Biểu tượng thờ đền tháp Champa Bình Định

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Người Chăm gọi những ngôi tháp của mình là Kalan: đền thờ. Hiện nay, đền/ tháp Champa ở các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn còn tượng thờ; riêng Bình Định, không gian tâm linh của tháp cổ đã bị mai một, tất cả biểu tượng thờ trong lòng tháp đều bị thất lạc. Tại Hội thảo “Làm gì để phát huy giá trị của hệ thống các di tích tháp Champa Bình Định” tháng 11.2006, do Sở Văn hóa và Thông tin phối hợp với Báo Bình Định tổ chức, vấn đề phục hồi không gian tâm linh tháp cổ cũng được Hội thảo quan tâm.

Hoàng hôn trên Tháp Dương Long. Ảnh Nguyễn Tiến Dũng

Đền/ tháp Champa là công trình kiến trúc phục vụ tôn giáo và tín ngưỡng dân tộc Chăm. Các đền tháp được xây dựng để thờ phụng các vị thần Bà la môn giáo, Phật giáo và còn là nơi thờ phụng các vua Chăm. Một số vua Chăm được đời sau tôn vinh và thờ phụng như các thần linh, đó chính là tín ngưỡng vua – thần.

Hệ thống tháp Champa Bình Định không còn tượng thờ hoặc vật thờ nào trong lòng tháp. Tuy nhiên, qua khảo sát nghiên cứu thực địa, tham khảo tư liệu của các học giả trong và ngoài nước chúng ta có thể định vị được cách bài trí và từng bước phục hồi tượng thờ, vật thờ ở trong lòng tháp.

Tháp Champa được thờ thống nhất, ổn định theo tính truyền thống được duy trì xuyên suốt trong đời sống tinh thần của cư dân Chăm trong lịch sử: bệ thờ được đặt ở chính giữa lòng tháp. Riêng phong cách Đồng Dương (Quảng Nam, TK 9), tính chất Phật giáo được thể hiện đậm nét hơn, đền/ tháp mang tính tu viện Phật giáo, nên cách bài trí tượng thờ, vật thờ được đặt sát vách tường hậu của tháp, đối diện với cửa Đông.

Hầu hết đền/ tháp Champa đều thờ bộ ngẫu tượng Linga – Yoni, có vài trường hợp khác biệt như: thờ Mukhalinga (linga có tạc mặt người: tháp Po Kluang Garai, Ninh Thuận), thờ tượng vua (tháp Pôrô mê, Ninh Thuận), hoặc thờ nữ thần mẹ xứ sở – Pô Inư Gar (tháp Bà, Nha Trang)… Đền/ tháp Champa Bình Định có tục thờ phổ biến trong tôn giáo, tín ngưỡng Chăm: thờ thần Shiva.

Tháp Thủ Thiện: Thủ Thiện là di tích chỉ có một tháp, nhưng hiện vật điêu khắc đá được tìm thấy ở đây và dấu tích để lại chứng tỏ tính phức tạp về mặt thờ phụng của ngôi tháp này. Một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất trong điêu khắc cổ Champa được phát hiện trong lòng tháp Thủ Thiện là tường hậu phía trên một bàn thờ đã mất. Mảng tường hậu của bàn thờ bao quanh và trang trí ô khám hình cung nhọn, khoét sâu vào mặt tường phía Tây vài phân. Nếu nhìn từ dưới lên, thì cấu trúc tường hậu của bàn thờ này bắt đầu ở ngay tầm chân ô khám bằng hai đầu thủy quái Makara rất đẹp quay ra ngoài. Từ miệng mỗi Makara nhô ra một hình người nhỏ, tay phải cầm gươm, tay trái và chân trái còn bị mắc trong miệng Makara. Đứng trên cổ mỗi Makara là một hình phụ nữ, chiếc đầu được tách ra, nổi bật lên trong một vầng hào quang kép hình cung nhọn. Phía trên hai hình phụ nữ đứng là mười hình thiên nữ ốp nhô nửa người ra khỏi chân tường. Tất cả các thiên nữ đều chắp tay trước ngực trong tư thế giống nhau, mang y trang phục như nhau. Tất cả bệ và hệ thống tượng thờ này hiện nay không còn.

