Bữa ăn cuối

(VNBĐ – Văn trẻ). Bóng chiều liếm ngược từ đằng sau căn bếp, rình rập và tĩnh lặng. Đợt nắng cuối cùng chậm rãi dợm qua một nửa bức tường rồi nhạt nhòa dần đến khi nhễu xuống mặt sàn một lớp bụi tối không rõ hình. Nó từ từ lướt ngang mặt bàn lần cuối cùng trong ngày, làm ánh dao bạc lóa lên yếu ớt trước khi để yên cho mặt thép cũ xì giãy thêm vài nhịp rồi nằm trơ ra hẳn.

Vẫn ở đó, lão bếp già bất động ngồi yên nghe tiếng mảng tường bên cạnh tróc ra, tự rơi một mảng lớn xuống đất và mang theo mùi mốc bám giữ đã lâu. Lão nhìn theo vụn vôi nát dưới mũi giày, cố rụt chân để không chạm vào. Chợt, lão nâng tay khẽ chạm vào khoảnh tường cũ kỹ, sờ vào màu gạch nhem nhuốc lộ ra trần trụi và bấy nát. Lão sờ đến đâu, vụn rơi xuống theo đầu ngón tay rỏ đầy đất cát, lần này lão kệ cho chúng dính vào người, vào tạp dề trước bụng.

Ngoài cửa có tiếng người đi vào, lão giật mình đứng phắt dậy vờ như đang chuẩn bị dọn dẹp góc bếp của mình, dù biết sẽ chẳng ai thèm liếc qua đến một cái. Sắp đến giờ cơm tối, suy nghĩ về bữa cuối trong ngày khiến ai cũng dễ cảm thấy đói hơn, huống gì là mấy con người ở đây. Những tay bếp mau chóng vào việc, dáng vẻ khoan thai đến rệu rã cựa quậy trong từng dáng đưa tay, xoay đầu. Lão già hòa theo nhịp điệu, chẳng cần cố gắng mà ngay lập tức hòa lẫn vào những chiếc bóng trắng ngả vàng ố đang vật vờ trong nhịp di chuyển, hệt như đoạn nhạc nặng nề bất đắc dĩ phải xướng lên cho kịp kết bài.

Nốt đến cuối năm nay thì sẽ chẳng còn cái bóng nào lẩn quẩn quanh gian bếp này nữa. Một chủ trương mới sẽ được áp dụng và những tay bếp như lão già sẽ phải cuốn gói ra ngoài tìm một nơi đàng hoàng hơn mà nấu nướng. Chẳng ai tha thiết công việc ở đây, chuẩn bị từng khay cơm và xếp lên những chiếc xe đẩy, được đưa đến với những con người mà có lẽ cả đời cũng chẳng biết mặt mũi ai đã nấu cho họ, đúng rồi, hoặc chính ra là họ không quan tâm. Và rồi đây, sẽ không có ai hoài niệm về một nơi chốn làm việc thừa ngột ngạt thiếu hăng say, một căn bếp nguội lạnh dù lửa vẫn nổi lên hàng ngày. Lão già nhổ toẹt vào cái hăng say, lão nghiến răng vì nguyên nhân đến giờ mình vẫn chưa chịu nằm xuống mà chết đi ngay khi mỗi ngày cơn đau đầu vẫn đang chực chờ thực hiện nghĩa vụ cướp cò cao cả mà không một điều gì ngăn cản được. Nhưng rốt cuộc thì lão vẫn còn ở đây, đợi thêm vài ngày nữa chẳng có gì là sung sướng. Tần ngần xoay chiếc cúc áo sắp bục chỉ, lão như ngửi được mùi vị của thời gian đang chùi qua lớp da sần nhăn nheo xếp lớp.

