(VNBĐ – Truyện ngắn). Màn đêm đã tràn ra mặt biển. Màu nước đen như màu mực, lênh loáng, mênh mông. Bãi bờ vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của biển. Ù oạp, ù oạp. Bóng tối càng rộng thêm ra, những con sóng lăn tăn, lăn tăn rồi lẩn nhanh vào đâu mất… Trên bãi cát, một người đàn bà đang ngồi thõng thượt. Khóc rưng rức. Tỉ tê. Mái tóc dài xõa ra cũng nằm im trên lưng giống như sự cô quạnh đang bủa vây khắp quanh người. Rồi tiếng khóc cũng chỉ còn vài cái nấc nghẹn lạc lõng trong u tịch.
Cách nơi người đàn bà đang ngồi khoảng mấy mươi mét là con đường dẫn ra cửa biển. Ngược với vùng biển tối, nơi ấy vẫn hắt lên sự sống con người bởi thứ ánh sáng le lói của vài bóng đèn tỏa xuống bờ kè. Trên những ụ bê tông chắn sóng to đùng, đêm nào cũng có mấy người đàn ông chễm chệ ngồi bất động để câu cá. Câu cá đêm là một thú vui tao nhã nhưng cũng không kém phần mạo hiểm. Ít ai đủ sự kiên nhẫn để ngồi chông ngốc một mình trên những tảng đá trơn lu đẫy mùi rong rêu, tay cứ khư khư giữ chiếc cần dài ngoằng, nặng trịch để chờ cá đến đớp mồi. Nếu gặp con sóng to hất bọt lên tung tóe, chỉ cần bất cẩn một chút, kẻ đi câu cũng có thể trượt chân mà rơi tõm.
***
Biển vẫn lặng gió. Hơi sương, hơi muối và nước mắt càng làm tăng thêm sự nóng bức và nhớp nháp. Huê đưa tay búi lại mái tóc dày. Đột nhiên, cô đứng phắt dậy, phủi phủi áo quần và đi dọc theo bờ biển. Cát rất mịn màng nhưng mềm lún, như níu lại từng bước chân. Đi được một lúc lâu, Huê thấy trong người hầm hập hơn. Cô đi như lao sát tới mép sóng và bắt đầu lội xuống nước. Cảm giác mát lạnh từ những đầu ngón chân. Đầu óc tỉnh táo dần. Huê chùn gối xuống, cho nước đến ngang lưng và bắt đầu tự do tung quẫy trong bể nước rộng đầy. Bộ quần áo vải lanh bỗng trở nên mỏng tang, dính dấp và ôm trọn lấy thân hình đẫy đà của người đàn bà một con. Đôi vú phập phồng, căng lên theo sự phản xạ tự nhiên khi va chạm vào luồng nước lạnh. Huê lấy hai tay vuốt nhẹ từ mặt xuống ngực để cơ thể thực sự thích nghi và hít thở một hơi thật sâu, mặt ngụp hẳn xuống nước. Mái tóc đã ướt đều nhưng vẫn nằm gọn trong búi. Huê mở mắt ra, cảm thấy cay cay, xót xót.
Đã lâu lắm rồi, Huê không khóc. Có lẽ vì đau khổ chồng chất nên cô chẳng thể khóc thêm được lần nào. Từ khi thằng cu Tí còn nằm trong bụng, Huê tưởng mình như không thể gượng dậy được. Sự ra đi đột ngột của chồng luôn ám ảnh và muốn hạ gục Huê. Trận bão đầu mùa đã cướp đi bảy sinh mạng của cái làng này. Chồng Huê mất tích. Thật oái oăm và nghiệt ngã. Gần ba mươi tuổi, bụng mang dạ chửa, chân yếu tay mềm nhưng chưa một ngày được an yên. Ông trời sao quá bất công. Ngôi nhà xập xệ, cũ nát mất hẳn tiếng cười đùa. Bà Tư như cái xác không hồn, suốt ngày lẩn thẩn đứng trước cửa mà lẩm bẩm những gì không rõ. Ai gọi gì cũng chẳng mấy khi thưa. Ông Tư, vốn hay rượu chè, gặp phải cảnh ngặt nghèo, khó khổ, đáng lẽ ra phải tỉnh ngộ mà lo làm ăn nhưng ngày càng sa vào nghiện ngập, lè nhè miết. Gần đây, ông lại thêm cái tật khó ngủ, táy máy, tò mò… Mấy con người trong ngôi nhà tí tẹo, ra vào đụng nhau, Huê thấy chán ngắt. Chẳng biết sinh trúng ngày giờ gì mà đời Huê phải khổ sở, lận đận đến mức sống chẳng thiết sống, chết cũng không dễ gì dứt bỏ được những sợi dây ràng buộc đang quấn lấy tấm thân mình. Nhưng buồn đau, khổ lụy mãi có ích gì. Thành ra, cô cứ lặng lẽ, trơ ra và chai sạn với mọi thứ. Chỉ còn mong vào thằng cu Tí. Dẫu nó còn bé quá, nhưng nhất định đấy là nguồn vui duy nhất để Huê muốn sống!
