Bình Định 10 năm trong dòng chảy thi ca Việt Nam đương đại

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). 

1.

Trong phong trào Thơ mới, có ba nhà thơ Bình Định nổi lên như ba ngôi sao sáng ngay khi có mặt trong vòm trời thi ca đất Việt. Có người quê Bình Định như Yến Lan. Có người lấy Bình Định là quê như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử. Cùng với Quách Tấn, ba nhà thơ này đã tác thành một nhóm thơ mang tên “Bàn Thành tứ hữu”. Theo Quách Tấn thì họ gắn kết với nhau bằng tình thi ca, tình bằng hữu hơn là một trường phái. Họ là những nhà thơ độc đáo, góc cạnh, đặc sắc, làm nên sự khác biệt, lấn lướt rất nhiều nhà thơ khác ở giai đoạn này.

Thời ấy, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân đã coi sự xuất hiện Điêu tàn của Chế Lan Viên như “một sự kinh dị”. Sinh thời, Chế Lan Viên từng nói (đại ý): Nếu cái còn lại của thi ca Việt Nam sau này, chắc chắn chỉ còn Hàn Mặc Tử. Còn Yến Lan là một nhà thơ tài hoa, tài điều từ khiển chữ của ông thuộc bậc đáng nể. Tiếc Hàn Mặc Tử mất sớm và Yến Lan chưa vượt qua nổi giới hạn một nhà thơ tài hoa. Riêng tôi, có lần trong một bài viết đã khẳng định: “Nếu thế kỷ 20, để chọn một người trong thơ Việt, tôi sẽ chọn và chỉ chọn nhà thơ Chế Lan Viên”.

Rất nhiều năm trôi qua, bao thế hệ người viết và người đọc Việt Nam vẫn không thể quên một số bài thơ, một số câu thơ của họ. Nói một cách khác: Thơ của họ vẫn đi cùng thời gian theo nghĩa “giá trị của nhiều thời”. Về mặt đơn vị thơ mà nói, những câu thơ như thế này sẽ sống mãi. Đó là: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền…/ Áo em trắng quá nhìn không ra (Đây thôn Vỹ Dạ); Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi (Mùa xuân chín) của Hàn Mặc Tử. Đó là: Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau (Xuân) của Chế Lan Viên. Đó là: Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh/ Để đêm buồn vây phủ bến My LăngTiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng (Bến My Lăng) của Yến Lan. Theo tôi, đó là những chiếc đinh đóng vào trí nhớ.

Từ lâu, tôi luôn đánh giá cao “đơn vị thơ” trong thơ. Cả bài thơ có khi chỉ ăn nhau ở một câu và câu ấy hoàn toàn có thể đứng độc lập như một tứ thơ, có giá trị ngang một tứ thơ. Một trong những bài thơ kiểu này là thuộc về nhà thơ lớn người Đức Bectol Brecht trong bài Mặt nạ kẻ ác:

Trong buồng tôi treo một điêu khắc gỗ
Mặt nạ ác thần Nhật Bản thếp vàng
Mạch máu hằn trên trán nhăn khốn khổ
Tôi nhìn nó cảm thông
Làm người ác khó nhọc vô cùng.

Rõ ràng “Mặt nạ kẻ ác” ăn nhau ở câu: Làm kẻ ác khó nhọc vô cùng.

Cũng có thể nêu thêm Ngày của mẹ của nhà thơ lớn người Áo Karl Lubomirsky trong bài “Ngày của mẹ”:

Con đã không ngắt
Những bông hoa tím trong vườn
Con tặng mẹ
Sự sống còn của chúng.

Rõ ràng “Ngày của mẹ” ăn nhau ở câu: Sự sống còn của chúng.

2.

Rất nhiều năm sau, qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định cho ấn hành Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định (2011 – 2021), trong đó có giới thiệu 6 gương mặt thơ: Lệ Thu, Nguyễn Văn Chương, Văn Trọng Hùng, Phạm Ánh, Mai Thìn, Triều La Vỹ.

Trong sự phát triển của văn chương nói chung và thi ca nói riêng, 10 năm không phải là dài, nhưng dầu sao cũng vẫn được coi là một chặng đường. Đó là chặng đường 10 năm thi ca Bình Định của những nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Xin bắt đầu từ nhà thơ Lệ Thu – người cao tuổi nhất và người làm thơ sớm nhất trong số này.

