(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Ở quê ông tôi, phần đông người ta sống bằng nghề dần gai. Họ phải hít thứ bụi tỏa ra từ những thân gai vỡ nát, dù thế nhưng vẫn nhẫn nại, vui tươi. Hễ tới bữa thì ăn pho mát dê, khoai tây, thỉnh thoảng mới làm thịt một con thỏ. Tối đến, họ kéo sợi, đan len trong phòng và uống trà bạc hà. Như thế cũng đã đủ hạnh phúc. Ban ngày, họ dần gai trong đống máy móc cũ kỹ, mặc cho thân mình bám bụi và hơi nóng bốc ra từ lò sấy. Phòng họ chỉ có một chiếc giường duy nhất dành riêng cho cha mẹ, còn con cái thì ngủ trên những cái ghế dài đặt ở xung quanh.
Cha mẹ đi làm sớm, giao việc nhà cho con cái. Chúng quét phòng, dọn dẹp, rửa chén và gọt khoai tây – những củ khoai vàng nhạt rất quý nên chúng phải cho cha mẹ xem đống vỏ để khỏi bị nghi ngờ là phung phí.
Đi học về, trẻ con phải vào rừng kiếm nấm, dược thảo tùy theo mùa. Đến hè, sau khi gặt cỏ khô trên những cánh đồng thưa, chúng đi kiếm cúc bất tuyệt. Mỗi ký cúc bất tuyệt được một xu, trong khi ở ngoài phố, nhà thuốc bán cho mấy người mắc chứng căng thẳng thần kinh với giá hai mươi xu. Quý hơn là nấm vì mỗi ký sẽ được hai mươi xu, còn giá bán ở các cửa hàng ngoài phố tới một mark hai mươi xu. Mùa thu nấm mọc nhiều, trẻ con mò vào sâu trong rừng để kiếm nấm.
Những khu rừng đều thuộc sở hữu của nhà Balek, đống máy móc dần gai cũng vậy. Nhà Balek có một lâu đài ở quê ông tôi. Bà Balek có một căn phòng nhỏ gần chỗ nấu sữa để cân và trả tiền nấm, dược thảo, cúc bất tuyệt. Trên cái bàn ở trong căn phòng ấy, nhà Balek để một cái cân lớn màu đồng đỏ. Hồi nhỏ, ông bà cố của tôi đã từng đứng trước nó với những giỏ nấm, những bao cúc bất tuyệt. Họ chăm chú xem bà Balek phải ném bao nhiêu quả cân lên dĩa, cây kim dao động mới dừng đúng trên cái vạch đen, cái vạch mỏng manh của sự công bằng ấy hằng năm đều phải kẻ lại. Rồi bà Balek lấy quyển sổ lớn có gáy da nâu ra ghi trọng lượng và trả tiền.
Lúc ông tôi còn nhỏ, ở đó có cái lọ lớn đựng kẹo chua giá mỗi ký một mark. Những khi vui vẻ, bà Balek thường thò tay vào lọ lấy cho bọn trẻ con mỗi đứa một viên kẹo, mặt chúng đỏ ửng lên vì vui sướng.
Một trong những luật mà nhà Balek đặt ra cho dân làng là không ai được phép giữ cân trong nhà. Luật ấy xưa đến nỗi chẳng ai nghĩ đã có từ lúc nào và vì lý do gì, nhưng nó phải được tuân theo. Người phạm luật sẽ mất việc, sẽ không được phép bán nấm, dược thảo hay cúc bất tuyệt nữa. Và quyền lực của nhà Balek lớn đến nỗi, những làng lân cận không ai dám thuê kẻ phạm luật về làm việc hay mua dược thảo người ấy hái. Khi ông bà sơ tôi còn là những đứa trẻ đi kiếm nấm để bán cho nhà bếp của những người Praha giàu có, không ai nghĩ tới việc phạm luật cả. Bởi lẽ bột thì có cốc đo thể tích, trứng có thể đếm, vả lại cái cân lớn màu đồng đỏ ấy không hề mang một chút ấn tượng gì gọi là giả dối, lừa lọc, nên nhiều thế hệ người đã tin tưởng cây kim đen, giao phó những gì họ kiếm được trong rừng với sự tin tưởng tuyệt đối.
Dù rằng, trong số những con người ngoan ngoãn ấy cũng có vài kẻ coi thường luật lệ, đó chính là đám săn bắn trái phép, trong một đêm lại muốn kiếm nhiều tiền hơn cả tháng lương ở nhà máy dần gai. Nhưng ngay cả đám này cũng không dám nghĩ tới việc mua hay lắp ráp lấy một cái cân.
