Bút pháp trữ tình trong thơ chữ Hán của Đào Tấn

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Bút pháp trữ tình như mẫu số chung trong nghệ thuật thi ca cổ điển phương Đông, nó chi phối, biểu hiện ra ở ngôn từ, nhịp điệu cho đến ý nghĩa câu thơ. Thơ chữ Hán Đào Tấn về cơ bản vẫn thuộc phạm trù văn học trung đại, bởi vậy sự hiện diện bút pháp trữ tình trong sáng tác của tác giả là điều hiển nhiên. Điều đáng nói là, một con người sống trong thời buổi đau thương cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, với bao mâu thuẫn, xúc cảm, suy tư cá nhân như Đào công đã tìm đến bút pháp trữ tình như một nhu cầu tất yếu trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy, đây là bút pháp nghệ thuật chủ yếu chi phối toàn bộ sáng tác thơ chữ Hán của tác giả. Khảo sát 141 bài thơ chữ Hán của ông trong sách Đào Tấn thơ và từ (Vũ Ngọc Liễn biên khảo, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2003), chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Trong nhiều thi phẩm, tâm trạng Đào Tấn triền miên trong những suy tư, trăn trở, những yếu tố miêu tả, tự sự xuất hiện một cách rời rạc, đứt quãng, rất mờ nhạt, nhường chỗ cho dòng cảm xúc tuôn chảy xuyên suốt toàn bài. Nhà thơ ít khi hóa thân vào nhân vật trữ tình, thường tồn tại với tư cách chủ thể trữ tình trực tiếp phát ngôn để tự bạch thế giới nội tâm. Điều đó có thể thấy ở nhiều thi phẩm đặc sắc như: Mạn đề, Khốc Phan Đình nguyên, Ức Phan San, Tịch thượng tác, Thủy xa, Đề Mai sơn thọ viên, Hương giang hành tạp vịnh, Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi, Hoa triêu dạ dữ nội hữu Diêu Tiên khanh du Diệc Cổ tự, Du Ngũ Hành sơn, Trừ tịch quan thư ngẫu đắc, v.v… Cái tôi trữ tình tác giả càng hiện hữu rõ nét qua những đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (từ ngã, ngô xuất hiện 40 lần/ 141 bài). Ông còn trực tiếp xưng danh trong sáng tác: Nam quốc Mai Tăng lão học thiền (Sãi Mai nước Nam học thiền già dặn – Tặng Mai Tăng), Mai Tăng kim nhật hựu lai du (Sãi Mai hôm nay lại đến chơi – Phỏng Linh Phong tự quy châu phong vũ đại tác), Mai sơn tha nhật tàng Mai cốt (Ngày nào đó núi Mai lại chứa xương Mai – Đề Mai sơn thọ viên). Đặc biệt, người đọc dễ dàng nhận ra những cung bậc tâm trạng phong phú, cụ thể của tác giả bằng những từ, cụm từ đi thẳng vào thế giới nội tâm: lân, khả liên (thương, thương thay), tư, hoài, ức (nhớ), khủng (sợ), hảo (tốt, đẹp, giỏi), hỷ (vui), ái tuyệt (yêu lắm), khấp, khốc (khóc), luyến luyến (quyến luyến, bịn rịn), thung dung (ung dung), thê lệ (sụt sùi), lệ sổ hàng (bao hàng lệ), lạc song lụy (rơi nước mắt), sầu (lo buồn), trù trướng (buồn bã), ưu, mưu (lo, lo toan), toan tuần (bâng khuâng), lạc, hỷ (vui), tàm quý (hổ thẹn), âm ức (nhớ đến day dứt), dục (muốn), trân (trân trọng), phiêu nhiên (lâng lâng, chơi vơi), yểm (chán), v.v… Bên cạnh đó, những nhan đề trữ tình quen thuộc như công thức trong thơ ca trung đại (ngôn chí, thuật hứng, thuật hoài, vô đề,…) được tác giả sử dụng với số lượng khiêm tốn (Vô đề (a), Vô đề (b)), thay vào đó là kiểu nhan đề sử dụng những từ ngữ như những tín hiệu thẩm mĩ thể hiện rõ nhu cầu, xu hướng trữ tình: Sơn hành ngẫu đắc, Khốc Phan Đình nguyên, Ức Phan San, Hữu sở tư, Hương giang thủy hữu sở ký, Thương hạn, Hỷ vũ, Điệu vong, Quan mai hữu cảm, Quý Mão trừ tịch thư hoài, v.v…