Ở tuổi 82 – 83, Lệ Thu ngộ ra nhiều lẽ ở đời và nhiều lẽ ở thơ thật sâu sắc và có phần tỉnh thức. Bà mang trong mình một cái tâm không phân biệt theo tinh thần nhà Phật: Tình yêu một thuở không lời/ Chia chi cõi Phật cõi người mà đau (Tình yêu cổ Phật). Bà thấu triệt cái một mình, tự nhận mình là con ốc giấu mình trong vỏ cứng/ Cô đơn nào thấu tận cõi riêng, chung (Cõi riêng), quý từng giọt nước mắt như từng giọt trân châu (Nước mắt con trai) mà vẫn nhẹ thênh không mưu đoạt điều gì (Nhân duyên). Giữa cái cõi trần ồn ã si mê ấy, bà vẫn đi tìm đến tận bến, tận đáy để rồi nhận ra rằng: Thủy cung giờ đã chết những nàng tiên (Suy ngẫm) và Mới hay cuối thác đầu gành nợ nhau (Trường Sơn một thuở). Với bà, Tình buồn như một dòng sông/ Đã về tới biển mà không hết buồn (Tình buồn). Mặc dầu vậy, với phẩm chất thi sĩ, bà vẫn yêu thương cõi thế này, vẫn say nhìn bằng tất cả trong xanh (Cầu vồng bảy sắc) và như trở về đạo khi tự ví mình là khói mỏng nhẹ bay (Khói mỏng nhẹ bay).

Thơ Nguyễn Văn Chương giản dị nhưng không dễ làm. Ông luôn hướng vào thân phận mình mà viết. Trước hết là thân phận của một người ngụ cư: Nghìn đời tiếng vạc kêu sương/ Quặn lòng ai những nỗi niềm tha hương (Tiếng vạc), sau đó là thân phận của cả một vùng đất: Ngót ngàn năm dấu Hời đan dấu Việt/ Những tháp Chàm trầm mặc giữa nhân gian (Bình Định). Có lúc, ông như buông bỏ tất cả để tếch ra ngoài cuộc chơi để Cứ thơ thẩn, cứ yêu thương/ Quyền cao chức trọng ta nhường thế gian (Tết mời vợ rượu) cho dù Lòng ta thấu cả cái không thấy gì (Nửa khuya).

Trong thơ, Văn Trọng Hùng có một xuất phát khác. Cảm hứng lịch sử là sự bắt đầu của Hầu chuyện tiền nhân. Là người “ôn cố tri tân”, ông nhìn nhận con người lịch sử, sự kiện lịch sử dưới nhãn quan của một người hiện đại thật khách quan và thật nhân văn. Trong ông luôn Dậy nỗi buồn mang mang (Hồ Quý Ly) khi nghĩ về những nhân vật lịch sử đã yêu dân tộc này như yêu một số phận: Người trung nghĩa đã thành bất tử/ Thì nơi nào chẳng hóa quê hương (Gặp Võ Tánh ở thành Hoàng Đế). Dẫu là người sống với sự chấp nhận: Vá lại thời gian/ Thời gian vẫn rách/ Tháp xưa gượng gạo những xám, hồng (Apsara trên tháp cổ) thì ông vẫn là một người có sự thương cảm lớn và tâm sự lớn: Thương cho sông chẳng chịu yên/ Kéo nhau ra biển để quên mất mình (Gửi người đàn bà đếm cát) và Rượu lữ khách mây trôi trong chén/ lòng bên lòng từng đợt sóng xô (Xin lỗi mùa thu).

Đây chân dung ông, con người ông, nhân cách ông qua Xuân đến:

Ta chỉ là kẻ lông nhông
lãng du khắp chốn
chạm vào chiến tranh lóng ngóng
cũng may còn có ngày về!

Ùa vào hòa bình bộn bề cơm áo
thật, giả khó phân
cũng may còn giữ được thân
đứng, đi không cúi mặt!

Thơ Phạm Ánh thuần hậu, dung dị. Đáng quý nhất là Phạm Ánh vẫn giữ được hồn quê theo quan niệm Không nơi đâu thánh thiện/ Bằng chính quê hương mình của B. Brecht, cho nên ông mới Thương một ánh trăng non cho dù Ai vuốt sông thẳng được/ Ai vá trời cô đơnLơ lửng miền cô quạnh/ Trôi về xuôi một mình (Trăng non). Ông luôn như nhất và hình ảnh cố hương trong ông luôn cố hữu, gần gũi: Bờ tre nương chút bình an/ Đung đưa tiếng gió lang thang gọi chiều (Gọi chiều). Và: Ai còn thương nhớ đợi trông/ Tôi còn lặng lẽ tơ hồng về em (Quê cát).