***
Nhìn tấm bạt che cửa sổ có chỗ rách toạc đang bay lật phật như cánh diều đứt dây bị mắc kẹt, Huê lắc đầu ngán ngẩm. Bốn bức tường gạch chưa tô xi măng, nhiều năm hơi muối ăn vào, cũng đã thủng lỗ chỗ. Bụi gạch rơi đầy ra, đỏ au cả chân tường, muốn ở sạch sẽ cũng thật khó. Thằng cu Tí, cứ hay ngồi nghịch ngợm móc lỗ gạch, đít quần dính một mảng đỏ quạch như cái nồi đất vừa nung. Dặn chừng con mãi chẳng được, Huê điên tiết cầm chổi đánh nó. Trong buồng còn có một lỗ thủng khá to, bầy chuột nhắt kêu lít chít chạy ra chạy vào suốt mà không sao đánh đuổi được… Mùa mưa lại sắp tới rồi. Đằng nào chẳng hứng dột khắp nơi. Mặc dù, Huê đã tấn lên mái nhà mấy chục bao cát để chằng giữ. Nhưng gió bão mà! Chỉ vài cơn gió mạnh quật vào thôi, tấm liếp, mái tôn cũ kĩ liệu có chịu nổi không. Khi chồng còn sống, Huê từng mơ ước sửa được căn nhà. Tệ gì cũng xây thêm được một phòng cho cha mẹ nằm. Ông bà ngủ ở gian trên, cửa không ra cửa, mành chẳng ra mành, trống huơ trống hoác. Nhưng tai ương ập đến cũng đúng là dịp để tiền của đội nón ra đi. Một ngày hai bận, bà Tư lại ra cửa ngồi như phỗng mà ơ hờ, “Phong ơi, Phong hỡi!”. Lòng Huê vỡ vụn: “Thôi, má à!”. Mẹ chồng con dâu lại nhìn nhau, nước mắt ngắn dài, xa xót. Rồi thì họ không muốn tin vào sự thật. Chờ đợi trong vô vọng mãi rồi thành ra sống ảo. Nào cúng kiếng, cầu siêu, chiêu hồn. Đủ các kiểu. Thầy mo, thầy cúng ở tận đâu đâu cũng rước về. Có một thầy ở tận Tây Ninh, nghe đâu tài giỏi lắm. Thầy hứa nhất định sẽ giúp. Thầy ra, thắp hương, khấn vái, nhảy múa một hồi, mồ hôi nhễ nhại, rồi ngồi phịch xuống, lắc đầu phán: “Phải lập mộ thôi!”. Thấy gia cảnh tội nghiệp nên thầy không nhận thù lao. Ấy mà riêng tiền tàu xe, rước thầy đi đi về về, quà cáp, biếu xén cũng tốn gần chục triệu bạc chứ ít ỏi gì. Người mất chẳng thể quay về. Người sống, sống trong khốn đốn, kiệt cùng. Ngay cả tiền bà con quyên góp xây ngôi mộ gió cho đàng hoàng cũng chẳng lo xong!
Nhưng biết nói sao đây. Huê vừa thương vừa giận mẹ chồng. Huê mất chồng đau một, bà Tư mất con đau mười. Chỉ tại nỗi đau quá lớn và sự cuồng tín vào những chuyện thánh thần đã khiến cho bà mụ mẫm, khờ dại hẳn đi. Mất ăn mất ngủ dài ngày, người bà rầy rộc, tóc bạc thêm nhiều, đôi mắt cứ thâm quầng như bị ai đấm phải. Nhưng mấy hôm nay, bà Tư tỉnh táo đến lạ thường. Bà gọi Huê đến bảo, đằng nào cũng trái phải với bà con, hàng xóm một lần. Chẳng lẽ, cứ ăn nhà người ta mà không đáp trả lại, tháng ngày biết giấu mặt vào đâu. Huê loay hoay mãi trong buồng cầm ra cục bạc tích cóp bấy nay rồi hai mẹ con lẩm nhẩm tính. Đã cúng thì không thể sửa nhà. Nếu để sửa nhà, Huê sẽ cố bươn chải chợ quán hoặc vay mượn thêm. Nhưng bà Tư quyết rồi, sẽ dọn cúng mười mâm. Còn việc cửa nhà, cứ ráng ở trong cái nhà này đến cuối năm. Ăn thì nhiều, ở hết bao nhiêu. Ông bà sẽ bán bớt một miếng đất, đủ thiếu thế nào sẽ tính chuyện xây sau.
