm ghì lấy cô. Bàn tay thô bỉ thò vào ngực áo sờ soạng. Lan Phương giãy giụa, cố dùng hết sức đẩy mạnh anh ta ra. Trần Huy thất thế, loạng choạng lùi lại, mất đà, ngã ngồi xuống đất. Lan Phương liền quay người bước nhanh ra ngoài, lên xe máy đi thẳng. Trần Huy theo tới sảnh, hậm hực nhìn theo bóng Lan Phương xa dần…

Lan Phương chạy xe trên đường với tâm trạng chán chường, tuyệt vọng. Những dãy nhà phố loang loáng vút qua. Trên vỉa hè, người đi đường tất bật ngược xuôi. Hàng quán tấp nập người mua bán. Nhịp sống bình dị của thị xã về đêm luôn gần gũi thân thiết với những người dân từng sinh ra và lớn lên ở đây như cô. Nhưng bây giờ Lan Phương không một chút mảy may chú ý. Cô bị ám ảnh bởi nụ cười đáng sợ và cử chỉ thô lỗ của Trần Huy vừa rồi. Thật ghê tởm! “Đây là đại gia thành đạt cô từng ngưỡng mộ sao? Người đàn ông ưu tú của tầng lớp thượng lưu thị xã ư?”. Lúc này, Lan Phương đã rõ bộ mặt dung tục, đê tiện, giả dối của Trần Huy và càng cay đắng xót xa cho sự lầm lỡ của mình. Giờ biết trách ai đây? Do bản thân mình thôi. Vì lóa mắt trước vẻ hào nhoáng của cuộc sống vàng son nhung lụa, cô đã dại dột lao vào đó như con thiêu thân để rồi sa chân vào cạm bẫy, chỉ “dại một giờ” mà mang vết dơ, cả phần đời còn lại không thể nào gột rửa… Như có ma lực dẫn lối, xe chạy băng băng về quán cà phê Lối Cũ. Giờ đây, chỉ còn nơi đó là chốn yên lành duy nhất để quay về, để còn lại chính mình với nỗi đau khổ tủi hờn đang giày vò tê buốt trái tim cô.

5.
Thân ngồi chỗ chiếc bàn kê sát mé sông từ hồi nào, mặt hướng ra dòng sông. Anh trầm ngâm nhìn mặt sông. Những ngày xưa cũ hiện về xao động cả tâm tư. Là đứa trẻ mồ côi, hơn mười năm trước, Thân rời viện cô nhi, bơ vơ, không một người thân. Sẵn có năng khiếu âm nhạc, Thân tìm thầy học. Người thầy đó là ba của Lan Phương, một nhạc sĩ có tiếng ở thị xã. Ông nhận người học trò có hoàn cảnh đáng thương, tận tình chỉ bảo. Qua âm nhạc, sự đồng điệu làm thầy trò thêm gắn bó. Vợ ông mất sớm, để lại một đứa con duy nhất là Lan Phương. Ông hết mực cưng chiều. Thời gian lui tới nhà, Thân và Lan Phương nảy sinh tình cảm yêu đương. Ông đứng ra tác hợp cho đôi trẻ. Ân tình sâu nặng đó đã khắc sâu vào tâm khảm  Thân. Cách đây mấy năm, ông lâm bệnh nặng. Biết không qua khỏi, gọi riêng Thân tới trăng trối: “Ba đi rồi, con thay ba bảo bọc Lan Phương. Con bé chưa trải sự đời, tính hời hợt, xốc nổi, e có ngày va vấp”. Thân hứa: “Ba yên tâm. Con sẽ thực hiện tâm nguyện của ba”.

Thật ra, đêm đó, trong lúc say, Lan Phương đã hé lộ chuyện lầm lỗi của mình. Trông bộ dạng khác thường của vợ, bao nhiêu năm ăn ở, anh chưa bao giờ thấy cô như vậy, Thân càng đinh ninh vợ đã hư hỏng. Anh vẫn giữ kín điều đã biết trong lòng, không nói gì với cô. Nhưng vô cùng phẫn uất. Người anh yêu thương nhất đã phản bội mình. Tim đau nhói như bị vò xé. Nỗi nhục nhã của người đàn ông bị cắm sừng như hạt sạn góc cạnh cựa quậy nhức nhối, tê buốt tâm can. Đây là vết thương hằn sâu trong đầu, đời này, kiếp này không thể nào quên được. Nhiều đêm dằn vặt, thao thức. Thân trở đi trở lại với ý nghĩ, tình nghĩa đã mất, sự tôn trọng cũng không còn, làm sao chung đụng với nhau được nữa. Sẽ làm khổ cho nhau thôi. Thân quyết định ly hôn. Khi cầm bút viết đơn thì lời người ba vợ lúc lâm chung lại văng vẳng bên tai. Lời hứa của anh vẫn còn nguyên đó. Còn bé Vĩnh An nữa. Nếu chia tay với Lan Phương, con anh phải chịu bất hạnh vì thiếu sự yêu thương chăm sóc của một trong hai đấng sinh thành. Thân không bao giờ quên được những gì anh đã phải trải qua suốt thời thơ ấu trong viện cô nhi. Không! Việc ấy không thể lặp lại với đứa con mà anh yêu thương hơn chính cuộc đời mình. Với lại, Thân cũng nhận ra sự ray rứt khổ đau của vợ, cô thực sự hối hận. Lẽ nào mình lại nhẫn tâm… Những căng thẳng bức bối dần dịu đi… Anh đắn đo một lúc rồi thả bút xuống…