Mai Thìn ưa lật xoay để nhìn rất sâu vào bản chất sự vật, hiện tượng và lấy ý làm trọng. Với ông, thế giới thật mong manh và dễ vỡ trong sự kiếm tìm và thay đổi không ngừng, đương nhiên là có được và có mất, trong cái được có cái mất, trong cái mất có cái được. Bởi thế, trong Những mùa sinh tuyệt chủng, ông mới viết:

những chú rùa chọc vỡ bầu trời quả trứng
khám phá một bầu trời khác
tự do

rủi ro hơn.

Tứ thơ “Sân sau” của Mai Thìn khá đặc biệt. Từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ ý tốt sang ý xấu, ông đặt ra một câu hỏi hết sức trực tiếp, dễ làm cho người đọc giật mình: Chẳng biết các “đại ca”/ nơi sân sau trồng gì/ mà ra/ tham nhũng? Thật xa xót và thực tế khi ông viết: Máu con người đâu cũng đỏ mà thôi (Giấc mơ hoa ban trắng) và cũng thật bay bổng, lãng mạn khi ông viết: Mai còn một khoảng để vàng hoa (Với cái bóng của mình)…

Riêng nhà thơ Triều La Vỹ làm tôi không khỏi ngạc nhiên về cách nói khác lạ, cách gọi sự vật thật trong trẻo, đẹp đẽ và có phần tinh tế, độc đáo, đặc biệt trong thể thơ lục bát truyền thống. Thơ ông thấm nhuần cái đưa đẩy tình tứ, cái duyên dáng của ca dao nhưng vẫn rất Triều La Vỹ.

Có thể thống kê: Tháng Giêng vừa quệt vào vôi/ Cầu trau bỏ cả vào cơi hẹn hò/ Lòng em như một mành tơ/ Vén lên thấy cả dại khờ bên trong (Tháng Giêng xanh); Hình như mưa rất chưa chồng/ Tiếng rơi chỉ kịp chạm lòng đã nghiêng/ Lạy trời em bớt hồn nhiên/ Kẻo mưa lấm cái đồng tiền còn trinh (Mưa xuân); Ngày xuân như áo mới may/ Kìa em đã nở tròn tay anh rồi (Lòng xuân); Lì xì cái lúm tháng Giêng/ Lúng liếng đồng tiền treo trước nhà chơi/ Mùa xuân con mắt biết cười/ Cái môi đưa nụ í ơi là tình (Đồng dao tháng Giêng); Con về/ Hạt thóc nằm nghiêng/ Nhịp chày nằm ngửa/ Nỗi niềm nằm ngang (Nỗi lòng Lang Liêu); Một vỡ vụn/ Một tròn đầy/ Ngàn năm gạch đá còn bày cuộc yêu (Óc Eo); Bầu trời một bữa đứt dây/ Ngàn năm con dế gọi gầy ban mai (Mùa gieo hạt)…

3.

Như đã nêu ở trên, thành tựu 10 năm thơ Bình Định, thật đáng mừng! Theo lịch đại, thơ Bình Định vẫn gắn bó và kết nối, nó nhập vào dòng chảy chung, nhưng vẫn mang dấu ấn riêng. Từ phong trào Thơ mới cho đến nay, từ Lệ Thu đến Triều La Vỹ trong vòng 10 năm trở lại đây, thơ Bình Định vẫn phát triển theo lối khác biệt và đa dạng. Nói khác biệt là nói đến cá nhân, đóng góp của cá nhân, nói đa dạng là nói đến cả 6 khuôn mặt thơ, đóng góp của 6 khuôn mặt thơ. Và ở một chừng mực đáng kể, cả 6 khuôn mặt thơ đều để lại dấu ấn.

Đọc phần thơ trong Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định (2011 – 2021), tôi tự dưng nhớ đến câu “văn chương nết đất” mà tiền nhân và đại thi hào Nguyễn Du từng viết và khẳng định.

ĐẶNG HUY GIANG

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…