Như vậy, hình thức ngôn từ và nội dung trữ tình trong từng thi phẩm của Đào Tấn đã cho thấy, bút pháp trữ tình được tác giả sử dụng mang tính hệ thống, với mục đích tự thân, nhằm biểu hiện một thế giới nội tâm đa chiều. Có thể nói, bút pháp trữ tình trong thơ trữ Hán Đào Tấn không chỉ xuất phát từ đặc trưng của thơ, của bút pháp thơ trung đại mà còn được chắp cánh bởi hoàn cảnh cụ thể, ý thức cá nhân, tâm hồn lãng mạn của tác giả. Chính những rung động, suy tư chủ quan, thầm kín về những giá trị thẩm mĩ, những vấn đề nhân sinh của nhà thơ đã có sức thâm nhập, lay động lớn trong lòng người đọc, góp phần làm nên giá trị cho mỗi thi phẩm. Tuy nhiên, với một tâm hồn dạt dào xúc cảm, trĩu nặng suy tư như Đào Tấn, dĩ nhiên, tác giả sẽ tìm đến nhiều hình thức trữ tình để có thể giải phóng nhu cầu trữ phát tình cảm cá nhân. Bởi vậy, có thể nói, bên cạnh khả năng trữ tình trực tiếp, thơ chữ Hán Đào Tấn còn tồn tại những dạng thức biến tấu, kết hợp phong phú của nhiều dạng thức trữ tình gián tiếp. Nói cách khác, với thơ chữ Hán Đào Tấn, tác giả rất linh hoạt trong bút pháp thể hiện.