Ông tôi là người đầu tiên có đủ can đảm để kiểm tra sự công bằng của nhà Balek.
Ông tôi vừa chăm chỉ lại vừa khôn ngoan. Ông chui vào rừng xa hơn mọi đứa trẻ khác trong làng, ông tới cả bụi rậm, nơi truyền thuyết cho là chỗ ở của Bilgan – tên khổng lồ canh giữ kho báu của thần Balder. Ông tôi không sợ Bilgan. Ngay từ nhỏ, ông đã tiến sâu vào rừng vơ một lượng nấm lớn về nhà, ông tìm được cả nấm củ – loại nấm bà Balek tính tới ba mươi xu một ký. Ông tôi ghi lại tất cả những gì mình mang tới nhà Balek vào mặt sau một tờ lịch, từng ký nấm, từng lạng thảo dược.
Năm ông lên mười hai, khi ấy là năm 1900, nhà Balek được hoàng đế phong tước nên tặng mỗi gia đình trong làng một phần tư ký lô cà phê thật, loại nhập từ Brésil. Ngoài ra còn có bia và thuốc lá. Người ta mở tiệc lớn trong lâu đài nhà Balek. Nhiều cỗ xe đậu trên đường viền cây bạch dương dẫn từ cổng tới lâu đài.
Hôm trước ngày mở tiệc, người ta phát cà phê tại căn phòng nhỏ, nơi để cái cân của nhà Balek gần một trăm năm nay. Ông tôi thường kể cho tôi nghe chuyện ông đến đó để lấy cà phê cho cả bốn gia đình, gia đình nhà Cech, nhà Weidler, nhà Vohla và nhà Brăcher. Cũng bởi lúc ấy là buổi chiều đêm giao thừa, họ phải dọn dẹp phòng, làm bánh, nên chẳng muốn sai bốn đứa con đến lâu đài chỉ để nhận mỗi đứa hai lạng rưỡi cà phê.
Thế rồi ông tôi đến lâu đài nhà Balek, ngồi đợi trên băng gỗ nhỏ hẹp, chờ chị giúp việc Gertrud đếm mấy gói cà phê đóng sẵn, bốn gói, mỗi gói một phần tám kí lô. Ông tôi nhìn cái cân còn để quả cân nửa ký trên đĩa bên trái. Bà Balek thì vắng mặt vì bận bịu chuẩn bị bữa tiệc.
Khi chị Gertrud định thò tay vào lọ kẹo chua lấy một viên cho ông tôi thì thấy hết kẹo. Chị Gertrud cười, bảo: “Đợi một chút, chị đi lấy kẹo mới”.
Cầm trên tay nửa ký cà phê đã được gói ngay tại hãng buôn, trước cái cân còn để quả cân nửa ký, ông tôi đặt bốn gói cà phê lên cái đĩa trống bên phải. Tim ông đập thình thịch khi cây kim đen của sự công bằng dừng lại bên trái, đĩa đặt quả cân nửa ký nằm phía dưới, còn đĩa đặt “nửa ký” cà phê thì lơ lửng bên trên.
Lúc ấy, giả như đang nằm sau bụi cây trong rừng để chờ tên khổng lồ Bilgan, tim ông cũng không đập mạnh như thế.
Ông lấy ra những viên sỏi lúc nào cũng mang trong người để lắp ná bắn mấy con chim sẻ, phải để ba, bốn, năm viên sỏi cạnh bốn gói cà phê, thì đĩa đặt quả cân nửa ký mới được nâng lên, và cuối cùng cây kim nằm đúng trên cái vạch đen.
Ông tôi lấy cà phê xuống, gói mấy viên sỏi vào khăn mùi soa. Đến khi chị Gertrud trở lại với cái bao lớn đựng kẹo chua, móc ra một viên đưa cho cậu bé nhà nghèo đứng đó, và dường như không có gì thay đổi cả. Ông tôi chỉ lấy ba gói cà phê nhỏ. Và chị Gertrud kinh ngạc khi cậu bé ném viên kẹo xuống đất, đoạn đạp nát rồi nói:
– Em muốn nói chuyện với bà Balek.
– Bà Balek nghe! Dạ, bà Balek đây ạ! – Chị Gertrud cười nhạo ông.