Mưu cầu được trông thấy dáng hình của thời gian làm tất thảy những ai xung quanh lão (và kể cả lão) dấy lên một suy tưởng, suy tưởng về sự già nua và héo hắt. Kì thực, đã biết bao lần lão đứng chết trân khi nghĩ về thời gian, lão vẫn sợ sẽ không kịp. Suy tưởng vốn chẳng dễ dàng như việc lường trước rằng món trứng cuộn trên chảo kia sẽ ngả vàng xốp trong vòng bao nhiêu giây nữa, cái vàng xốp chóng vánh trôi đi để rồi chớp mắt lão mơ hồ nhận ra nó đã vừa kịp cháy vụn thành màu hắc ín, nổ lách tách trên những bất lực đời thường.
Thế nhưng lần này, lão chỉ chờ đúng lần này nữa thôi. Lão vẫn chờ để được nấu một bữa cơm ngon, lão vẫn chờ để được tỉ mẩn xắt ra từng lát dưa chuột mát rười rượi, vẫn đợi để vẩy rổ rau thơm, và hơn hết, vẫn đợi để làm tròn một trách nhiệm. Rời đi sau hơn ba mươi năm, lão trở về chẳng khá khẩm hơn là bao, hoa dại vẫn nở và lũ chó hoang vẫn đái lên đó như chúng vẫn thường làm, chẳng có gì đổi khác. Lão không quay về nhà – nơi mà lão đã bỏ mặc hai mảnh người không trọn vẹn. Lão không gặp lại người đàn bà từng ở thế kỷ tình yêu, không gặp lại cậu thanh niên giờ đây chắc không nhớ mặt lão. Lão như con chim lặng câm đứng nhìn, và rồi lại quyết định ở lại khoanh đất này, vô danh giữa những thân thuộc.

Vì nhẽ, nỗi lo lắng rằng sự xuất hiện của bản thân có thể làm xáo trộn một dòng chảy, lão nhủ rằng mình đã thừa nhục nhã để ra đi nên giờ đây thiếu tự trọng để quay về. Lão nhớ, những tháng ngày chui nhủi xưa như loài vật sợ ánh sáng, lão xăm da mình trong những nhớp nháp và hằn học, lão tưới lên quá khứ bằng lớp dầu chiên cũ đầy cặn suốt những đêm phụ việc quán ăn trên từng con phố. Dần dà đôi tay của người làm bếp cũng uyển chuyển hơn. Lão được cho mình số cộng về tuổi già, càng ngày, vậy mà vẫn chưa thể chuẩn bị một bữa tối nào trước cơn ngủ đàng hoàng như chính bản thân mình mong đợi – món quá khứ đã chín. Luôn là như thế, nó vẫn sống, vẫn sống nhăn dù qua bao lần sơ chế, qua bao lần trụng luộc, xào nấu, vẫn-còn-sống. Lão không thể nuốt trôi, lão đặt yên ngắm nhìn nó qua những trầm kha vậy rồi, cho tới giờ.

Lão quay về sau ngày dài làm việc và chờ đợi. Lão lại đến, sẵn sàng làm việc và chờ đợi.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Vòng quay tinh cầu đã suýt soát hoàn tất kể từ ngày đầu tiên lão bước vào nơi này theo một lời giới thiệu (mà lão vốn nghĩ không ra gì). Nghĩ, chẳng có gì tự do hơn làm một thằng bếp ở cái chốn này, đủ gần và đủ xa căn nhà chốn cũ, dù cho công việc ban đầu có nhàm chán. Nhưng lão, lão thấy đã đủ rồi. Lão còn mong điều gì hơn để vặn mình ra khỏi nhàm chán, lão còn muốn gì ở thời điểm này nữa đâu. Và cứ thế, thời gian để lại dấu tích đều đều đặn quanh quẩn gian bếp, trên vết lăn trầm, nắng và mưa và nắng và mưa. Rốt cuộc, cả đời lão, giày xéo thế nào dường như cũng không thể ngờ rằng lại gặp cậu thanh niên kia ở tại chốn này và rồi lão cũng không thể đứng vững khi biết rằng cậu thanh niên ấy đã giết chết mẹ mình trong cơn nghiện, cậu nhận án tử. Lúc đọc tin và thấy tấm hình cậu thanh niên và người phụ nữ trên mặt báo, lão quên mất bản thân đã lịm lâu đến bao nhiêu, nỗi đau mấy chục năm trước chợt hóa trở về đứng ngay cạnh bên, rõ hình thù. Lão cắm ánh mắt dao cau vào độc mấy chữ trong dòng tin, không nhắc gì tới người đàn ông trong gia đình, dấu tích của người đàn ông đã bốc hơi như vết chó đái trên những bông hoa dại.

