Cảm thức cô đơn qua tập truyện ngắn “Bay” của Nguyễn Đặng Thùy Trang

(VNBĐ – Đọc sách). Nữ tác giả Nguyễn Đặng Thùy Trang là một gương mặt trẻ tiêu biểu của văn chương Bình Định những năm gần đây. Chị đã xuất bản nhiều tác phẩm cho cả thiếu nhi lẫn người lớn. Trong số đó, tập truyện ngắn Bay với sự thể hiện cảm thức cô đơn được dư luận đánh giá cao, rất cần được khảo sát một cách hệ thống…

1. Những biểu hiện của cảm thức cô đơn trong Bay
1.1. Nhân vật cô đơn
Trong tập truyện Bay, dòng cảm thức cô đơn trước hết được Nguyễn Đặng Thùy Trang thể hiện qua dạng thức nhân vật cô đơn.

Thứ nhất là nhân vật cô đơn từ trong bản thể. Nhân vật “anh” trong Món quà, sau mỗi giờ làm thường về nhà. Không phải anh không thể ra ngoài mà ở nhà chính là sự lựa chọn tối ưu. Anh không muốn nói chuyện với ai, cũng chẳng có ai để trò chuyện. Những đồ vật trong nhà rất quen thuộc, quen thuộc đến mức đôi lúc anh gặp khó khăn khi phải gọi tên chúng. Thậm chí, anh còn không thể xác định căn nhà mình nằm trên con đường nào, khu phố nào, chỉ tạm gọi nó là “vùng không gian”, “khoảng không ấy”,… Một sự vật, đồ vật, nếu không được gọi tên thì sự tồn tại của nó rất mong manh. Tất cả những thứ bao quanh vô hình trung đã nhấn chìm anh, khiến sự tồn tại của anh trên cõi đời này cũng trở nên mơ hồ. Anh nhận thấy rằng: “Những điều liên quan đến công việc không thể khiến anh quên, nó cao hơn mục đích sống”. Vậy mục đích sống của anh là gì? Có lẽ nó cũng mờ hồ, lạc lõng như chính anh và những thứ tồn tại xung quanh anh. Dù bên ngoài xã hội hay bên trong căn phòng, trong nhân vật vẫn hiện hữu sự cô đơn, chông chênh.

Thứ hai là nhân vật cô đơn từ một ám ảnh trong cuộc sống. Vốn dĩ những nhân vật này từng có cuộc sống bình thường như bao người, song một ám ảnh trong cuộc sống tác động mạnh đến họ. Sự chấn thương tâm lí khiến họ khó có thể hòa nhập với cuộc đời. Cả Nghi và mẹ Nghi trong Trên những đường mây đều là những nhân vật như thế. Mẹ Nghi yêu bác Phong – một phi công. Trong một chuyến bay, bác Phong vĩnh viễn không trở về. Từ đó, mẹ ám ảnh máy bay và những chuyến bay. Kết quả, mẹ đi theo bác Phong. Sự ra đi của mẹ khiến Nghi ám ảnh, sợ hãi luôn cả mối tình với anh Phong – một chàng phi công: “Nếu một mai đồng ý đến với Phong, tôi cũng phải trải qua cảm giác đau khổ ấy”. Điểm khác nhau giữa hai mẹ con chính là ở sự vượt qua nỗi ám ảnh. Biến cố xảy đến với mẹ, mẹ chấp nhận biến cố nhưng không cách nào vượt qua biến cố. Cái chết của bà được nhà văn miêu tả vỏn vẹn trong hai câu, song đó lại là câu trả lời cho những chấn thương mà nhân vật chịu đựng. Về phần cô con gái, cô không trải qua những đau đớn như mẹ, song cô lại hiểu được những đau đớn này hơn bất cứ ai. Cô đến một thành phố khác công tác; phương tiện cô lựa chọn là máy bay. Cô chấp nhận hiện thực, chấp nhận chấn thương tinh thần và cố gắng vượt qua nó.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Đặng Thùy Trang, các nhân vật dù cô đơn theo dạng thức nào thì họ vẫn có cho mình một con đường riêng: có người tìm ra ý nghĩa cuộc sống từ một khoảnh khắc (Camera, Món quà, Chi, Nứt,…); có người tìm đến cái chết như một sự giải thoát (Trên những đường mây); cũng có người quyết định sống tiếp giữa chơi vơi, lạc lõng (Mắt to, Bức tường,…). Tác giả để nhân vật có lựa chọn riêng, không để họ rơi vào bế tắc cùng cực. Do đó, truyện ngắn của Nguyễn Đặng Thùy Trang tuy man mác buồn nhưng không hề bi lụy, đâu đó vẫn có ánh sáng, nhỏ thôi nhưng vẫn âm ỉ mãi.