Ông tôi lủi thủi trở về trong bóng đêm, đem cà phê đến gia đình nhà Cech, nhà Weidler, nhà Vohla, và nói dối là ông còn phải tới linh mục nữa.
Với năm viên sỏi trong khăn mùi soa, ông phải đi thật xa mới tìm ra người có cân, hay đúng hơn, người được phép có cân. Nhưng ở các làng Blaugau và Bernau không ai có, ông biết vậy nên không dừng bước ở hai làng ấy. Ông đi suốt hai tiếng đồng hồ cho tới phố nhỏ Dielheim, nơi dược sĩ Honig ở. Từ trong nhà có mùi bánh rán bay ra, và khi ông Honig mở cửa cho cậu bé lạnh cóng đi vào, hơi thở ông ấy có mùi rượu, điếu xì gà ướt ngậm giữa cặp môi mỏng.
– Sao, phổi cha cháu nặng hơn rồi phải không?
– Dạ không, cháu tới đây không phải để lấy thuốc, cháu muốn…
Ông tôi mở cái khăn mùi soa, lấy năm viên sỏi đưa cho ông Honig và nói:
– Cháu muốn nhờ bác cân giùm cái này.
Ông tôi sợ sệt nhìn ông Honig, nhưng thấy ông ấy không nói gì, không giận dữ mà cũng chẳng hỏi gì thêm, ông tôi mới nói:
– Đó là cái còn thiếu cho sự công bằng.
Bây giờ vào phòng ấm, ông tôi mới cảm thấy chân mình ướt như thế nào. Tuyết đã lọt vào đôi giày tồi tàn, cành lá trong rừng trút tuyết xuống người ông, giờ tuyết tan ra, ông thấy đói và mệt, rồi ông bật khóc vì nghĩ đến bao nhiêu nấm, hoa, dược thảo đã được cân bởi cái cân thiếu công bằng tới tận năm viên sỏi ấy.
Khi ông Honig lắc đầu nhìn năm viên sỏi trong tay và gọi vợ ra. Ông tôi nghĩ đến bao thế hệ ông bà, cha mẹ, ai cũng phải để cái cân ấy cân nấm, hoa mình kiếm được, rồi như bị làn sóng bất công ập xuống người, ông tôi bắt đầu khóc dữ hơn. Dù không ai bảo, ông tôi cũng ngồi xuống ghế, không thấy chiếc bánh rán và tách cà phê nóng mà bà Honig mập mạp tốt bụng dọn ra cho ông. Ông tôi chỉ ngừng khóc lúc ông Honig trở lại, lắc lắc mấy viên sỏi trong tay, nói với vợ:
– Đúng năm lạng rưỡi.
Ông tôi lại đi xuyên rừng hai tiếng đồng hồ. Trở về nhà nhà bị ăn một trận đòn nhưng ông lặng im, không trả lời câu hỏi cà phê ở đâu. Cả buổi tối ông không nói một tiếng, cứ tính đi tính lại mảnh giấy ghi tất cả những gì ông cung cấp cho bà Balek, và đúng nửa đêm, pháo nổ ở lâu đài, cả làng dậy tiếng hò reo, những con quay gỗ kêu đôm đốp và cả gia đình ôm nhau hôn, ông tôi nói vào sự tĩnh mịch của đầu năm mới:
– Nhà Balek nợ tôi mười tám mark ba mươi xu.
Và ông lại nghĩ đến bao trẻ em trong làng, đến anh Fritz là người kiếm được nhiều nấm, đến chị Ludmilla của ông, đến hàng trăm đứa trẻ, đứa nào cũng thu nhặt nấm, hoa và dược thảo cho nhà Balek, và lần này, ông không khóc nữa mà kể khám phá của mình cho cha mẹ, anh chị nghe.
Ngày đầu năm, khi nhà Balek đến dự lễ lớn ở nhà thờ trong chiếc xe mang huy hiệu mới màu xanh lam và vàng kim, họ thấy những gương mặt cứng rắn của dân làng, những cặp mắt nhìn họ trân trối. Họ chờ đợi những tràng hoa trong làng, khúc nhạc chào mừng sớm mai, tiếng hoan hô vạn tuế, nhưng cả làng như hoang vắng khi xe họ chạy qua. Trong nhà thờ, những gương mặt xanh xao quay lại nhìn họ, câm lặng và thù nghịch, và khi linh mục lên tòa giảng để thuyết giáo, ông cảm thấy vẻ lạnh lùng trên những gương mặt thường ngày vẫn bình thản, hiền lành ấy. Vị linh mục giảng qua quýt cho xong rồi trở lại bàn thờ, mình đẫm mồ hôi. Sau lễ nhận thánh thể, nhà Balek rời nhà thờ, đi giữa hai hàng người câm lặng với những gương mặt xanh xao. Nhưng bà Balek còn ở lại phía trước, gần các băng dành cho trẻ em để tìm ông tôi, lúc ấy là cậu Franz Brăcher xanh xao, và hỏi ông:
– Sao mày không lấy cà phê cho mẹ mày?