Trước hết, trong vườn thơ cụ Đào, chúng ta thấy có sự đồng hiện cả những cảnh sắc tươi đẹp, kỳ vĩ cho đến những cảnh tượng hoang phế, điêu tàn. Và dù nhà thơ phác họa cái nền khung cảnh chung chung theo lối ước lệ, tượng trưng hay đi sâu miêu tả cụ thể, chi tiết cảnh vật theo lối tả thực cũng không lấy miêu tả làm đích hướng đến. Đó chỉ là bước đệm, cơ sở khởi hứng cho tác giả trữ tình. Tâm trạng tác giả có thể ký thác, ẩn tàng trên những bức tranh được miêu tả: Vạn kim hảo vũ tán nguyên điền/ Tẩy tịnh viêm trần lục nguyệt thiên (Cơn mưa lành như muôn vàng rải xuống ruộng đồng/ Rửa sạch lớp bụi nóng của tiết trời tháng Sáu – Hỷ vũ). Tuy nhiên, ông thường bộc lộ tình cảm, cảm xúc, suy tư của mình ngay sau khi miêu tả đối tượng: Kỳ cựu thông thông khứ/ Kỳ tân đắc đắc lai/ Khả liên kỳ lộ thượng/ Tương kiến hữu trần ai (Cái cũ vội vội đi/ Cái mới xăm xăm đến/ Thương thay trên ngã ba đường/ Gặp nhau ai nấy đều bụi bặm – Mạn đề). Điều đáng nói là khác với các thi gia cổ điển phương Đông thường sử dụng những hình ảnh ước lệ quen thuộc như những mẫu gốc trong không gian, thời gian không cụ thể để diễn tả những tình cảm, suy tư mang tính vĩnh viễn, phổ quát thì Đào Tấn thường trữ tình trên những cảnh huống, bức tranh chân thực, cụ thể có thể định danh: Tống Hồ An Tăng cải phiên Phú Yên, Kinh phế trạch, Kinh sư đắc gia thư, Tịch thượng tác, Du Ngũ Hành sơn, Canh Tý trừ tịch, v.v… Bởi vậy có thể nói, bút pháp trữ tình – miêu tả trong thơ chữ Hán Đào Tấn mang màu sắc hiện đại hơn là theo lối cổ điển.
Đào Tấn có một cuộc đời nhiều đổi thay. Ông lại sống trong xã hội ba đào đầy biến động cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Điều đó đã khiến yếu tố tự sự đi vào thơ chữ Hán của tác giả rất tự nhiên, chân thực. Nhà thơ không chỉ tái hiện những sự kiện về sự đổi thay, hưng phế của lịch sử, xã hội (Bái đề Độc Lôi sơn từ, Du Lam Sơn bái đề Lê Thái Tổ miếu, Tịch thượng tác, Kinh phế trạch,…) mà còn hé mở những câu chuyện liên quan đến sinh hoạt đời tư, cá nhân, chuyện gia đình: Hoa triêu dạ dữ nội hữu Diêu Tiên khanh du Diệc Cổ tự, Thính Diêu Tiên khanh độc tao, Lục thập sinh nhật Mai viên tiểu chước, Trúc Tiên nữ xuất các, Đắc điện tín nhị tử dĩ để Kinh tác, Sinh tôn chu nguyệt mệnh danh Sư Kiệm thị nhi Thạch,…). Ở một số tác phẩm, nhất là những bài thơ ký thực, trần thuật, tác giả đã cho người đọc thấy được dòng chảy của những sự việc diễn ra liên tục theo trình tự thời gian, tiêu biểu như bài Du Thiên Tượng phế tự ký thực. Bài thơ được viết dưới dạng một bài ký, như chính tác giả đã khẳng định ở câu thơ cuối: Liêu tác trường thiên khả đại ký (Tạm viết bài thơ này thay cho bài ký). Tuy tác phẩm mang bút pháp tự sự khá rõ nhưng cũng như yếu tố miêu tả, sự tái hiện những sự kiện, biến cố, sự việc này không mang mục đích tự thân mà tồn tại như một cái nền, là điều kiện để chủ thể trữ tình bộc lộ tâm trạng. Bằng chứng là trước mỗi điều lắng nghe, trông thấy trong suốt hành trình đến thăm ngôi chùa, tác giả đều bộc lộ những trăn trở, suy tư trở thành điểm nhấn nghệ thuật trong thi phẩm: Thính bãi du nhiên hữu sở tư/ Sự hữu hưng phế bất túc dị/ Khả liên Hoài Hoan đệ nhất sơn/ Anh khí bằng y năng bảo tí (Nghe xong ta có điều suy nghĩ bâng khuâng/ Sự việc có phế hưng có chi là lạ/ Gẫm thương ngọn núi số một ở Hoài Hoan/ Khí thiêng còn đó có thể che chở được), hay Thương tâm Phật tọa nhất hồng chung/ Như kim kiếp hỏa dĩ thành khôi/ Hồng thụ thanh hà hà sở ký/ Thùy nhân tái vị khỉ đàn đường (Đau lòng thay cho quả chuông lớn nơi tòa Phật/ Mà nay lửa kiếp đã thành tro/ Cây hồng ráng biếc biết gửi gắm vào đâu/ Hỏi ai là người vì nơi đây mà xây dựng lại chùa này?). Sự gia tăng yếu tố tự sự trong sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn vừa có tác dụng làm tăng tính hiện thực, tính thời sự trong tác phẩm vừa giúp tác giả bộc lộ rõ hơn, sâu sắc hơn tình cảm, cảm xúc của mình trước đời sống, tạo nên mạch ngầm nối kết giữa quá khứ với thực tại trong lòng độc giả.

Cùng với sự suy tàn của chế độ phong kiến, sự xâm nhập của lối sống thị dân phương Tây, và kèm theo đó là sự bất lực của nho sĩ, trí thức, bút pháp trào phúng ngày càng đắc dụng trong thơ ca trung đại, nhất là ở những nhà thơ có bản lĩnh sống, bản lĩnh nghệ thuật như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Sống cùng thời với những nhà thơ trào phúng cuối thế kỷ XIX, trực tiếp chứng kiến sự hạn chế, bất lực của triều đình phong kiến nhà Nguyễn trước sự xâm lược của thực dân Pháp, bản thân lại có nhiều mâu thuẫn, bất đắc ý trong cuộc đời làm quan, Đào Tấn đã sử dụng bút pháp trào phúng vừa như một vũ khí đánh vào hiện thực xấu xa của xã hội vừa để bày tỏ nhận thức, thái độ đối với chính mình. Bởi vậy, đối tượng trào phúng trong thơ chữ Hán của ông gồm cả khách thể và chủ thể.