Mãi tới khi khách khứa ra về hết, Huê mới hiểu rõ sự tình. Cô đang lúi húi hâm lại thức ăn còn thừa thì bà Tư gọi lên nhà ngồi nói chuyện. Nắm lấy tay con dâu, bà Tư bảo: “Mẹ xin thằng Phong rồi, mẹ sẽ để con được tự do!”. Lời bà Tư thẽ thọt nhưng chắc rõ từng từ một. Huê bủn rủn tay chân, tưởng như một luồng gió lạnh vừa tạt qua. Khắp người rần rần. Đôi má đỏ ửng. Cổ họng nghẹn ứ nhưng cố thốt ra vài tiếng: “Thôi, má à!”. Sau câu nói khó nhọc, lòng dạ Huê rối tung như mớ lưới mắc trên tường rào. Bà Tư đang muốn giải thoát hay đuổi khéo mẹ con Huê ra khỏi cái nhà này? Dù giải thoát hay đuổi khéo thì Huê sẽ biết bắt đầu một cuộc sống như thế nào đây. Nếu về nhà mẹ đẻ, làm sao tránh khỏi những lời thị phi. Nhà trên ấy cũng cả năm, sáu người đang chung chạ… Nếu riêng tư, thì tiền bạc đâu để mà lo liệu. Lòng Huê cứ rối. Bà Tư cứ nói. Bà bảo Huê còn quá trẻ, đằng nào cũng nên đi bước nữa. Thằng Cẩn có thương có yêu thì mới đợi chờ Huê suốt mấy năm nay. Cẩn tuy cùng cảnh khổ nhưng khỏe người, vạm vỡ. Nhất định Huê sẽ được nhờ cậy. Nghĩ cũng kỳ! Con gái trong làng còn đầy ra đấy, Cẩn vẫn chẳng chịu yêu hay cưới ai. Cẩn còn nhỏ hơn Huê cả dăm ba tuổi ấy chứ. Hà cớ gì cứ phải đợi chờ. Hà cớ gì cứ phải thân cận với bà Tư để mong mỏi được gặp Huê, được vui đùa với thằng cu Tí. Có cái gì ngon ngon, Cẩn cũng dấm dúi gửi gắm. Bà Tư hồ nghi lâu lắm rồi. Từ khi Huê vừa bỏ bú thằng Tí, bà đã nghe mấy người hàng xóm xì xầm tới tai. Hai người lén lút hẹn hò nhau dưới cửa biển, nằm cả đêm ngoài ấy cơ mà. Nếu không thì làm gì có chuyện ân ngãi mặn mòi như thế này. Thà để chúng nó tự do công khai đến với nhau, bà sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Có cản ngăn hay mắng chửi, cũng là mang tiếng ác với con. Ông bà chỉ có một thằng con trai, nó vĩnh viễn mất rồi thì bà xem con dâu như con gái trong nhà. Gây dựng được hạnh phúc cho Huê, bà sẽ yên tâm mà sống nốt quãng đời còn lại.
Nhắc đến Cẩn một hồi, bà Tư lại nói về ông Tư. Huê lén đưa mắt nhìn về phía cha chồng và nghe rõ tiếng thở khè khè. Giọng thở của người say lắm rồi. Ông Tư đang ở trần nằm trên phản gỗ, cổ và mặt đỏ gay như con gà đá nhưng hai mạng sườn nhô ra, toàn xương xẩu. Hai chân ông, một cái thẳng đừ trên phản, một cái buông thõng xuống dưới đất. Trông nhếch nhác vô cùng. Bà Tư vẫn thỏ thẻ nhưng ruột gan như sổ tuột ra ngoài. Dạo này ông Tư hay mất ngủ nhiều khi khiến bà Tư giật nảy mình. Đàn bà, dù ở tuổi nào họ cũng thật tinh tế. Bà Tư thì già yếu hẳn rồi nhưng ông Tư vẫn còn sung sức lắm. Chẳng ai giữ chân ông được nếu một lúc nào đó ông có ý định điên rồ, nhất là lúc ma men ngấm vào. Ai mà biết trước việc gì sẽ xảy ra. Đêm hôm khuya khoắt, lỡ có cơ sự gì. Bà Tư khẽ chép miệng thở dài rồi nhìn chằm chặp vào cánh cửa buồng ọp ẹp đang khép hờ. Cái buồng ấy, gắn với một chuyện chẳng hay ho gì và cũng đã qua lâu rồi. Có bao giờ Huê dám hé răng nói với mẹ chồng nửa lời. Mà có nói ra, chắc gì mẹ tin. Hoặc nếu bà Tư tin, có chăng Huê sẽ bị tống cổ ra khỏi nhà từ dạo ấy mà thôi… Nhưng cái việc xấu xa, tày trời ấy, chỉ có Huê và ông Tư biết. Không lẽ nào. Huê nhớ lại và cảm giác nhục nhã ùa về, choáng ngợp.