Vào những năm 90 của thế kỷ 19, ông Limire – người Pháp tới tháp Thủ Thiện và phát hiện ra một số điêu khắc đá ở đây. Trong số những hiện vật đó, có hai tượng thần Brahma. Đến những năm 30 của thế kỷ 20, linh mục Escalere còn sưu tầm được ở Thủ Thiện một pho tượng Phật trong tư thế ngồi.

Tháp Phú Lốc: Đầu thế kỷ 20, H. Parmentier đến tháp Phú Lốc chỉ tìm được trong lòng tháp một mảnh bệ vỡ bằng đá, vốn hình tròn, được trang trí hình lá sen, và ông đã giả thiết đó là mảnh vỡ của một Linga.

Tháp Bình Lâm: Chùa Thiên Trúc, sát cạnh tháp Bình Lâm, hiện đang lưu giữ hai hiện vật điêu khắc đá Champa. Khi đến điều tra tháp Bình Lâm đầu thế kỷ 20, H. Parmentier đã nhắc tới hai hiện vật này, đó là chim thần Garuda và Linga. Hai tượng này không biết lưu lạc vào chùa Thiên Trúc tự bao giờ, hiện nay do chôn sâu dưới đất nên không có kích thước chính xác, phần Linga nổi trên mặt đất cao 0,48m, chu vi lớn nhất 1,55m, đường kính khoảng 0,8m. Theo các nhà nghiên cứu, Linga ở chùa Thiên Trúc có những biểu hiện của Linga thế kỷ thứ 10 ở các chi tiết trên đầu mút, trùng khớp với niên đại của tháp Bình Lâm. Và cho rằng hai tượng vốn xưa là những tượng thờ của tháp Bình Lâm. Vì thế, có thể nhận định rằng tháp Bình Lâm là đền thờ Linga của thần Shiva.

Tháp Bánh Ít: Hai hiện vật có giá trị đặc sắc trong nghệ thuật điêu khắc đá và nghệ thuật đúc kim loại của tháp Bánh Ít được tìm thấy cuối thế kỷ 19 và được chuyển về Pháp vào năm 1884. Hiện nay, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Guimet (Paris) đó là tượng thần Shiva và Linga – Yoni. Tượng Shiva tạc bằng đá cao 1,54m, rộng 1,05m và có chú thích: “Shiva, xuất xứ từ một tháp ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, tặng phẩm của ông Navelle, quan cai trị”. Biểu tượng Linga – Yoni được chế tác bằng vàng và bạc, cao 27cm, rộng 24cm. Như vậy, tượng và phù điêu đã nói rõ tính Ấn Độ giáo của tháp Bánh Ít.

Tượng Linga-Yoni tháp Bánh Ít bằng kim loại, trưng bày ở Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp. Ảnh: Nguyễn Thanh Quang

Tháp Dương Long: Năm 1985, Bảo tàng tỉnh phối hợp với chuyên gia Ba Lan đào thám sát tháp Dương Long phát hiện 10 bức phù điêu đá lớn. Trong số đó, đáng lưu ý và có giá trị nhất là phù điêu hình lá nhĩ tạc thần Brahma, cao 1,30m, rộng 0,88m. Ngoài ra, còn có phù điêu thần điểu Garuda – vật cưỡi của thần Visnu. Do vậy, chúng ta có thể đoán định ba ngôi tháp Dương Long là ba ngôi đền thờ ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo: Brahma, Visnu, Shiva.