Lan Phương bước vào quán. Thấy bóng lưng Thân, liền khựng lại, sống mũi  cay cay: “Là anh ư? Anh vẫn còn nhớ nơi ghi dấu những kỉ niệm đẹp nhất của chúng mình sao? Ước gì được cùng anh chia sẻ những buồn vui như thuở mặn nồng trước kia. Giá mà em không mềm yếu đến nỗi sai đường lạc lối…”. Lan Phương thở dài ảo não. Cô chần chừ một lúc rồi lặng lẽ đến ngồi chiếc ghế bên cạnh Thân. Nghe tiếng động, anh quay lại, ngạc nhiên: “Em đấy à?”. Gương mặt Lan Phương buồn rười rượi. Cô muốn thú nhận với chồng tội lỗi của mình, rồi ra sao thì ra. Nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào, miệng ấp úng: “Em… Em…”. Thân nhỏ nhẹ: “Đừng nói nữa. Anh biết rồi. Cứ để mọi chuyện qua đi. Xét cho cùng, anh cũng có lỗi. Tại anh bất tài, không lo được cho mẹ con em cuộc sống đầy đủ. Để em phải lặn lội bươn chải…”. Lan Phương bỗng nhiên thấy ấm áp lạ lùng. Cô như chiếc thuyền đơn lạc lõng giữa sóng gió trùng khơi, bất ngờ tìm được bến đỗ. Nỗi lo sợ canh cánh trong lòng phút chốc tan biến hết… Cô nhìn Thân bằng ánh mắt biết ơn vô hạn. Bắt gặp cái nhìn ấy, lòng Thân bỗng xốn xang. Ngày trước, Lan Phương là cô thiếu nữ xinh đẹp có đôi mắt mê người đã khiến bao nhiêu chàng trai theo đuổi, đưa đón, không ít kẻ thuộc hàng danh gia vọng tộc. Nhưng cô lại chọn Thân, yêu một người thân phận nghèo hèn, bỏ mặc ngoài tai bao lời mỉa mai đàm tiếu. Lúc đó, Thân hết sức cảm động, nhưng chẳng có gì cho cô ngoài lời hứa: “Anh sẽ không để nỗi buồn vương trên mắt em”. Bây giờ thì sao? Lan Phương ngồi ủ rũ, trông nhỏ nhoi tội nghiệp! Thân do dự… rồi đột ngột vòng tay ôm lấy cô. Lan Phương úp mặt vào ngực anh, bờ vai rung lên bần bật. Một lúc sau, tiếng khóc nhỏ dần. Thân nâng cằm cô lên, khẽ lau giọt lệ còn lại trên khóe mắt. Bất giác, anh quay nhìn dòng sông. Lan Phương cũng trông theo. Từ lúc nào, chiếc cầu vồng lấp lánh sắc màu hiện rõ trên mặt sông. Thân hỏi: “Em có biết tại sao chiếc cầu vồng kia mãi mãi nguyên vẹn, đẹp đẽ, tinh khôi dù có lúc phải trải qua những ngày giông bão mù trời không?”. Im lặng!… Thân dịu dàng nói: “Bởi đó là cầu vồng tình yêu”.

PHẠM HỮU HOÀNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Bá Duy

Tháng Mười mưa trắng núi Tình
biết phương ấy mẹ một mình dưới mưa
buồn theo cơn bão cuối mùa
phận người mỏng mảnh hơn thua được gì

Thơ dự thi của Duyên An

Về ngồi dưới cây một chiều xanh ướt vai
trăm năm chảy trong thớ vỏ
thơm hoa đại trắng
uống dạt dào mạch nước Côn giang. 

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…

Bữa tiệc ly

Tôi sẽ không kể cho ai về kết quả chẩn đoán. Tôi sẽ chỉ đơn giản là tiếp tục đeo chiếc mặt nạ mà tôi đã đeo suốt nhiều năm nay, ngay cả khi cơ thể bên trong tôi sẽ thối rữa…