Sự cô đơn của nhân vật thường được nhà văn khắc họa qua dòng trạng thái nhân vật. Đó là những hồi tưởng, nghĩ suy miên man về cuộc sống, để rồi trước sự biến thiên của vạn vật, họ bị chìm vào trong cô đơn, lạc lõng. Dàn trải suốt truyện ngắn Bay là dòng trạng thái của Lan. Cô thường suy nghĩ về việc được bay lên, bay vào hư vô tuyệt đối, tan mình trong khoảng không đất trời. Và cứ mỗi lần cô đơn, thân hình mỏng manh của Lan lại như được bay lên. Những dòng trạng thái ấy được nhà văn tái hiện bằng một lớp ngôn ngữ riêng – ngôn ngữ với những định danh về trạng thái cô đơn. Cụm từ “cô đơn” lặp đi lặp lại suốt tập truyện, dàn trải trên khá nhiều tác phẩm. Bên cạnh đó, cảm thức cô đơn còn được tác giả thể hiện qua hàng loạt cụm từ cùng tập hợp: cô độc, một mình, buồn, vô định, trống rỗng, khoảng không, hố sâu, vùng mất kiểm soát, hỗn độn, mảnh vỡ, đổ vỡ,…

1.2. Không gian cô đơn
Việc lựa chọn không gian để nhân vật xuất hiện ít nhiều thể hiện được ý đồ tư tưởng mà người nghệ sĩ gửi gắm. Trong các truyện ngắn của mình, Nguyễn Đặng Thùy Trang thường xuyên chọn không gian căn phòng – một không gian tách biệt với thế giới bên ngoài. Khi trở về với căn phòng khép kín không một bóng người, nhân vật mới thực sự cảm thấy an toàn, họ được là chính mình, được sống với cảm xúc của riêng mình, không sợ làm phiền ai và cũng không sợ bị ai quấy rầy. Về phòng, nhân vật “anh” (Món quà) như bước vào một vùng không khí mới, trở thành một con người khác, im lặng và trầm tĩnh. Không gian quen thuộc đẩy nhân vật vào sự chán nản, nhưng chính không gian ấy lại khiến anh cảm thấy an toàn, đủ để sản sinh ra thứ cảm giác tươi vui một mình. Không gian căn phòng còn xuất hiện trong một số truyện ngắn khác trong tập như Nến, Thành phố,

Bên cạnh không gian căn phòng, Nguyễn Đặng Thùy Trang cũng có vẻ hứng thú với việc miêu tả không gian mưa, bởi mưa như một chất xúc tác, dễ khơi gợi trong lòng nhân vật muôn vàn xúc cảm. Đặc điểm của loại không gian này là không hề bi lụy, não nề, song vẫn phả lên tác phẩm chút gì đó man mác gợn buồn. Mưa khiến lòng người miên man, bâng quơ trong nghĩ suy, kêu gọi những kí ức ngày xưa hiện về. Trong trời mưa lạnh lẽo, một mình Nguyệt (Nguyệt) cô đơn trong tiệm làm tóc, “có giọt mưa nào bắn vào tấm gương, chảy dài những vệt, in lên mặt chị trong gương nhìn”. Mưa xuất hiện vào ban đêm lại càng khiến cho không gian chìm trong một khung nền ảm đạm. Trong khá nhiều cơn mưa đêm, Chi (Nến) đã bỏ đi, để lại những ngọn nến lưng chừng cháy dở. Không gian mưa đêm không làm nỗi cô đơn được nổi bật nhưng lại có tác dụng đẩy sự cô đơn lên cao trào. Nhân vật xuất hiện trong không gian này dường như dễ dàng hòa cùng cảnh vật; vì không gian và con người tìm thấy ở nhau một điểm chung – sự cô đơn – để cả hai dễ dàng hòa thể vào nhau, “đồng thanh tương ứng” đẩy sự cô đơn lên đỉnh điểm.

Nguyễn Đặng Thùy Trang còn khắc họa dòng cảm thức cô đơn thông qua không gian biển. Không gian biển dường như không phải là loại hình không gian nhà văn cố ý khắc họa, vô hình trung, trong tâm thức tác giả, hình ảnh biển ngự trị như một lẽ tất yếu, có sẵn, không phải là sự cố gắng tưởng tượng mà thành. Do đó, không gian biển hiện lên trong mỗi áng văn rất tự nhiên, gần gũi. Đứng trước không gian biển – rộng lớn, khoáng đạt, con người như cởi bỏ được phiền muộn trong cuộc sống. Nhân vật “anh” (Thành phố), mỗi sáng nhìn mặt biển sánh mịn, anh thấy mình tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, cũng bởi sự mênh mông, rợn ngợp, vô điểm dừng nơi biển cả khiến con người cảm thấy nhỏ bé hơn và khó khăn khi muốn tìm lấy một điểm tựa, để bấu víu, để không bị chính không gian hòa tan hoặc cuốn đi trong lửng lơ vô định.

