Cách sông

(VNBĐ – Tản văn). Rất nhiều lần trong hành trình xuôi ngược của mình, tôi bị kẹt bởi dòng sông lạ. Cảm giác đợi đò ngang thật lê thê, nhất là đoạn sông đó không nhiều người qua lại, người ta cảm thông làm vài chuyến đò lúc họ rảnh việc rảnh đò. Còn không, phải đợi, đợi họ xong việc ngoài đồng, đợi họ xong việc cơm nước, đợi họ đi chợ, đợi họ tắm heo… đợi ti tỉ việc họ đang làm dang dở, vì thế mà chuyến đi bị dài ra bằng hai chữ đợi chờ. Thành thử, tôi hay hỏi trước trên chặng đường mình sắp đi liệu có phải qua một con sông, để mình chuẩn bị tinh thần và để người mình hẹn khỏi trông ngóng.

Đó là ở nơi chưa có phà, chứ qua phà tâm tư tôi cũng chùng chình không ít. Ngày bé, mỗi lần má dắt tôi về thăm ngoại đều đi qua một chuyến phà, bến cách nhà nội xa lắm, phải lội bộ lên để qua sông rồi lội ngược hướng lại mới về được nhà ngoại. Phải có cầu ngang thì quãng đường ngắn biết là bao. Hết ẵm mỏi nhừ tay, má cõng tôi trên lưng, hai má con từ tinh mơ đến nhà ngoại thì đã xong bữa trưa. Dường như ba chưa từng có mặt trong những chuyến sang sông với má con tôi. Nghe má nói về ngoại tôi mừng rơn, đứa trẻ lên năm đâu hiểu gì, chỉ biết thích ở với người thương mình, cưng chiều mình. Tôi tíu tít từ lúc má xếp quần áo, nôn nao khi phà cập bến bên kia. Nhưng tôi đâu ngờ rằng, cũng một lần trên chuyến phà háo hức đó, tôi đã bỏ lại sau lưng ngôi nhà nơi mình đã sinh ra. Chuyến phà ấy là chuyến cuối cùng tôi rời quê nội. Lâu lâu nhớ ba, tôi có đứng bên bờ sông, biết dòng chảy kia đã ngang qua nhà nội, nhưng tôi không thể qua sông. Dòng sông ấu thời không chỉ làm ranh giới tự nhiên giữa quê ngoại và quê nội, nó còn làm cho khoảng cách ấy xa vời vợi. Có lẽ vì cách sông, mà ba tôi chưa một lần ghé thăm đứa con gái nhỏ, có lẽ sợ lụy đò mà ba đã đón người không cách sông về thành một gia đình. Ở với ngoại thời gian dài, tôi theo má và ba dượng về phố. Phố có những dòng sông, nhưng không bao giờ cách trở, bởi luôn có cây cầu uốn mình vắt ngang. Nên sông ở phố không làm tôi thấy buồn. Sau này, má tôi sinh cho tôi đứa em gái, ba dượng vẫn thương hai chị em đồng đều. Má không còn nước mắt chan cơm khi bữa ăn nào cũng nghe bà nội dằn vặt: “Không sinh được con trai là bất hiếu”, “Không sinh con trai thì tôi cưới vợ thêm cho nó đừng có trách”. Không biết giấc mơ của nội có trọn vẹn chưa?

Dì Út lấy chồng, một chuyến sang sông đúng theo cả hai nghĩa. Nhà dượng đối diện nhà ngoại, ở giữa là dòng sông xuôi chảy. Duy lần này tôi thấy cách sông quá đỗi dễ thương. Dượng hiền lành, chỉ dám ngồi trên doi đất nhô ra từ bờ kia ngó qua đây lúc dì ra sông đón ghe, giặt giũ. Dì lên đò hoa, lúc cặp bến dì còn quay lại vẫy tay cười rạng rỡ. Chiều chiều xong việc nhà chồng, dì bơi xuồng về chơi với ngoại, dịp đám tiệc giỗ quải dì neo xuồng từ tinh mơ. Không như má tôi tất tả về một hôm lại quày quả đi, mà hết cả mùa lúa mới về đặng một lần. Tôi mới hiểu lỗi nào phải ở dòng sông, lỗi tại bến trong hay đục.

Tôi đứng nơi bến chờ chiếc phà sang đón, lòng vẫn đầy ngổn ngang như bao lượt qua sông. Mất hai mươi lăm năm để đặt chân lên bến cũ, từ đứa bé năm tuổi nay đã gần đi nửa cuộc đời. Tôi sợ lỡ như mình không được đón chào, lỡ như mình đau quá thì làm sao để kịp chạy trốn khỏi bờ bên kia khi chiếc phà chưa kịp quay lại đón. Trưa nay trên đường công tác, tôi ghé vội thăm ngoại, vô tình hay nội vừa theo mây trời. Ngoại nói: “Bây sang thắp cho người quá cố nén nhang, nghĩa tử là nghĩa tận rồi còn chi nữa”.

Lần đầu tiên tôi cảm ơn dòng sông, tôi cảm ơn khoảng cách xa xôi này để tôi không gặp nội hay ba trong chặng đường trưởng thành, vì không gặp nên tôi không hận. Tôi cũng cảm ơn ba dượng đã cho tôi sống đời hạnh phúc nên tôi không sinh lòng hờn trách chuyện xưa. Chỉ là tôi không có cảm giác thân thương, không có thứ tình cảm mà con cháu phải có. Tôi nghe lời ngoại vì chữ nghĩa mà ngược đường sang sông, lặng lẽ làm tròn bổn phận của mình. Cuộc gặp lại này chẳng đủ làm xáo trộn cuộc đời của bất kỳ ai, và tôi cũng biết cho đến hết đời mình thì khoảng cách dòng sông kia vẫn là khoảng cách dài rộng nhất, bởi mình không mong có lý do qua sông, và bên đó cũng không có người chờ đợi…

THÙY NHƯ

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…