Hôm ấy, trời đã chạng vạng tối. Bà Tư ẵm thằng cu Tí đi dạo nhà hàng xóm để bón cho nó ăn. Huê đi bán cá về, mình mẩy ẩm ướt và tanh tưởi vì cả ngày trời bôn tẩu chợ quán, cá tôm. Vừa cởi được cái áo khoác và vào buồng lúi húi lấy bộ đồ đi tắm, Huê nghe có tiếng lẹt xẹt lại gần. Ối! Cha làm gì thế? Im cái mồm. Cho cha xin vài đồng đi uống rượu! Hơi thở nồng nặc của ông Tư phà ra sát cổ Huê, rồi tay ông thò vào túi áo Huê lục lạo. “Có cho không?”. Nói rồi ông Tư vỗ vào mông Huê một cái đét. Huê vừa kịp xoay người thì cha chồng đã ngã nhào về phía con dâu. Huê ú ớ rồi cố vùng vẫy, càng vùng vẫy càng thấy người bị đè chặt xuống giường. Đôi tay gân guốc của ông Tư bắt đầu sờ soạng. Vài chiếc cúc áo đã bật ra, để lộ rõ một phần ngực trắng ngần. Quên mất mái tóc dày cũng đang đau buốt vì bị ghì xuống, Huê dồn hết sức mình co chân, đạp mạnh vào đùi và bụng ông Tư, thoát khỏi thân hình lẻo khoẻo và chạy thục mạng về phía cửa biển.
***
Huê nín thở rồi chúi đầu xuống, ngụp lặn, để người chìm hẳn trong nước. Bên tai chỉ còn nghe tiếng ù ù. Hai tay Huê khua mãi trong lòng biển đêm. Rất thoải mái và tự do. Bà Tư đã nói rồi, chắc chắn Huê được tự do! Vì thế, đêm nay Huê đã không thể nào ngủ được. Ra biển ngồi và khóc thật nhiều. Dẫu có được giải thoát để dựng xây hạnh phúc mới thì cô cũng sẽ phải bước vào chặng khởi đầu đầy thách thức. Từ lần bị chết hụt, Huê bỗng trở nên can đảm lạ kỳ. Huê chẳng hề sợ mình bị trôi lạc hay có cảm giác hãi hùng trước không gian hoang hoải, rợn ngợp thế này. Khác hẳn một nàng Huê từng yếu đuối tìm đến cái chết khi bị chính cha chồng sàm sỡ! Nghĩ lại, Huê thấy mình thật đáng ghét. Nếu lần ấy Huê chết đi, mẹ chồng sẽ thế nào. Con của Huê biết nương tựa vào đâu. Còn cả cha mẹ, anh em ruột thịt của Huê nữa. Sao dạo ấy, Huê non nớt, bồng bột, ngu dại đến thế. Góa bụa, nghèo khổ, lam lũ… đu bám đến nghẹt thở thì Huê vẫn cố nhẫn nhục mà chịu đựng được. Nhưng đồi bại, dù mới chỉ dừng lại ở dấu hiệu đã đủ thành giọt nước tràn ly để Huê tìm đến cái chết.
Đêm đó, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, tóc Huê phất phơ bay trong gió, đôi mắt Huê đờ đẫn, chân bước trong vô định. Và Huê cứ đi. Vừa đi vừa tức tưởi, uất ức. Cô cắn chặt môi và căm hận người đàn ông vừa đụng chạm vào cơ thể mình. Kinh tởm. Nhơ nhớp. Con đường dẫn ra cửa biển vẫn dài thăm thẳm. Biển vẫn cứ bao la, trải rộng ra tứ phía. Huê liều lĩnh men theo bờ đá. Mặc gió lồng lộng thổi, mặc tiếng sóng xô át mọi thứ, Huê nhắm mắt lại, trượt chân xuống và buông mình. Cô đang chới với thì có một bàn tay săn chắc nắm lấy cổ áo, dúi đầu cô xuống, rồi cũng bàn tay ấy, vòng qua người cô, ôm thật gọn và kéo lên bờ. Huê không nhớ mình đã tung đạp như thế nào, chỉ biết khi mở được mắt ra, người ướt sũng, bụng dạ cồn cào, cô mới giật mình khi thấy Cẩn nằm dài bên cạnh, thở phì phì:
– Chị khùng quá! Về nhà đi!
***
Lặn được một lúc, Huê ngoi lên, chân chạm xuống cát để biết người vẫn ở mực nước an toàn. Cô lấy tay vuốt ngược mái tóc và quay đầu về phía có ánh sáng để định vị. Rồi lại sải tay bơi. Muốn thử sức với chính mình, Huê tiến dần về phía bờ kè. Bơi mãi mà Huê thấy mình còn khỏe lắm. Quả thật, dù bất công nhưng ông trời không lấy hết của ai bao giờ. Huê mất mát và thiếu thốn nhiều thứ nhưng được cái rất khỏe. Ngày hai buổi chợ. Huê ra khỏi nhà khi đất trời còn tối mịt, lúc trở về trời đã nhá nhem. Ăn cơm tối xong, mẹ con lại leo lên giường đánh một giấc cho tới khi gà gáy sáng. Đường từ bến cá tới chợ dẫu khá xa, phải qua một cái đèo hẻo lánh khá ngoằn ngoèo nhưng được cái gánh cá của cô Huê vừa tươi ngon, vừa nhẹ giá nên lúc nào cũng đông khách. Lấy công làm lời, cứ nghỉ bữa chợ nào là Huê lại tiêng tiếc, đứng ngồi chẳng yên.