Phê phán khách thể, tác giả tập trung lên án, tố cáo những đối tượng nằm trong bộ máy chính quyền phong kiến đương thời: từ quan lại địa phương, bậc trọng thần, đến cả người giữ địa vị tối cao là vua. Tuy nhiên cũng như những nhà thơ trào phúng khác, để tránh án ngục văn tự, Đào Tấn đã chọn cách trào phúng gián tiếp khi lên án, phê phán những đối tượng trên. Tác giả đả kích nạn nhũng nhiễu, cướp bóc của quan lại địa phương qua hình tượng “chú beo” (Tổng đốc hành bộ hý tác), phê phán chốn quan trường ô trọc qua hình tượng “con mọt” (Trừ tịch quan thư ngẫu đắc), lên án cảnh ăn chơi sa đọa của triều đình qua sự đối lập giữa cảnh rượu ngự về hàng năm với cảnh khói lửa chiến tranh diễn ra khắp nơi (Tịch thượng tác), đặc biệt là tố cáo sự trì trệ, “ngủ quên” của vua quan nhà Nguyễn trước nỗi thống khổ của người dân qua hình tượng “thần sấm”, “lão rồng”: Lão long bất thức miên hà xứ/ Ký ngữ lôi thần vị nhất hô (Chẳng biết lão rồng đang ngủ ở nơi đâu/ Nhắn với thần sấm hãy gọi lão ta một tiếng – Thương hạn). Dùng cách gọi tên đầy ẩn ý, pha chút hóm hỉnh, mỉa mai: báo huynh (anh báo), đố (con mọt), ngự tửu (rượu dành cho vua), phong yên (khói lửa), lão long (con rồng già) kết hợp với việc khai thác những mâu thuẫn, đối lập, bất thường trong đối tượng phản ánh, Đào Tấn đã tạo nên tiếng nói trào phúng thâm trầm, sâu sắc.

Với bản thân mình, Đào công lại chọn cách trào phúng trực tiếp. Nội dung tự trào trong thơ chữ Hán của tác giả rất phong phú: ông cười tuổi già không còn nhớ ngày sinh (Canh Tý trừ tịch), cười mình chỉ biết cam chịu sự nóng lạnh của người đời (Bệnh tích Diêu Tiên ái khanh thi dược hữu hiệu hí thư thị chi), cười vì bất lực trước hiện thực đen tối của xã hội (Tịch thượng tác), cười vì bất tài mà sớm lo kế cày ruộng (Quy canh cuộc quan điền thị Huỳnh Giản thủ chỉ Trần ông) và đặc biệt là thẹn trước đức hạnh của người vợ ở quê nhà (Đợ áo cho ta rượu, lúc nghèo/ Bỏ nhà khi loạn, bế con theo/ không màng cảnh sống ngày vinh lạc/ So với nàng, ta thẹn xiết bao – Mai tăng đề ư An Tĩnh tổng chế đường chi khiếu ngạo đông hiên, đương Thành Thái Quý Tỵ, hòa tiết, Vũ Ngọc Liễn dịch). Nếu như Phạm Ngũ Lão từng thẹn trước Vũ Hầu (Thuật hoài), Nguyễn Khuyến thẹn trước Đào Tiềm (Thu vịnh) thì Đào Tấn đã không ngần ngại tỏ nỗi thẹn chân thành trước người phụ nữ, một cái thẹn không kém phần nhân văn, cao cả. Qua đó cho thấy, cùng với sáng tác Tuồng (Hộ sinh đàn), trong sáng tác thơ chữ Hán, Đào Tấn không chỉ nhận thức được vẻ đẹp của người phụ nữ mà còn đề cao vai trò của họ, thể hiện cái nhìn bình đẳng, tiến bộ, ly tâm, xa chính thống.