Ngay lúc đó, lão biết mình đã hóa điên, hóa điên vào ngay khoảnh khắc tỉnh táo đầu tiên kể từ sau cơn dài ngập ngụa. Lão đã qua cái thời thể hiện nỗi đau trong những xô đẩy của nước mắt, đã qua cái tuổi rủa xả dòng đời. Lão ém đi vội những run rẩy, giữ cho những buốt rát quanh quẩn trong mình, như một món khoái khẩu dâng lên mỗi khi cơn đau nửa đầu tỉnh giấc. Những đêm, lão nằm bẹp dí, đối thoại trong im lặng cùng cơn đau tê tái đằng sau mang tai. Lão không còn sức nghĩ về những ngày mai, thay vào đó là những ám ảnh về cái chết, và thời hạn. Lão bất lực kết án và rồi tự bào chữa cho chính mình, những âm thanh la ó, những mặt sáng tối chớp giật liên hồi theo cơn đau mỗi lúc như xé toác từng dòng nhận thức. Nhưng ngay chính trong những hỗn loạn yếm thế ấy, lão đã cay đắng (hoặc may mắn) có một quyết định cho mình (và cho cậu thanh niên). Và, lão sẽ chờ.

Rồi ngày ấy cũng tới, lão biết, “rồi ngày ấy cũng tới” là điều mà ai cũng chờ đợi, là câu mà ai cũng muốn nghe, mặc dù có khi chẳng ai biết điều gì đang chào đón mình. Chờ đợi là một đặc ân giúp người ta biết hối hả, giúp người ta biết căng phồng thân mình lên, giúp người ta đủ sức hét lên một tiếng thật đanh, dù là trong lòng. Lão ghét biết mấy những bộ phim hay cuốn sách chỉ với dòng chữ hay phụ đề ngắn đọt “30 năm sau”, chỉ với bấy nhiêu đấy thôi mà người ta tự cho phép được đổi thay mọi thứ, được trang hoàng hay hủy hoại một đời người. Băm năm lão còn nhớ y nguyên, những cảm giác vẫn nằm lì ở đâu đó, đeo đuổi qua bao vết chim bay. Với lão, thời gian hay là sự đợi đâu thể cứ trôi bay như bụi than như thế. Với lão, lúc này tàn lửa từ bụi than kia cuối cùng đã cháy to, và lão đã sẵn sàng thực hiện công việc của mình.

Lão nhìn mông lung, đảo dòng mắt lạnh đục. Lão đã chuẩn bị tất cả, cho ngày này. Nhưng đến cùng, lão vẫn hối hả, như thể chưa chuẩn bị điều gì. Tử tù sẽ ăn một bữa cơm vào trưa mai, trước giờ thi hành án tử. Và lão là người có trách nhiệm chuẩn bị, như tất thảy vài lần trước, với vài kẻ tử tù đến sớm. Lão bấu trán, hụt hơi tựa vào mép tường. Những tay bếp liếc sang, mặc xác lão già, mặc kệ dẫu lần này có lạ hơn, mặc kệ.

Ngồi yên, lão ngồi yên như vậy. Lão nghĩ đến cậu thanh niên, cả đời chưa từng được ăn một bữa nào do lão nấu, và giờ cậu sắp được làm một đứa trẻ ngoan, lão cũng sắp được làm một ông người lớn ra trò. Lão lắng nghe những thanh âm đang rì rào trong lòng, tiếng thở và tiếng quả tim. Mảnh giấy ghi một cách đàng hoàng những món ăn mà kẻ tử tù yêu cầu, cườm tay co lại, lão giữ chặt trong những ngón. Chẳng có gì nhiều nhặn, giống như một đứa trẻ thèm ăn vòi vĩnh về những món khoái khẩu trước lúc đến trường xa. Lão chẳng cố sức để ghi nhớ, lão biết sẽ làm gì vào ngày mai, lão chẳng dám ngủ vì lo rằng bản thân sẽ không còn đủ can đảm để làm điều này với cậu thanh niên, và với chính lão.