Tháp Đôi: Ngày nay, cụm tháp Đôi chỉ còn hai tháp. Tuy cùng một hình dáng cấu trúc – thân hình khối vuông và mái hình tháp mặt cong, nhưng ngôi tháp Bắc cao hơn tháp Nam. Điều này chứng tỏ cụm tháp Đôi có thể chưa được xây dựng hoàn chỉnh, và nếu đúng theo qui định truyền thống của kiến trúc cổ Champa, tháp Đôi phải có ba tháp như: Dương Long (Bình Định), Chiên Đàn, Khương Mỹ (Quảng Nam), Hòa Lai (Ninh Thuận). Nếu vậy thì tháp Đôi còn thiếu ngôi tháp nằm phía Bắc. Khi đến điều tra vào những năm đầu thế kỷ 20, H. Parmentier đã thấy một số trang trí kiến trúc bằng đá như hình chim Garuda tương tự như hai tháp hiện còn. Và ông cho rằng khu tháp đôi vốn có ba tháp, nhưng ngôi tháp thứ ba (tức ngôi tháp Bắc) đã không còn.

Năm 1991-1992, Bảo tàng tỉnh đã tìm thấy nhiều phiến đá có hình chạm khắc nằm rải rác xung quanh hai ngôi tháp. Trong đó, có những phiến đá đã và đang được hoàn thiện để dùng vào việc trang trí chân tháp, tầng tháp, và phiến đá chạm hình rắn Naga há miệng phun ra thủy quái Makara ở dạng phác thảo.

Về vật thờ, năm 1902, H. Parmentier đã phát hiện ra bộ Linga – Yoni khá lớn ở phía trước hai ngôi tháp. Điều này chứng tỏ tính chất Shiva giáo của khu đền/ tháp Đôi. Rất tiếc, bộ Linga – Yoni đã bị thất lạc. Căn cứ bản vẽ của H. Parmentier, năm 2008, Ban Quản lý di tích đã phục chế bộ Linga – Yoni tháp Đôi đặt trong lòng tháp chính.

Bệ và tượng thờ tháp Champa Bình Định còn lưu giữ ở một số nơi khác như: chùa Hậu Quán (An Nhơn) 01 bệ thờ, phế tích Núi Cấm (Tây Sơn) 01 bệ thờ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh 02 bệ thờ, Cổ Viện Chàm Đà Nẵng 02 tượng thần Shiva, 01 tượng Visnu, 01 tượng Brahma, 01 bệ thờ và 01 bộ ngẫu tượng Linga – Yoni.

Như vậy, tháp Champa Bình Định được thờ phụng thống nhất, ổn định theo tính truyền thống được duy trì xuyên suốt trong đời sống tinh thần của cư dân Chăm trong lịch sử. Ngoại trừ tháp Thủ Thiện có hình thức thờ phức tạp và lạ nhất trong hệ thống đền/ tháp Champa hiện còn, toàn bộ tháp Champa Bình Định còn lại đều thể hiện tính Ấn Độ giáo mà cụ thể là Shiva giáo, và phổ biến thờ ngẫu tượng Linga – Yoni, hiện tượng tam vị nhất linh.

NGUYỄN THANH QUANG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cá chép hóa rồng

Bức ảnh “Cá chép hóa rồng” này được nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Quang chụp vào cuối năm 2022 tại cửa biển An Dũ, nơi cuối nguồn sông Lại Giang hướng ra biển…

Mũi Vi Rồng, ngọc quý làng chài Tân Phụng

Mũi Vi Rồng hiện ra trước mắt chúng tôi, trông nó như một con rồng ngoan ngoãn đặt hai chân xuống mặt nước, phần đầu với từng bờm đá cao thấp vươn lên trên, chất đá vàng xen đỏ…

Dòng sông, làng quê và phố thị

Nói đến An Nhơn ai cũng nghĩ ngay đó là đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn… nhưng nơi đây còn là mảnh đất của những dòng sông…