Huê thầm cảm ơn trời đất cho mình sống khỏe. Khỏe để mưu sinh và khỏe để tự vệ được trong mọi tình huống xấu nhất. Sau sự cố trong căn buồng, Huê liền sắm một cây gậy thật chắc, bỏ ngay vào xó cửa. Cu Tí tò mò hỏi: “Mẹ để khúc cây ở đấy làm gì thế?”. Huê nhìn con, xoa đầu nó cười: “Để đánh chuột! Con chuột dẫu lớn, dẫu bé cũng đừng hòng thoát thân”. Cũng đã mấy lần Huê cầm cây gậy lên nhá nhứ với cha chồng. “Ông mà có đụng vào, một là tui chết, hai là ông sẽ thiệt thân. Hứ hừ…”. Những lúc như thế, trong lòng Huê bỗng sống dậy dòng ý nghĩ thật tàn độc. Sao ông Tư không chết quách đi. Sống kiểu gì như ông. Vừa hư xấu, bê tha vừa uổng cơm, thừa thãi. Giả như ông Tư có chết đi, bà cháu, mẹ con Huê sẽ sống yên ổn hơn nhiều. Nhưng ai đời, con dâu lại mong cha chồng chết sớm! Vô đạo quá. Cũng bởi vì tức, vì uất giận mà Huê quên mất mình là ai trong cái nhà này. Ấy vậy mà được, kể từ ngày đó, ông Tư nể Huê hơn là sợ. Đàn bà mà đã khùng lên thì mấy ông lớn mật to gan đến mấy cũng phải kinh hồn bạt vía. Huống chi, Huê đã thách thức, hù họa khiến ông đâm hoảng. Ghê gớm, đáo để thật! Ông Tư nhìn con dâu như nhìn sư tử đầy nanh vuốt gầm gừ. Thế cho nên, dù say hay tỉnh ông cũng chỉ lẩn quẩn ở gian trên, hoặc lăn ra ngủ hoặc ra ngồi vá lưới với vợ. Nhưng đôi lúc, ông vẫn hằm hằm đưa ánh mắt khó hiểu đầy u ám dành cho con dâu. Huê biết vậy nên tìm cách tránh né. Cứ chiều chiều, lúc bà cháu dẫn nhau đi chơi nhà hàng xóm, Huê đi chợ về lại ra biển tập bơi.
Không phải người cầu toàn nhưng Huê muốn mình bơi thật giỏi. Huê cứ lo nghĩ vẩn vơ. Lỡ có một ngày, thằng con mà chạy ra biển đùa nghịch và đuối nước thì sao nhỉ! Thằng bé mà có mệnh hệ gì, Huê sẽ chết thêm một lần nữa! Muốn không chết thì sẽ phải biết bơi như cá để còn cứu được con. Và nhất định, cô sẽ dạy con biết cách bơi. Thằng bé là tất cả vốn liếng của cuộc đời Huê, không gì thay thế được. Mỗi lần ngắm con ngủ, Huê lại thấy nhói lên một nỗi niềm khôn tả. Cu Tí giống cha quá. Bà nội thương quý nó hết mình cũng bởi vì lẽ ấy. Nhưng số phận của con sẽ phải khác đi, Huê sẽ tìm mọi cách để làm người mẹ tốt, chở che con bất cứ khi nào. Nhưng bơi lội, không giống như đi chợ. Huê thấy khó nhọc quá. Sau lần no nước vì tự tử, Huê vẫn bị sặc và uống nước mãi, nhiều lúc phải lên bờ thở dốc vì bị ngộp và mệt rũ người nhưng Huê vẫn kiên trì bơi. Cho tới gần một năm, Huê mới bơi thật thành thạo.
***
Bây giờ gió mới bắt đầu lên. Huê xoay người và nằm ngửa ra, giữ thăng bằng và nổi dập dềnh trên mặt nước. Bầu trời thật rộng. Đêm không trăng nhưng vẫn đẹp đẽ vô cùng vì những ánh sao lấp lánh giữa những đám mây xam xám đang nhè nhẹ bay. Huê vẫn thở đều và cứ thế nổi trên mặt nước. Sóng nước vỗ về, mơn trớn khắp da thịt. Một cảm giác êm ái lạ thường. Cô chỉ muốn nhắm nghiền mắt để tận hưởng những điều thú vị hiếm hoi ấy. Ba phút. Năm phút… Bỗng Huê nghe một âm thanh lạ lắm. Tiếng ù oạp ấy mỗi lúc một gần. Đó là tiếng sóng đập vào lèn đá hay tiếng gió cất lên giữa không trung mênh mông. Huê mở mắt ra nhìn. Ánh sáng le lói của những bóng đèn chiếu xuống mặt nước lung linh. Thì ra, cô đã bơi đến sát chân bờ kè. Đúng mà! Chỉ còn cách vài mẩu đá mấp mô, lởm chởm, ngửi cả được mùi rong rêu… Nhưng không phải là tiếng gió hay tiếng sóng. Huê cố nhìn thật kỹ. Một bóng đen cứ nhô lên hụp xuống đang tiến dần về phía cô. Huê chưa kịp định thần để quay người trốn chạy thì bàn tay đã bị nắm chặt lấy. Huê mềm nhũn người khi nghe giọng nói hổn hển bên tai mình: “Huê! Cẩn đây! Khùng quá mà! Mình cùng về thôi!”.