Sáng sớm hôm sau, lão lại đánh vật một giấc với cơn đau đầu trước khi chuẩn bị sẵn sàng để bắt tay nấu nướng. Bộ quần áo của lão được giặt kỹ càng, những đường nếp thẳng thớm hiện rõ khi lão vươn vai hít thở. Lão đã lau chùi bộ dao, lão cũng đã dọn dẹp sạch sẽ gian bếp, kể cả tiếng thở lão khoác quanh mình sáng nay, thơm một mùi như những món đồ đã cẩn thận cất trong tủ mà chỉ vào những dịp đặc biệt mới mang ra dùng. Cứ thế lão bắt đầu chế biến từng món một trong tờ giấy, lòng xốn xang những hồi hộp bé con. Lão múa con dao, nghe rì rào những hăng say. Lão bắt đầu xắt những lát dưa chuột mát rười rượi, vẩy rổ rau thơm xuyên qua vùng nắng. Lão kéo tay áo, cẩn thận đặt trang trọng lên làn khói mỏng tang bốc ra thơm dịu. Kỳ lạ thay, lão đã không khóc, trong hoàn cảnh phải nấu món ăn cuối cùng cho cậu thanh niên, trước khi cậu khuỵu xuống đâu đó trên khoanh đất (chắc cậu cũng sẽ không khóc).

Trời, lão bật ra thành tiếng, loáng cái đã xong, vậy là đã xong. Lão nấu vừa đủ hai phần, một phần người ta đã mang đi, chắc giờ đã đến xà lim nơi cậu thanh niên ngồi sẵn ở đó. Lão có từng trông qua khu biệt giam ở chốn này, lão có trông qua, vài lần. Phòng biệt giam của cậu thanh niên đắp bằng bột vôi và xi măng, bức tường ẩm chắc cũng bong tróc đôi chỗ. Lão lại nghĩ, lúc này cậu thanh niên có chờ đợi bữa cơm, hay là không? Vẫn còn một bữa cơm trên bàn, lão chuẩn bị cho cả bản thân mình. Lão bắt đầu ăn, lão bắt đầu nuốt. Lão nuốt những món ăn đã chín, lão nuốt chen vào những viên thuốc, và cứ thế lão nuốt. Và những âm thanh bắt đầu đong đưa quanh tai, khẽ như những nhành hoa dại. Cơn đau đầu vẫn còn đó nhưng giờ sao dịu ngọt và thanh thản thế. Nỗi thanh thản lạ lùng chợt đến ngay cạnh bên, rõ hình thù. Lão dang tay ra, như muốn ôm, như muốn vùi vào hình thù ấy, vùi và cưng nựng, hình thù bé con. Lão chới với, ngã khụyu xuống đâu đó trên khoanh đất. Ai đó sẽ thấy, tấm hình đen trắng cũ phẳng phiu khẽ tuột ra khỏi cườm tay đang chậm chậm lơi, nằm gọn ra, lão nằm xuống, gọn ghẽ.

Ngục tù của lão và cậu thanh niên vốn trôi trong thiên hà bất định cuối cùng cũng gặp nhau đâu đó, dù có hơi muộn màng, dù có trong chua chát này. Ngục tù của lão đắp bằng những ánh sắc nhợt nhạt của đèn điện, đắp bằng những song sắt mục ruỗng và đắp bằng hằng hà nỗi cô đơn mông muội. Lão luôn sống trong đó, suốt hành trình qua, như một gã tù du mục. Giờ đây, khối ấy đã chạm ngõ đích đến, gõ vào phòng biệt giam của cậu thanh niên một tiếng khẽ khàng, vừa như một tiếng đánh thức, vừa như một lời ru ngủ từ một bóng hình xa lạ ấm nồng.

Họ, ba người họ, đã có giấc trưa đầu tiên, cùng nhau, đâu đó.

NGUYỄN ANH NHẬT

(Văn nghệ Bình Định số 92 tháng 12.2020)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Giếng trời

Khi tôi vụn vỡ, chỗ vỡ ra tạo thành một cái giếng trời. Nắng sẽ xuyên qua thiêu đốt. Và mưa sẽ len lẻn hắt vào cho mục mủn mòn hao…

Nỗ lực thể hiện niềm đam mê, sáng tạo

Trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ lần thứ VIII – năm 2024 được tổ chức từ ngày 12 – 16.8.2023 với sự tham gia của 23 tác giả trẻ có niềm đam mê và năng khiếu sáng tác…

Chùm thơ của My Tiên

Xin hãy treo em lên ngọn gió lang thang
Để em được sống tự do trong ý nghĩ
Sự ích kỷ được sải cánh bay
Và áng mây sẽ xóa đường chỉ tay lầm lỡ
Trả lại em giấc mơ…

Biển quê

Anh có về uống giọt quê xưa
nơi căng phồng cả một thời tuổi trẻ
nơi mẹ khom lưng cạy hà, chiếc nón nhấp nhô 
biển chưa bao giờ lặng lẽ