Ông tôi đứng dậy trả lời:
– Vì bà nợ tôi số tiền lớn hơn năm ký cà phê.
Rồi ông móc năm viên sỏi ra cho người thiếu phụ xem và nói:
– Bà công bằng như thế đó, mỗi cân thiếu năm lạng rưỡi.
Trước khi người thiếu phụ ấy nói điều gì, các ông bà trong nhà thờ đã bắt giọng hát bài: “Lạy Chúa, lẽ công bằng dưới trần thế đã giết Chúa…”.
Giữa lúc nhà Balek đang ở nhà thờ, tay săn bắn trái phép Wilhelm Vohla vào căn phòng nhỏ trộm cái cân và cuốn sổ bọc da ghi từng ký lô nấm, từng cân cúc bất tuyệt mà bà Balek đã mua của dân làng. Suốt buổi chiều ngày đầu năm, các ông già trong làng ngồi tính toán ở phòng cố tôi, tính một phần mười những gì nhà Balek đã mua của họ – nhưng lúc họ tính tới tận mấy ngàn mark mà vẫn chưa xong. Đại úy quận trưởng xông vào phòng cố tôi, vừa bắn vừa đâm những người ở đó, giành lấy cái cân và cuốn sách bằng bạo lực. Lúc ấy, bà cô tôi tức cô bé Ludmilla bị giết, vài ông bị thương và một tên lính bị tay săn bắn trái phép Wilhelm Vohla đâm chết.
Không chỉ làng tôi mới nổi loạn, cả Blaugau và Bernau cũng vậy. Các nhà máy dần gai đình công gần một tuần lễ. Nhưng rồi rất nhiều lính tráng đến, người ta dọa sẽ bỏ tù các ông bà, và nhà Balek bắt linh mục phải biểu diễn cái cân ở nơi công cộng để chứng minh cây kim công bằng, chỉ đúng. Thế rồi các ông các bà trở lại nhà máy dần gai, nhưng không tới trường học để xem linh mục. Vị linh mục đứng đó một mình, buồn bã và không biết làm gì với cái cân, mấy quả cân và mấy bao cà phê.
Bọn trẻ lại tiếp tục thu nhặt nấm, hoa và dược thảo. Mỗi Chủ nhật, khi nhà Balek vừa bước vào nhà thờ, người ta liền bắt giọng hát bài: “Lạy Chúa, lẽ công bằng dưới trần thế đã giết Chúa” cho tới khi đại úy quận trưởng cho đánh trống ở khắp mọi làng, công bố cấm hát bài ấy.
Các cụ cố tôi phải rời làng, để lại nấm mồ chưa xanh cỏ của đứa con gái nhỏ. Họ trở thành người đan giỏ, không ngụ ở đâu lâu dài, vì nơi nào họ cũng đau lòng khi nhận thấy quả lắc của sự công bằng đứng sai chỗ. Sau chiếc xe chậm chạp bò trên đường trường, họ kéo theo một con dê, và khi đi ngang qua xe họ, người ta thỉnh thoảng nghe bên trong có tiếng hát: “Lạy Chúa, lẽ công bằng dưới trần thế đã giết Chúa”. Và nếu muốn, người ta có thể nghe kể chuyện nhà Balek đã thiếu một phần mười sự công bằng như thế nào, nhưng gần như không ai muốn nghe họ kể.
Heinrich Böll (1917 – 1985) là nhà văn Đức, đoạt giải Georg Büchner năm 1967 và giải Nobel Văn học năm 1972. Ngoài một số lớn tiểu thuyết, truyện vừa và truyện ngắn, ông còn sáng tác thơ, kịch, truyện châm biếm, tiểu luận, truyện dịch… Một số tác phẩm nổi tiếng của ông đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam như: Lạc lối về, Dưới cái nhìn của anh hề, Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện ngắn khác…
HEINRICH BÖLL (Đức)
HIẾU VĂN dịch