***
Tầm gần mười giờ đêm. Dưới những ngôi nhà san sát nhau, làng xóm đã im lìm. Chỉ còn thưa thớt vài tiếng chó sủa ma văng vẳng ở đâu đó. Huê uể oải nghiêng người về phía cửa sổ. Một vệt trăng chiếu qua khe hở, rọi thẳng vào chỗ hai mẹ con đang nằm. Huê dụi mắt nhìn cho thật kỹ. Đúng là trăng rồi! Ngoài kia, trăng đang tròn vành vạnh lấp lửng giữa bầu trời. Từ đầu đêm, mây đen kéo đến thật nhiều dường như sắp mưa to. Ấy vậy mà giờ này, trăng sáng quá đỗi! Vầng sáng lung linh bỗng khiến Huê tiếc nuối khi lỡ để cái gật đầu vuột mất. Những rạo rực, bâng khuâng về chuyện hẹn hò vừa thấp thoáng sống dậy mà Huê lại buộc cảm xúc phải ngủ yên.
Chẳng là vì chiều nay, Cẩn có qua nhà đem theo vài lạng thịt nạc. Anh bảo Huê bằm nhuyễn thịt để nấu cháo cho bà Tư ăn. Bà ấy ốm mấy bữa rồi, dù đã đi lại được nhưng dáng vẻ của bà còn lề bề lệt bệt quá. Ông Tư thì mở mắt ra đã đi khỏi nhà mà đến sâm sẩm tối vẫn chưa thấy đâu. Mùa trăng mà. Dân đi biển về, thiếu gì mồi nhậu. Bạn nhậu thì cả đám, trẻ có, già có. Ông cứ việc say khướt, chẳng thèm ngó ngàng gì chuyện vợ ốm đau. Muốn đỡ đần Huê trong lúc rối rắm, Cẩn tranh thủ chạy qua chạy lại phụ vào mấy việc. Nhân lúc Huê ngồi bằm thịt, Cẩn mới lân la rủ rê tối đi câu cá đêm. Huê lần lữa mãi. Muốn cất tiếng “ừ” sao mà khổ thật! Nhớ lại lúc hai người được ở gần nhau, Huê thấy lạ lắm. Ấm áp, nhẹ nhàng và bình yên đến vô cùng. Cả những khát khao được vỗ về, ôm ấp cũng thức dậy theo cái nắm tay thật chặt ở dưới biển. Huê thèm khát có cảm giác được sống mãi như thế. Nhưng ăn thì dễ, ở thì khó. Bà Tư chưa được khỏe hẳn. Cu Tí thì không thể ngủ một mình. Đêm nọ đi bơi về, Huê đã được một mẻ xỉa xói như tát nước vào mặt của ông Tư đấy thôi. Nếu đêm nay mà đi nữa, đằng nào sáng mai ông cũng ra trước cửa mà bắc loa lên cho cả làng nghe thấy. Tưởng ra vẻ mặt bần thần và những bước chân lững thững của Cẩn bước ra ngõ lúc chiều, Huê thấy mình thật có lỗi. Bao nhiêu ân tình của anh dành cho bấy nay đã có lần nào được đáp trả. Giờ có cơ hội được gần gũi, sẻ chia, cô lại nấn ná khước từ. Biết khi nào Cẩn mới đủ can đảm để rủ mời Huê thêm một lần nữa. Tính Cẩn khiêm tốn đến mức thiếu tự tin là vậy. Đêm nay, không có Huê đi cùng, chắc Cẩn vẫn ra cửa biển ngồi câu cá. Mà không đi câu, Cẩn sẽ làm gì bên nhà ấy nhỉ.
***
Trăng vẫn trong veo và dát vàng dát bạc ở ngoài kia, Huê không tài nào chợp mắt được nữa. Lòng dạ nôn nao như người gặp cơn đói mà vẫn chưa tới bữa. Cô rón rén ngồi dậy và búi lại mái tóc, bàn tay khẽ khàng ém lại các góc mùng cho cẩn thận. Cu Tí vẫn ngủ thật say. Huê định ra ngoài một lát nhưng nghĩ sao lại thôi. Cửa buồng mà mở, dẫu nhẹ tay tới mức nào cũng lại kêu cót ka cót két. Một tiếng động lúc này thật là bất tiện. Mấy hôm bị ốm nặng, bà Tư đã mất ngủ nhiều rồi. Đêm nay, Huê nghe ngóng thật kĩ. Mong sao mẹ chồng được hưởng một giấc ngủ thật ngon. Chắc là vậy rồi. Gian trên im ắng quá mà! Càng nghe ngóng, Huê lại càng thương bà Tư vô bờ.