Ngôn ngữ thơ Nôm thích dụng với việc trào phúng hơn ngôn ngữ thơ chữ Hán. Tuy vậy, nhờ vào cấu trúc đối ngẫu, cách dùng từ, hình ảnh, biểu tượng mà trong sáng tác thơ chữ Hán, Đào Tấn vẫn thực thi hiệu quả mục đích trào lộng hay tự trào. Bản chất của trào phúng là bày tỏ thái độ, quan điểm trước hiện thực xuất phát từ một tình cảm, cảm xúc nhất định. Bởi vậy trào phúng xét đến cùng cũng là trữ tình, nhưng là trữ tình nghiêng về phía cái đáng ghét, đáng buồn hơn là cái đáng thương, đáng yêu. Đằng sau tiếng cười phê phán, tự trào của nhà thơ là cả một nỗi đau, nỗi buồn, một niềm day dứt khôn nguôi. Thẳng thắn cười người và cười cả chính mình trong sáng tác đã nói lên Đào Tấn không chỉ là một người đại đảm mà còn là một đại nhân.

Không chỉ dừng lại ở bút pháp trữ tình – miêu tả, trữ tình – tự sự, trữ tình – trào phúng, nhu cầu giải phóng tình cảm, cảm xúc cùng với sự từng trải của bản thân và khả năng tư duy khái quát còn đẩy Đào Tấn tìm đến bút pháp trữ tình – triết lý. Ông triết lý về chữ nhàn: Nhất nhật thanh nhàn nhất nhật tiên (Một ngày nhàn là một ngày tiên – Lục thập sinh nhật Mai viên tiểu chước), triết lý về tài văn chương: Văn chương bổn vô bằng/ Đắc thất đương tự tri (Văn chương xưa nay vô bờ bến/ Thành bại nên tự biết – Ký nhi). Nhiều nhất là tác giả triết lý về cuộc đời, như về lẽ sống: Hữu thân thùy bất vị thân mưu/ Yếu đắc hành tàng vô tự vưu (Đã có thân thì ai lại chẳng lo cho thân/ Cốt sao không phải ăn năn về hành vi của mình – Thứ vận tống Cúc Viên Trương Đông Các công trí sự), về thái độ sống: Thị náo cư di tịnh/ Môn cao tâm tự ti (Chợ càng ồn ào thì phải sống càng trầm tĩnh/ Nhà càng cao thì lòng càng phải khiêm nhường – Phỏng nữ tế Vân Sơn cư thất thư dữ chi), về công danh: Khuyến quân mạc tiển (tiện) phong hầu sự/ Nhất tướng công thành vạn mệnh vong (Khuyên ai chớ ham chuyện phong hầu/ Một tướng nên công muôn mạng chết – Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi), về lẽ sinh tử: Tự cổ sinh ly túc cảm thương/ Tranh giao tử biệt tiện tương vương (vong) (Từ xưa đến nay sống mà chia lìa đã là chuyện đau thương/ Huống chi sự chia lìa bằng cái chết, thế là mất nhau rồi – Điệu vong), v.v… Đó rõ ràng không phải là những triết lý khô khan mà là những triết lý chứa chất hứng thú, trăn trở, tình cảm sâu nặng của tác giả.

Thơ ca trung đại thường có sự kết hợp giữa bút pháp trữ tình với miêu tả theo lối “tả cảnh ngụ tình”. Dù viết về thiên nhiên hay con người, đôi khi, Đào Tấn còn sử dụng đan xen, kết hợp nhiều bút pháp trong cùng một thi phẩm. Việc sử dụng kết hợp bút pháp trữ tình với miêu tả, tự sự trong thơ chữ Hán Đào Tấn có thể thấy trong rất nhiều các thi phẩm của ông.

Nhìn chung, trong thơ chữ Hán Đào Tấn, dù có miêu tả, tự sự, trào phúng hay triết lý thì đây chỉ là những yếu tố phụ họa, châu tuần, hướng đến mục đích bày tỏ tình cảm, cảm xúc của tác giả. Cách thức trữ tình vừa trực tiếp, vừa gián tiếp. Nội dung trữ tình phong phú, cụ thể, gồm cả trữ tình phong cảnh, trữ tình đời tư và trữ tình thế sự. Gia tăng chất hiện thực trong miêu tả, những sự việc gắn với đời tư, cá nhân và ở cả tiếng cười phê phán thẳng thắn, mạnh mẽ, ở việc đề cao vai trò người phụ nữ qua hình thức tự trào để toát lên một cái tôi dạt dào xúc cảm, suy tư cho thấy sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn đã mang hơi thở của khuynh hướng văn học hiện thực, văn học lãng mạn, văn học trào phúng thuộc phạm trù văn học hiện đại.

TS. NGUYỄN ĐÌNH THU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…