Dòng cảm thức cô đơn còn xuất hiện ở cả những không gian đông đúc, nhộn nhịp, xô bồ như không gian chợ, phố thị, trung tâm thương mại, khách sạn… (Camera, Món quà, Ở chợ, Nến, Thành phố,…). Ở không gian này, con người tĩnh lặng, cô đơn nổi bật lên như một tâm điểm – một tâm điểm không ai để ý. Tưởng chừng nền không gian tươi vui có thể triệt tiêu được sự man mác cô đơn trong tập truyện, song hoàn toàn ngược lại, chính sự tươi vui ấy càng khiến cho nhân vật lạc lõng vì không tìm được điểm tương đồng với môi trường. Nhân vật như một kẻ lạc loài, cảm tưởng đến một ngày không xa, họ sẽ bị chính xã hội tươi vui kia đào thải mà chưa kịp có bất kì sự phản kháng nào.

2. Phương thức nghệ thuật thể hiện cảm thức cô đơn trong Bay

2.1. Phương thức trữ tình – triết luận
Trong Bay, tác giả cho thấy sự chú trọng tới việc xây dựng những câu văn giàu tính nghị luận. Tuy nhiên, nghị luận dưới ngòi bút của Nguyễn Đặng Thùy Trang không phải là những vấn đề đao to búa lớn của cuộc đời, đôi khi đấy chỉ là những vấn đề rất nhỏ, có phần mong manh, mơ hồ – những điều mà giữa bộn bề cuộc sống hiện đại, giữa guồng quay của thời gian và bạc tiền, rất hiếm những con người có thể nhìn thấy, cảm được.

Nhân vật chính trong Camera vì tính chất công việc, bấy lâu anh chỉ tiếp xúc với hình ảnh con người từ xa, thông qua những chiếc màn hình ảo. Điều này làm anh kém nhạy cảm với đời sống hiện thực. Song chính anh lại nhận ra được ở nơi chợ búa ồn ã vẫn có “những nét đẹp lồ lộ, hiển hiện”. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, tất cả đều ẩn chứa một vẻ đẹp riêng. Nhận thức được điều này, nhân vật đã tự nhủ bản thân nên thử khám phá và hòa vào cuộc sống thực.

Truyện ngắn Nứt kể về cô gái chuyên tái chế những đồ vật đã có vết nứt bằng cách họa một vài đường nét, biến chúng thành “một tác phẩm nghệ thuật”. Theo nhà văn, “nứt cũng là một dạng hạnh phúc, hạnh phúc của sự chờ đợi lấp đầy”. Đây là một quan điểm khá thú vị của tác giả, mở ra cho người đọc một góc nhìn mới về những vết rạn nứt, những nỗi đau, những thiếu hụt chưa tròn vẹn. Cuộc đời vốn dĩ chẳng có gì là hoàn hảo, những vết nứt, những thiếu hụt không tròn vẹn chưa chắc đã xấu. Nếu con người cảm thấy mọi thứ hoàn hảo thì khi ấy con người đã dừng lại, vì đã đạt đến độ hoàn hảo rồi sẽ không có bất kì chỗ trống nào để thêm vào và dĩ nhiên cũng chẳng có dạng hạnh phúc của sự chờ đợi lấp đầy.

Bản chất triết luận là tính khô khan, giáo điều. Tuy nhiên, Nguyễn Đặng Thùy Trang đã tinh tế khi đan cài vào đó yếu tố trữ tình, tạo nên những câu văn vừa đậm chất thơ vừa phảng phất chất triết luận sâu xa, để lại trong lòng bạn đọc bao dư vị và những trăn trở, nghĩ suy về cuộc sống. Những điều này được xây dựng hầu hết khi tác giả đặt nhân vật vào hoàn cảnh một mình. Chỉ khi ở một mình, nhân vật mới có thể tự bộc lộ được cảm xúc chân thật nhất, là cơ hội để nhân vật tĩnh lặng, khám phá bản thân, tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống.

2.2. Phương thức đối lập
Trước hết, đó là sự đối lập giữa các loại hình không gian. Với những truyện xuất hiện không gian căn phòng, tác giả thường đặt không gian căn phòng bên cạnh không gian nhộn nhịp, rộng mở ngoài xã hội (Món quà, Nến, Thành phố,…). Sự xô bồ, sầm uất của thế giới bên ngoài làm nổi bật hình ảnh những con người trầm tĩnh, lặng lẽ cô đơn ẩn mình trong căn phòng khép kín.