Sau bữa giỗ Phong, bà Tư tất tả lo luôn mấy việc lớn trong nhà. Vừa nhờ người rao bán miếng đất vừa phải tính chuyện riêng tư cho mẹ con Huê, nhưng cũng phải canh me lúc nào ông Tư tỉnh táo mới nói cho rõ ngô khoai được. Suốt nửa tháng ròng, ông Tư mới nhịn được hai bữa nhậu. Chỉ vì cái dạ dày nó hành dữ quá nên ông mới chịu trói chân ở nhà cơ đấy. Gọi được chồng con ngồi vào bàn nói chuyện, bà cứ tưởng ông sẽ gật gù chấp thuận theo ý bà. Xưa nay, mọi việc lớn bé trong nhà, ông có biết tới làm chi cho mệt não. Nhưng không, bà Tư vừa đi được nửa ý nguyện thì chồng đã đột nhiên cao giọng lớn tiếng. “Ờ thì về đất đai nhà cửa, miếng đất bán được bao nhiêu tiền thì làm nhà bấy nhiêu! Được ngày được tháng thì làm. Nhưng để cho mẹ con Huê ra riêng thì không thể được!”. Vừa nói ông Tư vừa lắc lư cái đầu, cả thân người cũng lắc lư theo. Mạnh tay, ông hất luôn cái tách trà đang nghi ngút hơi làm nước văng ra khắp bàn. Ông phản đối kịch liệt và lí sự vô cùng. Đại loại thế này. Vợ chồng ông già yếu cả rồi. Giả như sau này, ông bà cùng nằm một chỗ, biết nhờ cậy ai cơm bưng nước rót cho qua tháng ngày. Lại thêm cu Tí còn bé quá, nó là cháu đích tôn, không ở trong cái nhà này thì ở đâu. Nó đâu, mẹ nó đấy! Nếu giả như con mẹ tái giá, thằng con theo mẹ, cảnh cha dượng con ghẻ, nó bị ngược đãi thì làm sao mà biết đường tìm về. Còn nữa, dù thằng Phong đã biệt vô âm tín sáu, bảy năm nay nhưng vẫn có khả năng còn sống. Trời mà thương cho, vợ chồng nó mà được sum họp thì cửa nhà vui biết cỡ nào. Người bạn của ông ngoài Sa Huỳnh, tưởng đâu mất tích, cả chục năm liền lang bạt bên tận Ma-lai-xi-a cũng có ngày trở về được đấy. E hèm! Ông Tư cứ thản nhiên ngồi tuôn ra một tràng.
Ánh mắt trân trân của bà Tư hết nhìn chồng lại nhìn con dâu, cổ tắc nghẹn không nói được câu nào. Ôi chao! Chẳng lẽ lại nói toạc móng heo ra cho ông ấy hiểu. Thanh xuân của đời người có chờ đợi ai bao giờ. Tổ cha nhà ông đi. Ông sống vô lo vô nghĩ, sung sướng quá chẳng biết gì đến ngày mai nữa hay sao. Cất nhà, dựng cửa xong, cũng là tròn bổn phận trách nhiệm của mẹ con dâu! Nếu mai này mẹ con nó cùng đường thì cứ về ở cùng chứ có làm sao. Lại còn hi vọng vào việc con trai trở về. Bạn ông đi câu mực bị lạc hướng, chuyện khác hẳn với việc mất tích vì bão. Trời ạ! Bà Tư định đôi co với ông nhưng thấy căng thẳng quá lại thôi. Bà mệt quá rồi. Đôi mắt bắt đầu rơm rớm. Còn Huê, thấy mẹ sắp khóc, miệng chỉ kịp lắp bắp: “Thôi, má à!”. Rồi cô cứ ngồi thừ ra đấy, không thèm nhìn vào mặt ông Tư. Nhưng đôi mắt đỏ ngầu của ông như muốn đốt cháy cả gian nhà, đốt cháy những dự định tốt đẹp của bà Tư và muốn nuốt chửng cả mẹ con Huê. Huê cứ giả vờ giấu tay vo vo đầu thằng con đang gối lên đùi mình ngủ ngon lành. Thằng bé thấy người lớn ngồi xúm xít nói chuyện cũng sà vào lòng mẹ tự khi nào.