Thứ hai, đó là sự đối lập giữa con người và không gian. Biểu hiện cụ thể là con người thường nhỏ bé giữa không gian biển cả bao la, rợn ngợp (Cây); những con người trầm lặng giữa phố thị đông đúc, giữa khu chợ ồn ã hay giữa một buổi tiệc náo nhiệt… (Camera, Món quà, Nến,…). Con người đặt dưới nền không gian này rất dễ cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Họ không tìm thấy sự tương thích giữa chính mình và môi trường, cố gắng đi tìm, tìm mãi vẫn không tìm được một điểm tựa nào để có thể bấu víu mà không bị lưng chừng, vô định trước cuộc đời.

Thứ ba, đó là sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối. Chính việc tạo ra sự đối lập này đã khiến cho những áng văn của Nguyễn Đặng Thùy Trang không rơi vào bi lụy. Cảm thức cô đơn cùng gia vị man mác buồn vương vấn trên từng trang viết, song len lỏi trong đấy lại là những khoảnh khắc của niềm vui, của hạnh phúc. Thủ pháp đối lập này không hẳn tạo sự trái ngược hoàn toàn. Hai đối tượng thoạt có vẻ tương phản nhau, nhưng khi được đặt cạnh nhau, chính sự tương phản lại làm chúng trở nên hài hòa, không triệt tiêu mà nâng đỡ lẫn nhau. Đó là khoảnh khắc nhân vật “anh” trong Camera nhìn thấy cô bé – người mà bọn bắt cóc thuê anh theo dõi, “ngồi thật lâu bên thềm biển và đến khi trời gần sáng cô thắp một cây nến…. Khi chiếc nến vụt tắt cũng là lúc bình minh bắt đầu ló dạng…”. Chút ánh sáng ấm áp của ngọn nến hay ánh sáng rạng rỡ của bình minh nơi vòm trời đã vẽ lên lớp băng phủ kín trái tim anh bấy lâu nay một niềm tin vào cuộc sống, để rồi chính bản thân anh thầm nguyện cầu kế hoạch bắt cóc lũ nhỏ không thành công.

Thứ tư, đó là sự đối lập giữa các nhân vật. Sự trái chiều trong tư duy và suy nghĩ rất dễ khiến bản thân mỗi người rơi vào lạc lõng, thất vọng trước cuộc sống. Mắt to (Mắt to) luôn tâm niệm trong công việc hay bất kì mối quan hệ nào, sự chân thật là yếu tố tiên quyết để duy trì. Để vào được công ty, điều kiện đầu tiên là phải có một đôi mắt to. Đến một ngày, Mắt to bắt đầu nghi ngờ những nhân viên công ty đã đeo lens. Một cuộc kiếm tra diễn ra. Kết quả nhận được khiến nhân vật hụt hẫng, có phần hoang mang, chới với: “Số phần trăm người được nhận vào công ty một cách trung thực lại không đủ bù cho số người hiện tại đã bị loại ra khỏi công ty”. Sự thật chua chát, đối lập với quan niệm sống của Mắt to khiến nhân vật lụn bại vì sự giả dối. Cuối cùng, “Mắt to chỉ còn là một nhân vật lặng lẽ, nằm trong vòng tay người cần”, lạc loài giữa đồng loại và giữa môi trường sống của mình.

***

Việc tiếp cận cảm thức cô đơn trong tập Bay không chỉ giúp người đọc thấy được giá trị nội dung và nghệ thuật của tập truyện mà còn mở ra góc nhìn thú vị về một trạng thái tinh thần của con người hiện đại. Cô đơn, suy cho cùng, chỉ là một trong nhiều cảm xúc mà con người nhất thiết phải trải qua. Nhờ sự kết hợp với tản văn và thơ, truyện ngắn Nguyễn Đặng Thùy Trang đã mở rộng được khả năng chiếm lĩnh và biểu đạt hiện thực. Nói cách khác, nó không dừng lại ở việc kể mà còn có cảm, có suy. Đây là tín hiệu đáng mừng về những nỗ lực tìm tòi sáng tạo của những người viết trẻ…

THÁI DƯƠNG NƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Dấu xưa còn nhớ

Vân Phi là nhà thơ trẻ, thuộc thế hệ 9X với dòng thơ tự do, hiện đại. Mặc dù còn trẻ nhưng tác giả đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng độc giả bởi một giọng thơ rất riêng…