***
Trăng đã lên cao quá mái nhà. Vệt sáng chiếu vào buồng cũng khuất theo sự di chuyển của trăng. Huê đã thôi hẳn ý định ra ngoài và cố nằm chờ tới khi gà gáy sáng. Một đêm trôi qua trong tiếc nuối thật dài. Giờ này, Cẩn có còn ngồi câu cá ngoài ấy hay không. Hay anh đang thất vọng vì lần đầu tiên ngỏ ý mà không được đáp lòng. Dẫu anh có thầm trách thì Huê cũng biết phân minh thế nào cho phải. Mọi việc đều có lí do của nó. Huê ba mươi rồi. Đàn bà là gái nạ dòng, dáng dấp thì đẫy đà thật đấy nhưng sương gió dạn dày khiến da mặt Huê sạm hẳn đi. Nhiêu đó cũng khiến cô già thêm đi dăm ba tuổi. Có còn xứng với Cẩn không. Về phía đôi bên, cha mẹ Cẩn có sẵn sàng đón nhận mẹ con cô? Lòng dạ Huê mông lung với những khắc khoải đang chớm tới mỏi mòn. Nhưng không thể nằm mãi như thế này được. Huê bật ngồi dậy, tay chạm nhẹ công tắc điện. Ánh sáng lan tỏa khắp gian buồng. Huê chải lại tóc và lấy gương ra soi, soi thật kỹ từng gân guốc, từng đường nét nhăn nheo trên khóe mắt, bờ môi. Những vết nám lốm đốm càng lộ rõ trên khuôn mặt. Huê thử nở một nụ cười làm duyên rồi đưa mặt nghiêng qua nghiêng về. Chiếc gương, theo sự phản chiếu của ánh điện, dường như cũng biết chuyện trò.
Đang thả hồn sống với riêng mình mới được một lúc. Huê bỗng giật thót mình vì tiếng rột roạt ngay sát mép tường. Cô đưa mắt kiếm tìm và nhìn xuống lỗ thủng. Tối nay, làm gì có con chuột nào chạy qua đây. Không lẽ, thấy ánh sáng là chúng lại rục rịch tuồn nhau đi kiếm ăn. Ôi không. Vẫn tiếng rột roạt mà không hề có con chuột nào. Một tay, Huê vẫn cầm gương, một tay quờ nhanh lấy khúc cây. Cô mở chốt và lấy đầu cây đẩy nhẹ cánh cửa ra. Cót két. Ánh điện cũng tràn ra khỏi buồng. Người đàn ông đang tựa lưng vào tường nhà. Ông ta đã đứng đấy tự khi nào. Đầu tóc bù xù, quần áo nhàu nhĩ. Huê mất hết bình tĩnh. Chiếc gương rơi xuống loảng xoảng. Người đàn ông giật lấy cây gậy, tay với lấy bóng đèn, tắt phụt. Một tay ông ta nắm cái đầu gậy, tay kia giang rộng, người đổ nhào xuống, đè nhanh lên Huê. Cái mùng đang vuông vắn cũng lùng nhùng theo. Huê giằng được cây gậy, rất muốn đánh trả nhưng tay chân run lẩy bẩy. Lỡ ông ta bị đòn mà lăn ra nằm vạ hoặc chết bất đắc kỳ tử thì biết làm thế nào. Nhưng nhục, nhục quá nhục chừng. Thì ra, ông ta không cho mẹ con Huê được tự do là vì thế này đấy ư? Huê muốn nhổ nước bọt hoặc cắn vào khuôn mặt trơ tráo của ông ta nhưng người cứ nhũn ra. Tay ông ta bắt đầu sờ soạng, miệng phà ra hơi thở hôi nồng lên ngực, lên cổ Huê. Huê dồn hết sức mình, đẩy mạnh người đàn ông ra. Cô chưa kịp định thần, cái cán chổi từ đâu đã liên tục đập lên người đàn ông. Á! Á! Tiếng kêu đau đớn, tiếng chổi đập dồn dập cùng tiếng la hét thất thanh của bà Tư. Cu Tí lồm cồm bò dậy, chẳng biết chuyện gì nó cũng khóc vang gian buồng. Bà Tư thở không ra hơi nhưng cố hối giục: “Nhanh đi con, hai mẹ con hãy đi mau đi!”. Huê nhanh nhảu vén mùng và cúi người ôm lấy con, hai mẹ con chạy thoát được ra ngoài.
***
Đôi chân Huê như muốn khụy xuống khi vấp phải hòn đá. Cô vừa ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà vẫn còn văng vẳng tiếng la hét, chửi rủa nhau. Tay ôm con, người cô cứ đi như lao về phía trước. Đi càng xa càng tốt. Tốt nhất là đi về phía cửa biển. Rồi cũng ra đến nơi, Huê thở hắt ra và đặt con ngồi bệt xuống. Cu Tí vẫn ngơ ngác hỏi mẹ những chuyện đẩu chuyện đâu. Trăng nghiêng dần về phía núi nhưng vẫn vằng vặc sáng. Huê nhìn rõ từ cái ụ bê tông chắn sóng, vẫn có một người đàn ông ngồi ở đấy.
Người ta đang chờ Huê tới để cùng bơi đêm.
HƯƠNG VĂN
(Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021)